Soạn bài Viết bài tập làm văn số 1 – Văn tự sự hay, ngắn gọn

Hướng dẫn soạn bài Viết bài tập làm văn số 1 – Văn tự sự Ngữ văn lớp 8 hay, ngắn gọn nhất và đủ ý giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung chính bài Viết bài tập làm văn số 1 – Văn tự sự để chuẩn bị bài và soạn văn 8. Mời các bạn đón xem:

1 628 lượt xem
Tải về


Soạn bài Viết bài tập làm văn số 1 – Văn tự sự - Ngữ văn 8

Đề 1: Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học.

a. Dàn ý:

* Mở bài: Giới thiệu khái quát về ấn tượng của ngày đầu tiên đi học.

* Thân bài:

- Kể về sự chuẩn bị và tâm trạng trước ngày đầu tiên đến trường

+ Sự chuẩn bị của bản thân ( sách vở, quần áo, cặp...).

+ Sự chăm chút, chu đáo của mẹ, của gia đình

+ Tâm trạng trước đêm đi học đầu tiên: háo hức, hồi hộp, trằn trọc...

- Kể về khung cảnh, cảm xúc của bản thân trên đường đến trường

+ Thời tiết, cảnh các bạn học sinh khác trên đường đến trường như mình như nào?...

+ Cảm xúc của bản thân trước khung cảnh khác thường ấy

- Kể về những kỉ niệm khi bước vào ngôi trường, lớp học

+ Kỉ niệm về ấn tượng với ngôi trường, bạn bè, thầy cô, lớp học những tình huống em gặp trong ngày đầu tiên đi học ấy

+ Tập trung kể chi tiết một kỉ niệm nào đó để lại cho em nhiều ấn tượng nhất.

* Kết bài: Khái quát lại những ấn tượng sâu sắc nhất về ngày đầu tiên tới trường. Cảm xúc của em mỗi khi nhớ về ngày đó như thế nào?

b. Bài mẫu tham khảo:

“Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt em tới trường, em vừa đi vừa khóc. Mẹ dỗ dành yêu thương,...” Đó là những cảm xúc đầu tiên của tôi khi chuẩn bị vào lớp một. Khi tôi ngân nga bài hát này thì lòng tôi lại nhớ đến những kỉ niệm đẹp của ngày đầu tiên đi học. Ngày đầu tiên khai trường, đó là cái ngày mà chắc hẳn không ai trong chúng ta có thể quên được. Cái ngày ấy đã đánh dấu sự kiện mỗi chúng ta bước vào con đường học tập. Năm nay tôi đã lên lớp tám, đã quá quen với không khí học đường, nhưng nhìn lại chiếc cặp chú tôi tặng tuần trước làm tôi thêm bồi hồi, xao xuyến và nhớ lại những kỉ niệm ngây thơ, bé bỏng của một cậu bé chập chững bước vào cổng trường trong bàn tay gầy guộc nhưng đầy tình thương của bà tôi.

Ấy là cái ngày mà tôi sẽ không bao giờ quên. Hôm ấy, trời thu se se lạnh, mây bồng bềnh trôi, đó cũng là biểu hiện của một ngày khai trường đang đến, một năm học mới bắt đầu. Tôi nao nao trong lòng những tưởng tượng ngây thơ với tâm trạng một đứa trẻ sắp đối diện với một sự kiện quan trọng. Thực ra lúc đó còn bé, chưa cảm nhận được mấy về ngày khai trường và cũng chẳng biết đó là ngày gì, nhưng thấy sự quan tâm, bận rộn của người lớn phần nào tôi cũng đã nhận ra có cái gì đó quan trọng. Hôm nay bà sẽ là người đưa tôi đến trường, bố mẹ tôi công tác xa nên không thể đưa tôi đi được, nhưng nghe bà tôi nói bố mẹ tôi cũng háo hức cái ngày này lắm. Vùng quê tôi không phải ở thành thị, cũng chẳng phải một nơi nào giàu có, đó là một vùng sông nước mang đầy nét thôn quê và sự dân dã. Trên đường đi học, bà cháu tôi phải đi qua một con sông. Bác lái đò đã chờ sẵn chúng tôi ở đó. Tôi thấy nét mặt của bác tươi hơn mọi ngày, phải chăng đó cũng vì cái ngày hôm nay, cái ngày mà mọi người gọi là “ngày tựu trường” – trong đầu tôi nghĩ vậy. Trên đò có rất nhiều các bạn học sinh cùng các bậc phụ huynh. Tôi để ý thấy từng nét mặt lo lắng trên mặt bọn trẻ, trong đó có cả mấy đứa thường đi thả diều với tôi, cùng với sự chu đáo của người lớn giống như bà tôi vậy. Điều đó càng làm tôi hiểu thêm về tầm quan trọng của ngày này, nhưng cũng chính vì đó mà khiến tôi càng thêm bận tâm. Tâm hồn tôi bấy giờ nặng trĩu nhưng rồi lại nhẹ nhàng như những cánh hoa tươi rực rỡ trong nắng mai cùng những giọt sương sớm bởi bà tôi đang bên cạnh cùng những dập dềnh của sóng nước. Đang mải mê suy nghĩ, chợt tiếng bác lái đò gọi to làm tôi giật mình: “Các cháu xuống nào, chúc các cháu vui vẻ nhé” Câu nói ấy thật quen thuộc bởi mỗi lần tôi đi đò của bác đều được nghe nhưng hôm nay sao câu nói ấy lại in sâu vào tâm trí tôi như vậy. Nó như động lực giúp tôi mạnh mẽ thêm trong tâm trạng như hiện giờ. Tôi mạnh dạn chủ động nắm tay bà bước xuống đò. Làn gió nhè nhẹ thổi qua, xoa đi cái nóng nực khi ngồi đò và cái bồi hồi của tâm trạng. Ô kìa, kia có phải là trường học, nơi mà tôi sẽ đến. Tôi lờ mờ nhận ra như vậy vì thấy nó khang trang và to lớn hơn bất cứ cái nhà nào mà tôi từng gặp. Bà xoa đầu tôi, nhẹ nhàng nói: “Cháu yêu, trường học của chúng ta đây rồi. Đây sẽ là nơi tu dưỡng đạo đức và kiến thức cháu”. Tôi ngẫm nghĩ mãi về câu nói ấy nhưng vẫn không hiểu vế sau, tôi cho rằng đó là một câu nói mang tính chất nghệ thuật mà các anh chị trong làng vẫn thường hay nói văn vẻ. Quả thực tâm trạng tôi mỗi lúc thay đổi. Bây giờ tôi không còn cảm thấy quá sợ nữa nhưng không hiểu sao chân tôi cứ díu lại. Dù vậy nhưng tôi vẫn cố nhảy theo những bước chân của bà. Đi được một đoạn thì ngôi trường đã hiện rõ trước mắt. Trước mặt tôi là một cái cổng trường to lớn với những chữ viết lằng nhằng khó hiểu. Xung quanh đó là hàng trăm các bạn học sinh khác cùng với biết bao tâm trạng, suy nghĩ. Bạn thì níu chân mẹ, người thì mếu máo. Chợt có tiếng khóc òa sau lưng tôi, tôi liền chạy lại úp mặt vào bà và cũng nghẹn ngào khó tả. Nước mắt tôi đã dưng dưng đến tận cổ họng. Nhưng nhớ tới những lời mà bố mẹ tôi vẫn hay nựng nịu cùng với sự dỗ dành của bà. Tôi lại can đảm lau nhẹ nước mắt và mồ hôi, đứng thẳng người. Cùng lúc đó, có một cô giáo đi lại phía tôi. Tôi ngơ ngác nhìn thì cô nhẹ nhàng cất tiếng nói: “Bà cho cháu vào lớp đi. Đó là lớp của cháu” Giọng nói ấm ấm, thanh thanh mà ngọt ngào của cô đã khiến tôi nhớ đến mẹ. Tôi không còn cảm giác sợ hãi nữa. Cô nhẹ nhàng nắm tay tôi dắt vào lớp, tôi đi theo sau cô và cảm nhận mùi thơm từ tà áo dài của cô.

Đã vào lớp học, tôi ngước nhìn ra ngoài cửa sổ và tìm hình dáng thân thương của bà tôi trong lớp người chen chúc cố gắng dặn dò con cái cẩn thận trước khi ra cổng trường. Bà cũng nhẹ nhàng nói với tôi: “Cháu cố gắng ở lại ngoan nhé, trưa bà đón về”. Câu nói ấy của bà khiến tôi không còn lo sợ gì nữa. Bỗng tôi lại nghe thấy giọng nói ngọt ngào khi nãy vang lên. Thì ra cô giáo đang giới thiệu về mình. Thực sự bây giờ trong lòng tôi không còn một mối bận tâm nào nữa, tôi hoàn toàn bình tĩnh và chúng tôi đang bắt đầu làm quen với cô giáo.

Đề 2: Người ấy (bạn, thầy, người thân...) sống mãi trong tôi

a. Dàn ý:

* Mở bài: Giới thiệu về người bạn muốn kể và tình cảm, ấn tượng khái quát của mình với họ.

* Thân bài:

- Miêu tả ngoại hình của người ấy: Dáng người, nụ cười, mái tóc, ánh mắt...những đặc điểm mà em ấn tượng.

- Kể về tính cách, sở thích của họ, cách họ đối xử với em với gia đình, bạn bè, người thân và tình cảm, cách đối xử của mọi người đối với họ như thế nào?

- Kể về tình cảm giữa người ấy và em, đặc biệt kể chi tiết một kỉ niệm đáng nhớ về người ấy mà em ấn tượng nhất khiến “người đó sống mãi trong lòng tôi”.

* Kết bài: Những ảnh hưởng của người ấy đến em và tình cảm của em dành cho họ.

b. Bài mẫu tham khảo:

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, vậy là ngày tôi phải chia xa nội đã gần ba năm rồi. Nhưng hình ảnh của nội, nụ cười, giọng nói ấm áp, thân thương của nội mãi in đậm trong kí ức của tôi…

Nội tôi là một người khỏe mạnh, vui vẻ và rất hiền lành. Dáng người nội không quá cao, nội hơi béo nhưng vẫn rất nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Nội có mái tóc và bộ râu trăng muốt, nhìn tựa như một ông bụt. Khuôn mặt nội hồng hảo, làn da đã nhăn nheo đi nhiều, những nếp nhăn do năm tháng mưu sinh vất vả, cực khổ in đậm trên khuôn mặt nội. Đôi mắt nội đã mờ đi nhiều, không còn nhìn rõ mọi vật xung quanh nữa, mà cần phải có người bạn là đôi kính ở bên, chiếc mắt kính lúc nào cũng bị đeo trễ xuống một chút, nội ngồi thong thả bên ấm trà và cầm trên tay tờ báo ngâm ngợi thật kĩ, thật lâu những tin tức được ghi chép trong đó. Đó là những hình ảnh thật bình dị và êm đềm mà tôi vẫn còn nhớ mãi khi nghĩ về nội.

Nội có đôi bàn tay rất khéo léo, dù không hay vào bếp nhưng mỗi lần nội nấu cơm chắc chắn rằng cả nhà sẽ được một bữa ăn ngon tuyệt. Nội nấu ngon nhất là thịt bằm nấu canh chua. Đó là món ăn tuyệt ngon mà tôi thích ăn nhất vào những ngày trưa hè. Những năm còn mạnh khỏe, bất cứ lúc nào tôi thích là nội sẽ đặc biệt xuống bếp nấu cho tôi thưởng thức.

Đối với những người xung quanh, nội cũng luôn quan tâm giúp đỡ họ. Bởi vậy không chỉ con cháu trong gia đình mà ngay cả hàng xóm láng giềng cũng rất tôn trọng nội. Trong xóm có bất cứ công việc nào quan trọng mọi người đều kính cẩn đến hỏi nội, để nhờ nội đưa ra lời khuyên.

Trong các đứa cháu, người nội yêu quý, thương hơn cả là tôi. Không phải nội ưu ái, thiên vị hơn mà vì tôi có hoàn cảnh đặc biệt hơn những người anh em khác trong gia đình. Bố tôi mất từ khi tôi mới sinh ra, chỉ còn mình mẹ nuôi tôi khôn lớn. Bởi vậy, nội rất quan tâm và chăm sóc tôi tựa như một người cha vậy, để tôi luôn được sống trong tình yêu thương đủ đầy, không có cảm giác thiệt thòi. Trong những ngày mẹ vất vả làm việc, kiếm sống, nội dạy tôi biết cách tự chăm sóc bản thân, dạy tôi biết làm những công việc đơn giản để phụ giúp mẹ: nấu cơm, quét nhà, giặt quần áo,… Không chỉ có vậy, nội còn dạy tôi đọc, viết, dạy tôi cách làm một con người lương thiện, có ích. Nội đã bên cạnh tôi trong suốt hành trình tuổi thơ, tận tụy, cần mẫn chưa một lời quát mắng hay đánh nhưng những lời nội dạy bảo tôi vẫn luôn khắc sâu trong tim.

Ngày biết nội đổ bệnh, tim tôi như chết lặng. Căn bệnh ung thư quái ác đã đến giai đoạn cuối, không còn cách nào cứu chữa khỏi. Tôi ôm mặt khóc nức nở vì sự vô tâm của mình. Những lần nội đau ngồi thụp xuống đất, gương mặt tái nhợt, mồ hôi lấm tấm thì ra đó là lúc căn bệnh tai quái đang hành hạ nội. Vậy mà tôi chẳng hề biết, vẫn vui đùa, vẫn tin những lời nói “không sao đâu” của nội. Thì ra nội đã biết mình mắc bệnh từ lâu nhưng vì sợ tốn kém, vì sợ con cái lo lắng mà vẫn giấu suốt bao năm, âm thầm chiến đấu với nó một mình. Chỉ đến khi cơ thể kiệt quệ, không thể chống đỡ được nữa nội mới báo cho cả gia đình biết. Nhưng đến lúc này thì đã quá muộn rồi. Thời gian tôi ở bên nội còn lại quá ngắn ngủi, tôi không kịp làm bất cứ điều gì để báo đáp công ơn nội đã dành cho tôi. Suốt ngày tôi quanh quẩn bên giường nội, bóp chân tay, hát và kể chuyện cho nội nghe. Trưa hôm ấy, ngồi cạnh nội bóp chân tay cho nội, bất chợt nội hát bài hát ru thủa bé cho tôi nghe, tôi nghẹn ngào nghe những lời nội hát, tiếng hát tuy thều thào, nghe không thật rõ tiếng nhưng sao ấm áp và thân thương quá. Giọng nói trầm ấm đó đã bao lần hát ru, kể chuyện cổ tích đưa tôi vào giấc ngủ. Hai mắt tôi nhòe đi, có gì đó như chẹn ứ ở họng khiến tôi không nói nên lời. Rồi tiếng hát ấy nhỏ dần, nhỏ dần cho đến lúc tắt hẳn. Nội mất rồi, để lại trong tôi một khoảng trống lớn. Nội ơi, nội đi rồi ai sẽ bên cạnh bảo ban con, nuôi dạy con khôn lớn….

Nội mất đi nhưng tình cảm nội dành cho tôi, sự chăm sóc, yêu thương, dạy dỗ thì vẫn còn mãi mãi. Tôi sẽ luôn cố gắng sống thật tốt, làm việc thật chăm chỉ để ở nơi thiên đường kia nội sẽ luôn mỉm cười hạnh phúc. Nội chính là tâm gương, là động lực để tôi không ngừng nỗ lực, cố gắng.

Đề 3: Tôi thấy mình đã khôn lớn.

a. Dàn ý:

* Mở bài: Giới thiệu chủ đề (Bản thân em cũng như bao người khác, ai rồi cũng phải lớn lên, ai rồi cũng khôn lớn và trưởng thành hơn).

* Thân bài:

- Ý 1: Thế nào là khôn lớn?

+ Khôn lớn là trưởng thành cả về thể chất lẫn tinh thần, tâm tư, suy nghĩ.

- Ý 2: Em đã khôn lớn như thế nào?

+ Về thể chất: đã cao lớn, khỏe mạnh hơn, có thể giúp đỡ được bố mẹ, bạn bè, thầy cô những công việc mà trước đó em không làm được,…

+ Về tinh thần, cảm xúc, suy nghĩ:

Em học hỏi được nhiều điều hơn, biết được nhiều kiến thức mới mẻ hơn.

Em biết tự lo cho mình thay vì dựa dẫm vào bố mẹ.

Em biết nhận lỗi khi mình làm sai và chân thành muốn sửa chữa lỗi lầm đó.

Em biết lo lắng học tập hơn, tự giác, không để ai phải nhắc nhở.

- Ý 3: Kể lại một vài kỉ niệm cho thấy rằng em đã khôn lớn hơn trước.

* Kết bài: Nêu cảm xúc, suy nghĩ của em về sự trưởng thành và ước mơ trong tương lai.

b. Bài mẫu tham khảo:

Thời gian như thứ không mùi, không vị, không hình dáng nhưng ngược lại nó có tác dụng thật rõ ràng lên đời người. Lại một ngày nữa trôi đi mang theo bao niềm vui, nỗi buồn, thành công hay đôi khi là hụt hẫng, thất bại…Chính đó là điểm tựa cho tâm hồn ta trưởng thành hơn, vững vàng hơn và chắp cánh cho ta những ước mơ, hi vọng vào tương lai. Dòng xoáy của thời gian đã cuốn tôi vào cuộc sống bộn bề mà bây giờ, tôi mới chợt nhận ra một điều rằng. Tôi đã khác xưa và thấy mình đang khôn lớn.

Bước đến trước gương và soi mình vào thật ngỡ ngàng khi tôi thấy mình đã lớn lên từng ngày. Tôi đã cao lớn hơn, chững chạc hơn với những suy nghĩ cũng đã đứng đắn hơn. Nhớ ngày nào tôi còn là một cậu bé nhút nhát bên vòng tay yêu thương của mẹ mà giờ đây đã là một học sinh trung học. Không còn quá dựa dẫm vào người thân nữa, tôi có thể tự đạp xe đến trường, tự lấy quyển vở trên giá cao xuống; không những thế còn có thể giúp mẹ treo quần áo lên tủ hay đơn giản là tự mình học bài, vật lộn với những bài toán, những con số. Những việc ấy hồi nhỏ chưa đủ sức thì bây giờ trở nên thật đơn giản, dễ dàng. Đúng, tôi thật sự đã lớn nhưng tôi cũng cần phải khôn, phải hiểu biết. Qua tám năm học ở trường, kiến thức của tôi đã không còn nông cạn, tôi đã biết cách sửa lỗi, nhận thức được việc nào xấu việc nào tốt và từ đó có thể mắc ít sai lầm hơn và cũng tự biết rút ra những bài học cho chính mình. Những quyển truyện tranh, những bộ phim hoạt hình… tôi lặng lẽ cất nó vào tuổi thơ.

Thời gian không chỉ làm tôi trưởng thành về thể chất, trí tuệ mà còn khôn lớn về tính cách. Trước đây, tôi chỉ biết đến trường và học theo chúng bạn mà chẳng cần phải lo nghĩ xa xôi. Bây giờ, khi đến cuối mỗi học kì, tôi đều tự tổng kết điểm số và luôn tự nhủ phải cố gắng hơn. Chẳng những thế, tôi còn đề cao tính tập thể, ý thức thi đua. Dần dần, tôi đã định hình được những ước mơ, con đường tương lai của mình mà không còn đắn đo, mơ hồ. Với những suy nghĩ và ý kiến riêng, tôi đã không còn như lúc nhỏ, tôi học cách sống để không phải tranh giành, học cách nhường nhịn và chập nhận, lắng nghe suy nghĩ của người khác. Mỗi người nhìn nhận, suy nghĩ theo một chiều hướng khác nhau, điều cần thiết là tôi cần phải thuyết phục người khác hiểu mình. Trong lời nói, tôi cũng có chuyển biến lớn là luôn cẩn trọng, lịch sự hơn và không còn cụt lủn nữa. Tôi không còn cáu gắt, giận hờn mà hòa đồng, biết quan tâm, chia sẻ vui buồn cùng bạn bè, người thân. Chỉ như vậy thôi tôi cũng đã thấy tôi đã khôn lớn hơn nhiều so với trước đây.

Mảnh kỉ niệm kiến tôi nhận thấy sự thay đổi về bản thân luôn in rõ, hiện thân như tấm bùa hộ mệnh trong tôi. Hồi đó, do kết quả học tập mà tôi và bố đã có sự rạn nút không hề nhỏ. Tôi tự nhốt mình trong phòng nhiều ngày. Chính khoảng thời gian này đã khiến tôi thật sự chuyển mình và trưởng thành hơn. Tôi mở những quyển tiểu thuyết văn học, tôi lăn trong từng con chữ và hiểu được, cái hay, cái đẹp trong đó. Tôi sắp xếp lại góc học tập và trang trí lại nó, móc quần áo lên tủ, dọn dẹp phòng sao cho ngăn nắp…những việc mà trước đây tôi không mấy quan tâm hay chỉ làm vì ép buộc. Tôi chợt hồi tưởng lại lời trách móc của bố mà tự thấy mình đã sai. Như có một điều gì sai khiến, tôi tự giác ngồi vào bàn học và cầm bút viết những bài văn, làm những bài toán mà cô giáo giao về nhà. Chưa bao giờ, tôi thấy việc học tập lại lí thú, bổ ích và quan trọng với cuộc sống của tôi như vậy. Sau nhiều ngày nhốt mình để đánh giá lại bản thân, tôi thấy mình trưởng thành biết bao nhiêu trong ý thức và hành động. Tôi đến bên bố nói lời xin lỗi và hứa sẽ cố gắng những lời mà tôi chưa một lần chịu nói ra bởi tôi là một đứa cứng đầu, luôn cứng rắn trong lời nói. Sự nỗ lực của tôi được trả lời bằng thành tích học tập và thái độ với mọi người xung quanh. Từ đây, bao nỗi niềm tôi đã biết chia sẻ, hòa đồng hơn với mọi người. Dấu mở đầu cho sự khôn lớn của tôi đã khởi nguồn từ đây…Thời gian sẽ đưa tôi trên quãng đường đầy mấp mô và gian nan của cuộc sống. Và chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ tự bay bằng đôi cánh của mình, một tương lai đang chờ đón tôi. Để chạm tay vào giấc mơ sự nghiệp hằng ước mong, tôi phải rất cố gắng từ hôm nay, ngày mai và cả những ngày sau nữa. Nhưng điều quan trọng với cuộc đời tôi hơn bao giờ hết là tôi đã nhận ra rằng tôi đã khôn lớn.

Tôi thấy mình đã khôn lớn không chỉ về thể chất mà là trong cả tâm hồn. Tôi thấy mình khôn lớn trong từng suy nghĩ, từng lời ăn, tiếng nói, cả trong cách cảm nhận cuộc sống. Ai cũng từng mắc lỗi, nhưng người chiến thắng là người không chạy trốn mà sẵn sàng đối diện, sẵn sàng sửa đổi. Tôi đã lớn lên từ sự nghiêm khắc có phần độc đoán của ba, tình yêu thương dịu dàng của mẹ. Có lẽ, tôi đã lớn thật rồi.

Xem thêm các bài soạn Ngữ văn 8 hay, chi tiết khác:

Lão Hạc

Từ tượng hình, từ tượng thanh

Liên kết các đoạn văn trong văn bản

Từ ngữ địa phương và biệt ngữ xã hội

Tóm tắt văn bản tự sự

1 628 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: