Soạn bài Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử (trang 133) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo
Với soạn bài Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử trang 133 Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.
Soạn bài Viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử
* Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản
Văn bản: Bài văn thuyết minh về Lăng Ông Bà Chiểu
Câu 1 (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Xác định bố cục của bài viết và nội dung chính của từng phần.
Trả lời:
Bài viết có bố cục gồm 3 phần:
Bố cục |
Nội dung chính |
Mở bài |
Khái quát về di tích Lăng Ông Bà Chiểu. |
Thân bài |
Giới thiệu thông tin về di tích: Các khu trong di tích, giá trị lịch sử của di tích. |
Kết bài |
Đánh giá chung và kêu gọi tham quan khu di tích. |
Câu 2 (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Chỉ ra các cách trình bày thông tin trong bài viết và tác dụng của việc sử dụng kết hợp các cách trình bày ấy.
Trả lời:
- Cách trình bài thông tin trong bài viết vô cùng mạch lạc, logic, và có sự liên kết: giới thiệu chung sau đó giới thiệu thông tin chi tiết, đưa ra đánh giá kết luận và ý nghĩa. Các đầu mục được nêu ra rõ ràng và in đậm.
Câu 3 (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Người viết sử dụng loại phương tiện phi ngôn ngữ nào? Em có nhận xét gì về vai trò của phương tiện này?
Trả lời:
- Trong bài viết, người viết sử dụng phương tiện hình ảnh là phương tiện phi ngôn ngữ.
- Vai trò của phương tiện hình ảnh: Hình ảnh minh họa cho thông tin trong bài, giúp người đọc dễ hiểu, dễ nhớ về thông tin được nêu ra.
Câu 4 (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Người viết đã thuyết minh chi tiết về (những) yếu tố nào trong quần thể di tích? Từ đó, em rút ra lưu ý gì về cách lựa chọn, trình bày thông tin đối với kiểu bài thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay một di tích lịch sử?
Trả lời:
- Trong quần thể di tích người viết chọn thuyết minh những chi tiết:
+ Nhà bia
+ Phần mộ
+ Khu miếu thờ
- Lưu ý về cách lựa chọn, trình bày thông tin đối với kiểu bài thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay một di tích lịch sử:
+ Các thông tin cần được trình bày logic, mạch lạc, đi từ khái quát tới giới thiệu chi tiết.
+ Lựa chọn giới thiệu chi tiết tiêu biểu, ấn tượng, mang giá trị của danh lam thắng cảnh hay di tích đó.
+ Sử dụng thêm hình ảnh, hình vẽ, sơ đồ - các phương tiện phi ngôn ngữ để minh họa giúp thông tin dễ hiểu, dễ nhớ.
Câu 5 (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Xác định yếu tố miêu tả, biểu cảm (nếu có) được sử dụng trong bài viết và nêu tác dụng của việc sử dụng kết hợp các yếu tố ấy?
Trả lời:
Yếu tố miêu tả |
Yếu tố biểu cảm |
Các câu văn miêu tả cảnh Lăng Ông Bà Chiểu: - “Bao quanh Lăng là một bức tường vàng chạy dài khoảng 500m” - “Cả hai mộ được đặt song song, có hình dạng giống nhau, như hai con rùa nằm úp trên bệ lớn hình chữ nhật” - “Mỗi gian điện thờ nằm cách nhau một khoảng sân lộ thiên, được gọi là sân thiên tỉnh (giếng trời). Công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc miếu thờ thời nhà Nguyễn nhờ được chạm khắc gỗ, đá, khảm sành sứ tinh xảo. Hai màu sắc chủ đạo của khu vực này là đỏ và vàng” |
Các câu văn thể hiện tình cảm của người viết với Lăng Ông Bà Chiểu: - “Tất cả những yếu tố đó đã làm nên sức hấp dẫn và vẻ đẹp cổ kính của khu miếu thờ” - “Di tích không chỉ mang giá trị tinh thần đối với người dân thành phố mà còn là một điểm đến hấp dẫn với những người yêu lịch sử, văn hóa và kiến trúc truyền thống Việt Nam.” |
- Tác dụng: Việc sử dụng yếu tố miêu tả và yếu tố biểu cảm giúp bài viết trở nên hấp dẫn và sinh động hơn, tránh khô khan, khơi gợi cảm xúc với người đọc; minh họa rõ hơn cho thông tin và giá trị lịch sử của khu di tích.
* Hướng dẫn quy trình viết
Đề bài (trang 133 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Hưởng ứng tuần lễ văn hoá - du lịch do Sở Du lịch địa phương tổ chức, lớp em thực hiện một trang thông tin giới thiệu về những điểm đến của quê hương. Em hãy viết bài văn thuyết minh (khoảng 600 chữ) giới thiệu một di tích lịch sử của quê hương.
Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết
- Để bài viết đạt hiệu quả giao tiếp, em cần xác định:
+ Yêu cầu của đề bài này là gì?
+ Mục đích viết bài này và đối tượng người đọc.
- Để thu thập tư liệu cho bài viết, em hãy:
+ Tìm đọc tư liệu về di tích lịch sử địa phương trên Internet hoặc từ các tạp chí/ sách báo chuyên ngành, phim tư liệu, chương trình truyền hình về lịch sử, văn hóa địa phương,... Chọn lọc những thông tin thể hiện nét độc đáo, đặc sắc, tiêu biểu của di tích lịch sử về mặt kiến trúc hoặc giá trị lịch sử, văn hóa.
+ Tìm sơ đồ, bảng biểu, hình ảnh minh họạ,... liên quan đến di tích lịch sử.
+ Kiểm chứng tính xác thực của thông tin bằng cách tham khảo tư liệu gốc hoặc tư liệu từ các nguồn chính thống để đảm bảo tính chính xác.
+ Đến tham quan di tích lịch sử định thuyết minh để thu thập những thông tin mới nhất về di tích (nếu có thể).
+ Ghi đầy đủ nguồn của thông tin để tra cứu.
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý
- Sử dụng Phiếu thu thập thông tin về danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử ở Bài 3 để tìm ý. Đối với bài viết này, cần xác định được (những) thông tin quan trọng thể hiện nét độc đáo, đặc sắc, tiêu biểu của di tích lịch sử để tạo điểm nhấn cho nội dung thuyết minh.
- Lập dàn ý dựa trên sơ đồ dàn ý đã được trình bày ở Bài 3.
Bước 3: Viết bài
Triển khai bài viết dựa trên dàn ý. Khi viết, cần chú ý:
- Đảm bảo cấu trúc ba phần của bài viết, đặt nhan đề, giới thiệu tên di tích lịch sử.
- Có thể sử dụng hệ thống đề mục để làm nổi bật thông tin thuyết minh.
- Thuyết minh chi tiết một số thông tin quan trọng, thể hiện được nét độc đáo của khu di tích lịch sử, tạo điểm nhấn cho bài viết.
- Kết hợp các yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm,... để tăng sự hấp dẫn; kết hợp nhiều cách trình bầy thông tin.
- Kết hợp các phương tiện phi ngôn ngữ (hình ảnh, sơ đồ, bảng biểu,...) nhằm làm rõ thông tin.
Bài viết tham khảo:
Nằm ngay trung tâm thành phố Hà Nội, Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò như một dấu ấn đau thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc Việt Nam về thời kỳ kháng chiến cứu nước. Với những dãy nhà đá cổ kính, ẩm thấp và những câu chuyện về sự tàn bạo của thực dân Pháp, Hỏa Lò đã trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất của những chiến sĩ cách mạng.
Được khởi công xây dựng vào năm 1896 bởi thực dân Pháp, Nhà tù có tên là “Maison Centrale” (Nhà tù Trung ương). Đây là một trong những nhà tù kiên cố và lớn bậc nhất Đông Dương bấy giờ. Nhà tù Hỏa Lò được xây với mục đích giam giữ những người dân Việt Nam yêu nước có ý đồ chống phá chính quyền Pháp. Qua các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhà tù Hỏa Lò đã trở thành nơi giam giữ hàng vạn chiến sĩ cách mạng, những người đã trải qua những cực hình tàn bạo nhưng vẫn giữ vững lòng trung thành với Tổ quốc.
Nhà tù Hỏa Lò được chia thành bốn khu A, B, C và D:
- Khu A và B dành cho phạm nhân đang được cứu xét và phạm nhân nguy hiểm.
- Khu C giam giữ phạm nhân người Pháp hoặc người ngoại quốc.
- Khu D là giam giữ phạm nhân bị án tử hình chờ ngày xử hoặc giảm án.
Trại giam D là một trong những trại giam lớn nhất tại nhà tù. Trại lợp ngói, không có trần, tường xây kiên cố và sơn đen toàn bộ, tạo một cảm giác lạnh lẽo. Trong buồng giam sẽ có hệ thống cùm chân người tù trên hai dãy sàn gỗ lim.
Phía sau trại giam D chính là đường dẫn tới khu Cachot. Đây là nơi trừng phạt những tù nhân bị quy tội vi phạm điều lệ nhà tù hoặc có hành vi chống đối.
Khu vực Tây Nam nhà tù là nơi thực dân đặt máy chém, có thể nói tội ác dã man, vô nhân đạo nhất của thực dân Pháp làm với tù nhân nước ta là hình thức xử tử bằng máy chém. Hiện nay chiếc máy chém đang được trưng bày tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
Hiện nay, nhà tù Hỏa Lò đã được trùng tu và trở thành một địa điểm tham quan lịch sử thu hút khách tham quan trong và ngoài nước. Nhà tù Hỏa Lò cũng thường xuyên tổ chức các triển lãm, các hoạt động sinh hoạt như thuyết minh, hoạt động tham quan theo đoàn “Đêm thiêng liêng”, trưng bày các tác phẩm, giới thiệu các nhân vật lịch sử,... nhằm mục tiêu hướng đến khách tham quan có thể hiểu và chiêm ngưỡng những giá trị lịch sử vô cùng giá trị gắn liền với nơi đây.
Nhà tù Hỏa Lò là nơi chứng minh sự hi sinh, gian khổ, tinh thần đấu tranh quyết liệt của các chiến sĩ cách mạng yêu nước, đồng thời là bản án tố cáo chế độ nhà tù tàn ác của thực dân Pháp. Đây cũng là nơi minh chứng về chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam đối với phi công Mỹ khi bị bắt giam trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Nhà tù là điểm tham quan hấp dẫn, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Thông qua những câu chuyện, những hiện vật trưng bày ta càng thêm yêu lịch sử nước nhà và trân trọng những cống hiến, hi sinh lớn lao của thế hệ cha ông đem lại hòa bình cho hôm nay. Hãy tới nhà tù Hỏa Lò một lần để trải nghiệm cũng như tìm hiểu về lịch sử các bạn nhé!
Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm
- Sử dụng bảng kiểm kĩ năng viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử ở Bài 3 để kiểm tra chất lượng bài viết.
- Sửa chữa, điều chỉnh (những) hạn chế, bổ sung (những) nội dung còn thiếu.
- Ghi lại sự tiến bộ của em ở kĩ năng viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử so với Bài 3.
- Rút ra ít nhất một bài học kinh nghiệm liên quan đến việc viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử và chia sẻ bài học đó với bạn trong nhóm hoặc trong lớp.
Xem thêm các chương trình khác:
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 – Chân trời sáng tạo
- Lý thuyết Khoa học tự nhiên 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Khoa học tự nhiên 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sgk Lịch sử 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Lịch sử 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sgk Địa lí 9 – Chân trời sáng tạo
- Giải sbt Địa lí 9 – Chân trời sáng tạo