Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (trang 42) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo

Với soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học trang 42 Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 169 21/11/2024


Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học

* Khái niệm

- Phân tích một tác phẩm văn học (nội dung chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và hiệu quả thẩm mĩ của nó) thuộc kiểu bài nghị luận văn học, trong đó người viết dùng lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm và hiệu quả của nó đối với việc thể hiện nội dung tác phẩm.

* Yêu cầu đối với kiểu văn bản

Nội dung

Phân tích được nội dung chủ đề; nêu và phân tích được tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật đối với việc thể hiện nội dung.

Hình thức

Lập luận chặt chẽ, có bằng chứng tin cậy từ tác phẩm, diễn đạt mạch lạc, sử dụng các phương tiện liên kết hợp lí để giúp người đọc nhận ra mạch lập luận của văn bản.

Bố cục

- Mở bài: giới thiệu về tác phẩm văn học (tên tác phẩm, tác giả), nêu ý kiến khái quát về chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

- Thân bài: lần lượt trình bày các luận điểm làm nổi bật chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong tác phẩm và tác dụng của nó đối với việc thể hiện nội dung tác phẩm.

- Kết bài: Khẳng định lại ý kiến về chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm; nêu suy nghĩ, cảm xúc, trải nghiệm cá nhân hoặc bài học rút ra từ tác phẩm.

* Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

Văn bản: Bài phân tích, đánh giá truyện ngắn Bồng chanh đỏ

Câu 1 (trang 49 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Em có nhận xét gì về cách sắp xếp luận điểm trong bài viết?

Trả lời:

- Cách sắp xếp luận điểm trong bài viết:

+ Mạch lạc, rõ ràng.

+ Đi từ việc phân tích nội dung đến hình thức, nghệ thuật.

Câu 2 (trang 49 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Bài viết đã phân tích những phương diện nội dung nào của chủ đề truyện Bồng chanh đỏ? Từ đó, em rút ra kinh nghiệm gì khi phân tích nội dung chủ đề của một tác phẩm văn học?

Trả lời:

- Bài viết đã phân tích những phương diện nội dung của chủ đề truyện Bồng chanh đỏ:

+ Sự việc tìm bắt chim bồng xanh.

+ Sự thay đổi nhận thức của nhân vật Hoài, từ đó rút ra cách ứng xử với thiên nhiên, môi trường.

- Từ đó, em rút ra một số kinh nghiệm khi phân tích nội dung chủ đề của một tác phẩm văn học:

+ Xác định chủ đề của tác phẩm.

+ Phân tích những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm (cách xây dựng cốt truyện, tình huống truyện,…)

+ Nhận xét, đánh giá về thành công hoặc hạn chế của tác phẩm.

Câu 3 (trang 49 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Tác giả bài viết đã phân tích lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ các đặc sắc về nghệ thuật truyện Bồng chanh đỏ như thế nào?

Trả lời:

- Tác giả phân tích qua 3 lí lẽ:

+ Cách xây dựng cốt truyện chặt chẽ, mạch lạc, súc tích.

+ Cách xây dựng tâm lí nhân vật sâu sắc.

+ Cách lựa chọn các chi tiết tiêu biểu, độc đáo.

Câu 4 (trang 49 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Theo em, phần mở bài và kết bài có điểm gì ấn tượng? Trình bày thêm một số cách viết để mở bài và kết bài được lôi cuốn, hấp dẫn.

Trả lời:

- Sự ấn tượng trong phần mở bài và kết bài:

+ Mở bài: Khái quát chủ đề và các nghệ thuật đặc sắc được sử dụng trong tác phẩm.

+ Kết bài: Khẳng định sự sâu sắc của nội dung cũng như suy nghĩ, tâm tư tình cảm của tác giả.

- Một số cách viết để mở bài và kết bài được lôi cuốn, hấp dẫn:

+ Mở bài: Trích dẫn câu nói nổi tiếng của một nhân vật lịch sử nào đó, bắt đầu bằng một tình huống, câu chuyện cụ thể,…

+ Kết bài: Nhấn mạnh ý nghĩa hoặc các thông điệp được truyền tải trong tác phẩm, kết thúc tác phẩm bằng một câu nói của nhân vật nổi tiếng, liên hệ bài học rút ra từ văn bản với bản thân,…

* Hướng dẫn quy trình viết

Đề bài (trang 49 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Câu lạc bộ Văn học trường em phát động cuộc thi viết “Tác phẩm văn học trong tôi”. Em hãy chọn một tác phẩm văn học mình yêu thích (thơ hoặc truyện) để viết bài nghị luận và gửi cho ban tổ chức thi.

1. Chuẩn bị trước khi viết

* Trước tiên, em hãy trả lời các câu hỏi sau:

- Đề tài bài viết là gì? Lựa chọn đề tài như thế nào để bài viết hấp dẫn, lôi cuốn?

- Mục đích viết bài này là gì?

- Người đọc có thể là ai? Họ mong đợi nhận được điều gì từ bài viết của em?

- Trên cơ sở đề tài, mục đích viết, người đọc đã xác minh, em sẽ chọn cách viết nào cho phù hợp?

* Có hai nhóm tư liệu em cần thu thập:

- Những ghi chép của bản thân khi đọc tác phẩm (giấy ghi chú, nhật kí đọc, sản phẩm sáng tạo,…). Nhóm tư liệu này giúp em khơi những ấn tượng, cảm xúc, suy nghĩ của bản thân về tác phẩm, khơi gợi cảm hứng viết, xác định được luận điểm cần triển khai.

- Những bài phê bình, phỏng vấn, tư liệu báo chí,… liên quan đến tác phẩm. Nhóm tư liệu này giúp em hiểu sâu hơn về tác phẩm cần viết, nắm bắt được các ý kiến khác nhau về tác phẩm.

2. Tìm ý, lập dàn ý

* Hãy tìm ý cho bài viết bằng cách trả lời những câu hỏi sau:

- Chủ đề chính của tác phẩm là gì? Chủ đề ấy được thể hiện như thế nào trong tác phẩm (qua nhân vật, hình ảnh, sự việc, cốt truyện,…) và gợi ra thông điệp, suy nghĩ, tình cảm gì ở người đọc?

- Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm thể hiện ở những phương diện nào? Những nét đặc sắc về nghệ thuật biểu hiện như thế nào trong tác phẩm?

* Chọn lọc và sắp xếp các ý vừa tìm được thành dàn ý hoàn chỉnh. Với kiểu bài phân tích tác phẩm văn học, có ba cách để triển khai luận điểm như sau:

- Cách 1: Nêu luận điểm về chủ đề, sau đó nêu luận điểm về hình thức nghệ thuật.

- Cách 2: Nêu luận điểm về hình thức nghệ thuật, nêu luận điểm về chủ đề.

- Cách 3: Triển khai song song luận điểm về hình thức nghệ thuật với chủ đề.

- Lưu ý: Khi triển khai lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ luận điểm, cần tránh sự trùng lặp về ý giữa các luận điểm. Một số bằng chứng có thể dùng để làm sáng tỏ cho nhiều luận điểm, nhưng với mỗi luận điểm, cách triển khai lí lẽ phân tích, lí giải cần khác nhau.

3. Viết bài

- Từ dàn ý, em viết bài văn hoàn chỉnh. Khi viết cần chú ý:

+ Kết hợp nêu luận điểm, lí lẽ, bằng chứng.

+ Tách đoạn hợp lí và sử dụng các phương tiện liên kết để liên kết luận điểm, lí lẽ, bằng chứng.

+ Sử dụng một số cách viết để mở bài và kết bài hấp dẫn như: trích những đoạn thơ cùng chủ đề với tác phẩm cần phân tích, trích dẫn danh ngôn, nhận định về tác giả, tác phẩm,…

+ Trong một số trường hợp, em có thể trao đổi với các ý kiến trái chiều về tác phẩm đề làm cho nội dung bài viết thêm phong phú.

Bài viết tham khảo:

Chiến tranh – một đề tài trong văn học Việt Nam đã được nhiều tác giả khai thác dưới các góc độ khác nhau. Đối với tôi, một trong những tác phẩm làm lay động tâm hồn nhất chính là truyện ngắn "Bí ẩn của làn nước" của Bảo Ninh. Khác với hình ảnh hào hùng, sử thi thường thấy, Bảo Ninh đã đem đến một góc nhìn đầy ám ảnh và bi thương về chiến tranh. Tác phẩm này không chỉ khắc họa rõ nét sự tàn khốc của bom đạn mà còn đi sâu vào nỗi đau, mất mát của những con người vô danh – những người nông dân nơi hậu phương.

"Bí ẩn của làn nước" mở đầu bằng một cảnh tượng kinh hoàng khi bom đạn phá vỡ đê điều, nhấn chìm làng mạc, đẩy người dân vào cảnh cùng cực. Những lời kể chân thực, không chút mỹ lệ hóa của tác giả khiến người đọc cảm nhận được rõ ràng sự kinh hoàng của chiến tranh. Bom đạn không chỉ hủy hoại đất đai, tài sản mà còn cướp đi mạng sống của những người vô tội. Trong đêm tối đầy hỗn loạn ấy, người đàn ông – nhân vật "tôi" – đã mất đi vợ và đứa con trai mới sinh, một nỗi đau tột cùng mà anh không bao giờ quên.

Thời gian trôi qua, dòng sông vẫn cứ chảy, nhưng nỗi đau trong lòng người đàn ông vẫn mãi âm ỉ. Anh vẫn ra đê ngắm dòng nước trôi, nơi mà vợ con anh đã bị dòng nước cướp đi. Bằng ngòi bút tài tình, Bảo Ninh đã tạo nên một không gian nghệ thuật đầy ám ảnh, nơi con người bị đẩy vào bi kịch lớn nhất của cuộc đời. Những hình ảnh như mái nhà bị cuốn trôi, người vợ lao mình xuống dòng nước để cứu con... khiến người đọc không khỏi rùng mình trước sự tàn bạo của chiến tranh.

Điều đặc biệt ở tác phẩm này là cách mà Bảo Ninh khắc họa nỗi đau của những người nông dân – những người thường bị lãng quên trong chiến tranh. Họ không phải là những người cầm súng chiến đấu, nhưng họ cũng chịu đựng những mất mát, tổn thương không kém gì những người lính nơi tiền tuyến. Bảo Ninh đã thổi vào từng trang viết của mình sự cảm thông sâu sắc, tố cáo sự tàn khốc của chiến tranh và đồng thời tôn vinh sức chịu đựng bền bỉ của con người.

"Bí ẩn của làn nước" không chỉ là một câu chuyện về chiến tranh, mà còn là một tác phẩm về nỗi đau, về ký ức và về những bí mật mà con người chôn giấu trong lòng. Tác phẩm này đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc, không chỉ bởi nội dung bi thương mà còn bởi cách tác giả đưa người đọc vào tâm trạng, vào nỗi đau của nhân vật. Đó là nỗi đau không thể nói thành lời, một nỗi đau âm ỉ mà dòng thời gian không thể xóa nhòa.

Với tôi, "Bí ẩn của làn nước" của Bảo Ninh là một tác phẩm đáng nhớ, một tiếng nói lên án chiến tranh mạnh mẽ và đồng thời là một lời nhắc nhở về những gì chiến tranh để lại trong lòng những người sống sót. Đây không chỉ là một câu chuyện, mà là một bức tranh buồn về cuộc đời và số phận của những con người nhỏ bé, vô danh trong vòng xoáy của lịch sử.

4. Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

- Đọc lại bài viết của mình và dùng bảng kiểm dưới đây để chỉnh sửa:

Bảng kiểm kĩ năng viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học:

Chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật

Tiêu chí

Đạt

Chưa đạt

Mở bài

Giới thiệu tên tác phẩm, thể loại, tên tác giả

Khái quát những nét đặc sắc của tác phẩm (chủ đề, hình thức nghệ thuật nổi bật)

Thân bài

Trình bày luận điểm về chủ đề tác phẩm

Phân tích lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ một vài khía cạnh nội dung chủ đề

Trình bày luận điểm về những nét đặc sắc nghệ thuật

Phân tích lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ các đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm

Kết bài

Khẳng định lại ý kiến về chủ đề, những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm

Nêu suy nghĩ, cảm xúc hoặc bài học rút ra từ tác phẩm

Diễn đạt

Không mắc lỗi chính tả, dùng từ và đặt câu

Cách mở bài lôi cuốn, hấp dẫn

Cách kết bài đặc sắc, ấn tượng

Sử dụng hiệu quả các phép liên kết để tạo sự mạch lạc cho bài viết

- Ghi lại những điều cần lưu ý về cách viết kiểu bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học: chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn khác:

Tri thức Ngữ Văn trang 32

Về hình tượng bà Tú trong bài thơ Thương vợ

Ý nghĩa văn chương

Thơ ca

Thực hành tiếng Việt trang 42

Tính đa nghĩa trong bài thơ Bánh trôi nước

Nghe và nhận biết tính thuyết phục của một ý kiến

Ôn tập trang 54

1 169 21/11/2024