Soạn bài Ánh trăng hay, ngắn gọn

Hướng dẫn soạn bài Ánh trăng Ngữ văn lớp 9 hay, ngắn gọn nhất và đủ ý giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung chính bài Ánh trăng để chuẩn bị bài và soạn văn 9. Mời các bạn đón xem:

1 2,426 18/02/2022
Tải về


Soạn bài Ánh trăng - Ngữ văn 9

A. Soạn bài Ánh trăng ngắn gọn

Phần đọc - hiểu văn bản

Câu 1 (trang 157 sgk Ngữ văn 9 Tập 1)

* Bố cục:

- Phần 1. Ba khổ thơ đầu: Hình ảnh vầng trăng trong quá khứ, ở hiện tại.

→ Giọng kể, nhịp thơ chậm rãi.

- Phần 2. Khổ thơ thứ tư: Tình huống gặp lại vầng trăng.

→ Giọng thơ cao đột ngột, thể hiện sự ngỡ ngàng.

- Phần 3. Hai khổ cuối: Cảm xúc và suy ngẫm của nhà thơ.

→ Giọng thơ tha thiết, trầm lắng.

- Khổ thơ thứ 4 là bước ngoặt để tác giả bộc lộ cảm xúc khi đối diện với vầng trăng. Con người nhìn lại, tự soi chiếu vào mình, đó cũng là chủ đề tác giả muốn thể hiện trong tác phẩm

- Bài thơ được trình bày không theo thời gian tuyến tính, nhân vật trữ tình từ hiện tại nhớ về quá khứ

Câu 2 (trang 157 sgk Ngữ văn 9 Tập 1)

* Ý nghĩa của hình ảnh vầng trăng:

- Trước hết, vầng trăng là hình ảnh của thiên nhiên, đất trời.

- Trăng là người bạn tri kỷ gắn bó với con người trong năm tháng chiến tranh gian khổ.

- Trăng là phần trong sáng, tốt đẹp trong con người, chiếu rọi vào những góc khuất tăm tối nhất.

* Khổ thơ cuối thể hiện tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng, chiều sâu tư tưởng mang tính triết lý của tác phẩm". "Trăng cứ tròn vành vạnh" như tượng trưng cho quá khứ đẹp đẽ, nguyên vẹn chẳng thể phai mờ. Quá khứ đẹp đẽ vĩnh hằng trong vũ trụ : "ánh trăng im phăng phắc" như một người bạn, một nhân chứng nghĩa tình mà nghiêm khắc. Cái im lặng ấy như đang nhắc nhở nhà thơ, nhắc nhở tất cả chúng ta. Con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên nghĩa tình, quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt, hồn hậu và rộng lượng.

 Câu 3 (trang 157 sgk Ngữ văn 9 Tập 1)

* Kết cấu:

- Hai khổ thơ đầu là hình ảnh vầng trăng thuở nhỏ và những ngày ở rừng trong chiến tranh. Những ngày ấy khắc ghi đinh ninh trong lòng mối tình với vầng trăng tình nghĩa, vầng trăng tri kỷ.

- Khổ thơ thứ ba : Hòa bình, về thành phố, quen với ánh sáng điện, với tiện nghi hiện đại. Vầng trăng đã trở thành người dưng, quá khứ nghĩa tình đã rơi vào lãng quên.

- Khổ thơ thứ tư : Sự việc bất thường : Mất điện, tối om, bật tung cửa bỗng lại thấy vầng trăng tròn. Vậy là gặp khó khăn gian khổ mới nhớ về quá khứ nghĩa tình. Khổ thơ này tạo bước ngoặt để tác giả bộc lộ cảm xúc.

- Hai khổ thơ sau : Lời thơ khi ngân nga thiết tha, rưng rưng xúc động gặp lại tri kỷ bị lãng quên, khi trầm lắng nặng trĩu suy tư như một sự hối hận, sự tự vấn.

* Giọng điệu:

- Giọng điệu tâm tình bằng thể thơ năm chữ, nhịp thơ khi tuôn chảy tự nhiên, nhịp nhàng theo nhịp kể, khi ngân nga, khi trầm lắng suy tư. Tất cả những điều đó góp phần quan trọng trong việc bộc lộ những cảm xúc sâu xa của một người lính khi nghĩ về chiến tranh, về quá khứ.

Câu 4 ( trang 157 sgk Ngữ văn 9 Tập 1)

- Bài thơ viết 1978 sau hòa bình ba năm. Người kháng chiến ở rừng trở về thành phố

+ Cuộc sống thời bình đầy đủ tiện nghi, con người lãng quên những ngày gian khổ trong quá khứ

- Bài thơ là lời nhắc nhở thái độ, tình cảm đối với quá khứ gian lao, tình nghĩa

- Lời nhắc nhở với thế hệ sau cần có thái độ sống uống nước nhớ nguồn, biết ơn những người đi trước mang lại thành quả.

- Chủ đề ấy có liên quan gì đến đạo lí, lẽ sống của dân tộc Việt Nam: truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Phần luyện tập

Câu 1 (trang 157 sgk Ngữ văn 9 Tập 1)

Đọc diễn cảm bài thơ

Câu 2 (trang 157 sgk Ngữ văn 9 Tập 1)

Với tôi trăng như người bạn tri kỉ cùng tôi đi qua những năm tháng tuổi thơ. Ngày ấy, tôi và trăng rất gần gũi, hồn nhiên, vô tư với nhau. Khi lớn lên, tôi tham gia chiến tranh, trăng cũng theo tôi vào ở rừng. Tôi ngỡ rằng bản thân không bao giờ có thể quên được vầng trăng tình nghĩa ấy. Nhưng khi kết thúc chiến tranh, tôi trở về với cuộc sống tiện nghi của thành phố.  Đắm chìm trong cuộc sống ấy, tôi vô tình đã lãng quên vầng trăng và quên đi cả lời hứa năm xưa của mình. Tôi đã quay lưng lại với vầng trăng, quay lưng lại với quá khứ, với thiên nhiên và chính mình. Trong một lần mất điện, tôi đã gặp lại vầng trăng. Trăng vẫn thế, vẫn tròn đầy, thủy chung và không trách cứ tôi bội bạc. Chính điều đó khiến tôi thức tỉnh và thấy vô cùng ăn năn.

B. Tóm tắt những nội dung chính khi soạn bài Ánh trăng

I. Tác giả

a. Cuộc đời

- Tên tác giả: Nguyễn Duy tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948

- Quê quán: làng Quảng Xá, nay thuộc phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa.

- Năm 1965, từng làm tiểu đội trưởng tiểu đội dân quân trực chiến tại khu vực cầu Hàm Rồng, một trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ trong những năm chiến tranh Việt Nam.

Soạn bài Ánh trăng hay, ngắn gọn (ảnh 1)

b. Sự nghiệp văn học

- Nguyễn Duy làm thơ rất sớm, khi đang còn là học sinh trường cấp 3 Lam Sơn, Thanh Hóa.

II. Tác phẩm

1. Hoàn cảnh ra đời, xuất xứ:

- Nguyễn Duy viết bài thơ “Ánh trăng” vào năm 1978, sau khi hòa bình được lập lại được 3 năm.

- Bài thơ được in trong tập thơ “Ánh trăng” - tập thơ đạt giải A của Hội nhà Văn Việt Nam năm 1984.

2. Thể thơ:

- Thơ ngũ ngôn

3. Bố cục:

- Hai khổ đầu: Vầng trăng trong quá khứ.

- Hai khổ tiếp: Vầng trăng trong hiện tại.

- Hai khổ cuối: Cảm xúc và suy ngẫm của tác giả trước vầng trăng.

Soạn bài Ánh trăng hay, ngắn gọn (ảnh 1) 

4. Giá trị nội dung

- Ánh trăng của Nguyễn Duy như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu.

- Bài thơ có ý nghĩa gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.

5. Giá trị nghệ thuật

- Thể thơ 5 chữ, phương thức biểu đạt tự sự kết hợp với trữ tình.

- Giọng thơ mang tính tự bạch, chân thành sâu sắc.

- Hình ảnh vầng trăng – “ánh trăng” mang nhiều tầng ý nghĩa.

Bài giảng Ngữ văn 9 Ánh trăng

Xem thêm các bài soạn Ngữ văn 9 hay, chi tiết khác:

Tổng kết từ vựng (Luyện tập tổng hợp)

Luyện tập viết đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận

Làng

Chương trình địa phương (phần Tiếng Việt)

Đối thoại và độc thoại và độc thoại nội tâm trong văn bản tự sự

1 2,426 18/02/2022
Tải về