Soạn bài Ngôi mộ cổ (trang 40) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo

Với soạn bài Ngôi mộ cổ trang 40 Ngữ văn lớp 9 Chân trời sáng tạo sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 9.

1 198 21/11/2024


Soạn bài Ngôi mộ cổ

* Chuẩn bị đọc

Câu hỏi (trang 40 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Dựa vào phần tóm tắt truyện, hãy dự đoán nội dung của đoạn trích dưới đây.

Trả lời:

- Kể về hành trình tìm kiếm kho báu của ba anh em họ Đặng dưới sự dẫn dắt của nhân vật Kỳ Phát.

* Trải nghiệm cùng văn bản

1. Dự đoán: Dụng ý của Kỳ Phát khi đọc to bài thơ này là gì?

Trả lời:

- Kích thích sự tò mò, khơi dậy lòng tham, tạo động lực cho anh em họ Đặng trong hành trình tìm kiếm kho báu, khuyến khích họ cùng nhau nỗ lực và khám phá.

* Suy ngẫm và phản hồi

Nội dung chính: Văn bản kể về hành trình tìm kiếm kho báu của ba anh em họ Đặng dưới sự dẫn dắt của nhân vật Kỳ Phát. Ông tổ họ Đặng để lại cho các thế hệ sau những di sản văn hóa, trong đó có các tư liệu quý giá và những câu thơ Nôm.

Soạn bài Ngôi mộ cổ (trang 40) - Ngắn nhất Ngữ văn 9 Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Câu 1 (trang 43 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Đọc phần tóm tắt tác phẩm Kho tàng họ Đặng và nêu nội dung bao quát của văn bản Ngôi mộ cổ.

Trả lời:

- Văn bản Ngôi mộ cổ kể về hành trình tìm kiếm kho báu của ba anh em họ Đặng dưới sự dẫn dắt của thám tử Kỳ Phát. Trong quá trình tìm kiếm, họ đã giải mã được những bí ẩn đằng sau bài thơ thất ngôn bát cú mà ông tổ họ Đặng để lại và tìm ra được vị trí của kho báu.

Câu 2 (trang 43 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Chi tiết nào trong văn bản Ngôi mộ cổ có tác dụng giúp Kỳ Phát phán đoán hướng tìm kho báu?

Trả lời:

- Những chi tiết trong văn bản Ngôi mộ cổ có tác dụng giúp Kỳ Phát phán đoán hướng tìm kho báu:

+ Kỳ Phát đã giải mã được ý nghĩa của bài thơ thất ngôn bát cú in trên bốn chiếc đĩa cổ, đặc biệt là ý nghĩa của câu thơ “Tây một trăm giây, thẳng một dây”. Nhờ vậy, Kỳ Phát đã tìm ra các từ khóa để xác định vị trí của kho báu.

+ Kết nối quá trình ông tổ họ Đặng cất giấu kho báu và vai trò của viên đạo người Tây phương: “Ông quên rằng chính Mác-cô Pô-lô một người Âu đã bầy cho Đinh Củng Viên cách giấu của này rồi ư?”.

+ Kỳ Phát nhận thấy ngay chỗ bóng trăng bị lấp có hai cành cây đâm ra hai bên, hai bên “tả hữu”, đó là cành bên đông, cành bên tây. Ra đến đầu cành, Kỳ Phát dùng chìa khóa buộc vào sợi dây rồi dòng xuống chấm đất thì lấy một chiếc que cắm xuống đất làm đích đánh dấu.

Câu 3 (trang 43 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Nhân vật Kỳ Phát thể hiện những đặc điểm nào của nhân vật trong truyện trinh thám? Lấy dẫn chứng từ văn bản để làm rõ ý kiến của em.

Trả lời:

Những đặc điểm của nhân vật trong truyện trinh thám

Dẫn chứng từ văn bản

Khả năng điều tra vượt trội

- Điều tra được ông tổ họ Đặng là Đinh Củng Viên, được ban thưởng rất nhiều châu báu khi đi sứ ở Trung Quốc.

- Điều tra được bốn chiếc đĩa cổ có liên quan đến Mác-cô Pô-lô.

- Dùng dây quả dọi để xác định hướng đi đến đường hầm vào kho báu.

Khả năng quan sát tinh tường

- Quan sát không gian, thời gian (12 giờ đêm, ánh trăng khuya) quanh khu mộ cổ để liên kết với nội dung của bài thơ thất ngôn bát cú.

- Quan sát có hai cành cây đâm ra hai bên, hai bên “tả hữu”, đó là hai hướng đông, tây như lời bài thơ báo.

Khả năng phân tích, suy luận, đánh giá sắc bén

- Giải mã được ý nghĩa của bài thơ thất ngôn bát cú in trên bốn chiếc đĩa cổ, đặc biệt là ý nghĩa của câu thơ “Tây một trăm giây, thẳng một dây” và tìm ra các từ khóa để xác định vị trí của kho báu.

Sự kiên nhẫn và quyết tâm

- Dù phải đối mặt với nhiều thông tin phức tạp và mâu thuẫn, Kỳ Phát vẫn tiếp tục điều tra để tìm được kho báu.

Tinh thần hợp tác

- Khi thảo luận với ba anh em họ Đặng, Kỳ Phát lắng nghe ý kiến của mọi người để có cái nhìn toàn diện hơn về việc tìm kiếm kho báu.

Câu 4 (trang 43 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Đọc đoạn hội thoại giữa Kỳ Phát với ba anh em nhà họ Đặng về bí mật của bốn chiếc đĩa cổ và thực hiện các yêu cầu sau:

a. Nêu một số ví dụ về lời của người kể chuyện, lời của nhân vật và cho biết vì sao trong văn bản tác giả cần sử dụng cả lời của người kể chuyện lẫn lời của nhân vật.

b. Cho biết tác dụng của việc thám tử Kỳ Phát đọc to bài thơ thất ngôn bát cú.

Trả lời:

a. Một số ví dụ về lời của người kể chuyện, lời của nhân vật:

- Lời của người kể chuyện:

+ Chàng bỗng tự nhiên nói.

+ Rồi chàng hắng giọng ngâm to bài thơ bát cú.

+ Kỳ Phát chạy lại gốc, cởi áo ngoài rồi leo lên thoăn thoắt. Đến chạc hai cành cây thứ hai, rồi cùng dòng chùm chìa khóa xuống, Liên Ty lại lấy que đánh dấu.

+ Ra dáng ngẫm nghĩ, Liên Ty đếm từ chỗ đích thứ nhất bước về phía đông hai mươi bước.

+…

- Lời của nhân vật:

+ Tôi hiểu rồi “đến Văn Lý”, đây chẳng là bãi bể Văn Lý là gì?

+ Mà có cả chị “Nguyệt” và cây nữa!

+ Các ông “đứng ngắm cây” xem có thấy gì không?

+ Tôi để ý trăng bây giờ bị lấp sau thân cây.

+…

- Trong văn bản tác giả cần sử dụng cả lời của người kể chuyện lẫn lời của nhân vật vì:

+ Lời người kể chuyện sẽ phân tích chi tiết các tình huống và làm rõ hơn các cuộc đối thoại trong câu chuyện.

+ Lời của nhân vật sẽ thể hiện những suy nghĩ, hành động và cảm xúc của chính nhân vật đó. Giúp người đọc dễ dàng hiểu về tính cách, động cơ của nhân vật đó trong câu chuyện.

+ Việc sử dụng cả lời của người kể chuyện và lời của nhân vật giúp cho câu chuyện trở nên hấp dẫn về nội dung và đặc sắc về nghệ thuật.

b. Tác dụng của việc thám tử Kỳ Phát đọc to bài thơ thất ngôn bát cú:

- Giúp ba anh em họ Đặng tập trung vào nội dung của bài thơ, tạo không khí kịch tính. Điều này thể hiện sự thông minh và linh hoạt của Kỳ Phát trong việc sử dụng kĩ năng để giải quyết vấn đề.

- Chứng minh cho ba anh em họ Đặng thấy mình đã làm sáng tỏ những bí ẩn đằng sau bài thơ, xác định được vị trí của kho báu. Nhờ đó, Kỳ Phát từng bước hướng dẫn anh em họ Đặng, đưa họ vào hành trình khám phá kho báu cùng với mình.

Câu 5 (trang 43 sgk Ngữ văn 9 Tập 2): Xác định ngôi kể trong văn bản. Cho biết việc sử dụng ngôi kể đó có ưu thế gì so với ngôi kể khác (có thể so sánh với cách sử dụng ngôi kể trong văn bản Chiếc mũ miện dát đá be-rô).

Trả lời:

Văn bản

Giống nhau

Khác nhau

Chiếc mũ miện dát đá be-rô

- Cả hai ngôi kể đều đi sâu vào việc phát triển cốt truyện và làm rõ mối quan hệ giữa các nhân vật. Giúp người đọc thấy được diễn biến câu chuyện một cách tổng thể.

- Sử dụng ngôi kể thứ nhất. Nhân vật chính xưng “tôi” kể lại toàn bộ chi tiết những sự việc đã được chứng kiến. Qua đó, bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình về những sự việc đã diễn ra. Điều này tạo sự gần gũi và kết nối mạnh mẽ giữa nhân vật với người đọc.

Ngôi mộ cổ

- Sử dụng ngôi kể thứ ba, cho phép người kể đưa ra cái nhìn tổng thể về các sự việc và nhân vật mà không bị chi phối bởi cảm xúc hay suy nghĩ của một nhân vật cụ thể nào. Điều này giúp người đọc có cái nhìn toàn diện về diễn biến câu chuyện và hiểu được tính cách, động cơ của mỗi nhân vật trong câu chuyện.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 9 sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn khác:

Tri thức Ngữ Văn trang 31

Chiếc mũ miện dát đá be-rô

Cách suy luận

Thực hành tiếng Việt trang 46

Kẻ sát nhân lộ diện

Viết một truyện kể sáng tạo

Kể một câu chuyện tưởng tượng

Ôn tập trang 62

1 198 21/11/2024