Đọc hiểu Cải ơi (Nguyễn Ngọc Tư) có đáp án

Đọc hiểu Cải ơi (Nguyễn Ngọc Tư) có đáp án chi tiết nhất giúp bạn ôn luyện và nắm vững cách làm bài của dạng bài đọc - hiểu trong các đề thi.

1 943 10/04/2025


Đọc hiểu Cải ơi

TOP 10 mẫu Nghị luận về Cải ơi (2023) SIÊU HAY (ảnh 1)

I. Đọc văn bản Cải ơi

CẢI ƠI

Đoàn ca múa nhạc giải tán, thằng Quách Phú Thàn dẫn ông già Năm Nhỏ về ngã ba Sương, Thàn có nhỏ bồ mới quen bán quán ở đó. Con nhỏ tên Diễm Thương nghe hay, mà khuôn mặt cũng hay, không đẹp nhưng bình thản, lạnh trơ, vui buồn không ra, đổ ai biết nó nghĩ gì. Nó hất mái tóc nhuộm vàng hoe chơm chởm như rễ tre, nhìn hai người, cười héo hắt, “Ăn bám mà kéo theo cả bầy”. Thàn cười hề hề, bảo “Ông Năm, bạn anh. Dễ thương lắm”.

Đêm đó ông già không ngủ được, thằng Thàn đi chơi nửa đêm mới mò về, thấy ông khọm rọm ngoài vách mùng, điếu thuốc cháy lập loè soi bộ râu xơ xác. Thàn mở dây giày, hỏi, “Nhớ đoàn quá, ngủ không được hả tía?”. Ông già lắc đầu, thở dài, nghe buồn xao xác như lá rụng hoa rơi, than điệu nầy hổng biết cách nào tìm cho ra con Cải.

Ông đã đi tìm con nhỏ gần mười hai năm, đã đi qua chợ qua đồng, tới rất nhiều quê xứ. Lúc nhỏ Cải mười ba tuổi, một bữa mê chơi nó làm mất đôi trâu, sợ đòn, nó trốn nhà. Rồi con nhỏ không quay lại, vợ ông khóc lên khóc xuống, bảo chắc là ông để bụng chuyện nó là con của chồng trước nên ngược đãi, hà khắc, đuổi xua. Ông lấy trời đất, thần phật, rắn rít và cả kiếp sau (mặc dù cũng chưa biết nó ra làm sao) ra thể nhưng bà không tin, giận chẳng nhìn, chớ thèm cười nói. Người ta còn đồn đãi ông giết con nhỏ rồi lấp ở một chỗ đất nào, họ ùn ùn lại coi. Ông khăn gói bỏ xứ ra đi, bụng dạ đinh ninh dứt khoát tìm được con Cải về.

Ai dè, biển người mênh mông. Mỏi chân, ông xin làm sai vặt trong đoàn ca múa nhạc, để trước giờ diễn, ông mượn cái micro nói vài câu “Cải ơi, ba là Năm Nhỏ nè con...”. Bữa nào thằng Thàn nhớ nhà, nghe câu ấy nó cũng rướm nước mắt, bảo “Con thương ông già con quá, tía ơi”. Hôm đi ba Thàn còn cầm cây rượt nó chạy ngời ngời, nhảy xuống đò, nó ngoái lại nói để con làm ca sĩ nổi tiếng cho ba coi, thấy ông dứ cây lên trời. Hai năm, ông già đã chỏng đầu cây xuống đất, tựa vào đó để bước đi, tên tuổi Thàn mờ mịt. Thàn bùi ngùi, người ta Quách Phú Thành nổi tiếng Hồng Kông, tui thiếu có chữ h, lẹt đẹt bên hông Chợ Lớn. […]

Ông Năm đi ăn trộm chớ đâu. Ông lội bộ gần năm cây số trong mưa sụt sùi vô trong xóm, ghé chỗ lò mổ, dắt đôi trâu đem đi. Ông làm gọn gàng như với đôi trâu ở nhà. Sáng ra ông trở lại, ghé đúng ngôi nhà có hàng so đũa cặp mé lộ, ông thấy một đám người đang tạo tác đứng ngồi, ông hỏi, mua trâu hôn, tui kẹt tiền đem bán đây nè. Chủ nhà chạy ra la lên, trời ơi, bắt ổng lại, ổng ăn trộm của tôi. Ông Năm giả đò hết hồn, nhưng trong bụng thấy trúng ý, bảo, từ từ, tui có chạy đâu mà sợ. Từ nhà người ta đưa ông lên ấp, ấp giải lên xã, ông ra bộ sợ sệt, luôn miệng nhắc, mấy chú nhớ kêu đài truyền hình xuống nghen, phải quay tui để dân người ta cảnh giác. May, đài tỉnh xuống thật, phóng viên một tờ báo cũng chạy xổ theo, dọc đường hăm hở rút sẵn tít “Tên trộm đãng trí”. Họ phỏng vấn ông chủ lò mổ, phỏng vấn trưởng công an xã, cuối cùng, ông Năm xin được nói đôi lời, còn dặn, mấy chú làm ơn đừng cắt bỏ tiếng tui, rằng “Cải ơi, ba là Năm nhỏ nè, nhà mình ở Cỏ Cháy đó, nhớ không? Về nhà đi con, tội má con vò võ có một mình. Con là trọng, chứ đôi trâu cộ nhằm nhò gì... Về nghen con, ơi Cải...”.

Nghe đâu, hôm đó, nhiều người rơi nước mắt, vì vậy mà vụ trộm trâu không được lên ti vi, sống giữa cái rẻo đất nhân hậu nầy nhiều khi cũng hơi phiền.

Nghe đâu, hôm đó đài truyền hình có đưa tin nhưng chỉ thấy ông già nhép miệng một cách tuyệt vọng. Như đã nói, nhà đài người ta chớ có phải chợ trời đâu, mà có thể thoải mái gọi, “Cải ơi!”.

(Trích Cải ơi! Nguyễn Ngọc Tư, Cánh đồng bất tận, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2013, tr. 7 – 16)

II. Đọc - hiểu Cải ơi

1. Đề số 1

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản là:

A. Miêu tả

B. Biểu cảm

C. Nghị luận

D. Tự sự

Câu 2: Văn bản trên được kể bằng ngôi thứ mấy?

A. Ngôi thứ nhất

B. Ngôi thứ hai

C. Ngôi thứ ba

D. Ngôi thứ nhất và thứ ba

Câu 3: Nội dung chính của văn bản trên ca ngợi điều gì?

A. Tình mẫu tử

B. Tình phụ tử

C. Tình cảm bà con, xóm làng

D. Tất cả các

Câu 4: Tiêu đề “Cải ơi!” đã mở ra những cung bậc cảm xúc nào cung bậc cảm xúc cho độc giả?

A. Đó là một tiếng gọi đơn thuần

B. Đó là tiếng người cha gọi con

C. Tiếng gọi ấy chan chứa tình yêu thương sâu thẳm trong trái tim, là tình cảm chân thành, lặng lẽ của một người cha

D. Tất cả những cung bậc cảm xúc trên

Câu 5: Điểm sáng nhất của truyện chính là chi tiết nào?

A. Cải làm mất trâu

B. Ông năm nhỏ lên tivi tìm con

C. Người vợ nghi ngờ ông Năm nhỏ không thương yêu đứa con riêng của mình

D. Hành trình đi tìm đứa con gái Cải của ông Năm Nhỏ,

Câu 6: Đoạn văn: “Con Diễm Thương bực lắm, nó gặp Thàn là đá ghế quăng ly, nó nói “ổng đừng mắc công tìm, con Cải chắc chết ngắc rồi. Sao tui thù con nhỏ đó quá trời, có nhà mà bỏ, có cha có mẹ mà không thèm... Cái thứ nguời đó, cho nó chết bờ chết bụi cũng đáng”. Rồi nó nghẹn ngào, “Còn tui, người ta đã quăng ở đây muời tám năm, tui chờ hoài mà có ai tìm đâu…” thể hiện suy nghĩ gì của nhân vật?

A. Diễm Thương ghét con Cải thật sự.

B. Diễm Thương ganh tị với tình cảm ông Năm Nhỏ đã dành cho Cải.

C. Nhân vật chạnh lòng cho thân phận của mình

D. Diễm Thương khao khát có một mái ấm gia đình, được những người thân yêu quan tâm, chăm sóc.

Câu 7. Hai đoạn văn ở phần kết thúc tác phẩm được cấu tạo theo kiểu nào?

Nghe đâu, hôm đó, nhiều người rơi nước mắt, vì vậy mà vụ trộm trâu không được lên ti vi, sống giữa cái rẻo đất nhân hậu nầy nhiều khi cũng hơi phiền.

Nghe đâu, hôm đó đài truyền hình có đưa tin nhưng chỉ thấy ông già nhép miệng một cách tuyệt vọng. Như đã nói, nhà đài người ta chớ có phải chợ trời đâu, mà có thể thoải mái gọi, “Cải ơi!”

A. Cấu tạo móc xích

B. Cấu tạo song hành

C. Cấu tạo diễn dịch

D. Cấu tạo quy nạp

Trả lời câu hỏi:

Câu 8 (0.5điểm): Chi tiết: ông Năm Nhỏ đi ăn trộm đôi trâu ở một lò mổ cách nhà gần 5 cây số, rồi lại cố tình để người ta bắt được giải ông lên công an làm việc. Ông nói với công an là ông muốn được đài truyền hình xuống quay để mọi người biết mặt ông mà cảnh giác. Thế rồi ông cũng được toại nguyện, đài truyền hình xuống ghi hình ông, ông Năm xin được nói: “Mấy chú đừng cắt bỏ tiếng của tôi”. Câu nói ấy có ý nghĩa gì?

Câu 9 (1.0 điểm): Xác định tình huống của truyện “Cải ơi!”. Tình huống đó, ta còn phát hiện ra những cảnh ngộ nào khác không?

Câu 10 (1.0 điểm): Truyện ngắn “Cải ơi!” gây xúc động cho bạn đọc bởi điều gì? Qua đó, nhà văn muốn gửi gắm thông điệp gì?

Đáp án

Câu 1. D

Câu 2. C

Câu 3. B

Câu 4. C

Câu 5. D

Câu 6. D

Câu 7. B

Câu 8. Câu nói của ông Năm Nhỏ với công an là một lời thỉnh cầu trong sâu thẳm trái tim của ông Năm. Ông đã phải là việc thất đức này để có cơ hội lên tivi nói vài lời. Ông cất tiếng nói, với niềm hy vọng tột cùng, niềm hy vọng cho cả một cuộc hành trình ròng ra mười mấy năm trời tìm con.

Câu 9. Tình huống tìm con đặc biệt đã làm nên giá trị của truyện ngắn này. Ông Năm Nhỏ bị mang tiếng oan là giết con riêng của vợ nên suốt 12 năm trời ông lặn lội khắp nơi, làm đủ thứ nghề, tìm đủ mọi cách để nhắn tìm con (kể cả cố tình ăn trộm trâu để được lên truyền hình)

Từ tình huống éo le này, truyện ngắn Cải ơi! phơi bày cho người đọc biết bao cảnh đời cay đắng khác: Một thằng con trai với ước mơ lương thiện trở thành ca sĩ nổi tiếng nhưng chưa thành danh nên xấu hổ không dám về nhà; một đứa con gái bị bỏ rơi từ nhỏ, phải bán bia ôm để kiếm sống mà trong lòng khôn nguôi nỗi nhớ mẹ cha, thèm khát tình cảm gia đình đến cháy lòng, không ngại chường mặt lên ti vi cốt để cha mẹ tìm mình về sum họp.

Câu 10. Truyện ngắn “Cải ơi!” gây xúc động mạnh cho bạn đọc bởi tình cha sâu sắc, cùng lời văn mộc mạc nhưng chan chứa cảm xúc. Nhà văn nhắc nhở bạn đọc phải biết trân trọng, biết ơn những đấng sinh thành của mình - những người đã dốc hết sức mình để nuôi nấng chúng ta.

2. Đề số 2

Câu 1: Tác phẩm được kể theo ngôi thứ mấy?

A. Thứ nhất

B. Thứ ba

C. Ngôi kể hỗn hợp

D. Đáp án khác

Câu 2: Người kể chuyện đặt điểm nhìn từ?

A. Điểm nhìn bên ngoài

B. Điểm nhìn bên trong

C. Cả điểm nhìn bên ngoài và bên trong

D. Đáp án khác

Câu 3: Nội dung của tác phẩm là gì?

A. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống gia đình nhà ông Năm

B. Miêu tả lại khung cảnh làng quê tác giả

C. Kể lại hành trình ông già Năm Nhỏ tìm kiếm đứa con gái của mình trong vô vọng

D. Quan hệ làng xóm và những tình cảm giữa những người thân trong gia đình ông Năm

Câu 4: Tác phẩm Cải ơi nằm trong tập truyện ngắn nào?

A. Cánh đồng bất tận

B. Ngọn đèn không tắt

C. Khói trời lộng lẫy

D. Xa xóm mũi

Câu 5: Nhân vật ông Năm Nhỏ hiện lên như thế nào trong tác phẩm?

A. Số phận lưu lạc, đau khổ

B. Giàu tình yêu thương con, giàu lòng tự trọng

C. Có lòng bao dung, vị tha, thương yêu những người đồng cảnh ngộ.

D. Tất cả các phương án trên

Câu 6: Ý nào dưới đây KHÔNG ĐÚNG khi nói về nhân vật Thàn?

A. Có ước mơ, hoài bão

B. Có nhiều tính toán, mưu mô

C. Có tình thương như ruột thịt, đồng cảm với ông Năm

D. Cuộc sống lưu lạc vì không thực hiện được ước mơ.

Câu 7: Ý nào dưới đây KHÔNG ĐÚNG khi nói về nhân vật Diễm Thương?

A. Có quá khứ đau buồn, bị cha mẹ bỏ rơi.

B. Khao khát yêu thương vô bờ.

C. Cuộc sống lưu lạc

D. Ngoại hình và tính cách lạnh lùng, vô cảm.

Câu 8: Giá trị nội dung của văn bản là?

A. Ca ngợi những vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn của con người.

B. Đề ra những trăn trở, suy ngẫm về cách ứng xử của con người trong đời sống.

C. Đồng cảm, xót thương cho số phận đáng thương của những con người lưu lạc.

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 9: Giá trị nghệ thuật của văn bản là?

A. Trật tự sự kiện trong truyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại.

B. Hệ thống điểm nhìn linh hoạt

C. Nghệ thuật xây dựng và miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế.

D. Tất cả các đáp án trên

Gợi ý trả lời

Câu 1: Đáp án B - Tác phẩm được kể theo ngôi thứ ba

Câu 2: Đáp án B - Trong tác phẩm, tác giả chủ yếu trần thuật theo điểm nhìn từ bên trong, tức là đứng trên lập trường của từng nhân vật để đối thoại hay giải quyết tình huống

Câu 3: Đáp án C - Kể lại hành trình tìm kiếm lại niềm hạnh phúc: ông già Năm Nhỏ tìm kiếm đứa con gái của mình trong vô vọng, và nỗi xót xa ấy đã lắng lại trong lòng người đọc một nỗi buồn man mác, sự mơ hồ về kiếp nhân sinh

Câu 4: Đáp án A - Tác phẩm Cải ơi nằm trong tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận

Câu 5: Đáp án D - Nhân vật ông Năm Nhỏ:

- Xuất thân là người nông dân ở làng Cỏ Cháy.

- Hoàn cảnh đưa đẩy ông đến ngã ba Sương là sự ra đi của Cải.

- Số phận lưu lạc, đau khổ cùng phẩm chất được thể hiện qua hành trình tìm kiếm con:

+ Ròng rã tìm kiếm con mười hai năm, rơi vào những tình huống ngặt nghèo.

+ Giàu tình yêu thương con, giàu lòng tự trọng, không từ bỏ mọi cơ hội để tìm con.

+ Có lòng bao dung, vị tha, thương yêu những người đồng cảnh ngộ.

Câu 6: Đáp án B - Nhân vật Thàn:

- Có ước mơ, hoài bão

- Có tình thương như ruột thịt, đồng cảm với ông Năm và tình yêu chân thành với Diễm Thương.

- Cuộc sống lưu lạc vì không thực hiện được ước mơ.

Câu 7: Đáp án C - Nhân vật Diễm Thương:

- Có quá khứ đau buồn, bị cha mẹ bỏ rơi.

- Ngoại hình và tính cách lạnh lùng, vô cảm.

- Khao khát yêu thương vô bờ.

Câu 8: Đáp án D - Giá trị nội dung của văn bản:

+ Đồng cảm, xót thương cho số phận đáng thương của những con người lưu lạc.

+ Ca ngợi những vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn của con người.

+ Đề ra những trăn trở, suy ngẫm về cách ứng xử của con người trong đời sống.

Câu 9: Đáp án D - Giá trị nghệ thuật:

+ Trật tự sự kiện trong truyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại.

+ Ngôi kể thứ ba – người kể chuyện toàn tri.

+ Hệ thống điểm nhìn linh hoạt, sự hòa quyện giữa lời người kể và lời nhân vật.

+ Nghệ thuật xây dựng và miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế.

+ Ngôn ngữ đậm chất khẩu ngữ miền Nam.

3. Đề số 3

Câu 1: Xác định thể loại của văn bản trên.

A. Tiểu thuyết

B. Truyện ngắn

C. Truyện ngụ ngôn

D. Truyền kì.

Câu 2: Người kể chuyện trong văn bản trên là người kể chuyện theo ngôi thứ mấy?

A. Người kể chuyện ngôi thứ nhất

B. Người kể chuyện ngôi thứ hai

C. Người kể chuyện ngôi thứ ba

D. Kết hợp nhiều người kể chuyện

Câu 3: Nhan đề Cải ơi! có ý nghĩa như thế nào?

A. Là tiếng gọi trìu mến, thể hiện tình làng nghĩa xóm bền chặt

B. Là tiếng gọi bạn, thể hiện tình cảm bạn bè thân thiết, gắn bó

C. Là tiếng gọi thể hiện tình yêu thương tha thiết của người cha đối với con

D. Là tiếng gọi thân thương, thể hiện tình cảm sâu nặng của các nhân vật trong văn bản

Câu 4: Dòng nào nêu đúng từ ngữ diễn tả tâm trạng, thái độ của ông Năm trong văn bản?

A. Cười héo hắt, cười hề hề, bùi ngùi

B. Rướm nước mắt, nhớ nhà, bình thản

C. Thương, khóc, vò võ, lo, đau

D. Buồn, ra bộ sợ sệt, tuyệt vọng

Câu 5: Chỉ ra cụm từ có sử dụng biện pháp chêm xen trong câu: Ông lấy trời đất, thần phật, rắn rít và cả kiếp sau (mặc dù cũng chưa biết nó ra làm sao) ra thể nhưng bà không tin, giận chẳng nhìn, chớ thèm cười nói.

A. mặc dù cũng chưa biết nó ra làm sao

B. trời đất, thần phật, rắn rít

C. giận chẳng nhìn, chớ thèm cười nói.

D. trời đất, thần phật, rắn rít và cả kiếp sau

Câu 6: Tại sao nhân vật ông Năm lại đi ăn trộm trâu?

A. Vì ông Năm muốn nhân cơ hội này để lên ti vi nhắn gửi Cải về nhà, mong tìm được con

B. Vì ông Năm muốn lên đài truyền hình để mọi người biết mặt ông mà cảnh giác

C. Vì ông Năm muốn lên ti vi để biểu diễn, trở nên nổi tiếng và được nhiều người biết đến

D. Vì ông Năm muốn thay đổi cuộc sống buồn chán, tẻ nhạt của mình nơi ngã ba Sương

Câu 7: Nội dung văn bản xoay quanh vấn đề gì?

A. Sự gắn gó của ông Năm nhỏ với Thàn, Diễm Thương ở miền đất nhân hậu

B. Hành trình tìm kiếm đứa con gái tên Cải của ông Năm Nhỏ

C. Nỗi bất hạnh của người cha khi thiếu vắng tình cảm của vợ, con

D. Kể chuyện về ông già Năm Nhỏ ở ngã ba Sương

Trả lời câu hỏi:

Câu 8 (0.5 điểm): Anh/chị hiểu như thế nào về câu văn: “Ông già lắc đầu, thở dài, nghe buồn xao xác như lá rụng hoa rơi, than điệu nầy hổng biết cách nào tìm cho ra con Cải”.

Câu 9 (1.0 điểm): Nhận xét đặc điểm ngôn ngữ trong văn bản.

Câu 10 (1.0 điểm): Nêu thông điệp có ý nghĩa nhất đối với anh/chị từ văn bản trên.

Đáp án

Câu 1-B

Câu 2-C

Câu 3-C

Câu 4-D

Câu 5-A

Câu 6-A

Câu 7-B

Câu 8. Câu văn: “Ông già lắc đầu, thở dài, nghe buồn xao xác như lá rụng hoa rơi, than điệu nầy hổng biết cách nào tìm cho ra con Cải” diễn tả sự trằn trọc, nỗi niềm khắc khoải, nhớ thương như xao động cả không gian vắng lặng giữa đêm khuya cùng lời than thở không biết làm cách nào để tìm thấy đứa con gái tên Cải của ông Năm Nhỏ.

Câu 9. Nhận xét đặc điểm ngôn ngữ trong văn bản:

- Sử dụng đa dạng khẩu ngữ, từ địa phương, từ láy, từ chỉ địa danh, cách viết câu giản dị, gần gũi, sinh động…(VD: bồ, mùng, ai dè, phải hôn, ba, tía, ngã ba Sương, chợ Lớn, Cỏ Cháy,…; Đêm đó ông già không ngủ được, thằng Thàn đi chơi nửa đêm mới mò về, thấy ông khọm rọm ngoài vách mùng, điếu thuốc cháy lập loè soi bộ râu xơ xác.,…

-> Ngôn ngữ tự nhiên, mang đậm màu sắc Nam Bộ, thể hiện chân thực cảnh vật cũng như ngoại hình, tâm trạng, tính cách nhân vật.

Câu 10. Nêu thông điệp có ý nghĩa nhất từ văn bản:

- Nêu được một thông điệp và lí giải vì sao chọn thông điệp đó.

Gợi ý: Thông điệp về tình phụ tử sâu sắc/Tấm lòng người cha/ Trân trọng tình cảm gia đình…

III. Phân tích Cải ơi

Dàn ý

I. Mở bài

Giới thiệu đôi nét về tác giả Nguyễn Ngọc Tư, tác phẩm Cải ơi

II. Thân bài

1. Tác giả (tiểu sử cuộc đời, phong cách nghệ thuật, sự nghiệp văn học,…)

2. Tác phẩm

- Nội dung: Kể lại hành trình tìm kiếm lại niềm hạnh phúc, ông già Năm Nhỏ tìm kiếm đứa con gái của mình trong vô vọng, và nỗi xót xa ấy đã lắng lại trong lòng người đọc một nỗi buồn man mác, sự mơ hồ về kiếp nhân sinh

- Giá trị nghệ thuật, ý nghĩa của tác phẩm.

III. Kết bài

Cảm xúc của em sau khi đọc xong tác phẩm Cải ơi

BÀI LÀM

Pau- top- xki đã từng nói: “Văn học đối với tôi là một hiện tượng đẹp đẽ nhất thế giới”. Thật vậy, chỉ khi đến với văn chương, người thi sĩ mới được tự do để bày tỏ nỗi lòng mình, và rồi mang tới cho độc giả biết bao những trạng thái cảm xúc vui buồn khác nhau. Giống như khi ta thưởng thức tác phẩm Cải ơi của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, tác giả đã thành công để lại biết bao niềm lắng đọng trong trái tim các độc giả.

Con người với số phận riêng tư có thể coi là một đề tài được tác giả Nguyễn Ngọc Tư khai thác thành công nhất trong sự nghiệp văn học của mình. Nhân vật trong các tác phẩm của bà thường là những con người thuần chất Nam Bộ được thể hiện rõ nét qua những cái tên mộc mạc, giản dị, chân chất, đồng thời mang trong mình những tâm tư, nguyện vọng nhỏ bé,bình dị, đời thường trong cuộc sống mưu sinh vất vả trên sông rạch chằng chịt. Mỗi một câu của Nguyễn Ngọc Tư lại được khai thác từ một góc cạnh khác của cuộc sống, đó là những chất chứa những đau đớn tột cùng, là số phận cô độc, hiu hắt của mảnh đời nghẹn đắng nỗi buồn cùng thân phận của nhỏ bé của những người nông dân chân chất với những khát khao, ước muốn bình dị về cơm áo gạo tiền, về một mái ấm gia đình yên an, hạnh phúc.

Mở đầu truyện ngắn Cải ơi là một cuộc tìm kiếm trên khắp khắp các hang cùng ngõ hẹp của người cha già Năm Nhỏ “đã đi qua chợ, qua đồng, tới rất nhiều quê xứ”. Ông đã lang thang trong hơn mười hai năm trời cùng với tiếng gọi “Cải ơi!”. Cải là con gái riêng của vợ và chồng trước của bà: “Lúc nhỏ Cải mười ba tuổi, một bữa mê chơi làm mất đôi trâu, sợ đòn, nó trốn nhà”. Sau khi biết chuyện, vợ ông buồn lắm, bà nghi ngờ vì ông hà khắc, ngược đãi nên con nhỏ mới sợ bà bỏ nhà ra đi. Cho dù ông có giải thích, thề thốt như nào đi chăng nữa, bà cũng chẳng tin lời ông. Và thế là ông Năm bất chợt biến thành “Tên trộm đãng trí” thậm trí người ngoài họ còn “Đồn đãi ông giết con nhỏ rồi lấp ở một chỗ đất nào, họ ùn ùn lại coi”. Vì quá đau khổ và nhục nhã, ông Năm đã quyết định khăn gói ra đi, lên đường quyết tâm tìm được cái Cải trở về. Giữa biển người bao la rộng lớn ấy, đâu phải nói tìm là tìm được ngay. Ông đã lăn lội qua rất nhiều quê xứ, nhưng vẫn chẳng có tung tích gì của Cải. Lần ấy, ông đã xin vào làm chân sai vặt cho đoàn nghệ thuật, với mong muốn trước mỗi lần đoàn diễn, ông sẽ mượn micaro và nói: “Cải ơi, ba là Năm Nhỏ nè con….” Chỉ một câu nói ấy thôi, đã khiến cho bao độc giả đọc tới đây không kìm được nỗi xúc động, tuy Cải chẳng phải là con ruột ông, nhưng qua bao ngày tháng chung sống, ông đã sớm coi nó là con của mình. Một người cha già, lặn lội vất vả trên mọi mảnh đất, chỉ mong sao tìm được đứa con yêu quý của mình.

Và sau khi biết Diễm Hương lên ti vi để tìm cha mẹ của mình, ông Năm Nhỏ đã “Lặng người đi, tự hỏi, bây giờ ông lên ti vi, con Cải có nhận ra ông không”. Ông vẫn còn nhớ như in những kỉ niệm mà ông dắt cái Cải đi hái xoài chín, chặt chuối làm bè dạy nó lội, rồi còn cùng nó trăn trâu, chơi thả diều, mỗi lần nó ốm là lại cõng nó đi khám. Ông Năm Nhỏ già như vậy mà còn nhớ, huống chi là cái Cải: “Ông nhớ mồn một thì nhỏ Cải chưa chắc đã quên”. Vả lại, đăng tin lên truyền hình cũng tốn kém lắm, song lần nào phỏng vấn người ta cũng bắt ông đọc theo kịch bản, ông không chịu thì người ta bảo: “Trên đài chứ có phải chợ trời đâu mà muốn nói gì cũng được”. Ông giận quá, bỏ về ngay, chỉ đành nghĩ cách khác. Có hôm, thấy người ta đang làm phim về việc lần chiếm lòng đường, ai ai cũng tá hỏa sợ bỏ chạy đi hết, chỉ có riền mình ông hớn hở chạy đến chỗ máy quay mà “ Mấp máy câu “Cải ơi…””. Ấy vậy mà lúc chương trình được phát sóng, người ta lại cắt đoạn đấy của ông đi. Ông rầu lắm, chẳng biết cách nào có thể lên ti vi mà tìm con gái. Không lâu sau, ông Năm Nhỏ đã đi trộm trâu rồi đem ra chợ bán. Đây chính là kế sách mà ông nghĩ ra. Đúng như dự đoán, ông đã bị bắt và còn bị đưa lên đồn, trong lúc đi, ông còn không quên nhắc người ta nhớ mời phóng viên xuống phỏng vấn ông và đăng bài cho bà con cùng đề phòng những kẻ trộm. Và thật may, đài trên tỉnh đã cử người xuống, có nhà báo còn viết sẵn tít “Kẻ trộm đãng trí”. Sau khi đã phỏng vấn tất cả những người có liên qua, ông Năm Nhỏ đã xin được ghi hình để nhắn nhủ vài lời: “Cải ơi, ba là Năm Nhỏ nè, nhà mình ở Cỏ Cháy đó, nhớ không? Về nhà đi con, tội má con vò võ có một mình. Con là trọng chớ đôi trâu có nhằm nhò gì... Về nghe con, ơi Cải...”. Đó là một cuộc tìm kiếm lại niềm hạnh phúc, ông già Năm Nhỏ tìm kiếm đứa con trong vô vọng, và nỗi xót xa ấy đã lắng lại trong lòng người đọc một nỗi buồn man mác, mơ hồ về kiếp nhân sinh: “Nghe đâu hôm đó đài truyền hình có đưa tin nhưng chỉ thấy ông già nhép miệng nói một cách tuyệt vọng”.

Giọng văn của của tác giả mang đậm bản sắc của vùng Miền Tây sông nước. Và trong rất nhiều những câu chuyện về miền cù lao chăm, miền sông nước, vùng biển rộng lớn, mênh mông, với những con người cần cù chịu khó, sáng tối lắm làm, hay những mảnh đời khó khăn bất hạnh...đều được nhà văn khắn học rất chân thực qua từng câu văn. Qua đó Nguyễn Ngọc Tư đã thành công để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc cùng nỗi niềm cảm xúc thật sâu lắng khi đọc tác phẩm Cải ơi.

1 943 10/04/2025


Xem thêm các chương trình khác: