Soạn bài Thúy Kiều báo ân báo oán (trang 131) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo
Với soạn bài Thúy Kiều báo ân báo oán trang 131 Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.
Soạn bài Thúy Kiều báo ân báo oán
* Chuẩn bị đọc
Câu hỏi (trang 131 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Đọc nhan đề văn bản và quan sát tranh minh họa, dự đoán nội dung văn bản.
Trả lời:
- Theo bức tranh, em đoán Thúy Kiều là người phụ nữ ngồi bề trên. Nội dung văn bản sẽ là Thúy Kiều trả nợ ân tình người đã giúp đỡ mình khi xưa, đồng thời trừng trị những kẻ đã hãm hại mình – kẻ được vẽ tư thế quỳ gối trong bức tranh.
* Trải nghiệm cùng văn bản
1. Theo dõi: Xác định những từ ngữ dùng để miêu tả khung cảnh Kiều thực hiện việc báo ân, báo oán.
Trả lời:
- Khung cảnh Kiều thực hiện việc báo ân, báo oán được miêu tả qua các từ: Trướng hùm, trung quân, tiên nghiêm, cửa viên.
2. Tóm tắt: Tóm tắt nội dung cuộc đối thoại giữa Từ Hải và Thúy Kiều (từ dòng 2 319 đến dòng 2 323).
Trả lời:
- Từ Hải để Thúy Kiều tự quyết định chuyện báo ân báo oán.
- Thúy Kiều nói với Từ Hải rằng nàng sẽ tự mình báo đáp ân tình những người giúp đỡ nàng đồng thời đáp trả lại những người lợi dụng, gây hại tới nàng.
3. Tưởng tượng: Đọc đoạn thơ từ dòng 2 327 đến dòng 2 332, em hình dung như thế nào về tâm trạng, giọng điệu của Kiều?
Trả lời:
- Trong đoạn thơ trên Kiều thể hiện tấm lòng biết ơn, trân trọng với Thúc Sinh vì có ơn cứu nàng. Kiều sử dụng các cụm từ Hán Việt “phụ lòng”, “cố nhân”, “báo ân” cùng điển tích “Sâm, Thương” bằng giọng điệu hết sức nhẹ nhàng để bày tỏ sự chân thành, tâm trạng biết ơn của mình với Thúc Sinh.
4. Suy luận: Cách dùng từ “tiểu thư” để xưng hô trong lời thoại thể hiện thái độ gì của người nói đối với người nghe?
Trả lời:
- Thúy Kiều vẫn sử dụng cách xưng hô “tiểu thư” với Hoạn Thư dù Kiều mới là kẻ ở thế bề trên đang báo oán, điều này giúp người đọc hiểu được thái độ của nàng Kiều: bằng cách nhấn mạnh lại cách tự xung hô khi trước của Hoạn Thư nàng thể hiện sự khinh miệt, mỉa mai, đạp thẳng lên danh dự cao quý mụ đàn bà ấy đã dùng để đày đọa nàng khi xưa.
5. Suy luận: Mục đích của đoạn thoại từ dòng 2 365 đến dòng 2 372 là gì? Chỉ ra những lí lẽ mà nhân vật đã sử dụng trong đoạn thoại.
Trả lời:
- Đoạn thơ trên là lời nói tự bào chữa, tự biện hộ của Hoạn Thư.
- Trong lời nói ấy Hoạn Thư đưa ra lí lẽ rằng sự ghen tuông đó cũng chỉ vì quá yêu chồng nhất là khi chồng là người đa tình năm thê bảy thiếp, là tâm lý thường có của bất kì người phụ nữ nào. Hoạn Thư cho rằng việc mình bắt Kiều chép kinh cũng chỉ muốn nàng ta dứt tình với chồng, mong nàng cảm thông vì cùng là phận đàn bà.
* Suy ngẫm và phản hồi
Nội dung chính: Sau khi được Từ Hải cứu giúp, Thúy Kiều đã được đền ơn với những người cứu giúp, trả oán cho những kẻ gây họa cho nàng. Đoạn trích là cảnh nàng Kiều báo ân, báo oán với Thúc Sinh và Hoạn Thư.
Câu 1 (trang 135 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Xác định các sự kiện chính được kể trong văn bản trên và những nhân vật gắn liền với các sự kiện ấy. Từ đó, tìm bố cục và nêu nội dung bao quát của văn bản.
Trả lời:
Nhân vật |
Sự kiện đi liền với nhân vật |
Từ Hải và Thúy Kiều |
Từ Hải cứu Thúy Kiều khỏi lầu xanh và cưới nàng làm vợ. Sau bao nhiêu cay đắng, tủi nhục, Kiều nay có thể sống an ổn và tự mình đền ơn trả oán. |
Thúy Kiều và Thúc Sinh |
Kiều thể hiện lòng biết ơn chân thành tới Thúc Sinh – người từng cứu nàng trước đây. |
Thúy Kiều và Hoạn Thư |
Kiều trừng trị Hoạn Thư – kẻ vì sự ghen tuông che mờ mắt mà ra tay đọa đày, hãm hại nàng. |
- Bố cục của đoạn trích gồm 2 phần:
+ Phần 1 – 12 câu thơ đầu: Thúy Kiều báo ân với Thúc Sinh.
+ Phần 2 – 22 câu thơ còn lại: Thúy Kiều báo oán với Hoạn Thư.
- Nội dung đoạn trích tập trung vào câu chuyện trả nợ ân tình với người cưu mang mình và trừng trị kẻ ác làm hại mình của Thúy Kiều với Thúc Sinh và Hoạn Thư.
Câu 2 (trang 135 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nhận xét về khung cảnh nơi Thúy Kiều thực hiện việc báo ân, báo oán. Việc khắc họa khung cảnh đó có ý nghĩa gì đối với cuộc đời nàng Kiều?
Trả lời:
- Khung cảnh nơi nàng Kiều thực hiện việc báo ân, báo oán được khắc họa qua các từ miêu tả “trướng hùm”, “trung quân”, “tiên nghiêm”, “cửa viên”, “cho gươm mời” cho thấy đây là nơi công đường rộng lớn, uy nghiêm. Nàng Kiều ngồi ở ghế tọa nơi phân xử, phù hợp với việc báo ân báo oán của nàng.
- Khung cảnh nơi báo ân, báo oán này hoàn toàn đối lập với những khung cảnh nàng Kiều bị hãm hại, đối xử tệ bạc trước kia. Từ một người bị đày đọa, hành hạ nay nàng đã có quyền chủ động để phản kháng, trừng trị những kẻ xấu đã hãm hại bản thân. Khung cảnh ấy cũng phần nào thể hiện tính cách của nàng: nhẹ nhàng, dịu dàng nhưng “trong nhu có cương”, vẫn mạnh mẽ để đấu tranh cho bản thân và răn đe kẻ ác ý. Không chỉ vậy khung cảnh này còn gián tiếp thể hiện niềm tin vào luật nhân – quả và khát vọng công lý của tác giả, của nhân dân trong xã hội xưa, đó là người thiện lành nhận được quả ngọt, còn kẻ độc ác sẽ phải nhận kết cục bị trừng phạt.
Câu 3 (trang 135 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Tìm một số chi tiết miêu tả hành động, ngôn ngữ của Thúy Kiều được thể hiện trong văn bản. Những chi tiết ấy cho thấy Thuý Kiều là người như thế nào?
Trả lời:
Chi tiết miêu tả hành động, ngôn ngữ |
Chi tiết thể hiện tính cách của Thúy Kiều |
Khi trả ơn Thúc Sinh: Giọng điệu nhẹ nhàng, bình tĩnh, sử dụng từ Hán Việt “nghĩa trọng nghìn non”, “há dám phụ lòng cố nhân”, “tạ ân”, sử dụng điển tích “Sâm, Thương” |
Nàng là người trọng tình, trọng nghĩa, luôn nhớ ơn người đã từng giúp đỡ mình khi xưa. |
Khi báo oán Hoạn Thư: mỉa mai thân phận của Hoạn Thư khi này ở dưới mình bằng cách xưng hô “tiểu thư”, thẳng thừng chỉ ra tội danh của ả, nhắc tới việc trừng trị những kẻ ác như Tú Bà, Sở Khanh,... |
Mạnh mẽ, quyết đoán trừng trị những kẻ hãm hại mình |
Sau cùng vẫn lựa chọn tha thứ cho Hoạn Thư |
Nhân hậu, giàu lòng vị tha, thấu hiểu lẽ đời bởi nàng biết xã hội xưa luôn áp đặt lên phận người đàn bà như nào. |
Câu 4 (trang 135 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Em có suy nghĩ gì về việc Thuý Kiều tha bổng Hoạn Thư? Sự việc ấy thể hiện nét tính cách gì của nhân vật Thúy Kiều?
Trả lời:
- Sau cùng Thúy Kiều vẫn quyết định tha thứ cho tội lỗi của Hoạn Thư. Chỉ qua chi tiết này tác giả đã khắc họa được tính cách, phẩm chất của nhân vật.
- Chi tiết này cho thấy Thúy Kiều là người vô cùng hiền hậu, có tấm lòng bao dung, cao thượng và là người con gái vô cùng thấu hiểu lẽ đời. Nàng có chút phần áy náy bởi mình là người đến sau chen giữa Thúc Sinh và Hoạn Thư, đồng thời cùng phận phụ nữ dưới chịu sự áp bức của xã hội phong kiến, Kiều hiểu được phần nào suy nghĩ và hành động của Hoạn Thư chịu cảnh chồng ghẻ lạnh, chung chồng với người khác nhưng phải nghe theo. Không chỉ vậy Thúc Sinh còn từng cứu nàng khỏi chốn đày đọa xưa, là một người trọng nghĩa nàng nể tình này mà tha bổng cho Hoạn Thư vợ Thúc Sinh, coi như báo đáp lại ân tình lúc đó một cách vẹn toàn.
Câu 5 (trang 135 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Hành động, lời nói của Hoạn Thư thể hiện điều gì về tính cách nhân vật này? Theo em, nhân vật Hoạn Thư, Từ Hải có vai trò gì trong việc thể hiện chân dung nhân vật Thúy Kiều?
Trả lời:
- Hành động, lời biện bạch của Hoạn Thư cho thấy đây là một con người khôn ngoan, có tâm địa và thủ đoạn. Trước kia nghĩ ra đủ cách hành hạ Kiều cho thỏa cơn ghen tuông. Trong khi bị xét xử ở nơi công đường, gươm đao kề cạnh nhưng Hoạn Thư vẫn không mảy may sợ sệt, vẫn bình tĩnh bao biện cho lỗi lầm của bản thân, cố gắng lôi kéo sự đồng cảm vì cùng phận đàn bà từ Thúy Kiều.
- Nhân vật Hoạn Thư và Từ Hải đều đóng vai trò quan trọng trong việc khắc họa và làm nổi bật tính cách của nhân vật Thúy Kiều:
+ Hoạn Thư là nhân vật phản diện, đối nghịch, gây ra đau khổ cho Thúy Kiều. Là nhân vật giúp bộc lộ phẩm chất tốt đẹp của Thúy Kiều: hiền hậu, có tấm lòng bao dung và thấu hiểu lẽ sống ở đời.
+ Từ Hải là người giúp Thúy Kiều thoát khỏi lầu xanh, giúp nàng có cơ hội báo ân báo oán. Sự xuất hiện của nhân vật Từ Hải khắc họa sâu hơn câu chuyện, tính cách của nàng Kiều đồng thời thể hiện khát vọng công lý của tác giả.
Câu 6 (trang 135 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Xác định chủ đề của văn bản. Căn cứ vào đâu em có thể xác định như vậy.
Trả lời:
- Chủ đề của văn bản là: Khát vọng công lý của nhân dân.
- Nội dung chính của văn bản là căn cứ xác định chủ đề. Trải qua bao gian truân, đau khổ, cuối cùng Thúy Kiều cũng có thể đền ơn những người cưu mang cứu giúp nàng và trừng trị những kẻ xấu đã đày đọa nàng vào bể khổ. Thông qua cảnh nàng Kiều báo ân báo oán ta không chỉ thấy được những phẩm chất, tính cách tốt đẹp, cao thượng của nhân vật, mà còn thấy được khát vọng của nhân dân tác giả gửi gắm, đó là khát vọng về một xã hội công bằng, nơi công lí được thực thi, con người ở hiền gặp lành, ác giả ác báo.
Câu 7 (trang 135 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Em có nhận xét gì về nghệ thuật kể chuyện bằng thơ lục bát trong văn bản Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Nguyễn Đình Chiểu) và văn bản Thúy Kiều báo ân, báo oán (Nguyễn Du)?
Trả lời:
- Nghệ thuật kể chuyện bằng thơ lục bát trong văn bản Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga và văn bản Thúy Kiều báo ân, báo oán có điểm tương đồng với nhau:
+ Cả hai đoạn trích đều bộc lộ cái tài của Nguyễn Đình Chiếu và Nguyễn Du trong việc xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại.
+ Không trực tiếp miêu tả phẩm chất, tính cách của nhân vật mà để nhân vật tự thể hiện những phẩm chất, tính cách đó thông qua hành động, lời nói, thái độ, phong thái cư xử trong từng bối cảnh của nhân vật.
+ Sử dụng các từ ngữ gợi hình gợi tả, các điển tích điển cố.
Câu 8 (trang 135 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về cách Thúy Kiều báo ân, báo oán trong văn bản trên so với cách một nhân vật trong truyện cổ dân gian (mà em biết) ứng xử với những ân oán của họ.
Trả lời:
Trong đoạn trích “Thúy Kiều báo ân báo oán” của Nguyễn Du, người đọc được chứng kiến cảnh nàng Thúy Kiều sau những tháng ngày bị đày đọa, trôi dạt khắp nơi nay đã được Từ Hải cứu giúp, nàng đã đền ơn đáp nghĩa với những người nàng mang ơn cứu giúp và trừng trị những kẻ bất nhân hãm hại nàng. Thế nhưng sau cùng nàng vẫn lựa chọn tha thứ cho Hoạn Thư, đây là điều làm nên sự khác biệt của “Truyện Kiều” và nhân vật Thúy Kiều, thể hiện tư tưởng nhân đạo, nhân văn sâu sắc của Nguyễn Du. Trong các câu chuyện cổ dân gian, việc báo ân báo oán của các nhân vật được khắc họa rất rõ nét, diễn ra ngay tức khắc với các nhân vật phản diện để răn đe con người sống thiện lương không làm điều ác, như trong “Thạch Sach” hai mẹ con Lý Thông bị sét đánh chết, mẹ con Cám trong “Tấm Cám” bị Tấm trả thù thích đáng vì hãm hại cô nhiều lần,... Việc Thúy Kiều rộng lòng tha thứ đã thể hiện phẩm chất cao thượng và sự thấu hiểu lẽ đời của nhân vật, khiến nhân vật có chiều sâu hơn, gần gũi với thực tế hơn, đồng thời thể hiện quan niệm nhân đạo của Nguyễn Du trong cách đối nhân xử thế và khát vọng công lý trong xã hội.
Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn khác:
Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
Nhân vật lí tưởng trong kết thúc của truyện cổ tích thần kì
Thực hành tiếng Việt trang 138
Xem thêm các chương trình khác:
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 – Chân trời sáng tạo
- Lý thuyết Khoa học tự nhiên 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Khoa học tự nhiên 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sgk Lịch sử 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Lịch sử 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sgk Địa lí 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Địa lí 9 – Chân trời sáng tạo