Soạn bài Viết một truyện kể sáng tạo (trang 55) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo

Với soạn bài Viết một truyện kể sáng tạo trang 55 Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 245 21/11/2024


Soạn bài Viết một truyện kể sáng tạo

* Khái niệm

- Truyện kể sáng tạo (có sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm) thuộc kiểu văn bản tự sự. Trong đó, người viết dùng trải nghiệm cuộc sống và trí tưởng tượng để sáng tạo một câu chuyện có bối cảnh, cốt truyện, nhân vật, sự kiện, kết hợp miêu tả và biểu cảm để câu chuyện sinh động và thể hiện cảm xúc của người viết.

* Yêu cầu đối với kiểu văn bản

- Về nội dung: đề tài gần gũi; nội dung câu chuyện gắn với một/ một vài nhân vật trong một bối cảnh thời gian, không gian nhất định; truyền tải thông điệp nào đó tới người đọc.

- Về hình thức: xây dựng cốt truyện gồm các sự việc chính, chi tiết tiêu biểu; kết hợp tự sự với miêu tả, biểu cảm.

- Về bố cục: bố cục truyện kể cần đảm bảo:

Mở đầu truyện

- Giới thiệu thời gian, không gian, các nhân vật và tình huống xảy ra câu chuyện.

Diễn biến truyện

- Chọn ngôi kể phù hợp (ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba); lần lượt kể lại các sự kiện từ mở đầu đến kết thúc xoay quanh nhân vật chính; sử dụng các chi tiết tiệu biểu; xây dựng đối thoại giữa các nhân vật; kết hợp miêu tả và biểu cảm;...

Kết thúc truyện

- Có thể nêu cách giải quyết vấn đề được đề cập trong truyện phù hợp với diễn biến câu chuyện, gợi mở hoặc thể hiện những suy ngẫm từ/ về câu chuyện.

* Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

Văn bản: Nhát đinh của bác thợ

Câu 1 (trang 57 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):Xác định ngôi kể, người kể trong văn bản trên.

Trả lời:

- Ngôi kể thứ nhất, xưng “tôi”.

- Người kể: là một trong những đứa con của chủ nhà.

Câu 2 (trang 57 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):Tác giả mở đầu câu chuyện bằng cách nào?

Trả lời:

- Tác giả mở đầu câu chuyện bằng cách giới thiệu thời gian, không gian, nhân vật và tình huống xảy ra câu chuyện.

Câu 3 (trang 57 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):Tình huống làm nảy sinh câu chuyện là tình huống gì?

Trả lời:

- Tình huống nảy sinh câu chuyện là mấy anh em nô đùa làm bong mặt ghế nên người cha phải nhờ bác thợ đến sửa chữa lại.

Câu 4 (trang 57 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):Tìm các chi tiết tiêu biểu gắn với các sự kiện trong câu chuyện. Các sự kiện, chi tiết trong truyện được liên kết với nhau như thế nào? Chi tiết nào khiến cho diễn biến của câu chuyện trở nên bất ngờ, thú vị?

Trả lời:

Các sự kiện

Các chi tiết

- Mấy anh em nô đùa làm bong mặt ghế.

- Cha tôi phải nhờ bác thợ vào chữa lại cho khỏi hỏng thêm. Chúng tôi tò mò ngắm bác thợ lụi cụi làm việc.

- Bác thợ đến sửa chữa chiếc ghế hỏng.

- Bác thợ xoa xoa tay trên mặt ghế vừa được thay lại như để từ biệt đứa con của mình rồi chào cả nhà tôi, lẫn chúng tôi, ra về.

- Bác thợ quay lại vì chợt nhớ còn cái đinh chưa đóng hết đầu đinh.

- Đoạn, bác mở hòm đồ nghề, lấy cái búa ra, đeo kính vào, nheo nheo mắt và bất thần vung búa gõ đánh “chát” một cái.

- Các sự kiện, chi tiết trong truyện được liên kết với nhau theo mạch thời gian.

- Chi tiết khiến cho diễn biến của câu chuyện trở nên bất ngờ, thú vị là bỗng trời mưa to, bác thợ trở, toàn thân ướt đẫm, để sửa lại cái đinh chưa đóng hết đầu đinh trên ghế. Chi tiết này thể hiện tính cách tận tụy, có tinh thần trách nhiệm trong công việc của bác thợ.

Câu 5 (trang 57 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):Đoạn đối thoại giữa cha tôi và bác thợ có tác dụng gì trong việc thể hiện tính cách của hai nhân vật này? Nhân vật cha tôi đã có cách giải quyết như thế nào đối với sự kiện thứ hai?

Trả lời:

- Tác dụng của đoạn đối thoại giữa cha tôi và bác thợ trong việc thể hiện tính cách của hai nhân vật này:

+ Cha tôi: thể hiện sự quan tâm dành cho bác thợ.

+ Bác thợ: thể hiện sự tận tụy, có tinh thần trách nhiệm trong công việc của bác thợ.

- Cách giải quyết của nhân vật cha tôi đối với sự kiện thứ hai: cha tôi cảm động, lấy thêm tiền biếu bác.

=> Nhân vật người cha đã có cách ứng xử phù hợp, thể hiện lòng biết ơn và trân trọng với hành động đẹp của bác thợ.

Câu 6 (trang 57 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):Nêu tác dụng của việc kết hợp giữa tự sự với miêu tả, biểu cảm trong truyện.

Trả lời:

- Tác dụng của việc kết hợp giữa tự sự với miêu tả, biểu cảm trong truyện:

+ Giúp câu chuyện trở nên phong phú và sinh động hơn.

+ Thể hiện cảm xúc, suy nghĩ nội tâm của nhân vật, từ đó khắc họa tính cách và động cơ hành động của họ.

+ Miêu tả chi tiết và biểu cảm mạnh mẽ có thể tạo ra xung đột và căng thẳng, làm cho cốt truyện trở nên hấp dẫn hơn.

+ Việc miêu tả không gian và thời gian một cách tinh tế có thể tạo ra bầu không khí phù hợp, từ đó làm tăng sức hấp dẫn và hiệu ứng cảm xúc của truyện.

+ Thể hiện chủ đề và thông điệp sâu sắc của truyện, làm cho ý nghĩa của truyện trở nên rõ ràng và thuyết phục hơn.

Câu 7 (trang 57 sgk Ngữ văn 9 Tập 2):Em rút ra được những lưu ý gì khi viết một truyện kể sáng tạo?

Trả lời:

- Xác định rõ chủ đề và thông điệp muốn truyền tải.

- Xây dựng nhân vật sống động.

- Lựa chọn ngôi kể phù hợp với nội dung và cảm xúc muốn truyền tải.

- Xây dựng cốt truyện rõ ràng (mở đầu, diễn biến, kết thúc) sẽ giúp câu chuyện mạch lạc và hấp dẫn hơn.

- Xây dựng các sự kiện, chi tiết có sự kết nối, sắp xếp chúng theo trình tự hợp lí, mỗi sự kiện cần có các chi tiết tiêu biểu, tạo điểm nhấn.

- Kết hợp tự sự với miêu tả, biểu cảm để tạo chiều sâu cho câu chuyện.

* Hướng dẫn quy trình viết

Đề bài (trang 57 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Kể một câu chuyện mà em tưởng tượng trong đó có sử dụng yếu tố miêu tả, biểu cảm.

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

- Em có thể tìm kiếm đề tài cho truyện từ:

+ Mối quan hệ giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên với học sinh, giữa các thành viên trong gia đình, những người hàng xóm,...

+ Mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên.

+…

- Với kiểu bài này, em có thể viết trong nhiều tình huống khác nhau: viết tham gia một cuộc thi, để chia sẻ trong Câu lạc bộ đọc - viết của trường, để thỏa sức sáng tạo,... Với mỗi tình huống, em cần xác định:

+ Mục đích kể chuyện là gì?

+ Người đọc truyện này có thể là những ai? Họ có thể nhận được thông điệp, bài học nào từ câu chuyện?

+ Với mục đích và người đọc đó, nội dung truyện (sự kiện, chi tiết, nhân vật, đề tài, chủ đề) và cách kể chuyện (ngôi kể, sử dụng yếu tố miêu tả, biểu cảm) sẽ như thế nào?

+ Tìm đọc các câu chuyện, bộ phim hay, những bài chia sẻ kinh nghiệm viết truyện của các nhà văn, học cách xây dựng cốt truyện, nhân vật, cách kể chuyện,...

+ Ghi chép thông tin trong quá trình đọc bằng sơ đồ, hồ sơ nhật kí đọc,...

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

- Đọc lại các ghi chép và điền thông tin vào phiếu học tập sau (làm vào vở):

PHIẾU TÌM Ý:

TRUYỆN KỂ SÁNG TẠO CÓ SỬ DỤNG YẾU TỐ MIÊU TẢ, BIỂU CẢM

Đề tài: …………………………………………………………………………..

Ngôi kể: ………………………………………………………………………...

- Câu chuyện diễn ra ở đâu, trong khoảng thời gian nào?

- Nhân vật chính trong câu chuện là ai? Những nhân vật phụ có mối quan hệ thế nào với nhân vật chính?

- Tình huống, hoàn cảnh nảy sinh câu chuyện là gì?

- Những sự kiện nào đã diễn ra, diễn tả theo mạch kể nào, nhân vật được khắc hoa ra sao qua ngoại hình, trang phục, lời nói, hành động, suy nghĩ, cảm xúc,...?

- Chi tiết nào đóng vai trò tiêu biểu?

- Các yếu tố miêu tả, biểu cảm nên được kết hợp như thế nào trong quá trình kể?

- Cách giải quyết vấn đề đã đặt ra?

- Người kể chuyện và/ hoặc các nhân vật có thái độ, cảm xúc thế nào với nhân vật chính, sự kiện, câu chuyện được kể?

- Thái độ, cảm xúc đó nên được thể hiện trực tiếp hay gián tiếp thông qua chi tiết hoặc kết hợp cả hai?

Tên truyện: ……………………………………………………………………..

- Từ các ý đã tìm, em hãy chọn những ý tiêu biểu và sắp xếp thành dàn ý theo một trình tự hợp lí.

Bước 3: Viết bài

- Triển khai bài viết dựa trên dàn ý. Khi viết, em cần chú ý:

+ Dùng ngôi kể thứ nhất hoặc ngôi thứ ba tuỳ thuộc vào mục đích kể chuyện.

+ Đảm bảo cấu trúc của một truyện kể: có mở đầu truyện, diễn biến truyện, kết thúc truyện.

+ Kết hợp giữa miêu tả (không gian, đồ vật, ngoại hình, trang phục, hành động, cử chỉ, cảm xúc, thái độ của nhân vật,...) và biểu cảm (thể hiện cảm xúc của người kể đối với nhân vật, sự kiện một cách trực tiếp hoặc gián tiếp).

+ Kết hợp lời người kể chuyện và lời nhân vật, lời đối thoại và lời độc thoại của nhân vật.

+ Sử dụng các từ ngữ giàu hình ảnh, các biện pháp tu từ, đa dạng hóa các kiểu câu văn (câu rút gọn, câu đặc biệt).

* Bài viết tham khảo

Tôi lớn lên ở một ngôi làng nhỏ ven sông Bứa, nơi thường xuyên xảy ra những trận lũ lớn. Cứ mỗi lần nhắc về bão lũ, tôi lại nhớ tới câu chuyện năm xưa.

Một ngày nọ, bão lớn kéo đến, gió rít từng cơn dữ dội. Tiếng sấm vang rền, chớp sáng rạch ngang bầu trời đen kịt và mưa như trút nước khiến dòng sông gần làng tôi dâng cao. Nước lũ ồ ạt tràn vào nhà, tạo nên một cảnh tượng hỗn loạn.

Giữa dòng nước chảy xiết, chị Lan, một người mẹ trẻ góa phụ, đang vật lộn với đứa con nhỏ mới ba tháng tuổi trong tay. Chị la lên thất thanh:

- Cứu! Cứu!… Ai đó hãy cứu mẹ con tôi với!

Ba tôi ở gần đó, nghe tiếng kêu cứu, liền chống ghe, vung mái chèo thật nhanh về phía hai mẹ con chị Lan. Đến gần, ba nói nhanh:

- Lên ghe đi!

Chị Lan nhìn ba tôi với ánh mắt đầy hoảng loạn, nước lũ đã ngập đến ngang bụng. Chị thều thào:

- Tôi không thể! Con tôi… con tôi…

Ba tôi nhanh chóng bé đặt đứa bé lên ghe rồi nắm chặt tay chị Lan, kéo chị lên một cách nhanh chóng và dứt khoát. Lúc này, cả người chị Lan run lên bần bật, mặt tím tái như không còn giọt máu nào. Thấy vậy, ba tôi vội trấn an:

- Cố gắng bám chặt vào tôi! Chúng ta sẽ vượt qua được dòng nước lũ này.

Trong khoảnh khắc đó, dòng nước cuồn cuộn như muốn nuốt chửng cả ba người. Ba tôi một tay chèo, một tay giữ chặt hai mẹ con chị Lan, liều mình đối mặt với dòng nước lũ đang cuộn trào từng cơn. Cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh liên hồi, nhưng ba không cho phép mình dừng lại.

Cuối cùng, sau giây phút tưởng chừng như vô tận ấy, ba tôi và hai mẹ con chị Lan đã cập bờ an toàn. Chị Lan, nước mắt chảy dài đầm đìa trên khuôn mặt, ôm chặt đứa con nhỏ vào lòng, cảm ơn ba tôi:

- Cảm ơn anh Tư! Nếu không có anh, mẹ con tôi đã không thể sống sót.

Kể từ hôm ấy, trong trí nhớ của tôi ngập tràn hình ảnh vượt lũ của ba và hai mẹ con chị Lan. Cứ mỗi lần nhớ lại, lòng tôi lại bồi hồi, xúc động. Nó khiến tôi hiểu ra rằng, trong lúc hoạn nạn, tình làng nghĩa xóm thật thiêng liêng biết bao.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

- Sau khi viết xong, đọc lại bài viết của mình và tự kiểm tra dựa vào Bảng kiểm kĩ năng viết một truyện kể sáng tạo dưới đây:

Bảng kiểm kĩ năng viết một truyện kể sáng tạo

Tiêu chí

Đạt

Chưa đạt

Mở đầu truyện

Sử dụng ngôi kể phù hợp

Giới thiệu nhân vật, bối cảnh, tình huống nảy sinh câu chuyện

Lôi cuốn, thu hút sự chú ý của người đọc

Diễn biến truyện

Có nhân vật chính

Có một vài nhân vật phụ

Các nhân vật được khắc họa sống động qua ngoại hình, lời nói, ngôn ngữ, hành động

Có cốt truyện

Câu chuyện được thuật lại với sự kiện, diễn biến hợp lí

Có các chi tiết cụ thể, sinh động,...

Kết hợp kể với miêu tả, biểu cảm

Làm nổi bật sự kiện, nhân vật chính/ tạo được một số điểm nhấn trong câu chuyện

Nội dung truyện kể có ý nghĩa, có tính giáo dục

Kết thúc truyện

Phù hợp với diễn biến câu chuyện

Gây ấn tượng hoặc gợi suy nghĩ đối với người đọc

Kĩ năng sử dụng lời văn kể chuyện

Câu văn giàu hình ảnh

Lời kể linh hoạt, tự nhiên

Đảm bảo dung lượng khoảng 1 000 chữ

Đọc lại truyện từ vai trò người đọc và trả lời hai câu hỏi sau:

- Điều làm em thích nhất ở truyện này là gì?

- Cần chỉnh sửa, bổ sung những gì để câu chuyện sinh động, hấp dẫn hơn?

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn khác:

Tri thức Ngữ Văn trang 31

Chiếc mũ miện dát đá be-rô

Ngôi mộ cổ

Cách suy luận

Thực hành tiếng Việt trang 46

Kẻ sát nhân lộ diện

Kể một câu chuyện tưởng tượng

Ôn tập trang 62

1 245 21/11/2024