Soạn bài Nhớ rừng (trang 120) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo

Với soạn bài Nhớ rừng trang 120 Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 120 21/11/2024


Soạn bài Nhớ rừng

* Chuẩn bị đọc

Câu hỏi (trang 120 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Theo em, trong những trường hợp nào, con người cảm thấy nhớ nhung và thương tiếc quá khứ của mình? Hãy chia sẻ câu trả lời của em với các bạn.

Trả lời:

- Em nghĩ rằng có nhiều lý do khiến con người ta thường hay nhớ về quá khứ và có cảm giác nuối tiếc, thương nhớ:

+ Khi cảm thấy cô đơn, lạc lõng: Nếu xung quanh ta không có ai để chia sẻ, cảm giác cô đơn, lạc lõng dễ khiến ta nhớ về những mối quan hệ thân thiết, những địa điểm gắn bó với những kỉ niệm đẹp trong quá khứ và ước giá như thời gian có thể quay trở lại.

+ Khi đối diện với những thay đổi lớn, phải từ bỏ những gì thân thuộc: Khi cuộc sống có những chuyển biến hoàn toàn khác với những gì ta biết từ trước, những biến cố khiến ta phải từ bỏ cái xưa cũ, con người thường nhìn lại quá khứ để tìm lại cảm giác quen thuộc.

+ Tuổi tác: Tuổi ngày càng cao, sức khỏe giảm sút, con người ta thường có xu hướng dành nhiều thời gian để hồi tưởng về quá khứ, nhớ về tuổi trẻ, về những ước mơ, đôi chút nhớ nhung và tiếc nuối những cơ hội mình chưa thể thực hiện.

* Trải nghiệm cùng văn bản

1. Theo dõi: Chú ý những chi tiết thể hiện cảnh ngộ và tâm trạng trong hiện tại của con hổ.

Trả lời:

- Những chi tiết thể hiện cảnh ngộ và tâm trạng trong hiện tại của con hổ:

+ Hành động “gậm”, “nằm dài” trong cũi sắt, “trông ngày tháng dần qua”.

+ Miêu tả: “một khối căm hờn”, “khinh lũ người kia”, “sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm”.

2. Tưởng tượng: Em hình dung thế nào về cuộc sống “những ngày xưa” của con hổ trong đoạn thơ này?

Trả lời:

- Thông qua các chi tiết, cụm từ miêu tả em có thể hình dung cuộc sống đầy tự do tự tại, thỏa sức tung hoành, mang tâm thế của kẻ làm chủ rừng xanh của con hổ khi xưa: Tận hưởng cảnh núi rừng; những bước chân “dõng dạc, đường hoàng” và ánh mắt sáng quắc săn mồi không hề e sợ bóng đêm; tự nhận “ta là chúa tể muôn loài”.

3. Suy luận: Cách thể hiện nỗi “nhớ rừng” của con hổ trong đoạn thơ này có gì khác so với các đoạn thơ trước?

Trả lời:

- Trong khổ thơ 1, nỗi nhớ rừng của con hổ thể hiện qua tâm trạng u uất, đau khổ, căm hờn khi chịu cảnh giam giữ, còn khổ thứ 2 nỗi nhớ thể hiện qua hồi tưởng về cảnh núi rừng.

- Trong khổ thứ 3 này nỗi nhớ rừng ấy thể hiện mãnh liệt hơn, sâu sắc hơn, và thể hiện trực tiếp thông qua những ký ức, kỉ niệm đẹp về quá khứ tung hoành khắp khu rừng.

4. Suy luận: Các dòng thơ: - Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?, - Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi! gợi cảm xúc gì của con hổ?

Trả lời:

- Hai dòng thơ là hai câu cảm thán cho thấy tâm trạng, cảm xúc được bộc lộ một cách mãnh liệt và trực tiếp, đó là nỗi nhớ rừng, nhớ về thời còn tự do huy hoàng khi xưa của con hổ.

* Suy ngẫm và phản hồi

Nội dung chính: Thông qua hình ảnh con hổ trong cảnh cầm tù và nỗi nhớ rừng, nhớ về quá khứ tự do tung hoành, tác giả đã khắc họa sự đau khổ, u uất của tầng lớp thanh niên yêu nước trước tình cảnh đất nước ta bấy giờ bị thực dân đô hộ, kìm hãm, thể hiện khát vọng giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Soạn bài Nhớ rừng (trang 120) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Câu 1 (trang 122 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Giải thích hoàn cảnh và lí do “nhớ rừng” của con hổ trong văn bản.

Trả lời:

- Hoàn cảnh của con hổ: Bị bắt nhốt trong cũi sắt của một vườn bách thú.

- Lí do “nhớ rừng” của con hổ:

+ Mất hết tự do, trở thành thứ đồ chơi cho con người nhìn ngắm, chỉ trỏ, không còn được tung hoành khắp nơi.

+ Hổ được mệnh danh là “chúa sơn lâm” nhưng nay phải chịu ngang hàng với những loài vật tầm thường khác.

+ Con hổ chán ghét những khung cảnh thiên nhiên nhân tạo, giả dối, thua kém so với những cảnh đẹp hùng vĩ, tráng lệ nó từng ngắm nhìn khi xưa.

Câu 2 (trang 122 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Phân tích tâm trạng của con hổ trong đoạn 1, 2 và trả lời các câu hỏi:

a. Cuộc sống trong “những ngày xưa” ở chốn đại ngàn và cuộc sống hiện tại trong vườn bách thú của con hổ có những điểm gì khác biệt; sự khác biệt đó được thể hiện bằng hình thức nghệ thuật như thế nào?

b. Qua nỗi “nhớ rừng”, con hổ đã bày tỏ niềm yêu quý và khinh ghét những gì?

Trả lời:

a.

Cuộc sống “những ngày xưa”

Cuộc sống hiện tại

- Tự do, oanh liệt, mang dáng dấp bậc đế vương chốn rừng xanh.

- Tác giả sử dụng các tính từ, động từ mạnh để miêu tả: “tung hoành”, “hống hách”, “dõng dạc”, “đường hoàng”, “lượn tấm thân”, “mắt thần khi đã quắc”, “ta là chúa tể muôn loài”.

- Tù túng, chật hẹp, xếp ngang hàng với những giống loài tầm thường khác.

- Các tính từ, động từ miêu tả: “gậm một khối căm hờn”, “nằm dài”, “trông ngày tháng dần qua”, “bị nhục nhằn tù hãm”, “chịu ngang bầy”, “sống mãi trong tình thương nỗi nhớ”.

Không gian núi rừng vô cùng rộng lớn, bao la, hùng vĩ: “bóng cả, cây già”, “tiếng gió gào ngàn”, “giọng nguồn thét núi”, “chốn thảo nguyên không tên, không tuổi”.

Không gian bé nhỏ, giả tạo: đối mặt với “lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ”, “giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm”, khung cảnh trong cũi sắt “tầm thường, giả dối” chỉ là thứ học đòi thấp kém so với cảnh rừng xanh.

b.

- Con hổ thông qua cảm xúc “nhớ rừng” đã bày tỏ niềm yêu quý và sự khinh ghét:

+ Nó luôn yêu mến khung cảnh thiên nhiên bao la rộng lớn, những chốn thảo nguyên bạt ngàn với cây cao bóng cả, tiếng gió rít, tiếng sông suối chảy qua; yêu cảm giác được làm kẻ ngự trị muôn loài, là chúa sơn lâm được tự do vùng vẫy bốn phương.

+ Nó căm ghét, khinh miệt những cảnh vật dựng lại chốn sơn lâm một cách vụng về, tầm thường, xấu xí; ghét những con người ngạo mạn – những kẻ bắt nhốt nó, “giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm”; chán ghét sự tù túng, ngột ngạt, quanh quẩn nơi cũi sắt không thể tung hoành.

Câu 3 (trang 122 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Phân tích nghệ thuật miêu tả bức tranh đại ngàn và thể hiện cảm xúc của con hổ trong đoạn 3.

Trả lời:

- Nghệ thuật miêu tả bức tranh đại ngàn:

+ Trong đoạn thơ thứ 3, cảm xúc đẩy lên, nỗi nhớ rừng của con hổ được bộc lộ trực tiếp.

+ Con hổ nhớ về khung cảnh núi rừng đại ngàn, hùng vĩ, tráng lệ khi còn được tự do vùng vẫy. Nhà thơ đã khắc họa những khung cảnh đó bằng nghệ thuật miêu tả vô cùng đặc sắc.

+ “Những đêm vàng bên bờ suối” là cảnh ánh trăng soi rọi, dát vàng dòng suối. “Những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn” là cảnh những cơn mưa rào ập xuống nơi núi rừng tạo ra âm thanh ào ào vang dội tựa như rung chuyển vạn vật. “Bình minh cây xanh nắng gội”, “tiếng chim ca” diễn tả khung cảnh buổi bình minh sớm mai khi ánh sáng phủ lên từng tán cây, từng ngóc ngách khu rừng, tiếng chim ca như chào đón và tôn vinh vị chúa sơn lâm. “Những chiều lênh láng máu sau rừng”, “mảnh mặt trời gay gắt” là cảnh hoàng hôn khi mặt trời lặn để lại những vệt sáng đỏ tựa màu máu, hay cũng có thể đây là cảnh hổ đi săn con mồi của nó.

+ Bằng cách lựa chọn chi tiết tiêu biểu, cách sử dụng từ gợi hình, gợi cảm, khung cảnh nơi đại ngàn hiện lên như bức tranh, đoạn thơ đã gom lại hết những gì đẹp nhất, độc đáo nhất của thiên nhiên núi rừng, tạo nên bức tranh tứ bình tráng lệ, lộng lẫy. Và trong khung cảnh đó tầm vóc và tư thế con hổ cũng hoàn toàn tương xứng.

- Cảm xúc của con hổ:

+ Điệp ngữ “ta say, ta lặng ngắm, ta đợi chết” nhấn mạnh vị thế kẻ thống trị, cao hơn một bậc so với muôn loài của con hổ, xứng danh chúa sơn lâm.

+ Cụm từ miêu tả” lặng ngắm giang sơn ta đổi mới”, “ta chiếm lấy riêng phần bí mật” với biện pháp nhân hóa càng thể hiện rõ tâm trạng và tư thế của con hổ, tựa như một vị vua cai trị đang trên đỉnh cao tự do, tung hoành bốn phương không chút e dè, sợ hãi dù cho màn đêm buông xuống.

+ Bên cạnh sự tự do, uy nghiêm, không hề sợ hãi bất cứ gì của con hổ khi xưa là cảm xúc tiếc nuối và nhớ nhung ở hiện tại, thể hiện qua điệp từ “còn đâu”, cùng câu hỏi tu từ “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?”. Con hổ luôn mang nỗi nhớ rừng tha thiết và cả những tiếc nuối về quá khứ huy hoàng của một vị chúa tể, sự đau xót khi nhận ra bản thân chẳng được tự do như xưa nữa.

Câu 4 (trang 122 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Ẩn sau nỗi nhớ của con hổ là nỗi nhớ của ai? Theo đó, “nhớ rừng” thực chất là nhớ về những điều gì?

Trả lời:

- Ẩn sau nỗi nhớ rừng của con hổ chính là cảm xúc, là nỗi nhớ của nhà thơ Thế Lữ và của những thế hệ thanh niên yêu nước.

- Dựa vào hoàn cảnh sáng tác bài thơ, có thể thấy “nhớ rừng” thực chất là cách viết ẩn ý cho nỗi nhớ của tác giả và các thanh niên tri thức yêu nước đang đấu tranh vì độc lập dân tộc. Họ nhớ về quá khứ vàng son, hùng mạnh, phát triển và tự do của đất nước ta khi xưa, nay phải chịu sự chèn ép, bóc lột nặng nề của bọn thực dân xâm lược.

Câu 5 (trang 122 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Hình tượng con hổ “nhớ rừng” trong bài thơ được xây dựng bằng biện pháp nghệ thuật nào? Việc sử dụng biện pháp nghệ thuật đó có tác dụng như thế nào?

Trả lời:

- Hình tượng con hổ “nhớ rừng” được nhà thơ khắc họa bằng nhiều biện pháp nghệ thuật khác nhau: phép so sánh, liệt kê, nhân hóa, ẩn dụ, điệp từ, điệp cấu trúc câu.

- Các biện pháp nghệ thuật trên có tác dụng:

+ Con hổ có những suy nghĩ, cảm xúc tựa con người, giúp thể hiện nội dung và ý nghĩa bài thơ một cách sâu sắc hơn.

+ Khắc họa nỗi nhớ rừng da diết của con hổ: nỗi nhớ cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nhớ những ngày tháng tự do, oai hùng xứng danh chúa tể rừng xanh, từ đó càng bộc lộ rõ tâm trạng u uất, đau khổ khi lâm vào cảnh giam nhốt tù túng và khát khao được tự do, được trở về những năm tháng vùng vẫy khi xưa.

+ Là hình tượng tác giả mượn lời để thể hiện cảm xúc của cá nhân và những cảm xúc dành cho tình cảnh Tổ quốc lúc bấy giờ.

Câu 6 (trang 122 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Nêu chủ đề, cảm hứng chủ đạo và thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc.

Trả lời:

Chủ đề

Khát vọng tự do

Cảm hứng chủ đạo

Tình yêu quê hương, đất nước, cảm xúc trước tình cảnh đất nước.

Thông điệp

Mượn hình ảnh con hổ bị cầm tù và nỗi nhớ rừng, nhớ về quá khứ huy hoàng của nó mà thể hiện tâm trạng yêu nước khát vọng tự do, độc lập của tác giả và nhân dân.

Câu 7 (trang 122 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Phát biểu cảm nhận của em về cách xưng hô và tình cảm, cảm xúc của con hổ qua âm điệu của thể thơ tám chữ trong bài thơ.

Trả lời:

- Cách xưng hô: Con hổ tự xưng là “ta”. Đây là cách xưng hô phù hợp, cho thấy vị thế chúa sơn lâm của con hổ chốn đại ngàn, sự kiêu ngạo, đường hoàng cai trị muôn loài của một vị vua thật sự.

- Âm điệu của thể thơ tám chữ thể hiện cảm xúc và tâm trạng của con hổ:

+ Sự giận dữ, đau khổ, u uất khi mất đi vị thế, bị giam giữ nơi cũi sắt bé nhỏ, tù túng.

+ Nỗi nhớ khôn nguôi về núi rừng hùng vĩ và quá khứ tung hoành khắp thảo nguyên.

+ Khát vọng được trả lại tự do.

Câu 8 (trang 122 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Kẻ bảng sau vào vở, nêu một trong những biểu hiện về sự phù hợp giữa các yếu tố hình thức (thể thơ, hình ảnh, từ ngữ, biện pháp tu từ, vần, nhịp) trong việc biểu đạt nội dung của văn bản:

Yếu tố hình thức

Đặc điểm

Sự phù hợp trong biểu đạt nội dung

Thể thơ

Các dòng thơ tám chữ gieo vần thành từng cặp liên tiếp

Phù hợp để biểu đạt...

Hình ảnh, từ ngữ

Biện pháp tu từ

Vần, nhịp

Trả lời:

Yếu tố hình thức

Đặc điểm

Sự phù hợp trong biểu đạt nội dung

Thể thơ

Các dòng thơ tám chữ gieo vần thành từng cặp liên tiếp.

Phù hợp để biểu đạt cảm xúc giận dữ, u uất của con hổ khi mất đi tự do.

Hình ảnh, từ ngữ

Hình ảnh thơ phong phú, lựa chọn kĩ lưỡng, từ ngữ gợi hình, gợi cảm phù hợp với từng miêu tả về cảm xúc và nỗi nhớ của con hổ.

Cảnh thiên nhiên nơi rừng núi đại ngàn được khắc họa hùng vĩ, tráng lệ, tựa như bức tranh tứ bình. Thể hiện vị thế uy nghiêm, tung hoành của chúa sơn lâm.

Biện pháp tu từ

Biện pháp ẩn dụ, nhân hóa, so sánh, điệp từ ngữ, câu hỏi tu từ, câu cảm thán,...

Tâm trang đau đớn, nỗi nhớ khôn nguôi về những năm tháng xưa vẫy vùng. Mượn lời hổ để thể hiện cảm xúc của tác giả về đất nước.

Vần, nhịp

Sử dụng vần bằng, vần trắc, vần liền; nhịp thơ trầm bổng

Thể hiện thái độ, cảm xúc của con hổ: u ất, nhớ rừng da diết và muốn tự do.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn khác:

Tri thức Ngữ Văn trang 119

Mùa xuân chín

Kí ức tuổi thơ

Thực hành tiếng Việt trang 128

Sông Đáy

Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử

Trình bày ý kiến về một sự việc có tính thời sự; nghe và nhận biết tính thuyết phục của một ý kiến

Ôn tập trang 138

1 120 21/11/2024