Đọc hiểu Chiều sông Thương (Hữu Thỉnh) có đáp án

Đọc hiểu Chiều sông Thương (Hữu Thỉnh) có đáp án chi tiết nhất giúp bạn ôn luyện và nắm vững cách làm bài của dạng bài đọc - hiểu trong các đề thi.

1 331 22/04/2025


Đọc hiểu Chiều sông Thương

Soạn bài Thực hành đọc: Chiều sông Thương - Ngắn nhất Kết nối tri thức (ảnh 1)

I. Đọc bài thơ Chiều sông Thương

CHIỀU SÔNG THƯƠNG

Đi suốt cả ngày thu

Vẫn chưa về tới ngõ

Dùng dằng hoa quan họ

Nở tím bên sông Thương

Nước vẫn nước đôi dòng

Chiều vẫn chiều lưỡi hái

Những gì sông muốn nói

Cánh buồm đang hát lên

Đám mây trên Việt Yên

Rủ bóng về Bố Hạ

Lúa cúi mình giấu quả

Ruộng bời con gió xanh

Nước màu đang chảy ngoan

Giữa lòng mương máng nổi

Mạ đã thò lá mới

Trên lớp bùn sếnh sang

Cho sắc mặt mùa màng

Đất quê mình thịnh vượng

Những gì ta gửi gắm

Sắp vàng hoe bốn bên

Hạt phù sa rất quen

Sao mà như cổ tích

Mấy cô coi máy nước

Mắt dài như dao cau

Ôi con sông màu nâu

Ôi con sông màu biếc

Dâng cho mùa sắp gặt

Bồi cho mùa phôi phai

Nắng thu đang trải đầy

Đã trăng non múi bưởi

Bên cầu con nghé đợi

Cả chiều thu sang sông.

(Hữu Thỉnh - trong Từ chiến hào đến thành phố, NXB văn học, Hà Nội, 1991)

II. Đọc hiểu Chiều sông Thương

Câu 1. Bài thơ trên thuộc thể thơ nào?

A. Thơ bốn chữ

B. Thơ năm chữ

C. Thơ sáu chữ

D. Thơ bảy chữ

Câu 2. Xác định biện pháp tu từ có trong khổ thơ sau:

“Nước màu đang chảy ngoan

Giữa lòng mương máng nổi

Mạ đã thò lá mới

Trên lớp bùn sếnh sang”

A. So sánh

B. Nhân hóa

C. Ẩn dụ

D. Hoán dụ

Câu 3. Cảnh vật trong bài thơ được miêu tả qua những màu sắc nào?

A. Tím, xanh, vàng, nâu

C. Xanh, tím, đen, trắng

B. Đỏ, xanh, vàng, nâu

D. Trắng, vàng, nâu, tím

Câu 4. Bài thơ nói về mùa nào trong năm?

A. Xuân

B. Thu

C. Hạ

D. Đông

Câu 5. Cảm xúc của nhà thơ được bộc lộ như thế nào qua khổ thơ sau:

“Ôi con sông màu nâu

Ôi con sông màu biếc

Dâng cho mùa sắp gặt

Bồi cho mùa phôi phai”

A. Bồi hồi, xao xuyến

B. Đau đớn, xót xa

C. Nhớ nhung, tiếc nuối

D. Vui mừng, phấn khởi

Câu 6. Giọng điệu chính của bài thơ trên được thể hiện như thế nào?

A. Sôi nổi, hào hứng

B. Nhẹ nhàng, trong sáng

C. Trang trọng, thành kính

D. Thiết tha, xúc động

Câu 7. Em hiểu từ “dùng dằng” trong hai câu thơ sau có nghĩa là gì?

“Dùng dằng hoa quan họ

Nở tím bên sông Thương”

A. Ung dung, thoải mái

B. Rụt rè, ngập ngừng

C. Chậm chạp, thong thả

D. Lưỡng lự, không quyết đoán

Câu 8. Trong khổ thơ sau có bao nhiêu phó từ?

“Nước màu đang chảy ngoan

Giữa lòng mương máng nổi

Mạ đã thò lá mới

Trên lớp bùn sếnh sang”

A. 1

C. 3

B. 2

D. 4

Câu 9. Nêu cảm xúc của em sau khi đọc xong bài thơ trên.

Khi đọc xong bài thơ trên, trong em hiện lên nhiều cảm xúc, đầu tiên là bức tranh quê hương tuyệt đẹp hiện ra những dòng sông, cánh đồng - hình ảnh bình dị mà đẹp trong tâm hồn tôi chỉ có ở quê hương. Trong bài thơ, tác giả cảm thấy tự hào, yêu quý và hãnh diện về con sông quê hương, đất nước của mình. Từ đó, em cảm thấy mỗi người không chỉ có trách nhiệm với quê hương mà hãy luôn yêu quý và trân trọng những vẻ đẹp bình dị của quê hương mình, nơi mình được sinh ra và có tuổi thơ vô cùng đẹp đẽ đã trở thành kĩ niệm khắc sâu trong tâm trí em.

Câu 10. Kể ra 2 hành động cụ thể của em để thể hiện tình yêu đối với quê hương đất nước.

Mỗi con người sống trong một đất nước đều mang một lòng tự hào và yêu quý đất nước của mình, chính vì vậy, có lẽ mỗi người cũng tự ý thức được trách nhiệm bảo vệ đất nước. Bản thân em khi còn ngồi trên ghế nhà trường, yêu nước thể hiện bằng những việc làm cụ thể để thể hiện lòng yêu nước như: Tham gia văn nghệ hát những bài hát ca ngợi đất nước, tham gia tuyên truyền về trách nhiệm bảo vệ đất nước,…Tùy từng lứa tuổi, hãy nêu cao tinh thần yêu nước, yêu quê hương hãy cùng nhau sát cánh, đoàn kết để cùng nhau tạo nên một đất nước hòa bình, nhiều tiếng cười và hạnh phúc hơn từng ngày, con người chính là các cá thể nhỏ bé trong một đất nước nhưng lại có sức mạnh phi thường, khi Tổ quốc cần hãy sẵn sàng đứng lên, yêu nước cũng chính là một truyền thống của dân tộc ta từ bao nhiêu đời nay, chúng ta hãy phát triển truyền thống tốt đẹp đó và truyền lại cho mọi thế hệ người Việt Nam sau này.

III. Phân tích Chiều sông Thương

DÀN Ý

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

- Nêu khái quát cảm xúc về bài thơ.

2. Thân bài:

a. Phân tích nội dung bài thơ:

* Vẻ đẹp của sông Thương khi chiều buông:

- Cảnh vật bên sông: hoa Quan họ nở tím bên bờ.

- Dòng nước: vẫn chảy đôi dòng.

- Trên sông: "cánh buồm đang hát lên".

- Bầu trời cao xa: "đám mây trên Việt Yên/ rủ bóng về Bố Hạ".

- Cảnh vật gần bên dòng sông: ruộng lúa, lòng mương, nương mạ, lớp bùn, nước phù sa,...

=> Dòng sông Thương còn gửi gắm những ước mơ về một mùa màng bội thu, làm cho quê hương thêm ấm no "cho sắc mặt mùa màng/ đất quê mình thịnh vượng/ những gì ta gửi gắm".

* Tình cảm của tác giả về sông Thương, về quan họ quê hương:

- Cảm xúc trìu mến khi ngắm nhìn những cảnh vật quen thuộc bên dòng sông Thương.

- Từ sự xúc động, say đắm trước vẻ đẹp ấy, tác giả đã hát lên "ôi con sông màu nâu/ ôi con sông màu biếc".

=> Tình yêu thiên nhiên, quê hương sâu sắc luôn thường trực trong tâm trí và trái tim nhà thơ.

b. Phân tích nghệ thuật bài thơ

- Hình thức viết độc đáo: không viết hoa chữ cái đầu dòng.

- Thể thơ năm chữ ngắn gọn.

- Hình ảnh thơ gần gũi, thân quen.

- Lời thơ dạt dào cảm xúc.

- Các biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, điệp ngữ.

BÀI LÀM

Đọc thơ Hữu Thỉnh, ta cảm nhận được sự sâu lắng, tinh tế về vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời, con người Việt Nam. Đặc biệt, bài thơ "Chiều sông Thương" với hình ảnh gần gũi, quen thuộc, lời thơ da diết đã mang đến cho bạn đọc những rung động sâu sắc về cảnh sắc bên dòng sông Thương cùng tình cảm chân thành ở nhà thơ.

Mở đầu bài thơ, ta thấy được hoàn cảnh của nhân vật trữ tình:

"Đi suốt cả ngày thu

vẫn chưa về tới ngõ

dùng dằng hoa Quan họ

nở tím bên bờ sông"

Buổi chiều thu man mác buồn như bao trùm toàn bộ cảnh vật. Không khí lắng đọng của tiết trời ấy đã níu kéo bước chân người xa quê "vẫn chưa về tới ngõ". Trong giây phút bắt gặp hình ảnh thân quen "hoa Quan họ" bung nở sắc tím bên bờ sông, nhân vật trữ tình lại đưa mắt ngắm nhìn toàn bộ cảnh sắc:

"nước vẫn nước đôi dòng

chiều vẫn chiều lưỡi hái

những gì sông muốn nói

cánh buồm đang hát lên"

Với biện pháp điệp cấu trúc "nước vẫn nước đôi dòng/ chiều vẫn chiều lưỡi hái" đã nhấn mạnh cảnh vật quê hương vẫn như xưa, nguyên vẹn không thay đổi. Nổi bật trên nền không gian sông nước rộng lớn mênh mông là hình ảnh những con thuyền. Nhà thơ thật tinh tế khi miêu tả trạng thái tưởng chừng "tĩnh lặng" nhưng lại "động" của chúng. Từng cánh buồm được nhân hóa "đang hát lên" không chỉ khắc họa trạng thái "no căng gió" mà còn diễn tả được niềm vui ở con người qua lời ca, khúc hát.

Bức tranh thiên nhiên càng thêm mở rộng nhờ những nét vẽ tài hoa:

"đám mây trên Việt Yên

rủ bóng về Bố Hạ

lúa cúi mình giấu quả

ruộng bời con gió xanh"

Việc lựa chọn và sử dụng từ đã cho ta thấy được sự liên tưởng độc đáo, thú vị của nhà thơ. Bầu trời cao xa kia dần trở nên mềm mại, có thể "rủ bóng về Bố Hạ". Hạ tầm mắt xuống thấp, nhân vật trữ tình phát hiện ra hình ảnh "lúa cúi mình", "ruộng bời". Những cây lúa nặng trĩu hạt đang rung rinh từng ré như báo hiệu một mùa màng bội thu. Cánh đồng bao la, bát ngát bên dòng sông Thương đang tắm mình trong làn gió, gợi từng đợt sóng "xanh". Khung cảnh thiên nhiên thật yên bình, hòa hợp làm sao!

Theo dòng chảy của con sông quê, nhà thơ thấy được:

"nước màu đang chảy ngoan

giữa lòng mương máng nổi

mạ đã thò lá mới

trên lớp bùn sếnh sang"

Có thể thấy, mỗi sự vật đều vận hành theo một cách hết sức riêng biệt. "Nước màu" hay còn gọi là nước phù sa vẫn "chảy ngoan" vào "lòng mương", mang theo dưỡng chất cung cấp cho ruộng đồng. Xa xa kia, mấy đám mạ mới gieo đã khoác lên mình bộ áo mới, xanh mướt non tơ. Lớp bùn đất cũng được cày xới cẩn thận, trở nên láng mướt, mịn màng. Tất cả đang tiếp tục sinh sôi, nảy nở sự sống từng ngày từng ngày như báo hiệu một mùa màng bội thu. Phải chăng, đó cũng là mong ước của nhà thơ và người dân xứ Kinh Bắc "cho sắc mặt mùa màng/ đất quê mình thịnh vượng". Chứng kiến sự giàu có, trù phú nơi quê nhà, nhà thơ không khỏi hạnh phúc, say đắm. Thửa ruộng nào cũng lấp lánh ánh vàng của lúa gạo "sắp vàng hoe bốn bên". Niềm vui sướng tràn ngập, lan tỏa khắp ngóc ngách chốn thôn quê. Lắng nghe dòng chảy, nhà thơ càng thêm trân trọng, nâng niu món quà quý giá mà con sông ban tặng tới người lao động "hạt phù sa tất quen/ sao mà như cổ tích". Hạt phù sa kì diệu như phép màu cổ tích, làm cho đồng ruộng tươi tốt, màu mỡ, mang đến sự thịnh vượng, êm ấm cho quê nhà.

Từ cảm xúc lâng lâng, bâng khuâng khi ngắm nhìn cảnh sắc bên bờ sông Thương, nhà thơ đã hoàn toàn đắm chìm vào vẻ đẹp bình yên ấy. Sự xúc động, say đắm được gói gọn trong hai câu thơ "ôi con sông màu nâu/ ôi con sông màu biếc". Điệp từ "ôi" kết hợp với các từ "màu nâu", "xanh biếc" cũng cho thấy tình cảm da diết của tác giả. Dù con sông có màu nâu của phù sa hay trong veo "xanh biếc" thì nó vẫn mang đến sự sinh trưởng, nảy nở "dâng cho mùa sắp gặt/ bồi cho mùa phôi thai".

Bằng thể thơ năm chữ ngắn gọn, hình ảnh thơ quen thuộc, gần gũi, lời thơ chất chứa cảm xúc kết hợp với các biện pháp tu từ như: nhân hóa "sông muốn nói", so sánh "mắt dài như dao cau" đã khắc họa sinh động bức tranh sông Thương trong buổi chiều thu. Ngoài ra, hình thức viết độc đáo, không viết hoa chữ cái đầu dòng từ câu thơ thứ hai làm bài thơ giống như một câu chuyện kể đầy tâm tình của người xa quê. Từ đây, ta cũng cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, quê hương sâu sắc luôn in sâu trong tâm trí và trái tim nhà thơ.

Bài thơ "Chiều sông Thương" không chỉ là nét phác họa về bức tranh đồng quê yên ả nơi đồng bằng Bắc Bộ mà còn chan chứa tình cảm yêu mến, gắn bó của Hữu Thỉnh. Mong rằng, bài thơ sẽ sống mãi theo dòng chảy thời gian.

1 331 22/04/2025


Xem thêm các chương trình khác: