Soạn bài Viết bài tập làm văn số 2 - Văn tự sự hay, ngắn gọn

Hướng dẫn soạn bài Viết bài tập làm văn số 2 - Văn tự sự Ngữ văn lớp 9 hay, ngắn gọn nhất và đủ ý giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung chính bài Viết bài tập làm văn số 2 - Văn tự sự để chuẩn bị bài và soạn văn 9. Mời các bạn đón xem:

1 1,001 18/02/2022
Tải về


Soạn bài Viết bài tập làm văn số 2 - Văn tự sự - Ngữ văn 9

A. Soạn bài Viết bài tập làm văn số 2 - Văn tự sự ngắn gọn

* Đề bài tham khảo: Trong SGK

Đề 1: Tưởng tượng 20 năm sau, vào một ngày hè, em về thăm lại trường cũ. Hãy viết thư cho một bạn học hồi ấy kể lại buổi thăm trường đầy xúc động đó.

I. Dàn ý

1. Mở bài:

…., ngày...tháng …năm…

Bạn… thân mến!

2. Thân bài:

a) Những lí do thăm hỏi đầu thư.

- Lí do viết thư (tưởng tượng: VD: Soạn vỡ thấy tấm hình lớp chụp chung….)

b) Nội dung thư:

- Giới thiệu tên trường? (Tưởng tượng đến trường vào thời điểm nào? Lí do đến trường)

- Miêu tả con đường đến trường (so sánh lúc trước và bây giờ? Thay đổi như thế nào? Cảm xúc?)

- Miêu tả các phòng lớp (Phòng vi tính? Phòng thí nghiệm? Dụng cụ, thiết bị đổi khác ra sao?...). Các dãy phòng: phòng giám hiệu, phòng bộ môn, phòng đoàn đội…(So sánh )

- Miêu tả khoảng sân trường? (so sánh xưa và nay)? Những băng ghế? gốc bàng, hàng phượng (Còn như xưa ? đã già hay đã trồng cây khác?)

- Miêu tả những hình ảnh, sự vật gắn với kỉ niệm thời xưa? Nêu cảm xúc? Thầy cô? Bạn bè?

- Gặp lại thầy cô? Thầy cô cũ còn không? Thầy cô mới như thế nào? (Vui vẻ?). Thầy hiệu trưởng về hưu hay đã mất?

- Gặp lại thầy cô chủ nhiệm lớp 9A…? Cô thay đổi ra sao? Nhưng vẫn còn những nét gì? (Giọng nói? Ánh mắt? Khuông mặt lộ vẻ xúc động?)

- Cô trò nhắc lại kỉ niệm cách đây 20 năm:

+ Trò hỏi thăm các thầy cô cũ? Báo cho cô biết tình hình một số bạn học? Về công việc của mình?

+ Tâm trạng cô ra sao?

+ Tình cảm em như thế nào?

3. Kết luận:

- Cuối thư: Thăm hỏi sức khoẻ và chúc bạn?

- Lời chào

II. Bài văn mẫu

Hà Nội, ngày... tháng... năm

Mai Anh thân mến!

Chưa bao giờ nghĩ đến bạn mà mình thấy bồi hồi như lúc này. Bao nhiêu cảm xúc ùa về và mình biết khoảnh khắc này chỉ bạn mới có thể chia sẻ với mình. Hôm nay, mình về thăm ngôi trường cấp 2 thân yêu của chúng ta, sau hai mươi năm xa cách...

Cái nắng gay gắt của mùa hè vẫn còn vương lại dù đã là buổi xế chiều, những tia nắng vẫn đang mải đùa nghịch trên mấy tán cây, ngôi trường cũ hiện ra thân thương, quen thuộc và không còn vẻ nghiêm trang như hồi trước nữa... Mình lặng lẽ dạo quanh sân, ngắm nhìn từng vòm cây để cảm nhận sự khác biệt trong lòng cái khung cảnh đã từng quá thân thuộc này. Có lẽ, dù đã hai mươi năm xa cách, dù có bao lớp học sinh đến rồi lại đi, thì trường vẫn thế, vẫn chẳng thay đổi gì trong tâm hồn mỗi người, mãi mãi...

Nhìn đồng hồ đeo tay, đã đến giờ tan trường, mình tạm lánh vào một góc khuất. Mai Anh đoán xem, đó là chỗ nào? Cái gầm cầu thang mà chúng mình thường trốn ngày xưa khi chơi trò ú tim ấy! Nhắm mắt lại và mình cảm thấy như đang nghe bên tai ba hồi trống trường thân quen ngày nào. Mình tưởng tượng ra hình ảnh của lũ trẻ ùa ra từ các phòng học, chúng hồn nhiên gọi nhau, cãi nhau, ríu rít đùa nhau, nhí nhảnh như bọn mình hồi xưa... Màu áo trắng, sao mà nhớ thế! Chỉ một hai năm nữa thôi, ngày chia tay, chúng sẽ giống chúng mình ngày xưa, chìa lưng áo trắng cho nhau ghi dòng lưu bút...

Một lúc lâu sau, mình vẫn chưa muốn rời đi, mình tần ngần nhìn lại ngôi trường. Cả sân trường rợp bóng cây xanh, lặng lẽ với mùa hè đầy nắng vàng và ve sầu. Xa xa, nơi góc hồ nước, một cây me cao lớn trông tràn đầy sức sống. Mình chợt nhận ra đó chính là gốc me non tụi mình trồng năm nào, tự nhiên lại thấy bồi hồi. Bước dần lên cầu thang, mình tìm lại phòng học cuối tầng ba, nơi ngày xưa bốn mươi sáu quỷ sứ lớp mình từng trú ngụ. Đây rồi, lớp học đó, cá cái ban công quen thuộc đang ở ngay trước mắt, chờ mình bước vào và tìm kiếm lại hình ảnh của hai mươi năm trước. Chỗ ngồi cạnh cửa sổ bàn ba là của mình, nơi đã từng chứng kiến mình khóc, mình cười và cả khi mình nói chuyện riêng nữa. Còn cách đó hai bàn, là chỗ của bạn đó nhớ không? Cách xa như thế mà hai đứa còn nói chuyện riêng được thì thật tài!

Hôm ấy mình không gặp được thầy cô giáo cũ, chỉ còn thấy lại những kỷ niệm thuở học trò, những buổi ngồi truy bài dưới gốc cây phượng, những giờ kiểm tra gay cấn, hồi hộp đến toát mồ hôi. Tất cả đã rất xa mà cũng lại như vừa mới hôm qua.

Mai Anh ơi! Nhất định hôm nào chúng ta gặp nhau nhé! Biết rằng công việc của ai cũng bận rộn nhưng mình tha thiết muốn gặp bạn dưới những vòm cây của ngôi trường cũ yêu dấu này để ôn lại những ngày xưa!

Hẹn gặp bạn một ngày không xa.

Thân ái!

Bạn của cậu

Tường Vi

Đề 2: Kể lại một giấc mơ, trong đó em được gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày.

I. Dàn ý

1. Mở bài

- Giấc mơ diễn ra như thế nào?

- Cảm xúc của em khi có giấc mơ đó

- Giới thiệu người thân của em, Quan hệ với em như thế nào? Cách xa bao lâu? Lí do gì xa cách em lâu thế? Cảm xúc của em khi gặp lại người thân?

2. Thân bài

- Giới thiệu chung về người thân của em: Người đó bây giờ đang ở đâu? Đang làm gì?

- Tả người em gặp trong mơ: Khi gặp lại quan sát thấy người thân như thế nào? Diện mạo? Hình dáng? Y phục? Cử chỉ? Nét mặt? Động tác? Lời nói…

- Người thân của em có những nét gì khác so với lúc trước khi xa không? (So sánh từ hình dáng bên ngoài với tính cách bên trong trước đó và bây giờ?) và nêu lên Nhận xét và suy nghĩ.

- Nhớ và kể lại những kỉ niệm gắn bó với người thân em gặp trong mơ

- Em và người thân đã trò chuyện như thế nào? Nói với nhau những gì?

- Cuối buổi gặp gỡ những việc gì xảy ra? Cảm xúc của em ra sao?

- Tình huống đánh thức em dậy? Tâm trạng em như thế nào?

3. Kết bài

- Giấc mơ tan biến, em quay trở về hiện thực và ấn tượng sâu sắc nhất của em với người thân của em là gì?

II. Bài văn mẫu

Những giấc mơ là những phút giây tuyệt vời nhất giúp ta được sống trong những gì mà cuộc sống đời thường không đem lại. Tôi cũng đã mơ rất nhiều, nhưng giấc mơ có thể để lại một giá trị tinh thần to lớn cho tôi chỉ có thể là khi tôi được gặp lại người ông thân yêu của mình. Đó là một giấc mơ thần tiên, tuy ngắn ngủi nhưng đầy xúc động.

Đầu tiên, tôi cảm thấy như đang lạc bước vào một thế giới hư vô, vô tận. Những vông xoáy sâu hút làm cho tôi bối rối, hoảng hốt. Bỗng một tia sáng chói lóa đã bao phủ tất cả và đã đưa tôi đến một gian nhà, ở đó có một cô bé đang nũng nịu đòi ông kể chuyện, bế đi chơi. Tôi giật mình khi biết cô bé đó chính là mình khi bé, còn người ông chiều cháu đó chính là ông nội thân yêu đã mất của tôi. Toàn thân tôi mềm nhũn, bồng bềnh, lặng dõi theo những kí ức ngày xưa bỗng ùa về trong khoảnh khắc. Nào là lúc tôi ngã, khóc; ông đã nhẹ nhàng bế tôi lên, đập tay xuống đất mà mắng rằng: Á à, đất hư nhé, làm Chuột Nhắt của ông ngã à! Hay những lúc mẹ trốn đi làm lúc tôi đang ngủ, khi dậy, tôi khóc đòi mẹ; ông đã đặt tôi ngồi lên yên sau xe đạp, lọc cọc đèo tôi đi chơi, mua kẹo, mua bóng bay, làm tôi mải vui quên luôn cả nhớ mẹ. Nào là những lúc tôi hư, tôi bướng; dù thương nhưng ông vẫn nghiêm nghị bắt tôi úp mặt vào tường, đánh cho tôi mấy cái thành ra tôi giận ông mất mấy ngày trời nhưng lại lon ton theo sau làm lành với ông trước. Từ xa thấp thoáng bóng một người đang tiến lại gần. Tôi thu mình, cất tiếng hỏi: Ai đó? Một khuôn mặt xương xương rất thân quen, một đôi mắt dịu hiền sưởi ấm cả màn đêm xung quanh lạnh lẽo. Ông đây, cháu không nhận ra sao? Đó chính là ông tôi…. Bỗng chuông báo thức kêu “reng, reng” khiến tôi giật mình tỉnh giấc. Đã đến giờ đi học mất rồi! Ôi, hóa ra chỉ là một giấc mơ! Trong lòng tôi cảm thấy ấm áp đến lạ dù chỉ là một giấc mơ, tôi thấy nhớ ông nội vô cùng!

Đề 3: Kể lại một trận chiến đấu ác liệt mà em đã đọc, đã nghe kể hoặc đã xem trên màn ảnh.

I. Dàn ý

1. Mở bài: Lịch sử đất nước với nhiều cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt và ngoan cường để bảo vệ đất đai, bờ cõi hoặc độc lập tự do; ấn tượng sâu sắc nhất về trận đánh.

2. Thân bài

– Hoàn cảnh tiếp xúc với câu chuyện.

– Khái quát về trận chiến đấu.

– Diễn biến chính của cuộc chiến đấu (trọng tâm)

+ Bằng nhiều đoạn văn kể lại các giai đoạn của cuộc chiến đấu (phòng thủ – cầm cự - tấn công – chiến thắng).

+ Cần thể hiện rõ sự cam go, ác liệt của cuộc chiến một mất một còn.

+ Nhân vật xuất hiện ở câu chuyện với một vai trò quyết định (người chỉ huy tài giỏi hoặc người lính quả cảm, anh hùng,…).

+ Kết hợp miêu tả – biểu cảm khi kể (tả nét mặt cử chỉ, tác phong, tâm lí,… của nhân vật; bộc lộ cảm xúc trực tiếp hoặc gián tiếp).

+ Xem miêu tả cảnh thiên nhiên phù hợp với câu chuyện.

+ Suy nghĩ của người kể chuyện (mến phục, quý trọng thành quả; học tốt để tiếp bước cha anh dựng xây đất nước).

3. Kết bài: Tự hào về trang sử vẻ vang.

II. Bài văn mẫu

Nguyễn Huệ đánh tan quân Thanh xâm lược có thật trong lịch sử Việt Nam. Giúp đánh đuổi được giặc Thanh xâm lược nước ta lúc bấy giờ. Đồng thời, mang lại ấm no và hạnh phúc cho nhân dân.

Mùa xuân năm Kỷ Dậu, tức năm 1789 sau Công Nguyên. Năm đó, khi quân Thanh xâm lược bờ cõi nước ta. Thương cho cuộc sống khổ sở của dân ta, và phẫn nộ triều đình nhà Lê thối nát. Nguyễn Huệ đã dựng cờ khởi nghĩa, chống lại quân xâm lược. Mồng 5, năm Kỷ Dậu, Nguyễn Huệ đã duyệt binh và thần tốc mang quân đi chống giặc. Dẫn đầu đoàn quân là một trăm thớt voi khoẻ mạnh. Khi đoàn quân của Nguyễn Huệ tiếp cận quân thù. Đoàn ngựa thấy voi thì kinh sợ, liền rút lui bỏ chạy. Giặc vẫn chưa từ bỏ ý định, tiếp tục cắm trại, xây thành lũy ở phía xa.

Tiếp vào giờ Ngọ cùng ngày, đại quân Nguyễn Huệ lại bắn hoả tiễn, hoả châu vào trại địch. Đồng thời, dùng rạ bó to lăn tiên phong để tiến đánh. Quân ta khí thế hừng hực, tướng lính một lòng giết quân thù. Khí thế sục sôi, quân Nguyễn Huệ đánh đâu thắng đó. Quân Thanh tan tác, tử thương rất nhiều. Các trại của quân Thanh hầu như đều tan vỡ.

Lúc ấy, đề đốc của quân Thanh là Hứa Thế Thanh liền bảo lính mang triệu ấn đi. Sau đó, Hứa Thế Thanh quyết chiến rồi tử trận. Mất đi đề đốc, quân Thanh càng đánh càng thua. Quân ta bao vây giặc thành từng đoàn nhỏ để đánh. Sau khi mất liên hệ với đề đốc, thống soái quân Thanh là Tôn Sĩ Nghị truyền lệnh cho Phó tướng Khánh Thành và Đức Khắc Tinh mang ba trăm quân giải vây tháo chạy về phía bắc. Sau khi tàn quân của Tôn Sĩ Nghị tháo chạy tới bờ sông, thì tại đây quân tiếp ứng cho hắn. Đây chính là đoàn binh tiếp ứng được tổng binh Thượng Duy Thanh mang đến khi nhận triệu ấn mà Hứa Thế Thanh trước khi chết sai lính mang đi.

Tổng binh Lý Hoá Long nhận lệnh mang quân sang cầu để tiếp ứng tàn quân qua sông. Tuy nhiên, khi đến giữa cầu, ngựa của Lý Hoá Long trượt chân rơi xuống sông mà chết. Mất tướng lĩnh, quân Thanh trở nên sợ hãi. Lúc này, Thống soái Tôn Sĩ Nghị liền ra quân lệnh bắn súng sát thương quân truy kích của Nguyễn Huệ để yểm hộ. Còn riêng Tôn Sĩ Nghị, hắn mang quân lui về bờ bắc, rồi chặt đứt cầu. Toàn quân giặc rút về sông Thị Cầu.

Quân Thanh ở phía nam thấy cầu đã bị chặt, liền biết không có đường lui. Tàn quân tiến đánh thành Lê. Tất cả các tướng lĩnh quan trọng đều tử trận tại đây. Tri Châu Điền Châu Sầm Nghi Đống cùng quân lính cũng tự tử trong thành vì không có cứu viện. Vua An Nam lúc bấy giờ là Lê Duy Kỳ thấy binh thua, cũng bỏ chạy, từ đó, nhà Lê cũng biến mất.

Nguyễn Huệ cùng đại binh vào thành. Đề đốc quân Thanh là Ô Đại kinh mang quân xuất phát vào ngày 20/11/1788, đến 21/12/1788 thì vào Tuyên Quang. Nhưng khi thấy cầu bị chặt đứt ở sông Phú Lương, và thấy bốn bề chiến hoá, liền rút quân về nước. Quận Thanh không còn cứu viện nào khác. Cuộc chiến vẫn tiếp tục, và phần thắng đã thuộc về quân Nguyễn Huệ. Sau này, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung, là vị vua thứ hai của triều Tây Sơn.

Cuộc chiến này đã mang đến cho tôi ấn tượng sâu đậm. Đồng thời, Nguyễn Huệ trước quân Thanh xâm lược đã mang đến cho ta một bài học lịch sử sâu sắc. Từ cuộc chiến đánh trên, ta có thể thấy được, chiến thắng sẽ thuộc về chính nghĩa. Và dân tộc ta là một dân tộc anh hùng. Sự đoàn kết và tinh thần anh dũng của dân tộc Việt Nam ta đã làm nên nhiều chiến thắng oanh liệt trong lịch sử thế giới.

Đề 4: Đã có lần em cùng bố, mẹ (hoặc anh, chị) đi thăm mộ người thân trong ngày lễ, tết. Hãy viết bài văn kể về buổi đi thăm đáng nhớ đó.

I. Dàn ý

1. Mở bài: giới thiệu một lần em cùng bố, mẹ (hoặc anh, chị) đi thăm mộ người thân trong ngày lễ, tết

Người Việt Nam ta có phục tục đi thăm mộ người thân vào những dịp lễ tết. đi viếng thăm mộ thể hiện tình yêu thương và nhớ ơn của con người đối với ông bà tổ tiên và cũng là dịp mọi người tụ họp lại với nhau sau một năm dài làm việc vất vả và mệt mỏi. mỗi năm, gia đình tôi đều đi viếng thăm mộ ông bà, gia đình tôi luôn giữ truyền thống tốt đẹp này vào mỗi dịp tết.

2. Thân bài: kể lại một lần em cùng bố, mẹ (hoặc anh, chị) đi thăm mộ người thân trong ngày lễ, tết

a. Kể lại việc chuẩn bị đi thăm mộ và trên đường đi ra sao:

- Gia đình em chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho việc tảo mộ

- Cả nhà chuẩn bị sẵn sàng để đi thăm mộ

- Cả nhà em ai cũng hăng hái và hào hứng đi đến mộ

- Trên đường đến mộ ai cũng rộn rã nói chuyện vui cười

b. Kể lại việc đến nghĩa trang

- Khung cảnh mùa xuân lúc đi viếng mộ:

+ Trời buổi sáng sương mờ ảo

+ Có vài hạt mưa xuân rơi

+ Cái se se lạnh của mùa xuân khiến ta cảm thấy lạnh

+ Những bông hoa đang hứng sương sớm

+ Những chú chim, chú bướm ra khỏi tổ tìm thức ăn

- Công việc khi đến nghĩa trang:

+ Ai cũng cùng dọn rác, quét và thắp hương tại mộ

+ Bày biện những vật cần thiết

+ Rồi ông em cúng bái

+ Mọi người ở chơi chặp lâu rồi về

3. Kết bài: nêu cảm nghĩ của em về lần viếng thăm mộ

II. Bài văn mẫu

Một trong những truyền thống tốt đẹp luôn được lưu truyền và phát huy đến ngày nay của dân tộc ta đó là truyền thống: “Uống nước nhớ nguồn”. Một trong những biểu hiện rất tiêu biểu trong đời sống hiện nay cho truyền thống ấy đó chính là lễ tảo mộ vào dịp lễ tết. Đó là thời gian để con cháu, người thân, nhớ đến những người đã khuất và chăm sóc phần mộ của tổ tiên để thể hiện sự tưởng nhớ. Vào dịp tết năm nay, tôi đã thấm đẫm tinh thần ấy khi theo ba mẹ về quê thăm mộ.

Đó là một buổi sáng mùa xuân ấm áp với gió và nắng vờn mây trên bầu trời cao và xanh. Con đường làng rải đầy vị tết dẫn chúng tôi đến với khu nghĩa trang làng. Vì là gia đình có truyền thống lâu đời ở làng nên nhà tôi có hẳn một khu riêng ở nơi đây dành cho tổ tiên dòng họ. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được nhìn ngắm tất cả những ngôi mộ của cha ông mình gần gũi đến thế. Ba bảo tôi cúi xuống cùng nhổ đi những đám cỏ rêu phong mọc dưới chân mộ, lau đi những lớp bụi đậu trên thành mộ, tôi làm theo và thấy hình ảnh của ông bà tôi như đang cười với tôi thân mật, hiền từ như ngày còn sống. Mẹ bày hoa và đồ cúng lên những ngôi mộ to, có lẽ đó là mộ của những người quan trọng, ngôi mộ nhỏ hơn, mẹ cũng cắm những đóa hoa cúc cho thêm phần tươi sắc. Xong xuôi phần chuẩn bị, ba mẹ đều đốt những thẻ hương, mẹ đưa cho tôi một thẻ, cắm vào mỗi ngôi mộ lớn nhỏ ba thẻ rồi bắt đầu khấn. Trước đây vì đã theo mẹ nhiều lần đi chùa nên tôi cũng biết mình cần làm gì trong trường hợp này. Tôi hướng về ngôi mộ chính, lúc đầu những muốn cầu nguyện cho thành tích học tập được tốt nhưng vừa định cầu nguyện, tôi lại thay đổi suy nghĩ, tôi cầu cho gia đình mình được khỏe mạnh, những vong linh họ hàng được siêu thoát. Cầu nguyện xong, tôi đưa nhang cho mẹ, để mẹ đặt vào bát hương trên mộ. Hương khói bay nghi ngút mang theo những lời cầu nguyện lên làm thơm không khí xuân ngào ngạt. Tôi chợt cảm thấy không gian mình có chút huyền ảo nhưng đậm chất thiêng liêng. Nhìn xung quanh, tôi thấy cũng có nhiều người giống gia đình tôi, đi thăm ngôi mộ của ông bà, cha mẹ để tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với những người thân đã khuất. Quả thực điều ấy khiến trong lòng tôi có một chút lâng lâng xúc động mơ hồ, và tôi chợt nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du:

“Thanh minh trong tiết tháng Ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”

Thật là những câu thơ hay và ý nghĩa như là một lời khẳng định về truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Tôi nhìn sang ba mẹ mình, thấy hai người nhìn tấm ảnh của ông bà mà đôi mắt như sắp khóc, tôi cũng thấy sống mũi mình cay cay, tôi nhớ những ngày ông bà còn sống, đã yêu thương, chiều chuộng tôi hết mực và tôi lúc nào cũng yêu thương và kính trọng ông bà. Trời hơi trưa, tôi cũng ba mẹ ra về, không quên chắp tay khấn trước mộ tổ tiên thêm một lần để tỏ lòng thành kính của mình. Khi đi ra khỏi cổng nghĩa trang, tôi còn quay đầu lại nhìn mãi như cố ghi dấu một trong những kỉ niệm đẹp nhất của mình về quê cha đất tổ.

Buổi đi thăm mộ ấy đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng sâu sắc, tôi không chỉ hiểu hơn truyền thống của dân tộc mình mà còn thấy yêu quê hương hơn, yêu đất nước hơn.

B. Tóm tắt những nội dung chính khi soạn bài Viết bài tập làm văn số 2 - Văn tự sự

1. Tìm hiểu đề

- Xác định yêu cầu của đề bài:

- Lập ý: Nhớ lại hoặc tưởng tượng ra câu chuyện (nhân vật, sự việc, diễn biến,…); lựa chọn ngôi kể.

2. Lập dàn ý

Lập dàn ý cho bài văn tự sự có kết hợp với miêu tả theo bố cục ba phần.

Mở bài: Giới thiệu về câu chuyện sẽ kể, dẫn dắt để lôi cuốn người đọc.

Thân bài: Trình bày diễn biến các sự việc.

+ Nhân vật: chỉ có nhân vật người kể chuyện hay còn có những nhân vật khác? Có thể kết hợp giới thiệu nhân vật trong diễn biến sự việc.

+ Sắp xếp trình tự các sự việc theo diễn biến trước - sau hoặc theo trình tự đảo ngược từ hiện tại nhớ về quá khứ.

+ Em dự định sử dụng miêu tả ở những tình tiết nào, để làm gì?

Kết bài: Kết thúc câu chuyện; nêu suy nghĩ của mình về kết cục câu chuyện hoặc ấn tượng về những gì đã diễn ra trong câu chuyện. Nêu bài học hoặc cảm nhận chung mà câu chuyện đã gợi ra.

Xem thêm các bài soạn Ngữ văn 9 hay, chi tiết khác:

Thúy Kiều báo ân báo oán

Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

Miêu tả nội tâm trong văn bản tự sự

Lục Vân Tiên gặp nạn (Trích Truyện Lục Vân Tiên)

Chương trình địa phương (phần văn)

1 1,001 18/02/2022
Tải về