Soạn bài Viết bài tập làm văn số 5 hay, ngắn gọn

Hướng dẫn soạn bài Viết bài tập làm văn số 5 Ngữ văn lớp 8 hay, ngắn gọn nhất và đủ ý giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung chính bài Viết bài tập làm văn số 5 để chuẩn bị bài và soạn văn 8. Mời các bạn đón xem:

1 424 lượt xem
Tải về


Soạn bài Viết bài tập làm văn số 5 - Ngữ văn 8

A. Soạn bài Viết bài tập làm văn số 5 ngắn gọn: 

Đề 1: Giới thiệu về một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt.

Dàn bài:

a) Mở bài.

Giới thiệu khái quát về đồ dùng hay vật dụng đó.

b) Thân bài.

- Miêu tả hình dáng, màu sắc;

- Giới thiệu các bộ phận của đồ dùng hay vật dụng đó;

- Công dụng của đồ vật;

- Cách sử dụng đồ dùng hay vật dụng đó;

c) Kết bài.

- Mối quan hệ của đồ dùng hay vật dụng đó với người học sinh hay với con người nói chung.

Bài mẫu tham khảo

Suốt quãng đời cắp sách đến trường, người học sinh luôn bầu bạn với sách, vở, bút, thước... và coi đó là những vật dụng không thể thiếu được. Trong số những dụng cụ học tập ấy thì tôi yêu quý nhất là cây bút bi, một vật đã gắn bó với tôi nhiều năm và chắc trong tương lai sẽ còn hữu ích với tôi lắm!

Hồi còn ở cấp một, tôi dùng bút máy viết mực và chữ tôi khá đẹp, nhưng khi vào cấp hai thì nó lại gây cho tôi khá nhiều phiền toái. Tôi phải vừa viết vừa nghe Thầy, cô giảng bài với tốc độ khá nhanh nên bút máy không thể đáp ứng được yêu cầu này. Chữ viết lộn xộn và lem luốc rất khó coi! Lúc ấy thì Ba mua tặng tôi một chiếc bút bi với lời khuyên: "con hãy thử xài loại bút này xem sao, hy vọng nó có ích với con". Kể từ đó tôi luôn sử dụng loại bút này để rồi hôm nay có dịp nhìn lại, tìm hiểu đôi điều về nó.

Chiếc bút bi đầu tiên, được một nhà báo Hungary làm việc tại Anh tên Laszlo Biro giới thiệu vào năm 1938. điều khiến Ông nghĩ ra việc sáng chế ra loại bút này là vì những cây bút máy luôn gây cho Ông thất vọng, chúng thường xuyên làm rách, bẩn giấy tờ, phải bơm mực và hay hư hỏng... Vào ngày 15 tháng 6 năm 1938 ông Biro được nhận bằng sáng chế Anh quốc. Từ khi bút bi được ra đời nó đã được cải tiến nhiều để phù hợp với người dùng và đã trở nên thông dụng khắp thế giới. Tuy có khác nhau về kiểu dáng như chúng đều có cấu tạo chung giống nhau. Bút bi có ruột là một ống mực đặc, đầu ống được gắn với một viên bi nhỏ có đường kính khoảng từ 0,7 đến 1 milimet, được coi như là ngòi bút. Khi ta viết mực được in lên giấy là nhờ chuyển động lăn của viên bi này và loại mực dùng cho bút khô rất nhanh.

Đề 2: Giới thiệu một danh lam thắng cảnh ở quê em.

Dàn bài:

a) Mở bài.

Giới thiệu về danh lam thắng cảnh mà em dự định sẽ thuyết minh.

b) Thân bài.

- Giới thiệu nguồn gốc của khu di tích: có từ bao giờ, ai phát hiện ra? đã kiến tạo lại bao giờ chưa?

- Giới thiệu vị trí địa lí, đặc điểm bên ngoài (nhìn từ xa hoặc nhìn từ trên).

- Trình bày về đặc điểm của từng bộ phận của khu di tích: kiến trúc, ý nghĩa, các đặc điểm tự nhiên khác thú vị, độc đáo,…

- Danh lam thắng cảnh của quê hương bạn đã đóng góp như thế nào cho nền văn hoá của dân tộc và cho sự phát triển nói chung của đất nước trong hiện tại cũng như trong tương lai (làm đẹp cảnh quan đất nước, mang lại ý nghĩa về giáo dục, ý nghĩa tinh thần, mang lại giá trị vật chất,…).

c) Kết bài.

Khẳng định lại vẻ đẹp nhiều mặt của danh lam thắng cảnh đó.

Bài làm tham khảo

Chùa Một Cột nằm trong khu di tích chùa Diên Hựu, Thôn Thanh Bảo, Quảng Đức vào thời lý. Đến nay được gọi là Chùa Một Cột thuộc Ba Đình gần Lăng Bác, Hà Nội.

Được khởi công và xây dựng vào 10/1049 âm lịch. Trước kia chùa có rất nhiều tên khác nhau như chùa Mật (tiếng Hán-Nôm) và "Diên Hựu tự", "Liên Hoa Đài". Theo tìm hiểu Ngôi chùa được xây dựng theo một giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028 - 1054). Có một lần vua Lý Thái Tông đã mơ thấy phật quan âm ngồi trên đài sen và dắt mình lên đài. Khi tỉnh dậy, Nhà Vua kể cho bề tôi nghe và được nhà sư Thiền Tuệ gợi ý nên xây dựng ngôi chùa và nhà vua đã dựa theo ý tưởng thiết kế của Thiền Tuệ để xây dựng ngôi chùa.

Ngôi chùa được thiết kế bằng gỗ ở phần dưới là cột đá tượng trưng cho thân sen, còn phía trên là đài sen. Bên trong có tượng phật bà Quan Âm để thờ. Cho đến năm 1105, Vua Lý Nhân Tông cho mở rộng kiến trúc của chùa và xây dựng thêm hồ Linh Chiểu. Về sau, chùa chỉ còn lại ngôi chùa nhỏ như ngày nay. Gồm có đài Liên Hoa hình vuông, chiều dài mỗi cạnh chùa là 3m, mái cong cong, dựng trên cột đá cao 4m, đường kính 1,2m có cột đá là 2 khúc chồng lên nhau thành một khối. Tiếp đến là hệ thống đòn bẩy để giữ thăng bằng cho ngôi chùa phía trên. Ngôi chùa được xây dựng vươn lên khỏi mặt nước là một kiến trúc độc đáo. Phía dưới là hồ hình vương bao quanh bởi gạch tráng men màu xanh.

Đến năm 1840 - 1850, ngôi chùa một cột được trùng tu và tôn tạo, lần tiếp theo là vào năm 1920. Vào năm 1955, Đài Liên Hoa được sửa chữa bởi kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. Năm 1995, ngôi Tam bảo được trùng tu với tổng số tiền lên tới 500 triệu đồng và tiếp theo là trùng tu nhà mẫu năm 1997 hết 200 triệu đồng.

Chùa Một Cột là một trong những danh lam thắng cảnh được bộ văn hóa nước ta xếp hạng di tích lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc vào năm 4/1962. Chùa Một Cột có một ý nghĩa lịch sử và văn hóa vô cùng to lớn. Đây cũng là biểu tượng của người Hà Nội ngàn năm văn hiến. Có một điều mà có thể bạn không để ý đến đó là Chùa Một Cột còn được in đằng sau đồng tiền xu 5000 của Việt Nam.

Nếu bạn có cơ hội du lịch 1 ngày ở Hà Nội thì chắc chắn các bạn không thể bỏ qua 1 địa điểm đó chính là Chùa Một Cột. Ngôi chùa tuy nhỏ bé nhưng nó là nét văn hóa của dân tộc với nét kiến trúc riêng không đâu có được. Chính sự đặc biệt này mà hàng năm, khách du lịch đến đây rất đông và là nơi yêu thích của khách du lịch trong và ngoài nước.

Đề 3: Thuyết minh về một văn bản, một thể loại văn học đơn giản (như văn bản đề nghị, báo cáo, thể thơ lục bát,…).

Dàn bài:

a) Thuyết minh về một văn bản cần chú ý làm nổi bật những ý sau:

- Giới thệu về các phần các mục của văn bản.

- Công dụng của văn bản.

- Cách làm.

- Những điểm cần lưu ý hay những lỗi thường gặp nên tránh khi tạo lập văn bản.

b) Thuyết minh về một thể loại văn học cần tập trung vào các ý:

- Đặc điểm của thể loại:

+ Về cấu trúc.

+ Về âm thanh.

+ Về nhịp điệu.

+ Số câu, số chữ.

+ Nguyên tắc cấu tạo, xây dựng hình tượng.

- Vai trò của thể loại trong lịch sử và trong đời sống văn học nói chung.

Bài làm tham khảo

Truyện ngắn là một trong những thể loại văn học vô cùng quan trọng. Đây cũng là thể loại được nhiều bạn đọc yêu thích. Khi tìm hiểu về thể loại này, chúng ta có thể thấy được những đặc điểm riêng để phân biệt với các thể loại khác.

Trước hết, về khái niệm truyện ngắn, sẽ có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau. Nhưng hiểu đơn giản thì đúng như tên gọi của nó, truyện ngắn là một thể loại văn học, với các câu truyện được kể bằng văn xuôi. Có dung lượng ngắn gọn, súc tích và hàm nghĩa hơn các câu truyện dài như tiểu thuyết. Thông thường truyện ngắn có độ dài chỉ từ vài dòng đến vài chục trang, trong khi đó tiểu thuyết rất khó dừng lại ở con số đó. Vì thế, tình huống truyện luôn là vấn đề quan trọng bậc nhất của nghệ thuật truyện ngắn.

Trước hết về hình thức, truyện ngắn có dung lượng ngắn, số trang viết ít. Truyện ngắn thường chỉ tập trung vào một tình huống, một chủ đề nhất định. Trong khi đó, nếu là thể loại tiểu thuyết chứa được nhiều vấn đề, phủ sóng được một diện rộng lớn của đời sống. Do đó, truyện ngắn thường hết sức hạn chế về nhân vật, thời gian và không gian trong truyện ngắn cũng không trải dài như tiểu thuyết. Đôi khi truyện ngắn chỉ là một khoảnh khắc của cuộc sống. Truyện gây cho người đọc một cái nút, một khúc mắc cần giải đáp. Cái nút đó càng ngày càng thắt lại đến đỉnh điểm thì đột ngột cởi tung ra, khiến người đọc hả hê, hết băn khoăn. Truyện ngắn cũng có tính cô đọng và mở rộng, súc tích và ngắn. Dĩ nhiên đây không phải là truyện dài ngắn đơn thuần, vì một truyện ngắn mười hai trang có thể chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn là một cuốn tiểu thuyết bốn trăm trang. Chúng ta đang nói đến một phạm trù khác của các tác phẩm hư cấu nói chung. Truyện ngắn cũng chứa đựng tất cả các nguồn lực y như tiểu thuyết: ngôn ngữ, nội dung, nhân vật và phong cách. Tiểu thuyết gia có thể sử dụng phương tiện nghệ thuật nào thì nhà văn viết truyện ngắn cũng có thể sử dụng các phương tiện đó. Có thể nói, truyện ngắn là bản tình ca viết bằng văn xuôi.

Về lịch sử hình thành, trên thế giới, ở Trung Quốc và Nhật Bản, trước đây người ta vẫn coi truyện ngắn thuộc thể loại tiểu thuyết, được gọi là “tiểu thuyết đoản thiên” để phân biệt với loại tiểu thuyết chương hồi dài tập hay “tiểu thuyết trường thiên”. Người Việt Nam ngày nay dùng từ truyện ngắn để chỉ “tiểu thuyết đoản thiên” và tiểu thuyết để chỉ “tiểu thuyết trường thiên”. Còn ở phương Tây, thể loại truyện ngắn ra đời tương đối muộn, xuất hiện trên một tạp chí xuất bản đầu thế kỷ 19, phát triển lên đến đỉnh cao nhờ những sáng tác xuất sắc của văn hào E.T.A. Hoffman và Anton Chekhov, sau đó trở thành một hình thức nghệ thuật lớn của văn học thế kỷ XX. Mặc dù, trước đó, truyện ngắn đã tồn tại dưới hình thức truyền miệng truyền thống trong dân gian như các truyện ngụ ngôn, nhưng chỉ đến khi có sự xuất hiện ồ ạt của một tầng lớp độc giả biết đọc biết viết ở thế kỷ XIX ở phương Tây.

Cuối cùng, mỗi một tác phẩm truyện ngắn đều gửi gắm một nội dung tư tưởng nào đó của nhà văn. Có thể kể đến một số tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn đã được học trong chương trình như: Tôi đi học (Thanh Tịnh), Lão Hạc (Nam Cao), Chiếc lá cuối cùng (O.Henry)...

Tóm lại, đây là một thể loại văn học vô cùng quan trọng không chỉ của nền văn học Việt Nam mà còn đối với văn học thế giới.

Đề 4: Giới thiệu một loài hoa (như hoa đào, hoa mai,…) hoặc một loài cây (như cây chuối, cây na,…).

Dàn bài:

a) Mở bài.

Giới thiệu tên loài hoa hay loài cây mà em yêu thích.

b) Thân bài.

Thuyết minh về đặc điểm, phẩm chất của loài cây, loài hoa.

- Hoa (cây) có đặc điểm gì nổi bật: nguồn gốc, thân, lá, hoa, nụ, quả.

- Vai trò, tác dụng của loài hoa hay loài cây đó là gì: làm cảnh, trang trí cho đẹp; làm thuốc; lấy quả,…(nếu dẫn ra được các số liệu cụ thể thì càng tốt).

c) Kết bài.

Nêu cảm nghĩ của bản thân đối với loài hoa hay loài cây mà mình yêu thích. Cũng có thể nêu ra những bài học về sự thích thú và ích lợi của cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.

Bài làm tham khảo

Cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, nhà nhà lại nô nức chuẩn bị bao thức vật thơm ngon, đẹp để cho dịp Tết trọng đại trong năm này. Và giữa bao nhiêu bánh trái, đồ đạc,... mới mẻ, sặc sỡ, một cành đào tươi tắn rực rỡ vẫn được chờ đợi, ngóng trông nhất.

Hoa đào là loài hoa đặc trưng cho cái Tết và mùa xuân miền Bắc Việt Nam. Hoa đào được trồng ở hầu hết các tỉnh miền Bắc: Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Nội,... Nhưng đẹp nhất, được yêu thích nhất vẫn là hoa đào Nhật Tân, Hà Nội. Gọi là hoa đào Nhật Tân vì giống hoa ấy được trồng ở làng Nhật Tân - một vùng đất ven sông Hồng của Hà Nội.

Hoa đào cũng có nhiều loại: đào bích, đào phai, đào bạch,... Trong đó, đào bích phổ biến hơn cả. Đó là loại đào mau cánh, cánh màu đỏ thắm. Đào phai thì nhạt hơn, sắc đã ngả sang hồng. Riêng đào bạch thì đúng như tên gọi, cánh hoa có màu trắng; đây là loại hoa đào rất hiếm và khó trồng.

Hoa đào ưa đất phù sa ven sông và thích hợp với khí hậu ấm áp của mùa xuân. Đó là lí do để cứ mỗi khi Tết đến, xuân về hoa đào lại tưng bừng khoe sắc. Không chỉ vậy, họa còn rất kén chọn cách chăm sóc, tưới bón. Tưới nước cho hoa đào phải tưới bằng nước sạch, nếu sử dụng nước bẩn bị ô nhiễm, đào nở hoa không đều và không đẹp. Hơn nữa, muốn hoa nở đúng dịp Tết phải biết cách tuốt lá đào vào dịp cuối năm.

Tuỳ theo tuổi đời, chủng loại và cách chăm bón của người trồng đào mà một cây đào có thể rất nhỏ hoặc rất rất lớn. Loại nhỏ nhất có thể cao vài chục xen-ti-mét, loại lớn nhất có thể cao đến vài mét. Đào là giống cây rễ cọc nên có một thân chính lớn và rất nhiều cành nhỏ vươn ra từ đây. Thân và cành đào dược bao bọc bởi một lớp vỏ màu nâu xám. Từ hàng chục cành nhỏ lại nhú ra các lá đào xanh non và dưới mỗi lá là một nụ đào nhỏ xíu có một lớp lóng phân trắng phủ ngoài. Đến đúng dịp, từ mỗi nụ nhỏ xinh xắn, một bông hoa đào đỏ thắm ngơ ngác xoè cánh nhìn cuộc sống. Hoa đào có năm cánh thắm, ở giữa là nhị hoa màu vàng tươi trông rất bắt mắt; cả cánh hoa và nhị hoa lại được nâng đỡ bởi sắc xanh non của đài hoa nên một bông hoa đào là một hình ảnh hài hoà về màu sắc.

Hoa đào chỉ nở một lần trong năm vào dịp đầu xuân, chính đặc điểm này cùng với màu đỏ thắm của cánh hoa được con người trân trọng. Bởi màu đỏ là màu của điềm lành, của sự may mắn. Và hoa đào nở vào dịp đầu xuân giống như lời chúc cát tường, thịnh vượng cho mọi gia đình. Cùng với màu sắc của hoa, hình dáng cây hoa cũng là một đặc điểm quan trọng. Thông thường, các cành đào vươn lên khiến cây giống như một chùm đèn lồng xoay ngược hay một li rượu vang lớn. Nhưng người trồng đào hoàn toàn có thể tạo "thế" cho cây bằng cách uốn, tỉa thân, cành. Thân chính của cây được tạo dáng sao cho uốn lượn theo hướng vươn lên giống hình ảnh con rồng bay lên trời xanh. Hoặc có thể được uốn tỉa theo hình các con vật; rất phong phú đa dạng. Muốn cây đào có được vẻ xù xì, cổ kính mà không bị cổng kềnh, cao to, người trồng đào thường chọn những cây già rồi cắt gần sát gốc để từ cái gốc cổ thụ ấy lại vươn ra những thân đào khác... Thế mới biết, nghề trồng đào - chơi đào cũng lắm công phu.

Vào ngày Tết, cây đào được đặt ở vị trí trung tâm trong phòng khách, kiêu hãnh khoe cái vẻ tươi tắn rực rỡ của mình. Nhiều gia đình còn treo lên cành cây những phong bao lì xì, những vật trang trí vô cùng bắt mắt. Mỗi lần gió xuân đi qua, những vật nhỏ xinh ấy lại quay tròn ríu rít vỗ tay mừng hoa đào đã nở.

Cây hoa đào với những đặc điểm đáng quý của mình đã được con người Việt Nam trân trọng và nâng niu như thế. Và mỗi dịp Tết đến xuân về, lòng người lại háo hức với niềm vui được chờ đón hoa đào nở, được chờ đón một năm mới an lành, hạnh phúc.

Đề 5: Thuyết minh về một giống vật nuôi.

Dàn bài:

a) Mở bài.

Giới thiệu về giống vật nuôi mà em định thuyết minh (một loài chim quý, một vật nuôi trong gia đình).

b) Thân bài.

Thuyết minh về đặc điểm, vai trò của loài vật:

- Giới thiệu về hình dáng, cấu tạo, màu sắc, các bộ phận cụ thể của loài vật bằng một giọng văn hớn hở và thích thú.

- Giới thiệu những tập tính của loài vật (cách ăn, ngủ, sinh sản,…).

- Vai trò, công dụng của loài vật đó đối với đời sống con người.

c) Kết bài.

Nêu cảm nghĩ, tình cảm của mình đối với loài vật đó.

Bài làm tham khảo

Trong cuộc sống của chúng ta có biết bao nhiêu con vật có ích nào là trâu, chó, gà, bò… thế nhưng chúng ta cũng không thể nào không nhắc đến con lợn. Có thể nói lợn là một con vật rất gần gũi với cuộc sống của chúng ta. Nó không chỉ là một con vật nuôi cung cấp nguồn thực phẩm cho con người mà nó còn có nhiều vai trò khác nữa.

Trước hết là về đặc điểm ngoại hình cua nó thì lợn thường có da màu khoang trắng đen hoặc màu trắng. Lợn khi còn bé thì có màu hồng nhạt rất dễ thương và đáng yêu. Bụng của chúng rất là to cái đuôi thì xoắn vào, bốn cái chân ngắn, móng to. Lông thường rất thưa và dài có màu trắng. Đôi mắt của nó thì rất tròn to đen lắm. Cái miệng mà người ta hay gọi là mõm thì dài khi ăn thức ăn thì nó sục mõm cho nước rơi vào cả mũi nhưng vẫn ăn được.

Về thức ăn thì lợn là một con vật ăn tạp và thức ăn chủ yêu của nó là cái loại rau xanh và cám, gạo, cám ngô. Người thường cho nó ăn vào một cái máng dài. Về phân loại thì lợn được chia ra làm hai loại lợn cơ bản đó là lợn sề và lợn cỏ. Lợn sề có màu khoang trắng đen kích cỡ to hơn và thịt thường dai hơn thịt lợn bình thường không tạo nên sự hấp dẫn cho con người. Chính vì thế mà trên thị trường thịt lợn sề bao giờ cũng rẻ hơn thịt lợn bình thường. Những con lợn khác thì có màu trắng bình thường.

Về sinh sản thì mỗi một lứa lợn sẽ đẻ ra gần mười con lợn con. Khi mới đẻ những con lợn ấy phải được tiến hành bẻ răng nanh không thì sẽ cắn mẹ nó khi bú. Lợn con sinh ra màu hồng hào trông rất đẹp và sạch sẽ.

Không chỉ thế lợn là một con vật có ích bởi vì nó có công dụng rất lớn trong đời sống của chúng ta. Thứ nhất là trong kinh tế và đời sống thực phẩm hàng ngày. Ngày nay chúng ta đi ra chợ món thịt lợn là món mà mọi người thường hay mua nhiều nhất. Chính bởi thịt lợn rất ngon và dễ ăn số lượng lại nhiều nên giá cả phải chăng khiến cho nhà ai cũng có thể ăn chứ không như thịt bò đắt. Vậy nên những người nhà không có điều kiện cũng có thể mua về ăn trong bữa cơm hàng ngày. Còn những người bán hàng thì lại có thu nhập đều đều.

Trong đời sống thì chúng ta có thể thấy được đó là thịt lợn có thể chế biến thành nhiều món ngon đẹp mắt như: thịt kho tàu, thịt rang, thịt xào xả ớt, thịt băm… Nói tóm lại lợn cung cấp thực phẩm cần thiết cho con người.

Vai trò thứ hai đó là lợn trở thành nhiều biểu tượng cho con người và còn trở thành cả biểu tượng nghệ thuật. Lợn vô cùng may mắn khi lọt vào top mười hai con giáp để chỉ cho số phận con người. Những người sinh năm lợn được người ta phán rằng có một cuộc sống sung sướng bởi dựa theo đặc tính của con vật này thì cả ngày chỉ có ăn với nằm mà thôi. Đói thì lại kêu no thì lại ngủ. Vì thế những người sinh năm hợi đều mang số phận sướng. Không những thế mà hẳn những con người Việt nam chúng ta không quên được hình ảnh của những bức tranh Đông Hồ với đàn lợn dưới hình một cây khoai nước. Đó là nghệ thuật của nước ta mà cụ thể là ở Bắc Ninh.

Như vậy có thể thấy được vai trò và những đặc điểm cơ bản của con lợn trong cuộc sống của con người chúng ta. Có lẽ chính vì những vai trò to lớn từ vật chất cho đến tinh thần ấy đã khiến cho lợn trở thành một con vật có ích.

Đề 6: Giới thiệu một sản phẩm, một trò chơi mang bản sắc Việt Nam (như chiếc nón lá, chiếc áo dài, trò chơi thả diều,…).

Dàn bài:

a)Thuyết minh về một sản phẩm cần chú ý làm nổi bật các ý sau:

- Hình dáng, màu sắc của sản phẩm;

- Nguyên liệu tạo nên sản phẩm;

- Cách làm, nơi làm ra sản phẩm đó;

- Các bộ phận, các phần của sản phẩm;

- Công dụng;

- Giá trị văn hoá của sản phẩm;

b) Thuyết minh về một trò chơi, cần tập trung làm rõ các ý:

- Xuất xứ của trò chơi.

- Miêu tả cách chơi:

+ Công đoạn chuẩn bị (ví dụ cách làm diều, các bộ phận của con diều).

+ Khi tiến hành trò chơi.

- Ý nghĩa văn hoá của trò chơi.

Bài làm tham khảo

Đối với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn Việt Nam, chắc chắn sẽ gắn bó với rất nhiều trò chơi dân gian được lưu truyền từ xưa đến nay. Tuổi thơ của họ gắn tràn ngập kỉ niệm về những ngày tháng êm đềm lớn lên bên nhau, cười giòn tan khi được ngắm cánh diều bay cao vút, reo hò ầm ĩ khi chơi trò trốn tìm… Đối với những đứa trẻ xóm chợ ở quê em, có lẽ trò chơi dân gian trốn tìm để lại trong nhau nhiều xúc cảm đáng nhớ nhất.

Từ khi chúng em sinh ra, trò chơi trốn tìm đã có, và cứ thế từ thế hệ này đến thế hệ khác xem đó như một trò chơi cần phải trải qua khi còn ấu thơ. Trò chơi mang đến nhiều tiếng cười reo rộn ràng nhất.

Trò chơi trốn tìm là trò chơi càng đông càng vui, trong đó sẽ có hai phe, một người đi tìm và một nhóm người sẽ đi trốn. Ai oản tù tỳ thua thì chắc chắn phải làm người đi tìm những người còn lại. Trốn tìm không phải trò chơi cần bất cứ dụng cụ gì hết, chỉ cần có người là có thể chơi được, ở bất cứ nơi đâu, trong nhà hay ngoài sân, trong những bụi rậm… Tuy nhiên mọi người thường chọn những nơi rộng rãi, có nhiều chỗ để trốn mới thú vị.

Người đi tìm phải bịt mắt, úp mặt vào tưởng và bắt đầu đếm từ một đến một trăm; đếm đến lúc nào không nghe tiếng ai trả lời nữa thì bắt đầu công cuộc đi tìm. Còn những người đi trốn thì cần phải khéo léo nhanh nhẹn tìm được nơi ẩn nấp an toàn, bí mật để người kia không tìm ra và mình thành người thắng cuộc. Cuộc chơi chỉ thực sự kết thúc khi người đi tìm tìm được hết số người đi trốn, còn nếu người đi tìm đầu hàng thì coi như đã thua và bắt đầu chơi lại từ đầu.

Thực ra trò chơi trốn tìm rất đơn giản, mang lại nhiều niềm vui, bất ngờ và hứng khởi cho mọi người. Một trò chơi dân gian bình dị, gần gũi và góp phần tạo nên "hồn" riêng của vùng quê nông thôn Việt Nam.

Giữa những đống rơm mẹ mới phơi hôm qua, còn thơm mùi rạ, trẻ con có thể chui rúc vào đó mà trốn đến nghẹt thở. Có những người thì lẻn vào góc nhà không có ánh điện, nín thở và lắng nghe tiếng bước chân của người tìm. Trò chơi đơn giản nhưng đầy hồi hộp và mong chờ, đầy bất ngờ.

Khi người đi tìm mệt mỏi, tìm mãi không ra đành bất lực tớ thua rồi, các bạn ra đi thì người trốn sẽ hét hò ầm ĩ "Tớ ở đây này, dễ thế cũng không tìm ra". Lúc đấy mắt của cái người đi tìm xị xuống y như bị ai lấy cắp đồ chơi.

Trò chơi trốn tìm như một nét văn hóa của nông thôn, những đứa trẻ lớn lên đều ít nhiều biết đến trò chơi thú vị, đơn giản này. Sẽ thật buồn nếu những đứa trẻ nông thôn nào không được trải qua những giây phút thoải mái, êm đềm, thư giãn và đầy hồi hộp như trò chơi này.

Trò chơi trốn tìm cứ thế ăn sâu vào tiềm thức của rất nhiều đứa trẻ nông thôn, theo chúng lớn lên, theo chúng đến những mảnh đất xa xôi. Mỗi người đều có một ký ức, những dòng chảy thời gian về tuổi thơ cứ thế neo đọng lại mãi trong kí ức. Khi tìm về tuổi thơ, bất chợt thấy mình trưởng thành, trò chơi ấy đang dần dần mất đi. Bất giác giật mình và buồn rười rượi.

Xem thêm các bài soạn Ngữ văn 8 hay, chi tiết khác:

Thiên đô chiếu  

Câu phủ định  

Chương trình địa phương (phần văn)

Hịch tướng sĩ

Hành động nói

1 424 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: