Soạn bài Tiếng nói của văn nghệ hay, ngắn gọn

Hướng dẫn soạn bài Tiếng nói của văn nghệ Ngữ văn lớp 9 hay, ngắn gọn nhất và đủ ý giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung chính bài Tiếng nói của văn nghệ để chuẩn bị bài và soạn văn 9. Mời các bạn đón xem:

1 1,686 18/02/2022
Tải về


Soạn bài Tiếng nói của văn nghệ - Ngữ văn 9

A. Soạn bài Tiếng nói của văn nghệ ngắn gọn

Phần đọc - hiểu văn bản

Câu 1 (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

* Tóm tắt hệ thống luận điểm

- Văn nghệ không chỉ phản ánh thực tại khách quan mà còn là nhận thức mới mẻ, là tư tưởng, tình cảm của cá nhân nghệ sĩ.

- Tiếng nói của văn nghệ rất cần thiết với cuộc sống của con người, nhất là trong hoàn cảnh những năm đầu kháng chiến.

- Văn nghệ có khả năng cảm hoá, có sức lôi cuốn thật kỳ diệu bởi đó là tiếng nói của tình cảm, tác động tới con người qua những rung cảm sâu xa.

*Nhận xét về bố cục của bài nghị luận:

- Bài viết có bố cục khá chặt chẽ

- Hệ thống luận điểm logic, mạch lạc

Câu 2 (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

- Nội dung phản ánh, thể hiện của văn nghệ:

+ Phản ánh đời sống khách quan nhưng không sao chép thực tại.

+ Thể hiện tư tưởng của người nghệ sĩ.

+ Tác động mạnh mẽ đến người tiếp nhận.

Câu 3 (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

* Qua các dẫn chứng được lấy từ các tác phẩm, qua những câu chuyện cụ thể, sinh động, Nguyễn Đình Thi đã phân tích một cách thấm thía sự cần thiết của văn nghệ đối với con người:

- Văn nghệ giúp chúng ta sống đầy đủ hơn, phong phú hơn trên phương diện tinh thần.

- Trong những trường hợp con người bị ngăn cách đối với đời sống, văn nghệ là sợi dây liên hệ giữa người đó với thế giới bên ngoài.

- Văn nghệ góp phần làm cho đời sống của chúng ta ngày càng đẹp đẽ, đáng yêu hơn. Một tác phẩm văn nghệ hay giúp con người cảm thấy yêu tin cuộc sống, biết rung cảm và ước mơ trước cái đẹp.

Câu 4 (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

* Văn nghệ tác động đến con người qua nội dung của nó và đặc biệt là con đường mà nó đến với người đọc, người nghe:

- Văn nghệ giúp con người sống đầy đủ hơn, là sợi dây gắn kết con người với thế giới bên ngoài

- Văn nghệ góp phần làm đời sống thêm đẹp đẽ, đáng yêu, giúp con người thấy yêu cuộc sống, biết rung cảm trước cái đẹp

Câu 5 (trang 17 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):

* Nét đặc sắc trong nghệ thuật nghị luận của Nguyễn Đình Thi qua bài tiểu luận:

- Bố cục của văn bản chặt chẽ, hợp lý, cách dẫn dắt vấn đề tự nhiên.

- Nhiều dẫn chứng sinh động, hấp dẫn, cả trong văn chương cũng như trong đời sống.

- Giọng văn chân thành, đầy cảm hứng.

Phần luyện tập

Mỗi tác phẩm văn nghệ đến với bạn đọc đều mang trong mình một sứ mệnh cao cả. Trong những tác phẩm văn học mà em từng đọc, để lại trong lòng em nhiều ấn tượng sâu sắc nhất là Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Nhà văn đã khiến em hiểu ra những nỗi đau của chiến tranh trong quá khứ đã gây nên bao đau thương cho những đồng bào vô tội, làm chảy bao nhiêu máu của người ra đi và nước mắt của người ở lại. Đặc biệt, tác phẩm gây xúc động bởi tình cảm cha con thiêng liêng của người lính. Truyện khiến em trân quý thêm tình cảm gia đình, trân quý bầu trời hòa bình của ngày hôm nay và thêm biết ơn quá khứ với những nỗi đau của cha ông đã đổi lấy cho chúng em cuộc sống của ngày hôm nay.

B. Tóm tắt những nội dung chính khi soạn bài Tiếng nói của văn nghệ

I. Tác giả

1. Cuộc đời

- Tên tác giả: Nguyễn Đình Thi (1924-2003)

- Quê quán: Nguyên quán ở làng Vũ Thạch, hiện nay là phố Bà Triệu - phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Soạn bài Tiếng nói của văn nghệ hay, ngắn gọn (ảnh 1)

2. Sự nghiệp văn học

- Sự nghiệp sáng tác:

   + Ông là nhà văn, nhà phê bình văn học và là nhạc sĩ Việt Nam thời hiện đại.

   +Thuộc thế hệ các nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Ông viết sách khảo triết học, viết văn, làm thơ, soạn kịch, viết lí luận phê bình.

   + Ông được nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

 - Các tác phẩm tiêu biểu: Bên bờ sông Lô, Vào lửa, Mặt trận trên cao

II. Tác phẩm

1. Hoàn cảnh ra đời, xuất xứ:

 Tiểu luận “Tiếng nói của văn nghệ” được Nguyễn Đình Thi viết năm 1948, in trong cuốn “Mấy vấn đề văn học” (xuất bản năm 1956)

2. Thể loại:

- Tiểu luận

3. Bố cục:

- Phần 1: Từ đầu bài cho đến “cách sống của tâm hồn”: Nội dung tiếng nói của văn nghệ.

- Phần 2: Tiếp theo đoạn 1 cho đến cuối bài: Văn nghệ mang lại nhiều giá trị thiết thực trong cuộc sống con người.

4. Tóm tắt:

Bài nghị luận “Tiếng nói của văn nghệ” là hệ thống luận điểm phân tích nội dung phản ánh, thể hiện của văn nghệ. Không chỉ vậy, tác giả còn thông qua bài viết khẳng định sức mạnh lớn lao của văn nghệ đối với đời sống con người.

Soạn bài Tiếng nói của văn nghệ hay, ngắn gọn (ảnh 1)

5. Giá trị nội dung

- Bài tiểu luận bàn về nội dung của văn nghệ và sức mạnh kì diệu của nó đối với đời sống của con người, giúp con người được sống phong phú hơn và tự nhiên hoàn thiện nhân cách tâm hồn mình

6. Giá trị nghệ thuật

- Bố cục chặt chẽ, hợp lí, dẫn dắt tự nhiên. Lối viết giàu hình ảnh, sử dụng nhiều dẫn chứng thơ văn, dẫn chứng thực tế, khẳng định các ý kiến, nhận xét, tăng sức hấp dẫn cho bài viết.

Bài giảng Ngữ văn 9 Tiếng nói của văn nghệ

Xem thêm các bài soạn Ngữ văn 9 hay, chi tiết khác:

Các thành phần biệt lập

Nghị luận về một sự vật, hiện tượng đời sống

Cách làm bài nghị luận về một sự vật, hiện tượng đời sống

Chương trình địa phương (phần Tập làm văn)

Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới

1 1,686 18/02/2022
Tải về