Mẫu đơn yêu cầu triệu tập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đóng một vai trò quan trọng trong tố tụng hình sự, họ có những quyền lợi hoặc nghĩa vụ trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến vụ án, vụ việc. Sự có mặt của họ là vô cùng cần thiết trong một số trường hợp cụ thể.

1 279 05/01/2024


Mẫu đơn yêu cầu triệu tập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

1. Mẫu đơn yêu cầu triệu tập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

TP.HCM, ngày....... tháng ..... năm 20....

ĐƠN YÊU CẦU

(V/v: Triệu tập ông Phan H. tham gia tố tụng với tư cách

là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan)

Kính gửi: TÒA ÁN NHÂN DÂN TP. HỒ CHÍ MINH

Tôi là : LÊ CÔNG K. Sinh năm1977.

Ngụ tại : Số......đường ĐHT, P. X, Quận 12, TP. HCM.

Là nguyên đơn trong vụ kiện “Đòi chia di sản thừa kế” với:

Bị đơn: PHAN THỊ HOÀNG T.

Vụ án đang được Tòa án nhân dân TP. HCM thụ lý giải quyết.

Nay tôi làm đơn này, kính đề nghị Quí Tòa xem xét và ra quyết định triệu tập ông Phan H. tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.

Vì những lý do sau:

Theo qui định tại khoản 4 Điều 56 Bộ luật Tố tụng dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người mà “việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ”.

Trong vụ án này, đối tượng mà tòa giải quyết là căn nhà 118/x Đặng Văn Ngữ, được xem là di sản thừa kế của bà Nguyễn Phan T. và đang được phía nguyên đơn chúng tôi đề nghị được chia hưởng theo qui định của pháp luật.

Liên quan đến ngôi nhà trên, mới đây bị đơn là bà Phan Thị Hoàng T. có cung cấp một bản Di chúc lập ngày 20-3-2004 – được cho là của bà Nguyễn Phan T. Theo nội dung của di chúc thì bà T. có ý nguyện để lại căn nhà trên cho người cháu là ông Phan H.

Như vậy, kết quả xét xử vụ án này bất luận như thế nào cũng đều có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của ông H. Hay nói cách khác, ông H. chính là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” trong vụ án này – theo qui định của pháp luật.

Do vậy, nay tôi có đơn này kính đề nghị Quí tòa xem xét và ra quyết định triệu tập ông Phan H. tham gia tố tụng với tư cách là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” trong vụ án này, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho tất cả các bên, đồng thời việc xét xử được khách quan, toàn diện hơn.

Kính mong Quí Tòa xem xét, giải quyết.

Xin chân thành cảm ơn.

Người làm đơn (đã ký)

2. Tại sao cần triệu tập người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ?

- Trong một vụ án dân sự (và kể cả hình sự), đôi khi có trường hợp có người không phải là nguyên đơn hoặc bị đơn (người kiện và người bị kiện), nhưng việc xét xử và kết quả xét xử vụ án lại liên quan đến quyền lợi, hoặc nghĩa vụ của người khác. Trong trường hợp này, “người khác” ở đây chính là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Chẳng hạn : Một công dân kiện một bệnh viện vì đã tắc trách gây ra cái chết không đáng có đối với nhân thân họ. Trong trường hợp này, bệnh viện là bị đơn, còn vị bác sĩ trực và những nhân viên trong kíp trực là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc xét xử vụ án sẽ đi đến việc làm rõ vị bác sĩ có sai sót gì về mặt chuyên môn hay không. Giả sử là tòa kết luận là bác sĩ trực có sai sót, cho uống thuốc sai chỉ định. Như vậy, đã làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường (liên đới) đối với vị bác sĩ này.

- Theo qui định tại Điều 59 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thì nguyên đơn có quyền yêu cầu tòa triệu tập người có quyền và nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng – như trong trường hợp ghi trong mẫu đơn ở trên. Tuy nhiên, nếu bất kỳ ai đó cho rằng việc xét xử một vụ án bất kỳ có liên quan đến quyền lợi hay nghĩa vụ của họ thì chính họ cũng có quyền tự mình đề nghị tham gia vào vụ án với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Và nếu trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa “phát hiện” có ai đó – mà kết quả xét xử vụ án có ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ - mà không có ai đề nghị, thì chính Tòa phải đưa người này tham gia vào vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, cũng như bất kỳ các đương sự khác ( nguyên đơn, bị đơn, người làm chứng ….) đều có các quyền và nghĩa vụ cụ thể, qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự.

- Trong tố tụng hình sự cũng có qui định về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, luật tố tụng hình sự lại không định nghĩa thế nào là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự. Do vậy, cách hiểu có thể “ăn theo” luật tố tụng dân sự. Nhưng cũng không ổn lắm trong một số trường hợp cụ thể. Theo tôi, luật tố tụng hình sự cần phải định nghĩa rõ về vấn đề này.

- Khi nguyên đơn gửi Đơn yêu cầu triệu tập “ai đó” tham gia vào vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tức là đã thực hiện quyền luật định của mình. Tuy nhiên, việc yêu cầu có được chấp thuận hay không là vấn đề thuộc thẩm quyền của Tòa án. Mà cụ thể ở đây là thẩm quyền của vị thẩm phán được phân công phụ trách giải quyết vụ án này. Nếu vị này thấy rằng yêu cầu trong đơn không hợp lý, thì họ có quyền bác bỏ yêu cầu này.

- Có thể thấy, việc “kéo thêm” người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào vụ án thực chất và nhiều khi chỉ càng làm cho việc giải quyết thêm “phình” ra, thêm rắc rối, kéo dài … Tuy nhiên, dù thế nào chúng ta vẫn nên đề nghị Tòa triệu tập nếu thực sự có “ai đó” là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Mục đích là để vụ án được xem xét và xét xử thực sự khách quan, toàn diện. Vì nếu không thì dù có thắng kiện đi nữa, nhưng sau này lỡ đâu phía bị đơn phát hiện là Tòa đã “bỏ lọt” người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong quá trình xét xử họ sẽ làm đơn xin giám đốc thẩm ( tức xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật) thì việc bản án bị hủy để xét xử lại hầu như là chắc chắn. Khi đó, vụ án lại càng thêm phiền, thêm kéo dài, thêm khổ.

1 279 05/01/2024