Soạn bài Viết một truyện kể sáng tạo dựa trên một truyện đã đọc (trang 114) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo
Với soạn bài Viết một truyện kể sáng tạo dựa trên một truyện đã đọc trang 114 Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.
Soạn bài Viết một truyện kể sáng tạo dựa trên một truyện đã đọc
* Khái niệm
- Viết một truyện kể sáng tạo dựa trên một truyện kể đã đọc là dùng trí tưởng tượng và kĩ năng kể chuyện của người viết để viết một truyện kể bằng cách phỏng theo một truyện đã đọc với những sáng tạo, kết hợp sử dụng các yếu tố miêu tả, biểu cảm trong khi kể.
* Yêu cầu đối với kiểu văn bản
- Có nhân vật, cốt truyện, bối cảnh phù hợp; nội dung có tính giáo dục.
- Thể hiện được sự sáng tạo của người viết về nội dung truyện đã đọc (khơi sâu, nắn lại chủ đề, bổ sung nhân vật, sự việc; thay đối bối cảnh, quan hệ;...) hoặc về hình thức (thay đổi ngôi kể, nhân vật; cách tạo dựng đối thoại, độc thoại, biện pháp tu từ, kết hợp miêu tả, biểu cảm;...).
- Kết hợp sử dụng yếu tố miêu tả và biểu cảm.
- Bố cục truyện kể gồm các phần:
+ Mở đầu truyện: giới thiệu nhân vật/ bối cảnh/ nội dung chính của truyện kể.
+ Diễn biến truyện: thuật lại diễn biến các sự việc trong câu chuyện theo một trình tự hợp lí; thể hiện được khả năng tưởng tượng và cách kể chuyện sáng tạo; có kết hợp sử dụng các yếu tố miêu tả, biểu cảm trong khi kể chuyện.
+ Kết thúc truyện: phù hợp, gây ấn tượng hoặc gợi suy nghĩ đối với người đọc (tuỳ trường hợp có thể giải thích hoặc khái quát ý nghĩa bài học từ truyện kể).
* Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản
Văn bản: Con trâu
Câu 1 (trang 117 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Tính sáng tạo của văn bản truyện so với truyện gốc được thể hiện ở những điểm nào? (Đọc lại nội dung tóm tắt truyện được phỏng theo ở cước chú trang 116 để xác định những biểu hiện của sự sáng tạo đó.)
Trả lời:
- Tính sáng tạo của văn bản truyện so với truyện gốc được thể hiện ở chỗ:
+ Ngọc Hoàng ban mười hạt giống và một nắm rễ.
+ Vị thần tự nhận lỗi lầm và muốn chuộc tội.
+ Miêu tả dáng vẻ, trang phục của vị thần từ đó lí giải hình dáng của con trâu.
Câu 2 (trang 117 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Chỉ ra một số chi tiết cho thấy văn bản truyện kể trên có kết hợp khéo léo các yếu tố miêu tả, biểu cảm trong khi kể chuyện.
Trả lời:
- Một số chi tiết có kết hợp khéo léo các yếu tố miêu tả, biểu cảm:
+ Vị thiên thần vâng lệnh, cầm mười hạt giống ở tay trái và nắm rễ ở tay phải, ra khỏi cửa Giời. In bóng lên tầng mây năm sắc rực rỡ, hình thù vị thần ấy cũng lộng lẫy uy nghiêm với chiếc áo trắng bào màu đen bạc và chiếc mũ dát ngọc có hai cánh chuồn chuồn cong vút lên như mảnh trăng lưỡi liềm.
+ Những đồi núi hoang vu, nằm gối dài lên nhau, những bãi cát bao la, những cánh đồng khô nẻ, chỉ trơ toàn đá xám với đất nâu, chưa hề có một gợn màu xanh của loài thực vật.
+ Những rễ cỏ ấy, một khi bén màu đất, liền đâm mầm nảy ngọn hằng hà sa số ngay trong nháy mắt. Hoảng hốt, thiên thần biết mình đã lầm lỡ, vội gieo hạt ngũ cốc xuống, nhưng không còn kịp. Cỏ đã mọc um lên thành từng cánh đồng, thành từng ngàn, từng rừng mất rồi, ngun ngút lấn hết mặt đất, tranh hết cả màu mỡ, khiến cho ngũ cốc dù có len lỏi trồi lên cũng khô cằn và khó bề sinh sản.
Câu 3 (trang 117 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Văn bản trên đã đáp ứng những yêu cầu về nội dung đối với các phần mở đầu truyện, diễn biến truyện, kết thúc truyện như thế nào?
Trả lời:
- Phần mở đầu truyện giới thiệu bối cảnh, nhân vật chính của câu chuyện.
- Diễn biến truyện thuật lại 4 sự việc theo trình tự logic, có kết hợp sử dụng các yếu tố miêu tả, biểu cảm.
- Kết thúc truyện giải thích về sự tích con trâu.
Câu 4 (trang 117 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Qua văn bản trên, em rút ra được những lưu ý gì khi viết một truyện kể sáng tạo dựa trên một truyện kể đã đọc?
Trả lời:
- Lưu ý: Sáng tạo câu chuyện phải dựa trên cốt truyện gốc, không thay đổi quá nhiều làm ảnh hưởng hoặc sai lệch hẳn cốt truyện. Các chi tiết sáng tạo phải logic, phù hợp với bối cảnh câu chuyện. Ngoài ra biết cách kết hợp các yếu tố miêu tả và biểu cảm để tăng sức hấp dẫn cho truyện kể.
* Hướng dẫn quy trình viết
Đề bài (trang 117 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Viết một truyện kể sáng tạo với đề tài tự chọn, phỏng theo một truyện đã đọc (khoảng 1000 chữ) có sử dụng các yếu tố miêu tả, biểu cảm.
Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết
- Căn cứ vào tính mở của đề bài, em có thể chọn một truyện kể, truyện phim mà em đã đọc/đã xem theo sở thích. Lưu ý các tiêu chí lựa chọn:
+ Nội dung truyện phù hợp với thuần phong mĩ tục, có ý nghĩa giáo dục.
+ Nhân vật, cốt truyện không quá phức tạp, số trang viết vừa phải,...
+ Vừa sức và thuận lợi đối với việc phát huy sự sáng tạo của bản thân.
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý
- Đọc kĩ truyện đã tìm, xác định chủ đề, đặc điểm nội dung, hình thức của truyện kể sẽ phỏng theo tóm tắt chuỗi sự kiện, nhân vật (theo dạng sơ đồ).
- Trả lời một số câu hỏi dưới đây để định hướng cho việc viết lại thành văn bản truyện kể mới:
+ Với chủ để của truyện gốc, nên phát triển, khơi sâu một khía cạnh hay nắn lại chủ để theo một hướng nào khác?
+ Cần thay đổi các yếu tố hình thức của truyện theo hướng nào? (Nên bổ sung những gì vào cốt truyện, nhân vật, bối cảnh của truyện gốc? Nên thay đổi ngôi kể, cách kể chuyện hay không?...)
+ Đọc lại truyện “Con trâu”, đối chiếu với truyện kể dân gian về “Sự tích con trâu” để học cách viết truyện mô phỏng.
- Dựa vào dàn ý ở mục Tri thức về kiểu văn bản và những nội dung đã chuẩn bị được trong khâu tìm ý để lập dàn ý.
Bước 3: Viết bài
- Viết văn bản dựa vào dàn ý đã lập; chú ý kết hợp trần thuật với miêu tả, biểu cảm.
- Lưu ý: Khi viết một truyện kể sáng tạo trên cơ sở phỏng theo một truyện đã đọc, em cần học tập cách hư cấu sáng tạo của các nhà văn.
Bài viết tham khảo:
Ngày xửa ngày xưa, thời vua Hùng Vương, đất nước ta vẫn còn hoang sơ, tuy có núi non bạt ngàn, sông dài biển rộng nhưng chưa có nhiều loại cây trái, dân ta vẫn sống chủ yếu nhờ vào việc trồng lúa. Khi ấy, Vua Hùng thứ 17 có một người con nuôi tên là Mai An Tiêm. Chàng có vóc người cao lớn, làn da rám nắng khoẻ mạnh và có một nụ cười tươi rói. Vua Hùng rất yêu quý người con nuôi này bởi chàng vừa tài giỏi lại vừa hiền lành. Bằng tài năng của mình, An Tiêm đã giúp nhân dân trồng lúa thuận lợi, không bị sâu bệnh phá hoại. Không chỉ vậy, chàng còn tìm ra cách dẫn nước cho nhân dân có đủ nước sinh hoạt và tưới tiêu cho ruộng vườn. Nhờ thế, chàng được vua cha khen ngợi và gả công chúa cho. Từ ấy, Vua Hùng càng yêu mến vợ chồng chàng, thường ban cho của ngon vật quý.
Thấy vợ chồng An Tiêm được sống sung sướng, một vài kẻ ghen ghét đã đặt điều nói xấu. Lời đồn đến tai Vua Hùng làm vua vô cùng tức giận, bèn hạ lệnh đuổi vợ chồng Mai An Tiêm ra ngoài đảo hoang tương truyền nay là vùng Nga Sơn, Thanh Hóa. Vợ chàng buồn rầu vô cùng, bảo với chồng rằng: “Ra đảo ấy cả nhà chúng ta không sống nổi mất!”. Trong tình cảnh ấy, An Tiêm không hề nản lòng, chàng an ủi vợ và chuẩn bị đồ đạc để ra ngoài đảo.
Sớm hôm sau, vua cho lính đến áp giải gia đình chàng ra cửa biển. Khi chuẩn bị lên thuyền, chàng bị binh lính thu lại hết của cải, không cho mang theo bất cứ thứ gì. Thấy vậy, An Tiêm cầu xin mãi những người lính mới cho chàng cầm theo một con dao cùn để phòng thân.
Lênh đên trên biển gần một ngày, gia đình An Tiêm mới đến được đảo hoang. Ở đây hoang sơ hẻo lánh vô cùng, không có một người nào sống tại đây, xung quanh chỉ có cây cối rậm rạp, thi thoảng lại có tiếng thú rừng kêu hoà cùng tiếng sóng vỗ. An Tiêm dắt vợ con tìm vào một hang động để ở tạm, rồi chàng vào rừng mong kiếm được chút đồ ăn nhưng chỉ có một vài quả dại chua chát và rau rừng đắng ngắt. Trải qua mấy ngày đầu gian khổ, cả gia đình chàng đã dần quen với cuộc sống ở đảo hoang. Ban ngày, chàng đi bắt cá, bẫy chim để kiếm đồ ăn. Vợ con chàng vào rừng tìm hoa quả, nhặt củi để nhóm lửa cho buổi tối tránh thú dữ. Không chỉ vậy, An Tiêm còn đi kiếm những cây gỗ lớn để dựng nhà còn vợ anh thì tìm được vài giống cây để gieo trồng lấy rau ăn. Cuộc sống của vợ chồng An Tiêm cứ thế ngày một tốt lên.
Một hôm, có một đàn quạ bay đến vườn nhà anh kêu inh ỏi. Chúng phá nát mảnh vườn nhỏ mà vợ An Tiêm cố gắng vun trồng rồi bay đi mất. Vợ chàng thấy tiếc vô cùng, bèn ra vườn rau nhặt nhạnh xem còn gì có thể ăn thì bỗng thấy rất nhiều hạt nhỏ màu đen. Thấy lạ, nàng gọi chồng ra xem thử. An Tiêm cho là giống cây quý, liền bảo vợ đem đi trồng. Ít lâu sau hạt nảy mầm, mọc thành cây bò lan ra quanh mặt đất. Chẳng mấy chốc, cây nở hoa rồi kết thành loại quả to tròn, màu xanh đậm, bổ ra bên trong ruột đỏ, hạt đen. Vợ chồng An Tiêm ăn thử thì thấy vị ngọt và thanh mát, ăn vào đỡ khát mà thấy khoẻ hẳn người ra. Từ đó, hai vợ chồng cố gắng trồng thật nhiều loại cây này để lấy làm thức ăn thêm.
Ngày nọ, có một chiếc thuyền đánh cá dạt vào đảo để tránh bão. Những người đánh cá gặp vợ chồng An Tiêm thì vui mừng vô cùng, họ xin được ở nhờ và hứa sẽ hậu tạ bằng những loài cá mà họ đã bắt được. Hai vợ chồng ở trên đảo đã lâu, nay mới lại được gặp gỡ người ngoài thì phấn khởi lắm, liền hết lòng thiết đãi những người đánh cá. Vợ An Tiêm hiếu khách bèn đem loại quả ngon ngọt mà mình trồng được ra mời khách, ai nấy ăn vào đều khen tấm tắc. Lúc thuyền đánh cá trở về, vợ chồng An Tiêm đã gửi tặng họ nhiều thức quả ngon ấy để đem về đất liền. Tiếng lành đồn xa, từ đó rất nhiều tàu cá đến hỏi mua loại quả này để đổi hàng lấy quả. Gia đình An Tiêm cũng vì thế mà có cuộc sống đầy đủ và sung túc hơn.
Ít lâu sau, loại quả này được dâng lên Vua Hùng, ngài cho người tìm hiểu mới biết là do vợ chồng An Tiêm trồng. Ngẫm lại chuyện xưa thấy mình đã trách phạt sai gia đình chàng, Vua liền hạ lệnh cho vời gọi vợ chồng chàng trở về, khôi phục lại chức vị như xưa.
Hay tin được trở lại đất liền, vợ chồng An Tiêm vui mừng khôn xiết liền thu dọn đồ đạc và cả loại quả quý để đem về trồng. Hai vợ chồng trở về, chia sẻ cho bà con cách trồng và chăm sóc giống cây ấy để thu được quả ngon. Đó cũng chính là quả dưa hấu mà chúng ta ăn ngày nay.
Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm
Đọc lại bài viết, sử dụng bảng kiểm dưới đây để tự đánh giá về kĩ năng viết một truyện kể sáng tạo. Qua đó, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm.
Bảng kiểm kĩ năng viết một truyện kể sáng tạo mô phỏng truyện đã đọc.
Tiêu chí |
Đạt |
Chưa đạt |
|
Mở đầu truyện |
Giới thiệu nhân vật/bối cảnh/ nội dung chính của câu chuyện. |
|
|
Có phần dẫn dắt lôi cuốn, thu hút sự chú ý của người đọc. |
|
|
|
Đảm bảo nội dung chính của truyện gốc. |
|
|
|
Diễn biến truyện |
Có nhân vật. |
|
|
Có cốt truyện. |
|
|
|
Sử dụn ngôi kể phù hợp. |
|
|
|
Câu chuyện được thuật lại với sự kiện, diễn biến hợp lí. |
|
|
|
Thể hiện sự sáng tạo của bản thân người viết (về nhân vật/ sự kiện/ tình huống, bối cảnh/ chi tiết...) |
|
|
|
Kết hợp lời kể với lời miêu tả, biểu cảm. |
|
|
|
Làm nổi bật sự kiện, nhân vật chính. |
|
|
|
Nội dung truyện kể có ý nghĩa, có tính giáo dục. |
|
|
|
Kết thúc truyện |
Phù hợp với diễn biến câu chuyện. |
|
|
Gây ấn tượng hoặc gợi suy nghĩ đối với người đọc. |
|
|
|
Kĩ năng sử dụng lời văn kể chuyện |
Câu văn giàu hình ảnh. |
|
|
Lời kể linh hoạt, tự nhiên. |
|
|
|
Đảm bảo dung lượng khoảng 1000 chữ. |
|
|
Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn khác:
Chuyện người con gái Nam Xương
Xem thêm các chương trình khác:
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 – Chân trời sáng tạo
- Lý thuyết Khoa học tự nhiên 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Khoa học tự nhiên 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sgk Lịch sử 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Lịch sử 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sgk Địa lí 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Địa lí 9 – Chân trời sáng tạo