Soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương (trang 89) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo
Với soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương trang 89 Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.
Soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương
(Nam Xương nữ tử truyện)
* Chuẩn bị đọc
Câu hỏi (trang 89 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nêu một số chi tiết kì ảo trong các truyện kể dân gian mà em đã đọc và cho biết yếu tố đó thường được sử dụng trong các trường hợp nào và với mục đích gì.
Trả lời:
- Các nhân vật thuộc cõi tiên như Ngọc Hoàng, Thần, Bụt,...
+ Các nhân vật này thường có vai trò làm người giúp đỡ nhân vật chính trong truyện cổ tích khi gặp khó khăn.
+ Các nhân vật này thể hiện ước mơ của nhân dân về việc ở hiền gặp lành, người tốt sẽ luôn được giúp đỡ.
- Các đồ vật có khả năng thần kì như viên ngọc thần, gậy thần, thanh gươm quý,...
+ Các đồ vật này thường giúp đỡ nhân vật chính trong truyện tạo ra của cải vật chất hoặc là vũ khí chống lại quái vật, thú dữ.
+ Các đồ vật này cũng thể hiện ước mơ của nhân dân về một cuộc sống no đủ, yên bình, không cần phải lao động vất vả.
* Trải nghiệm cùng văn bản
1. Theo dõi: Những từ ngữ nào trong đoạn này gợi lên đặc điểm tính cách của Vũ Nương, Trương Sinh?
- Đặc điểm tính cách của Vũ Nương: tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp, giữ gìn khuôn phép.
- Đặc điểm tính cách của Trương Sinh: có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức, không có học.
2. Dự đoán: Câu nói này của bé Đản sẽ tác động thế nào đến Trương Sinh?
- Câu nói này sẽ khiến gia đình Trương Sinh tan nát bởi Trương Sinh vốn là người đa nghi, ghen tuông mù quáng. Chỉ vì câu nói này mà Trương Sinh khẳng định là Vũ Nương không chung thuỷ, lừa dối chồng con.
3. Suy luận: Đây là lời đối thoại hay độc thoại?
- Đây là lời độc thoại.
4. Suy luận: Các câu nói của bé Đản ở đoạn trên có tác dụng gì trong việc thể hiện số phận của Vũ Nương?
- Những câu nói của bé Đản ở đoạn trên đã hoá giải nỗi oan khuất của Vũ Nương, đập tan mọi nghi ngờ của Trương Sinh về vợ.
5. Theo dõi: Chú ý sự thay đổi thái độ, tình cảm của Vũ Nương trong đoạn này.
- Ban đầu, Vũ Nương không muốn quay trở về quê hương vì nghĩ rằng mình không còn mặt mũi nào. Nhưng khi Phan Lang nhắc đến tổ tiên cùng chồng, nang lại ứa nước mắt rồi quả quyết phải tìm về làng để rửa mối oan khuất cho chính bản thân mình.
6. Đánh giá: Em có nhận xét gì về cái kết của câu chuyện?
- Cái kết của câu chuyện vừa có hậu lại vừa không có hậu:
+ Có hậu là bởi Vũ Nương được rửa oan và quay trở lại gặp chồng con lần cuối.
+ Không có hậu là bởi dù có được rửa oan, Vũ Nương cũng không thể nào ở lại cùng chồng con tiếp tục cuộc sống hạnh phúc ở trần thế nữa.
* Suy ngẫm và phản hồi
Nội dung chính: Qua câu chuyện về số phận bi thảm của Vũ Nương, tác phẩm đã ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Đồng thời, thể hiện niềm xót thương, cảm thông sâu sắc đối với số phận oan trái của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến hà khắc, vô nhân đạo.
Câu 1 (trang 95 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nêu nội dung bao quát của văn bản, liệt kê các sự kiện theo diễn biến câu chuyện và cho biết các sự kiện ấy được sắp xếp theo trật tự thời gian, không gian như thế nào.
Trả lời:
- Nội dung bao quát của văn bản: Câu chuyện kể về cuộc đời đầy oan trái của Vũ Nương qua đó bộc lộ niềm cảm thương về số phận bất hạnh cũng như ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.
- Các sự kiện theo diễn biến câu chuyện:
+ Vũ Nương là một người con gái thùy mị, nết na lấy chồng là Trương Sinh có tính đa nghi, hay ghen.
+ Trương Sinh đi lính, Vũ Nương ở nhà nuôi con và chăm sóc mẹ chồng.
+ Trương Sinh trở về, nghe lời con trẻ, nghi oan cho Vũ Nương khiến nàng phải nhảy sông tự vẫn.
+ Tình cờ trò chuyện với bé Đản về cái bóng, Trương Sinh mới biết vợ mình bị oan.
+ Vũ Nương gặp Phan Lang – một người cùng làng, ở dưới thuỷ cung và nhờ Phan Lang gửi lời cho Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng.
+ Trương Sinh lập đàn giải oan bên sông, Vũ Nương trở về, ẩn hiện giữa dòng sông rồi dần biến mất.
- Các sự kiện được sắp xếp theo trình tự thời gian, sự kiện nào xảy ra trước kể trước sự việc nào xảy ra sau kể sau trong cả không gian thực (tại nhà) và không gian kì ảo (cung nước).
Câu 2 (trang 95 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Liệt kê các nhân vật trong văn bản. Xác định nhân vật chính, nhân vật phụ.
Trả lời:
- Các nhân vật trong văn bản: Vũ Nương, Trương Sinh, bé Đản, người mẹ chồng, Phan Lang, Linh Phi.
- Nhân vật chính: Vũ Nương
- Nhân vật phụ: Trương Sinh, bé Đản, người mẹ chồng, Phan Lang, Linh Phi
Câu 3 (trang 95 sgk Ngữ văn 9 Tập 1):Phân tích tính cách của nhân vật Vũ Thị Thiết. Chỉ ra điểm khác biệt trong cách ứng xử của nàng lúc còn sống với gia đình ở trần gian và khi đã về thủy phủ.
Trả lời:
Lúc còn sống với gia đình ở trần gian |
- Với mẹ chồng: Nàng là một người con dâu hiếu thảo. Khi mẹ chồng ốm, nàng hết lòng chăm sóc vừa thuốc thang vừa khấn bái thần phật. Khi mẹ chồng mất, nàng lo ma chay tế lễ như đối với cha mẹ đẻ mình. - Với chồng: Ngay từ khi cưới Trương Sinh, nàng đã luôn cố gắng giữ gìn khuôn phép, không bao giờ để vợ chồng bất hòa. Lúc chồng ra trận, nàng một lòng chung thủy ở nhà đợi chồng. Một mình nàng chăm lo cho gia đình mà không hề có một lời than oán. - Với con trai: Nàng là một người mẹ hiền, yêu thương con hết mực. Vì muốn con không phải sống trong cảnh thiếu vắng tình cha, nàng đã chỉ cái bóng trên tường và nói rằng đó là cha của bé Đản. |
Khi đã về thủy phủ |
- Gặp lại Phan Lang, nàng cảm thấy đau buồn, không còn mặt mũi nào nhưng vẫn luôn nhớ về quê hương và khát khao được gặp lại chồng con. - Nàng nhờ Phan Lang giúp đỡ mình bởi nàng muốn được xóa bỏ oan khuất, khôi phục lại danh dự cho bản thân. - Nàng là người hiểu lí lẽ, trọng chữ nghĩa nên dù mong muốn được đoàn tụ với chồng con nhưng nàng vẫn quyết ở lại với Linh Phi. |
Câu 4 (trang 95 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nêu một số nét nổi bật trong tính cách của nhân vật Trương Sinh. Những nét tính cách ấy có phải là nguyên nhân gây nên nỗi bất hạnh của Vũ Thị Thiết?
Trả lời:
- Một số nét nổi bật trong tính cách của nhân vật Trương Sinh: đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá mức, ghen tuông mù quáng, không biết suy xét đúng sai.
- Những nét tính cách này chính là nguyên nhân chủ yếu gây nên nỗi bất hạnh cho Vũ Nương. Trương Sinh từng bước đẩy Vũ Nương vào bước đường cùng, khiến nàng phải trẫm mình tự vẫn để chứng minh sự trong sạch của bản thân.
Câu 5 (trang 95 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Tìm các chi tiết kì ảo được sử dụng trong tác phẩm và nêu tác dụng của chúng trong việc thể hiện chủ để, tư tưởng của tác phẩm.
Trả lời:
- Các chi tiết kì ảo được sử dụng trong tác phẩm:
+ Phan Lang được báo mộng, đem thả rùa.
+ Phan Lang được Linh Phi cứu sống, đưa về động rùa.
+ Vũ Nương được các nàng tiên trong cung nước cứu và sống dưới thủy cung.
+ Trương Sinh lập đàn giải oan, Vũ Nương trở về giữa dòng sông lúc ẩn lúc hiện rồi từ từ biến mất.
- Tác dụng: Các chi tiết kì ảo góp phần thể hiện phần nào tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Thông qua các chi tiết này, tác giả gửi gắm ước mơ của nhân dân về công bằng, người tốt sẽ được cứu giúp và giải oan đồng thời góp phần tạo nên giá trị nhân đạo cho toàn bộ tác phẩm.
Câu 6 (trang 95 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Đọc lời thoại của các nhân vật trong văn bản và cho biết:
a. Lời nói của Vũ Thị Thiết trước khi tìm đến cái chết trên bến Hoàng Giang là đối thoại hay độc thoại? Dựa vào đâu em xác định được như vậy?
b. Các câu nói của bé Đản nói với Trường Sinh trước và sau cái chết của Vũ Thị Thiết có vai trò như thế nào đối với diễn biến của sự việc, câu chuyện?
Trả lời:
a. Lời nói của Vũ Thị Thiết trước khi tìm đến cái chết trên bến Hoàng Giang là độc thoại vì nàng nói một mình và không có lời đáp lại.
b. Các câu nói của bé Đản nói với Trường Sinh trước và sau cái chết của Vũ Thị Thiết có vai trò vừa tạo nút thắt lại vừa mở nút thắt cho câu chuyện:
+ Trước khi Vũ Nương chết: chính lời nói của bé Đản là nguồn cơn tạo nên bi kịch cho cuộc đời Vũ Nương. Lời nói ấy khiến Trương Sinh hoài nghi, đổ oan cho vợ và khiến nàng phải trẫm mình tự vẫn.
+ Sau khi Vũ Nương qua đời: Lời nói của bé Đản lại mở nút thắt cho câu chuyện, khiến Trương Sinh biết mình đã nghi oan cho vợ, nỗi oan khuất của Vũ Nương được xóa bỏ.
Câu 7 (trang 96 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Những dấu hiệu nào giúp em nhận biết Chuyện người con gái Nam Xương là truyện truyền kì?
Trả lời:
- Những dấu hiệu giúp em nhận biết Chuyện người con gái Nam Xương là truyện truyền kì:
+ Không gian kì ảo: dưới thủy cung
+ Nhân vật có yếu tố kì ảo: Linh Phi – vợ vua biển Nam Hải
+ Cốt truyện có yếu tố kì ảo: Phan Lang được báo mộng, đem thả rùa; Phan Lang được Linh Phi cứu sống, đưa về động rùa; Vũ Nương được các nàng tiên trong cung nước cứu và sống dưới thủy cung; Trương Sinh lập đàn giải oan, Vũ Nương trở về giữa dòng sông lúc ẩn lúc hiện rồi từ từ biến mất
Câu 8 (trang 96 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Lời bình ở cuối truyện về Vũ Thị Thiết có đoạn: “Nếu không được trời xét tâm thành, nước không làm hại, thì xương hoa vóc ngọc, đã chôn vào họng cá nơi lòng sông, còn đâu được lại thông tin tức để nết trinh thuần được nhất nhất bộc bạch ra hết.” Em có đồng ý với lời bình trên không? Vì sao? Qua nhân vật Vũ Thị Thiết, em hiểu thêm điều gì về số phận của người phụ nữ trong một xã hội đề cao nam quyền?
Trả lời:
- Em đồng ý với lời bình trên bởi nó đã bộc bạch hết nỗi lòng của người con gái phải chịu tủi nhục vô cùng. Nàng sống không thẹn với lòng, không thẹn với đời nhưng cuộc đời lại đẩy nàng vào bước đường cùng, chỉ có trời xanh mới có thể chứng giám cho sự thanh bạch của nàng.
- Qua nhân vật Vũ Thị Thiết, em càng cảm nhận được sâu sắc hơn nỗi thống khổ của những người phụ nữ trong xã hội xưa. Họ bị lễ giáo phong kiến trói buộc, bị chế độ nam quyền đè nén, áp bức đến đường cùng. Trong xã hội ấy, người phụ nữ thân cô thế cô, phải chịu nhiều bất công, tủi tuy vậy họ vẫn giữ được những phẩm chất cao đẹp như tần tảo, chịu thương chịu khó cùng lòng thủy chung son sắt.
Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn khác:
Thực hành tiếng Việt trang 109
Xem thêm các chương trình khác:
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 – Chân trời sáng tạo
- Lý thuyết Khoa học tự nhiên 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Khoa học tự nhiên 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sgk Lịch sử 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Lịch sử 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sgk Địa lí 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Địa lí 9 – Chân trời sáng tạo