Soạn bài Thách thức đầu tiên: Đọc để trưởng thành (trang 116) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức

Với soạn bài Thách thức đầu tiên: Đọc để trưởng thành trang 116 Ngữ văn lớp 9 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 78 15/11/2024


Soạn bài Thách thức đầu tiên: Đọc để trưởng thành

* Trước khi đọc

Câu 1 (trang 116 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

Em thường tìm sách để đọc từ những nguồn nào? Hãy chia sẻ một vài kinh nghiệm tìm sách để đọc của em.

Trả lời:

- Em thường tìm sách để đọc từ tủ sách của bố mẹ, thư viện, trên internet hoặc ở nhà sách.

- Em thường tìm sách đọc theo các tác giả hoặc các thể loại yêu thích. Ngoài ra trước khi lựa chọn đọc một quyển sách, em thường đọc nội dung tóm tắt hoặc các bài đánh giá từ các độc giả khác trên mạng.

Câu 2 (trang 116 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

Xây dựng mục tiêu và kế hoạch đọc sách của em trong dự án Văn học - lịch sử tâm hồn. Chú ý chọn đọc những tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam thuộc các bộ phận và thời kì, giai đoạn theo dòng lịch sử văn học.

Trả lời:

- Mục tiêu đọc sách trong dự án Văn học - lịch sử tâm hồn: Nâng cao hiểu biết và nhận thức về các thời kì văn học Việt Nam. Hiểu sâu sắc hơn bối cảnh lịch sử, xã hội của từng thời kì văn học từ đó rèn luyện khả năng cảm thụ và phân tích các tác phẩm văn học.

- Kế hoạch đọc sách:

+ Đọc các tác phẩm văn học lần lượt theo từng thời kì. Mỗi thời kì đọc ít nhất 3 tác phẩm thuộc 3 thể loại văn học khác nhau.

+ Sau khi đọc xong, cần tóm tắt được nội dung tác phẩm và rút ra một vài nhận xét của bản thân về tác phẩm đã đọc (về nội dung về hình thức nghệ thuật,…)

Đọc như một sự hồi tưởng

- Đời sống được tác giả tái hiện trong tác phẩm văn học và được làm sống dậy trong tâm trí các thế hệ người đọc. Vì thế, với độc giả, đọc cũng là quá trình đồng sáng tạo. Thế giới đời sống được tác giả tái hiện trong tác phẩm và dòng hồi tưởng của độc giả tiếp nối, đan xen và giao hòa với nhau trong quá trình đọc. Sức sống, sức hấp dẫn của tác phẩm văn học được bộc lộ qua khả năng tạo nên một quá trình đồng sáng tạo liên tục như vậy.

- Trong quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học, các bài nghiên cứu, tổng thuật về lịch sử văn học giúp cho người đọc có một cái nhìn hệ thống về quá trình phát triển các thể loại văn học, mối quan hệ giữa những vấn đề đời sống, lịch sử - xã hội và tác phẩm, sự biến đổi và những thành tựu quan trọng của các thời kì, giai đoạn văn học,... Hãy đọc văn bản dưới đây để hiểu rõ hơn về các thời kì phát triển và các bộ phận của văn học Việt Nam.

Văn học Việt Nam từ khu vực ra thế giới, từ truyền thống đến hiện đại

* Đọc văn bản

1. Theo dõi: Những biểu hiện cho thấy đặc điểm “cổ xưa” và “non trẻ” của văn học Việt Nam.

Những biểu hiện:

- Đặc điểm “cổ xưa”: gắn với lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt bắt đầu từ thời kì các Vua Hùng, gắn với văn học dân gian truyền miệng vốn có vị trí rất quan trọng, nó lưu giữ tinh thần, trí tuệ, ngôn ngữ và là nền tảng của văn học viết của người Việt qua bao nhiêu biên cố lịch sử truyền lại cho thời hôm nay.

- Đặc điểm “non trẻ”: văn học viết Việt Nam mới xuất hiện từ thế kỉ X sau khi giành lại độc lập từ các triều đại Trung Hoa.

2. Theo dõi: Quá trình hình thành của văn học viết Việt Nam: thời gian, nguồn gốc và loại chữ viết, số lượng văn bản.

Thời gian

- Từ thế kỉ X, khi quốc gia đã giành được độc lập

Nguồn gốc và loại chữ viết

- Vay mượn văn tự chữ Hán và cả văn ngôn, các thể loại, phong cách, điển cố, thể thức diển đạt

Số lượng văn bản

- Vẻn vẹn 25 văn bản

3. Theo dõi: Sự ra đời và phát triển của văn học viết bằng chữ Nôm: thời gian, nguồn gốc và thể loại.

Thời gian

- Xuất hiện từ thế kỉ XIII – XIV, đến thể kỉ XV phát triển

Nguồn gốc và loại chữ viết

- Người Việt mô phỏng chữ Hán để sáng tạo chữ Nôm, thữ chữ thiên về biểu ý và biểu âm

Thể loại

- Sáng tạo các thể loại văn học độc lập của riêng người Việt, Việt hóa nhiều thể loại văn học chữ Hán

4. Theo dõi: Sự ra đời và phát triển của văn học viết bằng chữ quốc ngữ: thời gian, nguồn gốc và thể loại.

Thời gian

- Cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX

Nguồn gốc và loại chữ viết

- Các giáo sĩ phương Tây đã tạo ra thứ chữ kiểu La-tinh để ghi âm tiếng Việt gọi là chữ quốc ngữ

Thể loại

- Du nhập các thể loại văn học châu Âu như du kí, phóng sự, kịch nói, tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình, khảo luận, luận văn, xã luận, thơ tự do,…

5. Theo dõi: Sự thay đổi của chữ viết và đặc điểm văn học.

- Chữ viết của người Việt: Ban đầu, dân ta vay mượn chữ Hán của Trung Quốc, sau đó người Việt sáng tạo ra chữ Nôm. Đến cuối thể kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, các giáo sĩ phương Tây đã tạo ra thứ chữ kiểu La-tinh để ghi âm tiếng Việt gọi là chữ quốc ngữ. Theo thời gian, chữ quốc ngữ dần trở thành chữ viết riêng của dân tộc Việt Nam

- Đặc điểm văn học: Văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nền văn học Trung Quốc cũng như truyền thống của văn học Đông Á và có sự thay đổi theo từng giai đoạn của lịch sử, xã hội. Từ nền văn học trung đại cổ điển theo khuôn mẫu đến nền văn học hiện đại với sự du nhập từ các nền văn học khác trên thế giới.

6. Theo dõi: Vị trí và đặc điểm của văn học Việt Nam thế kỉ XX.

- Vị trí: Văn học Việt Nam thế kỉ XX có vị trí và ý nghĩa đặc biệt.

- Đặc điểm:

+ Nền văn học hiện đại thực thụ, có khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa.

+ Sau năm 1954, văn học miền Bắc đi vào con đường văn học vô sản, văn học miền Nam đi theo ảnh hưởng của văn học Âu Mỹ.

+ Sau năm 1975, nền văn học bộc lộ những yếu kém.

+ Cuối những năm 90 của thế kỉ XX sang đầu thế kỉ XXI, văn học có những thay đổi mới, vừa duy trì chủ nghĩa hiện thực, vừa có dấu hiệu hiện đại chủ nghĩa và hậu hiện đại.

* Sau khi đọc

Nội dung chính: Văn bản cung cấp đầy đủ thông tin về quá trình hình thành, phát triển và những đặc điểm khái quát nhất của văn học Việt Nam qua các thời kì lịch sử dân tộc.

Soạn bài Văn học Việt Nam từ khu vực ra thế giới, từ truyền thống đến hiện đại (trang 120) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức (ảnh 1)

Câu 1 (trang 120 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Vì sao có thể nhận định rằng nền văn học Việt Nam “vừa cổ xưa vừa non trẻ”?

Trả lời:

- Nền văn học Việt Nam “vừa cổ xưa vừa non trẻ” bởi:

+ Gắn với lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt bắt đầu từ thời kì các Vua Hùng, gắn với văn học dân gian truyền miệng vốn có vị trí rất quan trọng, nó lưu giữ tinh thần, trí tuệ, ngôn ngữ và là nền tảng của văn học viết của người Việt qua bao nhiêu biên cố lịch sử truyền lại cho thời hôm nay.

+ Văn học viết Việt Nam mới xuất hiện từ thế kỉ X sau khi giành lại độc lập từ các triều đại Trung Hoa.

Câu 2 (trang 120 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Nền văn học viết Việt Nam đã hình thành và phát triển qua những thời kì nào? Nêu rõ nguồn gốc, đặc điểm của chữ viết và thể loại ở từng thời kì.

Trả lời:

Thời kì phát triển

Văn học trung đại

(từ khoảng thế kỉ X đến

cuối thế kỉ XIX)

Văn học hiện đại

(từ đầu thế kì XX đến nay)

Nguồn gốc, đặc điểm chữ viết

- Văn học chữ Hán: chữ viết vay mượn từ chữ Hán.

- Văn học chữ Nôm: Sáng tạo ra chữ Nôm bằng cách mô phỏng chữ Hán. Chữ Nôm thiên về biểu ý và biểu âm.

- Các giáo sĩ phương Tây đã tạo ra thứ chữ kiểu La-tinh để ghi âm tiếng Việt gọi là chữ quốc ngữ.

Thể loại

- Vay mượn các thể loại của văn học Trung Quốc.

- Sáng tạo các thể loại văn học của riêng người Việt và Việt hóa nhiều thể loại văn học chữ Hán.

- Du nhập các thể loại văn học châu Âu như du kí, phóng sự, kịch nói, tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình, khảo luận, luận văn, xã luận, thơ tự do,…

Câu 3 (trang 120 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Văn học viết bằng chữ Hán và văn học viết bằng chữ Nôm có quan hệ với nhau như thế nào? Nêu rõ điểm tương đồng và khác biệt của hai bộ phận văn học này trong thời kì trung đại.

Trả lời:

- Văn học viết bằng chữ Hán và văn học viết bằn chữ Nôm có quan hệ mật thiết với nhau, cùng phát triển và bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển của văn học dân tộc.

- Điểm tương đồng: Đều có một số thể loại văn học vay mượn từ Trung Quốc với nguồn gốc chữ viết bắt nguồn từ chữ Hán.

- Điểm khác biệt

+ Văn học viết bằng chữ Hán: Vay mượn hoàn toàn từ Trung Quốc cả về văn tự, văn ngôn, các thể loại, phong cách, điển cố, thể thức diễn đạt

+ Văn học viết bằng chữ Nôm: Chữ Nôm thiên về biểu ý và biểu âm dùng để sáng tác tác phẩm bằng tiếng Việt. Văn học chữ Nôm giúp văn học cổ điển Việt Nam dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào khuôn mẫu Hán, để trở thành nền văn học độc lập.

Câu 4 (trang 120 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Những yếu tố lịch sử, xã hội nào có ảnh hưởng quan trọng, tạo nên các đặc điểm nổi bật của văn học Việt Nam thế kỉ XX?

Trả lời:

- Những yếu tố lịch sử, xã hội có ảnh hưởng quan trọng, tạo nên các đặc điểm nổi bật của văn học Việt Nam thế kỉ XX là:

+ Hai cuộc kháng chiến lớn của dân tộc: kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống đế quốc Mĩ

+ Thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa

+ Đất nước chia thành hai miền Nam – Bắc

+ Thống nhất đất nước năm 1975

+ Việt Nam gia nhập WTO và sự thâm nhập của in-tơ-net

Câu 5 (trang 120 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Tính truyền thống và hiện đại của nền văn học Việt Nam được biểu hiện rõ nhất qua những đặc điểm nào?

Trả lời:

- Tính truyền thống: Văn học Việt Nam dù viết theo chữ Hán, chữ Nôm hay chữ quốc ngữ đều có bản sắc riêng, mang đậm tinh thần Việt Nam.

- Tính hiện đại: Văn học Việt Nam liên tục du nhập cái mới từ các nền văn học khác trên thế giới, chịu ảnh hưởng từ các nền văn học đó và sáng tạo ra cái mới mang bản sắc riêng của con người Việt Nam.

* Viết kết nối với đọc

Câu hỏi (trang 120 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Viết đoạn văn (khoảng 10 – 15 câu) với câu chủ đề: “Trong mỗi thời kì, văn học Việt Nam đều có những tác phẩm tiêu biểu, độc đáo về nghệ thuật và chứa đựng giá trị nội dung sâu sắc”.

Trả lời:

Trong mỗi thời kì, văn học Việt Nam đều có những tác phẩm tiêu biểu, độc đáo về nghệ thuật và chứa đựng giá trị nội dung sâu sắc. Ngay từ khi văn học viết xuất hiện vào thế kỉ X, nền văn học của dân ta đã liên tục phát triển. Các văn nhân, thi sĩ đã liên tục cho ra đời các sáng tác để đời mang như “Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi,… Tất cả những tác phẩm ấy vừa có hình thức nghệ thuật đặc sắc vừa có giá trị nhân văn cao cả. Chẳng hạn như kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du với 3254 câu thơ, kể về cuộc đời 15 năm lưu lạc của nàng Kiều – người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng vì gia biến mà phải bán mình chuộc cha, kể từ đó cuộc đời này bị giày xéo, bị chà đạp không ngừng bởi các thế lực phong kiến. Tác phẩm đã lên án, tố cáo xã hội phong kiến bất công, phản ánh cuộc đời bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Bên cạnh đó ngợi ca phẩm chất cao đẹp của con người cũng như trân trọng khát vọng sống, khát vọng tình yêu tự do và công lí của họ. Trên cơ sở kế thừa tinh hoa truyền thống văn học dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn học thế giới, văn học thời kì hiện đại có những bước phát triển mạnh mẽ cả về nội dung lẫn hình thức. Tiêu biểu là các tác phẩm văn học gắn liền với hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc như “Làng” của Kim Lân, “Đồng chí” của Chính Hữu, “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê,… Văn học thời kì này cũng đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần tô đậm bản sắc con người Việt Nam trong quan hệ với văn học các nước trong khu vực và trên thế giới. Có thể nói, văn học Việt Nam dù ở thời kì nào cũng mang những nét đặc trưng riêng về cả nội dung và nghệ thuật, tất cả tạo nên diện mạo cho nền văn học Việt Nam mang đậm đà bản sắc dân tộc.

Đọc trong một thế giới đầy biến động

Trong thời đại của công nghệ số và các phương tiện nghe nhìn, văn hóa đọc của chúng ta có gì thay đổi? Khi mà cách sống, cách làm việc, học tập, vui chơi, giải trí của mỗi người thay đổi không ngừng do sự tác động của công nghệ và truyền thông, đọc sách có còn là nhu cầu quan trọng, cần thiết? Người viết, người đọc cần thích ứng như thế nào với tình hình đó? Hãy đọc bài phỏng vấn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh của phóng viên tạp chí Văn học và Tuổi trẻ để cùng suy nghĩ thêm về vấn đề này.

Văn hóa đọc với nhà văn và độc giả trong thời đại công nghệ số

* Đọc văn bản

1. Theo dõi: Nội dung chính của văn bản là gì?

Trả lời:

- Nội dung chính của văn bản là bàn về tác động của công nghệ số và các phương tiện nghe – nhìn đối với văn hóa đọc.

2. Theo dõi: Cách mở đầu, dẫn dắt và nêu câu hỏi của người phỏng vấn.

Trả lời:

- Người phỏng vấn đã mở đầu bằng việc nêu ra hàng loạt tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sau đó dẫn dắt sang vấn đề văn hóa đọc và cuối cùng là đặt câu hỏi cho nhà văn về văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số.

3. Theo dõi: Cách trả lời của người được phỏng vấn.

- Người được phỏng vấn khẳng định, công nghệ số khiến con người dành ít thời gian cho việc đọc sách hơn.

4. Theo dõi: Cách triển khai các luận điểm trong câu hỏi phỏng vấn.

- Người phóng vấn đặt câu hỏi dựa trên cơ sở từ câu trả lời của người được phòng vấn: đi từ sự khẳng định việc thay đổi văn hóa đọc trong câu trả lời để liên hệ, đặt câu hỏi liên quan đến sự ảnh hưởng của vấn đề này đối với chính nhà văn,

5. Theo dõi: Cách tiếp nối, duy trì và phát triển vấn đề trong câu hỏi phỏng vấn.

- Người phỏng vấn mở rộng vấn đề từ các tác phẩm được chuyển thể thành phim và phát triển nó việc so sánh sự khác biệt giữa các tác phẩm văn học và những bộ phim được chuyển thể.

6. Theo dõi: Cách nêu câu hỏi kết thúc cuộc phỏng vấn.

- Người phỏng vấn đặt ra câu hỏi mang tính chất giả tưởng nhằm khơi gợi câu trả lời thể hiện được quan điểm riêng của nhà văn về một vấn đề mang tính triết lí.

7. Chú ý: Những yếu tố ngôn ngữ thể hiện phép lịch sử và ý thức tôn trọng người được phỏng vấn.

- Người phỏng vấn khi đặt câu hỏi thường sử dụng cụm từ “Thưa nhà văn”. Khi kết thúc cuộc phỏng vấn, người phỏng vấn cũng gửi lời cảm ơn và lời chúc tới nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – người được phỏng vấn.

* Sau khi đọc

Nội dung chính: Văn bản là một cuộc phỏng vấn giữa người phỏng vấn và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bàn luận về tác động của công nghệ số và các phương tiện nghe – nhìn đối với văn hóa đọc sách truyền thống.

Soạn bài Văn hóa đọc với nhà văn và độc giả trong thời đại công nghệ số (trang 123) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Kết nối tri thức (ảnh 1)

Câu 1 (trang 123 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Vấn đề mà cuộc phỏng vấn để cập được trình bày ở phần nào của văn bản?

Trả lời:

- Vấn đề mà cuộc phỏng vấn để cập được trình bày ở phần đầu của văn bản.

Câu 2 (trang 123 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Vấn đề chính của cuộc phỏng vấn được triển khai bằng mấy câu hỏi? Nêu rõ mối quan hệ giữa vấn đề chính và các thông tin được triển khai trong hệ thống câu hỏi phỏng vấn.

Trả lời:

- Vấn đề chính của cuộc phỏng vấn được triển khai bằng 5 câu hỏi.

- Vấn đề chính và các thông tin được triển khai trong hệ thống câu hỏi phỏng vấn có mối quan hệ logic, liên kết với nhau từ đầu đến cuối. Hệ thống câu hỏi phỏng vấn đã từng bước khai thác thông tin nhằm làm rõ quan điểm của nhà văn về vấn đề chính được đề cập.

Câu 3 (trang 123 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Câu trả lời của người được phỏng vấn có quan hệ như thế nào với vấn đề được nêu trong câu hỏi?

Trả lời:

- Câu trả lời của người được phỏng vấn có quan hệ chặt chẽ, liên quan trực tiếp với vấn đề được nêu trong câu hỏi. Mọi câu trả lời đều xoay quanh các vấn đề được đề cập trong câu hỏi của người phỏng vấn và thể hiện được sự logic, tính cụ thể về quan điểm của người được phỏng vấn đối với vấn đề.

Câu 4 (trang 123 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Những yếu tố ngôn ngữ nào thể hiện phép lịch sự và ý thức tôn trọng người được phỏng vấn trong cách đặt vấn đề, triển khai vấn đề và kết thúc cuộc phỏng vấn?

Trả lời:

- Những yếu tố ngôn ngữ nào thể hiện phép lịch sự và ý thức tôn trọng người được phỏng vấn:

+ Đặt câu hỏi với cụm từ thể hiện thái độ tôn trọng: “thưa nhà văn”

+ Kết thúc cuộc phỏng vấn bằng lời cảm ơn và lời chúc.

* Viết kết nối với đọc

Câu hỏi (trang 123 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Nếu được phỏng vấn một nhà văn hoặc nhà thơ về một vấn đề mà em quan tâm, em sẽ chọn vấn đề gì? Nêu 3 - 5 câu hỏi mà em dự định trao đổi với tác giả đó, đồng thời đóng vai tác giả để trả lời các câu hỏi vừa nêu.

Trả lời:

Vấn đề quan tâm: Quá trình sáng tạo một tác phẩm văn học và vai trò của sáng tạo trong sáng tác văn học.

Câu hỏi

Câu trả lời

1. Thưa nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, có thể nói trong hơn một thập kỉ qua, các tác phẩm của chị đã được rất nhiều độc giả đón nhận như “Ngọc đèn không tắt” (2000), “Cánh đồng bất tận” (2005), “Yêu người ngóng núi” (2009), “Khói trời lộng lẫy” (2010),… Các tác phẩm của chị đều thu hút được một lượng lớn bạn đọc, và nhiều người thắc mắc rằng không biết quá trình chị sáng tác ra một tác phẩm văn học như thế nào? Chị có thể chia sẻ đôi chút với bạn đọc về quá trình này được không?

Với tôi, sáng tác là một quá trình “thai nghén” tác phẩm nghệ thuật dài hơi. Để hình dung một cách dể hiểu, quá trình sáng tạo của tôi thường trải qua bốn giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là nảy sinh ý tưởng từ các nguồn cảm hứng khác nhau. Giai đoạn hai là xác định phạm vi và thu thập chất liệu nghệ thuật phục vụ cho quá trình viết văn. Giai đoạn ba là định hình, sắp xếp các nhân vật, tình huống, diễn biến câu chuyện và thông điệp một cách khái quát. Giai đoạn cuối cùng là bắt tay vào viết văn dựa trên bản thảo đã soạn. Đó là bốn giai đoạn cơ bản trong quá trình sáng tác ra một tác phẩm văn học của tôi.

2. Theo chị, sáng tạo có được coi là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình sáng tác văn học hay không?

Tôi nghĩ sáng tạo chính là điều cần thiết nhất, quan trọng nhất trong quá trình sáng tác văn học. Nó là yếu tố làm nên một nhà văn chân chính. Với tôi không có sáng tạo, người viết văn chỉ được coi là thợ viết chứ không phải là một nhà văn.

3. Hiện nay, đạo văn đang trở thành một vấn đề nổi cộm, chị có quan điểm như thế nào đối với vấn đề này?

Sáng tác văn học là một quá trình lao động nghệ thuật gian khổ bởi thế đạo văn là một hành vi cực kì đáng lên án, đặc biệt là trong thời đại này. Chúng ta đều hiểu, đạo văn chính là ăn cắp chất xám của người khác, đây là một hành vi sai trái, thiếu đạo đức vô cùng. Là một người yêu văn và viết văn, tôi không bao giờ chấp nhận hành vi này.

Đọc để tự học và thực hành

1. Chọn đọc tác phẩm kinh điển

Câu hỏi (trang 123 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Trong thời đại phát triển của công nghệ số và các phương tiện nghe – nhìn, người đọc gặp những thách thức không nhỏ, nhưng cũng có nhiều cơ hội để phát triển năng lực tư học, vận dụng những điều hữu ích thu nhân được từ việc đọc vào cuộc sống.

Với hiểu biết của em về lịch sử văn học Việt Nam, hãy lên danh mục những tác phẩm tiêu biểu cần đọc trong từng thời kì. Chọn đọc một số tác phẩm mà em yêu thích và ghi chú thông tin vào phiếu đọc theo gợi ý sau:

a. Mối quan hệ giữa tác phẩm và bối cảnh lịch sử, xã hội

b. Nguồn gốc thể loại, chữ viết, đề tài và hình tượng trong tác phẩm.

c. Đặc điểm nổi bật về nghệ thuật, nội dung của tác phẩm.

d. Dự đoán ảnh hưởng, tác động của môi trường văn học tới những yếu tố trong tác phẩm: mối quan hệ giữa tác phẩm và thời kì, giai đoạn văn học, với các tác phẩm khác....

e. Những thông điệp, bài học mà bản thân có thể rút ra từ việc đọc tác phẩm.

Trả lời:

*Tác phẩm lựa chọn: Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương

a. “Bánh trôi nước” ra đời vào thế kỉ XIX khi mà xã hội phong kiến Việt Nam rơi vào khủng hoảng, suy thoái. Đây là giai đoạn rực rỡ nhất của văn học trung đại Việt Nam, được mệnh danh là giai đoạn văn học cổ điển. Trong thời kì này, văn học xuất hiện trào lưu nhân đạo chủ nghĩa mà nổi bật là tiếng nói đòi quyền sống, đòi hạnh phúc và đấu tranh giải phóng con người, nhất là người phụ nữ.

b. - Nguồn gốc thể loại, chữ viết: Tác phẩm viết bằng chữ Nôm theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt (thể thơ Đường luật có nguồn gốc từ Trung Quốc).

- Đề tài: Người phụ nữ

- Hình tượng: Mượn hình ảnh bánh trôi nước để nói về thân phận của người phụ nữ trong xã hội đương thời.

c. - Đặc sắc nghệ thuật: Sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt cổ điển, ngôn ngữ hình ảnh thơ giản dị, sáng tạo hình tượng nghệ thuật mang nhiều tầng ý nghĩa.

- Giá trị nội dung: Mượn hình ảnh bánh trôi nước, Hồ Xuân Hương đã cất lên tiếng nói của mình về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Đó là tiếng nói đầy xót thương, cảm thông cho thân phận rẻ rúng, lênh đênh của người phụ nữ đồng thời đề cao, trân trọng và ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của họ.

d. Tác phẩm chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện tiếng nói đấu tranh đòi quyền lợi cho phụ nữ - những con người yếu thế, không có tiếng nói trong xã hội phong kiến “trọng nam khinh nữ”. Vì thế “Bánh trôi nước” trở thành một trong những sáng tác tiêu biểu của văn học trung đại, có giá trị trường tồn cho đến ngày nay.

e. Thông điệp: Bài thơ giúp người đọc hiểu được số phận lênh đênh, chìm nổi của những người phụ nữ trong xã hội cũ từ đó bộc lộ niềm cảm thông, thương xót đồng thời trân trọng hơn vẻ đẹp phẩm chất của những con người nhỏ bé, bất hạnh ấy.

Câu hỏi (trang 124 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Đọc văn bản dưới đây hoặc sưu tầm, tìm đọc một số văn bản có nội dung, cảm xúc tương đồng và ghi chép các thông tin về những vấn đề sau:

a. Mối quan hệ giữa thể loại, đề tài, hình tượng hoặc một số chi tiết nghệ thuật trong văn bản với những văn bản khác (mà em đã đọc, tìm hiểu).

b. Tính chất “đặc biệt” của tác giả - độc giả trong văn bản.

Trả lời:

a. Mối quan hệ giữa thể loại, đề tài, hình tượng hoặc một số chi tiết nghệ thuật:

- Thể loại: Lục bát

- Đề tài: Tưởng nhớ một nhà thơ đại tài của dân tộc

- Hình tượng và chi tiết nghệ thuật: Nhân vật trữ tình là chính tác giả, bộc lộ niềm tiếc thương và ca ngợi Nguyễn Du – đại thi hào của nền văn học Việt Nam. Tác phẩm đã sử dụng những từ ngữ bình dị, các hình ảnh thiên nhiên cùng với việc gợi nhắc đến các chi tiết trong kiệt tác “Truyện Kiều”. Qua đó, nhà thơ thể hiện sự ngưỡng mộ tột cùng của bản thân với Nguyễn Du – một vĩ nhân với những tác phẩm văn học xuất sắc, chứa đựng giá trị nhân văn ngàn đời.

b. Tính chất “đặc biệt” của tác giả - độc giả trong văn bản:

- Tác giả - độc giả “Vương Trọng” vừa là một độc giả với các tác phẩm của Nguyễn Du vừa là một nhà thơ vì thế ông có những cảm nhận tinh tế và sâu sắc hơn hẳn những độc giả khác. Ở góc nhìn đó, Vương Trọng thấu hiểu được cái tâm và cái tầm của đại thi hào đối với con người. Với ông, Nguyễn Du chính là một “trái tim lớn”, một “vĩ nhân” và khi đứng trước mộ Nguyễn Du, ông ngưỡng mộ cụ Du bao nhiêu thì lại càng bộc lộ niềm tiếc thương bấy nhiêu.

1 78 15/11/2024