Soạn bài Viết bài tập làm văn số 7 hay, ngắn gọn

Hướng dẫn soạn bài Viết bài tập làm văn số 7 Ngữ văn lớp 8 hay, ngắn gọn nhất và đủ ý giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung chính bài Viết bài tập làm văn số 7 để chuẩn bị bài và soạn văn 8. Mời các bạn đón xem

1 474 lượt xem
Tải về


Soạn bài Viết bài tập làm văn số 7 - Ngữ văn 8

A. Soạn bài Viết bài tập làm văn số 7 ngắn gọn

Đề số 1 (Trang 128 SGK Ngữ Văn 8 Tập 2)

Tuổi trẻ và tương lai của đất nước

A. Mở bài: Khẳng định vai trò của tuối trẻ có mối quan hệ vô cùng mật thiết với tương lai của đất nước.

B. Thân bài:

- Khái niệm tuổi trẻ: Là những người ở độ tuổi thanh thiếu niên, là quãng thời gian thanh xuân của cuộc đời.

- Khẳng định vai trò của tuổi trẻ đối với đất nước

+ Sức khỏe tốt, dẻo dai, bền bỉ

+ Tinh thần, nhiệt huyết, sẵn sàng xông pha, bứt phá

+ Nhanh nhạy, tiếp thu nhanh công nghệ , ngoại ngữ, tinh thần hội nhập cao.

=> Có khả năng và sức lực để làm nhiều việc lớn cho đất nước.

- Nhiệm vụ của tuổi trẻ:

+ Tu dưỡng đạo đức

+ Học tập tốt, rèn luyện tốt

+ Không ngừng học hỏi, trau dồi các kiến thức, kĩ năng trong cuộc sống

+ Tránh xa các tệ nạn xã hội.

- Nêu một số tấm gương thanh niên trẻ tuổi góp công góp sức đem vinh quang về cho đất nước...

C. Kết bài: Khẳng định lại vai trò nhiệm vụ của giới trẻ đối với tương lai đất nước.

Bài làm tham khảo

Mỗi người trong chúng ta ai cũng từng đi qua tuổi trẻ - tuổi của sức mạnh phi thường với sự căng tràn bầu nhiệt huyết, tuổi không chịu khuất phục trước khó khăn, và sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì đạo nghĩa.

Tuổi trẻ mọi thời đại chính là niềm tự hào và sức mạnh của dân tộc. Thuở xưa mỗi khi đất nước lâm nguy thì lại xuất hiện những anh hùng trẻ tuổi dũng cảm, tài trí. Ngày nay trong sự nghiệp xây dựng đất nước tuổi trẻ Việt Nam cũng không kém cha anh xưa. Thuở xưa tuổi trẻ Việt Nam đã làm cả thế giới phải nghiêng mình khâm phục một Việt Nam anh hùng thì nay cả thế giới cũng đang biết đến một Việt Nam năng động qua thế hệ trẻ. Điều đó cho thấy tuổi trẻ Việt Nam luôn suy nghĩ, lo lắng và quan tâm đến vận mệnh của dân tộc và luôn phát huy truyền thống dân tộc.

Mỗi người trong chúng ta ai cũng từng đi qua tuổi trẻ - tuổi của sức mạnh phi thường với sự căng tràn bầu nhiệt huyết, tuổi không chịu khuất phục trước khó khăn, và sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì đạo nghĩa. Sức mạnh vô song của tuổi trẻ khiến “sông kia sông phải chuyển, núi kia núi phải dời”. Tuổi trẻ cả nhân loại đang ra sức tìm kiếm và xây dựng những thứ tưởng chừng như viễn tưởng nhưng nay lại trở thành hiện thực, như những thành tựu trong ngành công nghệ thông tin, công nghệ sinh học. Họ có đủ điều kiện để phát huy hết khả năng nội lực của chính mình, họ có tự do trong suy nghĩ và hành động, họ có sự dân chủ trong mọi ý tưởng và lí tưởng, họ có được sự tôn trọng về thực quyền sáng tạo. Vậy thì tiềm năng và tương lai phát triển của mỗi quốc gia đều mong đợi và đều đặt niềm tin vào tuổi trẻ.

Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay có nhiều cơ hội để phát triển tài năng và cống hiến cho đất nước vì các bạn đang được sống trong hòa bình, được Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện để học tập, làm việc và thể hiện năng lực của mình. Các bạn đã và đang khẳng định được sức mạnh của chính minh trong mọi lĩnh vực như: kinh tế, khoa học kĩ thuật, giáo dục. Ngày càng xuất hiện nhiều nhà kinh doanh trẻ năng động; những nhà khoa học tài năng; đặc biệt là những thành tích của học sinh, sinh viên Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Với sức mạnh nội lực của con người và tuổi trẻ Việt Nam, với sự ưu đãi của thiên nhiên, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng khẳng định và vươn lên trở thành một quốc gia hùng mạnh. Tuy nhiên trên thực tế chúng ta vẫn bị xếp vào những nước đang phát triển, còn nghèo nàn và lạc hậu. Tuy nhiên các bạn cũng đang chịu nhiều thách thức trước nhiều áp lực trong cuộc sống, trước nguy cơ bị tụt hậu trước sự phát triển mạnh mẽ của thế giới.

Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ thiết tha căn dặn: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần ở công học tập của các cháu". Lời dạy của Bác giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò của tuổi trẻ đối với tương lai của đất nước. Thế kỉ XXI, thế kỉ của sự phát triển, nâng cao không ngừng của văn hóa, kinh tế, đất nước. Để có thể bắt kịp đà phát triển của những nước lớn mạnh thì cần sự chung sức, đồng lòng của tất cả mọi người, mà lực lượng chủ yếu chính là tuổi trẻ. Bởi tuổi trẻ là lực lượng nòng cốt, là chủ nhân tương lai, là nhân vật chính góp phần tạo nên cái thế, cái dáng đứng cho Tổ quốc Việt Nam. Sinh ra ở đời, ai trong chúng ta cũng khao khát hơn là một lí tưởng sống. Và nhất là tuổi trẻ hiện nay, những người nắm trong tay vận mệnh của đất nước phải xác định được cho mình một lí tưởng sống đúng đắn. Trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tuổi trẻ chúng ta được đặt ra câu hỏi: sống như thế nào để có ích cho xã hội? Tuổi trẻ là nhân tố quyết định sự tồn vong của đất nước, vì thế lí tưởng sống của chúng ta là xây dựng đất nước, xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, nối tiếp cha ông bảo vệ Tổ quốc và đi lên vì sự tiến bộ của nhân loại. Tuổi trẻ là những người chủ tương lai của đất nước, là chủ của thế giới, động lực giúp cho xã hội phát triển. Chính vì vậy mà các bạn thanh thiếu niên cần phải sống có lí tưởng cao đẹp. Hãy nhớ rằng lời nhắn nhủ thiêng liêng của Bác phải được thực hiện bởi các bạn biết đấy cả tuổi trẻ của mình Bác đã sống cho dân tộc. Chúng ta không có quyền để những hi sinh của Bác thành vô nghĩa. Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Bác đã để lại lời căn dặn trong bản di chúc: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ, Đảng phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng Chủ nghĩa xã hội vừa "Hồng" vừa "Chuyên". Bồi dưỡng cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết...".

Đảng và Bác Hồ kính yêu đã đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ. Những đóng góp của thanh niên vào thành quả của những năm đổi mới đã khẳng định quyết tâm của thế hệ trẻ Việt Nam là ra sức lao động, học tập, rèn luyện và tuyệt đối trung thành với sự nghiệp đổi mới của Đảng, quyết tâm đưa nước ta trở thành nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh như mong muốn của Bác lúc sinh thời.

Đề số 2 (Trang 128, SGK Ngữ Văn 8, Tập 2)

Văn học và tình thương

A. Mở bài: Chỉ ra mối liên hệ giữa văn học và tình thương

B. Thân bài:

- Tình thương là thứ tình cảm yêu thương giữa người với người, người với vật, người với thiên nhiên,...

- Vai trò của văn học là đem đến những giá trị nhân văn, giúp khơi gợi những tình cảm yêu thương trong con người.

+ Hiểu và đồng cảm với số phận của các nhân vật: Chị Dậu, Lão Hạc,....

+ Gắn kết tình cảm gia đình, yêu thương nhau hơn: Bức tranh của em gái tôi (tình anh em), Bếp lửa (tình bà cháu), Trong lòng mẹ (Tình mẫu tử), Yêu thương gia đìnhnhững người xung quanh (Ca dao yêu thương tình nghĩa....)

+ Tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, non sông đất nước (Ca dao than thânyêu thương tình nghĩaKhi con tu hú, Ngắm trăng, Quê hương,...)

- Tình thương cũng chính là động lực, là cảm hứng để cho ra đời những tác phẩm văn học tràn đầy giá trị nhân văn (Tắt đènLão Hạc,...)

C. Kết bài: Khẳng định ý nghĩa của mối quan hệ giữa văn học và tình thương.

Bài làm tham khảo

Văn chương nghệ thuật là thứ chỉ có trong đời sống văn hóa tinh thần của con người, nó mang đến những tác động nhất định đến tâm tư, tình cảm và nhận thức của con người. Con người chúng ta luôn sống bằng tình thương và đề cao lòng nhân ái, giữa văn học và con người có sự liên kết chính nhờ tình thương ấy. Trong bản thân văn học và tình thương của con người tồn tại mối quan hệ sâu sắc, gắn bó mật thiết với nhau.

Văn học nói chung được hiểu là một bộ môn nghệ thuật sử dụng ngôn từ, hình ảnh bằng nhiều phương thức khác nhau để thể hiện quan điểm, tư tưởng, tình cảm của người viết. Những tác phẩm văn học là những văn bản mang ý nghĩa giá trị về trí tuệ, tư tưởng, triết lý cao, hoặc có thể mang lại sự đồng cảm trong suy nghĩ và nhận thức. Tình thương là một trong những khía cạnh tình cảm của con người, biểu hiện của sự giao cảm giữa con người với con người và con người với thế giới xung quanh. Tình thương được thể hiện trên nhiều góc độ khác nhau, có thể là lòng đồng cảm, thương xót, có thể là ngợi ca và trân trọng hay thậm chí là tiếng nói phê phán, lên án. Giữa văn học và tình thương tồn tại mối quan hệ tương hỗ và gắn bó mật thiết với nhau.

Trước hết, tình thương chính là mục đích cuối cùng mà văn học hướng đến, văn học dù ở trên phương diện nào, được thể hiện bằng cách nào cũng chỉ hướng đến tình thương của con người. Bởi một tác phẩm văn học chân chính là phải hướng đến con người, phục vụ đời sống tình cảm của con người. Văn học được coi như một đại diện của tính nhân văn, nhân đạo của con người, không chỉ mang đến sự đồng cảm, thấu hiểu và sẻ chia với nỗi đau thương, bất công và mất mát của con người mà còn đi tới những góc khuất trong đời sống tình cảm của họ để san sẻ. Giống như Ngô Tất Tố với những kiếp người như chị Dậu trong "Tắt đèn", chị em Liên trong "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam, hay Thúy Kiều trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du...

Văn học còn là những bài ca, tiếng nói ca ngợi về tình thương, những phẩm chất cao đẹp của con người, vẻ đẹp giá trị và trân trọng tình cảm của con người. Ví dụ như ca ngợi về vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam có "Thương vợ" của Tú Xương, ca ngợi tư tưởng nhân đạo như "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi... Phê phán và lên án những mặt tối trong xã hội cũng chính là biểu hiện tình thương của văn học, thông qua văn học những khuất tất, mặt trái của xã hội được phơi bày ra ánh sáng (Lão Hạc, Tắt đèn...), những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội được lên án mạnh mẽ (Hạnh phúc của một tang gia, Những ngày thơ ấu...), ngay cả việc lên án chế độ xã hội các thế lực chèn ép quyền sống con người cũng được triệt để qua văn học (Truyện Kiều, Chí Phèo...). Tình thương lại chính là nguồn cảm hứng vô tận cho văn học, bởi trong mọi hoàn cảnh tâm lý và bối cảnh xã hội, tình thương của con người vẫn luôn tồn tại. Văn học ra đời để truyền tải tình thương và gìn giữ những giá trị tình thương của con người, mọi khía cạnh của tình thương đều được văn học khai thác triệt để để có thể gắn kết con người, đưa con người gần lại với nhau và thấu hiểu nhau hơn.

Có thể khẳng định mối quan hệ giữa văn học và tình thương là một mối quan hệ gắn bó chặt chẽ không thể tách rời, trên cơ sở tình thương văn học ngày càng phát triển đa dạng cả về chiều rộng và chiều sâu, tình thương của con người nhờ có văn học mà ngày càng sâu sắc và vươn tới những giá trị cao cả.

Đề số 3 (Trang 128 SGK Ngữ Văn 8 Tập 2)

Hãy nói không với các tệ nạn xã hội

A. Mở bài: Khẳng định rằng nên tránh xa các tệ nạn xã hội

B. Thân bài

- Tệ nạn xã hội: Là những hiện tượng trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật, gây hại xấu đến sự phát triển của con người và xã hội.

- Một số tệ nạn xã hội phổ biến: Ma túy, rượu chè, cờ bạc, mại dâm, trộm cắp,...

- Tác hại của những tệ nạn xã hội

+ Ảnh hưởng xấu tới những người mắc phải: Tốn kém tiền bạc, tổn hại sức khỏe, suy đồi nhân cách,...

+ Ảnh hưởng tới những người xung quanh: Tốn kém tiền của, tổn hao tinh thần, tình cảm sứt mẻ,...

+ Ảnh hưởng xã hội: Thiệt hại về tài sản, ảnh hướng tới nhân dân, tăng gánh nặng đảm bảo an ninh,...

- Nói không với các tệ nạn xã hội:

+ Tự trang bị kiến thức cho chính bản thân mình

+ Bài trừ các tệ nạn xã hội

+ Tuyên truyền kiến thức và vận động mọi người tránh xã TNXH, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng

+ Chăm chỉ rèn luyện sức khỏe, tu dưỡng đạo đức

C. Kết bài: Kêu gọi mọi người nói không với các tệ nạn xã hội.

Bài làm tham khảo

Không thể phủ nhận sự phát triển về mọi mặt của đất nước nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, xã hội phát triển đã kéo theo biết bao tệ nạn xã hội. Vậy chúng ta phải làm gì trước mối lo của toàn gia đình và xã hội? Là công dân của bất kỳ đất nước nào trên thế giới, đặc biệt là học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, chúng ta hãy kiên quyết nói “không” với các tệ nạn xã hội.

Để biết về tác hại to lớn của các tệ nạn xã hội, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu tệ nạn xã hội là gì? Đó là những thói quen xấu như rượu chè, cờ bạc, ma tuý, mại dâm,… Những thói quen này có ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe và tinh thần của bản thân đồng thời gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ma tuý là một chất gây nghiện, nó vắt kiệt sức khỏe và tha hoá đạo đức của người dùng. Một người, khi đã nghiện thì khó có thể dứt ra được, cuộc sống của anh ta sẽ lệ thuộc vào thuốc, và chính vì sự lệ thuộc ấy, anh ta sẵn sàng làm cả những điều phi nhân tính để có tiền mua thuốc. Sức khoẻ cũng suy giảm một cách nhanh chóng, người nghiện trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Còn về thuốc lá, khác với ma túy, thuốc lá cũng có mặt tích cực. Nếu hút ít, thuốc lá sẽ giúp con người tỉnh táo, hưng phấn khi suy nghĩ, làm việc. Nhưng nhiều người lại quá lạm dụng điều đó, hút quá nhiều dẫn đến tiêu cực. Hút thuốc nhiều sẽ huỷ hoại sức khỏe con người. Nghiện thuốc làm suy giảm hoạt động của hệ hô hấp dẫn đến nhiều bệnh tật như lao, ung thư phổi. Khói thuốc do người hút thải ra sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của những người xung quanh, đặc biệt với những bà mẹ đang mang thai. Và đương nhiên, hút thuốc cũng sẽ ảnh hưởng phần nào đến kinh tế gia đình.

Chúng ta cũng không thể không nói tới cờ bạc, “bác của thằng bần”. Trong cờ bạc luôn có kẻ thắng người thua. Thua thì đương nhiên bị mất tiền nhưng điều nguy hại hơn là tâm lý “gỡ gạc”, chính tâm lý này đã kéo người thua ngày càng sa vào vũng lầy không thể rút chân ra được. Người thắng tuy có được tiền nhưng đã tốn biết bao thời gian và công sức mà lẽ ra nên để dành cho việc khác có ích hơn. Hiện nay, tệ cờ bạc hay còn gọi là “nạn đỏ đen” xuất hiện tràn lan, biến tướng dưới hình thức các trò chơi được giải. Thật đáng lo ngại. Chúng ta hãy mạnh tay với tệ nạn này.

Còn rượu, nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người uống mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Uống nhiều rượu sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, làm giảm trí nhớ, mất thăng bằng cơ thể, và quan trọng hơn, không kiểm soát được mọi hành vi của mình, có thể dẫn đến những hành động nguy hiểm cho mọi người xung quanh.

Và còn nhiều tệ nạn khác nữa, trên đây mới chỉ là những tệ nạn đang nổi lên trong cuộc sống. Vậy chúng ta phải làm gì trước mối lo chung của toàn xã hội? Là một học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, là một công dân của xã hội, chúng ta Hãy nói không với các tệ nạn xã hội, hãy kiên quyết nói “không”, ngàn lần “không” với các tệ nạn, chúng ta hãy tránh xa các tệ nạn, và quan trọng hơn, chúng ta hãy cùng nhau chặn đứng tệ nạn bằng cách cổ động tuyên truyền cho mọi người cùng thấy tác hại của tệ nạn. Chúng ta hãy cố gắng góp sức nhỏ nhoi của mình cùng mọi người đẩy lùi các tệ nạn, mối lo chung của toàn nhân loại, để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, trong sạch không bị ô nhiễm vì tệ nạn.

Xem thêm các bài soạn Ngữ văn 8 hay, chi tiết khác:

Tổng kết phần văn 

Ôn tập và kiểm tra phần tiếng việt  

Văn bản tường trình  

Luyện tập về văn bản tường trình

Ôn tập và kiểm tra phần tiếng việt (tiếp theo)

1 474 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: