Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (trang 142) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo

Với soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học trang 142 Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 19 20/11/2024


Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học

* Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản

Văn bản: Phân tích đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều

Câu 1 (trang 145 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Tìm các câu văn thể hiện luận điểm của bài viết.

Trả lời:

Luận điểm

Câu văn

Luận điểm 1: Về mặt nghệ thuật

“Về hình thức nghệ thuật, nét độc đáo đầu tiên làm nên sức hấp dẫn của đoạn trích chính là nghệ thuật miêu tả nhân vật.”

“Hình thức nghệ thuật của đoạn trích còn hấp dẫn người đọc ở sự kết hợp tài tình giữa yếu tố tự sự và trữ tình.”

Luận điểm 2: Về mặt nội dung

“Bên cạnh đó, đoạn trích còn thể hiện chủ đề tiêu biểu cho giá trị nội dung của Truyện Kiều: bức tranh hiện thực của một xã hội tha hóa vì đồng tiền và tấm lòng nhân đạo sâu sắc của tác giả.”

Câu 2 (trang 145 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Bài viết đã phân tích những nét đặc sắc nào về nghệ thuật của đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều?

Trả lời:

- Nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích trên:

+ Nghệ thuật miêu tả nhân vật thông qua ngoại hình, hành động, ngôn ngữ.

+ Nghệ thuật kể chuyện theo trình tự thời gian thông qua lời kể của ngôi kể thứ ba.

+ Nghệ thuật kết hợp tự sự và trữ tình một cách khéo léo.

Câu 3 (trang 145 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nội dung chủ đề của đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều được phân tích qua những phương diện nào? Cần chú ý điều gì khi phân tích chủ đề của một truyện thơ?

Trả lời:

- Nội dung chủ đề của đoạn trích được thể hiện qua hai phương diện chính:

+ Bức tranh hiện thực về một xã hội thối nát, con người tha hóa vì đồng tiền.

+ Tấm lòng nhân đạo sâu sắc của tác giả.

Câu 4 (trang 145 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Các đoạn văn trong bài viết thường được viết theo kiểu đoạn văn gì? Trình bày tác dụng của cách viết đó.

Trả lời:

- Các đoạn văn trong bài viết theo kiểu đoạn văn diễn dịch: có phần mở đầu giới thiệu luận điểm, sau đó tiến hành phân tích luận điểm bằng lí lẽ và dẫn chứng.

- Cách viết như vậy giúp người đọc dễ nắm bắt nội dung chính được đề cập tới, hiểu sâu hơn về chủ đề của văn bản.

Câu 5 (trang 145 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Xác định các phương tiện và phép liên kết được sử dụng trong bài viết và nêu tác dụng của chúng.

Trả lời:

- Phương tiện và phép liên kết sử dụng trong bài viết: Các từ nối như “trước tiên”, “bên cạnh đó”, “còn”, “tóm lại”.

- Các phương tiện liên kết trên tạo sự kết nối liền mạch giữa các đoạn văn, giúp tổng thể bài viết trở nên mạch lạc, rõ ràng, từ đó người đọc dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn.

Câu 6 (trang 145 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Từ bài văn trên, em rút ra điều gì cần lưu ý khi phân tích đoạn trích của một truyện thơ?

Trả lời:

- Khi đã xác định được chủ đề cần bàn luận cần liệt kê rõ ràng, đầy đủ các luận điểm cần nêu ra.

- Khi trình bày các luận điểm trong bài cần chú ý tách đoạn, có thể mỗi đoạn là một luận điểm.

- Giữa các luận điểm cần có phép liên kết để nối các đoạn.

- Khi phân tích luận điểm cần sử dụng lí lẽ thuyết phục, rõ ràng, mạch lạc, bằng chứng xác thực, trích dẫn đầy đủ chính xác.

- Kết bài cần khẳng định lại chủ đề chính đã đặt ra, rút ra giá trị nội dung của chủ đề đó.

* Hướng dẫn quy trình viết

Đề bài (trang 145 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Viết bài giới thiệu về Vẻ đẹp của truyện thơ Việt Nam là một trong số những hoạt động mà Câu lạc bộ Văn học trường em tổ chức nhằm khuyến khích học sinh tìm hiểu truyện thơ dân tộc. Để hưởng ứng hoạt động ấy, em hãy chọn một đoạn trích trong một truyện thơ mà mình yêu thích để viết bài phân tích và gửi cho câu lạc bộ.

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

- Trước khi viết, cần trả lời những câu hỏi sau:

+ Đề tài của bài viết này là gì?

+ Thực hiện bài viết này nhằm mục đích gì?

+ Người đọc bài viết có thể là ai? Họ mong đợi điều gì từ bài viết của em?

+ Lựa chọn cách viết như thế nào cho phù hợp với mục đích và đối tượng người đọc?

+ Xác định (những) cách thu thập tư liệu cho bài viết (xem lại Bài 2). Chú ý tính chính xác, đáng tin cậy của tư liệu và ghi chép nguồn tư liệu.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

Vận dụng cách tìm ý, lập dàn ý cho bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học đã học ở Bài 2 để tìm ý và lập dàn ý cho đề bài này. Để nhận ra nét đặc sắc về nghệ thuật của một tác phẩm truyện thơ, cần chú ý đặc điểm hình thức của thể loại truyện thơ (xem lại nội dung phần Tri thức Ngữ văn của bài học này).

Bước 3: Viết bài

- Triển khai bài viết dựa trên dàn ý. Khi viết, cần chú ý:

+ Thực hiện theo những nội dung đã được đề cập ở bước Viết bài của Bài 2.

+ Vận dụng kiến thức về các kiểu đoạn văn đã học ở lớp 8 để tạo lập đoạn văn, viết đoạn có câu chủ đề hiện rõ (đoạn diễn dịch, đoạn quy nạp, đoạn phối hợp) và dùng câu chủ đề để trình bày luận điểm của bài viết.

+ Vận dụng kiến thức về các phép liên kết trong văn bản đã học ở lớp 7 để tạo sự mạch lạc, liên kết chặt chẽ cho bài viết.

Bài viết tham khảo:

Nguyễn Du là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Ông để lại cho đời sau “Truyện Kiều”, một trong những tác phẩm văn học xuất sắc nhất của đất nước. Thông qua bi kịch của cuộc đời Thúy Kiều ông đã phản ánh hiện thực xã hội bấy giờ cùng những ước mơ, khát vọng của nhân dân. Đoạn trích miêu tả Kiều ở lầu Ngưng Bích chính là đoạn thơ tiêu biểu nhất cho bút pháp nghệ thuật tài hoa của Nguyễn Du, đồng thời thể hiện tình cảm với số phận của nhân vật Thúy Kiều.

Sau khi biết mình bị lừa vào chốn lầu xanh, Kiều tủi nhục định tự vẫn. Nhưng Tú Bà với bản chất mưu mô đã giả vờ hứa chờ Kiều bình phục sẽ gả Kiều đi ở một nơi tử tế rồi đưa giam lỏng nàng ở lầu Ngưng Bích để thực hiện âm mưu mới.

Đoạn trích có hình thức nghệ thuật vô cùng ấn tượng. Nguyễn Du đã sử dụng triệt để bút pháp tả cảnh ngụ tình. Đầu tiên đoạn trích mở đầu bằng khung cảnh hoang vắng ở lầu Ngưng Bích:

“Trước lầu Ngưng Bích khóa Xuân

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung

Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.”

Tuổi xuân, độ tuổi tươi đẹp nhất của người con gái nhưng Kiều lại đang bị giam lỏng không khác gì kiềm hãm sức sống của nàng. Lầu Ngưng Bích vốn là một nơi có phong cảnh tuyệt đẹp, khung cảnh hữu tình thơ mộng được thể hiện qua các từ ngữ “non xa”, “trăng gần”, “cát vàng cồn nọ”, “bụi hồng”, “dặm kia”. Tuy nhiên từ xưa đến nay “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Trong tình cảnh bị giam cầm và tha hương cô đơn như thế, Kiều nhìn khung cảnh với con mắt buồn thảm vắng lặng, nhìn trăng nàng chỉ thấy đơn côi, nhìn đất thì chỉ thấy bụi mù thấp thoáng phía xa. “Mây sớm đèn khuya” như mô tả vòng lặp thời gian nơi lầu xanh giam giữ Kiều, ngày qua ngày trôi đi trong sự vắng bóng, buồn tủi. Bút pháp tả cảnh ngụ tình đã làm rất tốt sự đối lập “như chia tấm lòng”: cảnh đẹp nơi lầu Ngưng Bích đối lập với tâm trạng u buồn của Kiều, cảnh vật tuy đẹp nhưng vắng bóng người ấy càng làm nổi bật sự đau khổ trong lòng người con gái hồng nhan bạc mệnh.

Cảnh vật đơn côi còn làm nàng nhớ người yêu da diết:

“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,

Tin sương luống những rày trông mai chờ

Chân trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?”

Nàng nhớ về Kim Trọng – người đã cùng nàng ước nguyện nên duyên vợ chồng dưới ánh trăng sáng năm xưa. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm làm người đọc cảm nhận được nỗi nhớ đầy da diết, sâu lắng ấy. Nàng thấy đau đớn xót xa khi nghĩ tới việc chàng vẫn đang đợi nàng, và không biết rằng đến bao giờ mới có thể gột rửa những ô uế của bản thân để trở về và nhận lại thứ tình cảm ấy, sự xót xa bật thành câu hỏi tu từ không lời đáp “Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?”.

Nàng còn nhớ về cha mẹ, gia đình của mình:

“Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ

Sân Lai cách mấy nắng mưa

Có khi gốc tử đã vừa người ôm.”

Ngôn ngữ độc thoại kết hợp cùng các điển tích, điển cố “Sân Lai”, “gốc tử” đã diễn tả nỗi nhớ mong cha mẹ cứ lớn dần theo năm tháng. Kiều thương cho cha mẹ mình ngày đêm lo lắng, trông ngóng con, nàng lo cho cha mẹ già yếu ở nhà không ai chăm sóc, phụng dưỡng. Dù ở trong cảnh lưu lạc nơi đất khách, bị lừa dối nhưng nàng không nghĩ tới bản thân mà chỉ lo lắng cho những người thân yêu. Nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Du còn khắc họa phẩm chất cao đẹp, lòng hiếu thảo của Thúy Kiều.

Tiếp đến, bút pháp tả cảnh ngụ tình lại tiếp tục được sử dụng để nàng bộc lộ cảm xúc thông qua cảnh nơi lầu Ngưng Bích:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Buồn trông gió cuốn mặt dềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

Cảnh hoàng hôn nơi bể lớn càng gợi tâm trạng cô đơn lẻ bóng cùng nỗi nhớ nhà của nàng. Các từ ngữ “thấp thoáng”, “xa xa” diễn tả sự lẻ loi, đơn độc giống như tình cảnh của Kiều bây giờ. Cánh hoa mỏng manh dập dìu trong dòng nước bé nhỏ giống như chính thân phận Kiều trong xã hội cũ, dù có đức có tài, có xinh đẹp tới nhường nào nhưng vì là phận phụ nữ, bị đồng tiền và quyền lực vùi dập để phải chịu biết bao bi kịch. Màu xanh vốn là màu của hy vọng nhưng nay chỉ là một màu cỏ chực úa tàn, giống như niềm tin đang dần cạn với nỗi xót xa cho thân phận ngày càng dâng cao trong Thúy Kiều. Âm thanh của tiếng sóng vỗ ầm ầm trong cảnh gió cuốn mặt dềnh giống như báo hiệu một tương lai đầy sóng gió phía trước. Điệp từ “Buồn trông” tựa như tiếng thở dài, kết hợp cùng nhịp thơ trầm càng nhấn mạnh nỗi buồn khi Kiều đang bị giam lỏng nơi lầu xanh.

Bên cạnh đó, đoạn thơ mang giá trị nội dung sâu sắc. Mượn câu chuyện tâm trang của nàng Kiều tài hoa nhưng số phận long đong, Nguyễn Du đã phần nào thể hiện nỗi xót thương thân phận người phụ nữ, phản ánh hiện thực xã hội thối nát lợi dụng mọi thủ đoạn, địa vị, tiền bạc mà chà đạp lên quyền tự do, khát vọng sống của họ.

Có thể nói “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một trong những đoạn trích hay nhất của “Truyện Kiều”, thể hiện các bút pháp nghệ thuật đạt đến trình độ hoàn hảo cùng tư tưởng nhân đạo của đại thi hào Nguyễn Du.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

- Đọc lại bài viết của mình và dùng bảng kiểm ở Bài 2 để tự chỉnh sửa.

- Đọc lại bài viết từ góc độ người đọc và trả lời các câu hỏi sau:

+ Điều em thích nhất và điều em muốn điều chỉnh ở bài viết này là gì?

+ Từ bài viết này, em rút thêm được kinh nghiệm gì về việc viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học?

1 19 20/11/2024