Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 138 lớp 9 Tập 1 - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo

Với soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 138 Tập 1 Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 23 20/11/2024


Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 138 Tập 1

Câu 1 (trang 138 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Xác định điển tích, điển cố và nêu tác dụng của việc sử dụng điển tích, điển cố trong các trường hợp sau:

a.

Trướng hùm mở giữa trung quân,

Từ Công sánh với phu nhân cùng ngồi.

Tiên nghiêm, trống chửa dứt hồi,

Điểm danh trước dẫn chực ngoài cửa viên.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

b.

Cho gươm mời đến Thúc lang,

Mặt như chàm đổ, mình dường dẽ run.

Nàng rằng: “Nghĩa trọng nghìn non,

Lâm Tri người cũ, chàng còn nhớ không?

Sâm, Thương chẳng vẹn chữ tòng,

Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân?

Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân.

Tạ lòng dễ xứng, báo ân gọi là. [...]”

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Trả lời:

Điển tích, điển cố

Tác dụng

a.

“Trướng hùm”: người xưa dùng da hùm để làm màn che nơi chủ soái và tướng lĩnh họp bàn, nên cụm từ trên được dùng chỉ nơi bàn ngồi phân xử của Thúy Kiều và Từ Hải

Khắc họa sự uy nghiêm, phong thái của Kiều và Từ Hải nơi công đường báo ân báo oán cho nàng Kiều.

b.

Điển tích “Sâm, Thương”: dùng hình ảnh sao Sâm sao Thương để mô tả tình cảnh cách biệt không thể gặp nhau.

Sự chia cách giữa Thúc Sinh và Thúy Kiều

Câu 2 (trang 139 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Dùng từ điển để tra cứu nghĩa của các thành ngữ dưới đây và cho biết các thành ngữ này gắn với điển tích, điển cố nào.

a. Lá thắm chỉ hồng

b. Tái Ông thất mã

c. Ngưu lang Chức nữ

Trả lời:

a. Lá thắm chỉ hồng

- Lá thắm: Từ chữ “diệp hồng”. Vu Hựu đời Đường bắt được chiếc lá đỏ trôi trên ngòi nước từ cung vua chảy ra, trên lá có đề một bài thơ. Vu Hựu bèn để lại hai câu thơ vào chiếc lá đỏ khác, rồi đem thả nơi đầu ngòi nước, cho trôi vào cung vua. Hàn thị, người cung nữ thả lá khi trước, lại bắt được lá đỏ của Vu Hựu. Về sau Vu Hựu lấy Hàn thị, thấy chiếc lá có bài thơ của mình trong hộp đồ trang sức của vợ. Chàng lấy chiếc lá thắm khi xưa đưa cho Hàn Thị xem. Hai vợ chồng hết sức ngạc nhiên trước sự ngẫu nhiên hiếm có này.

- Chỉ hồng: Do chữ xích thằng (sợi dây đỏ). Vi Cố đời Đường gặp một ông già ngồi mở túi vải, kiểm sổ sách. Vi Cố hỏi, ông già trả lời: Đây là sổ sách hôn nhân, và chiếc túi vải này đựng những dây đỏ (xích thằng) dùng để buộc chân đôi vợ chồng. Cụ phán rằng số chàng phải lấy một cô bé thường theo mẹ bán rau ở chợ. Sau này chàng lấy vợ là con một vị quan, mới biết rằng vợ mình xưa là cô bé bán rau, sau trở thành con nuôi của viên quan nọ.

- Đây là điển tích chỉ mối nhân duyên vợ chồng gắn bó, đã định sẵn phải duyên phải kiếp với nhau.

b. Tái Ông thất mã

- Xưa kia có một ông lão tên Tái Ông rất giỏi nuôi ngựa. Một ngày nọ con ngựa quý của ông bất ngờ chạy mất. Hàng xóm láng giềng ai cũng tiếc nuối cho ông nhưng Tái Ông lại bình tĩnh nói: "Có lẽ đây chưa hẳn đã là điều xấu". Quả nhiên, một thời gian sau, con ngựa trở về dẫn theo một bầy ngựa hoang khác, Tái Ông trở nên giàu có. Niềm vui chưa được bao lâu thì con trai của ông lại bị ngựa đá gãy chân. Tái Ông vẫn bình tĩnh: "Có lẽ đây cũng chưa hẳn đã là điều xấu". Và đúng như ông dự đoán, đất nước xảy ra chiến tranh, tất cả thanh niên trai tráng trong làng phải tòng quân, hầu hết đều tử trận. Chỉ có con trai ông vì bị thương nên được ở nhà và thoát chết.

- Đây là điển tích mang ý nghĩa về sự biến đổi khôn lường của vận mệnh, may – rủi là điều bất ngờ, khó đoán.

c. Ngưu lang Chức nữ

- Ngưu Lang, một chàng trai chăn trâu nghèo khổ đem lòng yêu nàng Chức Nữ, một tiên nữ xinh đẹp tài hoa. Tuy nhiên, mối tình của họ bị Ngọc Hoàng phát hiện và ngăn cấm, cả hai chỉ gặp lại nhau mỗi năm vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch (ngày Thất tịch).

- Đây là điển tích thể hiện sự chung thủy, sắt son trong tình yêu đôi lứa.

Câu 3 (trang 139 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Kể tên một tác phẩm văn học viết bằng chữ Nôm mà em biết. Chỉ ra ít nhất một từ ngữ hoặc hình ảnh mà em thích trong tác phẩm ấy và giải thích lí do em lựa chọn từ ngữ/ hình ảnh như vậy.

Trả lời:

- “Truyện Kiều” là tác phẩm văn học chữ Nôm nổi tiếng.

- Một hình ảnh vô cùng độc đáo trong tác phẩm chính là cách Nguyễn Du miêu tả nét đẹp của Thúy Vân: “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”. Sách “Cổ tướng thư” có ghi: “"Diện như mãn nguyệt, mi nhược ngoạ tàm" nghĩa là “Mặt như vầng trăng tròn, lông mày tựa con ngài nằm ngang”, người xưa coi những phụ nữ có tướng mặt như vậy là người hiền lành, phúc hậu, hưởng cuộc sống yên bình, dù có gia biến hay loạn lạc cũng không phải chịu nhiều đau khổ. Nguyễn Du mượn điển cố này vừa miêu tả vẻ đẹp chuẩn mực của nàng Vân vừa ẩn ý về số phận, tương lai bình an của nàng.

Câu 4 (trang 139 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Xác định thành ngữ có trong đoạn trích sau và cho biết hiệu quả của việc sử dụng (những) thành ngữ này:

Vợ chàng quỷ quái, tinh ma,

Phen này kẻ cắp, bà già gặp nhau!

Kiến bò miệng chén chưa lâu.

Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa!

(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Trả lời:

- Thành ngữ được sử dụng trong đoạn trích trên: “quỷ quái tinh ma”, “kẻ cắp bà già”, “kiến bò miệng chén”.

- Tác dụng: Cả ba thành ngữ trên đều mang nghĩa chỉ hành vi hãm hại, đày đọa người khác rồi cũng sẽ nhận lại hình phạt thích đáng. Ba thành ngữ này giúp diễn đạt hành động Kiều trừng trị Hoạn Thư vì những tội ác do mụ gây ra, đều là do gieo nhân nào gặt quả đấy.

Câu 5 (trang 139 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nêu tác dụng của việc sử dụng từ Hán Việt trong ngữ liệu b, bài tập 1.

Trả lời:

- Trong ngữ liệu trên, khi đối đáp với Thúc Sinh, Kiều sử dụng rất nhiều từ Hán Việt: “nghĩa trọng nghìn non”, “phụ lòng”, “cố nhân”, “tạ lòng”, “báo ân”.

- Tác dụng: Việc sử dụng nhiều từ Hán Việt đã khắc họa rất rõ tấm lòng biết ơn sâu sắc của nàng Kiều với Thúc Sinh – người năm xưa từng cứu nàng khỏi lầu xanh. Ơn cứu mạng đó nàng luôn giữ trong lòng và mong có ngày báo đáp lại chàng thư sinh ấy. Đây cũng là nghệ thuật miêu tả của tác giả về phẩm chất cao đẹp của nhân vật: trọng tình trọng nghĩa, lễ phép, luôn giữ đúng chuẩn mực đạo đức của xã hội.

1 23 20/11/2024