Đọc hiểu Hương thầm (Phan Thị Thanh Nhàn) có đáp án
Đọc hiểu Hương thầm (Phan Thị Thanh Nhàn) có đáp án chi tiết nhất giúp bạn ôn luyện và nắm vững cách làm bài của dạng bài đọc - hiểu trong các đề thi.
Đọc hiểu Hương thầm
I. Đọc bài thơ Hương thầm
HƯƠNG THẦM
Cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ.
Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa.
Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay,
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm,
Bên ấy có người ngày mai ra trận.
Họ ngồi im không biết nói năng chi
Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi,
Nào ai đã một lần dám nói ?
Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin,
Cô gái chẳng dám trao
Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao
Không dấu được cứ bay dịu nhẹ.
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu.
(Anh vô tình anh chẳng biết điều
Tôi đã đến với anh rồi đấy…)
Rồi theo từng hơi thở của anh
Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực
Anh lên đường
Hương thơm sẽ theo đi khắp
Họ chia tay
Vẫn chẳng nói điều gì
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi
(“Hương thầm”, Phan Thị Thanh Nhàn)
II. Đọc hiểu Hương thầm
1. Đề số 1
Câu hỏi:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của bài thơ.
Câu 2. Theo em, tín hiệu phi ngôn ngữ thay cho lời nói biểu lộ tình yêu trong bài thơ trên là gì?
Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật trong câu thơ:
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu
Câu 4. Nêu cảm nhận về vẻ đẹp tình yêu của nhân vật "anh" và "em" trong bài thơ trên.
Câu 5. Khái quát nội dung bài thơ "Hương thầm".
Câu 6. Nêu những nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ "Hương thầm".
Gợi ý trả lời:
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của bài thơ: Biểu cảm
Câu 2. Có nhiều tín hiệu phi ngôn ngữ thay cho lời nói biểu lộ tình yêu trong bài thơ trên như: Khung cửa sổ không khép bao giờ, ánh mắt chàng trai cô gái tìm nhau, đặc biệt là hình ảnh chiếc khăn tay và hương bưởi. Ngày xưa, chiếc khăn tay là tín hiệu của tình yêu thay cho ngôn ngữ. Người con gái có tình cảm với ai thì sẽ tặng khăn tay cho người đó. Trong bài thơ, khi cô gái giấu chùm hoa trong khăn tay định tặng cho chàng trai cho ta hiểu, dù không nói bằng lời nhưng cô gái đã thầm yêu mến chàng trai. Qua sự biểu đạt tinh tế của nhà thơ, cô gái còn nhờ hương thầm - hương hoa bưởi nói hộ tình yêu của mình.
Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật trong câu thơ:
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu
- Biện pháp nghệ thuật so sánh: Hình ảnh so sánh "cô gái", từ so sánh "như", hình ảnh được so sánh "chùm hoa lặng lẽ".
- Tác dụng: Gợi lên vẻ đẹp mộc mạc, e ấp, thuần khiết cũng như sự kín đáo, tế nhị trong cách thể hiện tình yêu của cô gái; Khiến cho câu thơ trở nên giàu hình ảnh.
Câu 4. Nêu cảm nhận về vẻ đẹp tình yêu của nhân vật "anh" và "em" trong bài thơ trên.
Đó là tình yêu kín đáo, âm thầm nhưng không kém phần nồng nàn, lãng mạn, bền bỉ. Người con gái chủ động bày tỏ tình yêu bằng cách tặng hoa bưởi cho chàng trai trước khi chàng trai ra trận nhưng cách thức bày tỏ tình yêu của người con gái ấy vẫn rất tinh tế: "Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay". Dù chủ động, người con gái ấy vẫn "ngập ngừng" khi "sang nhà hàng xóm", và cuối cùng hoa chẳng thể tặng, lời chẳng thể trao. Hương hoa bưởi là cây cầu gắn kết hai tâm hồn, để rồi khi xa nhau, chàng trai mang theo hương bưởi khắp các nẻo đường hành quân, chiến đấu như luôn mang hình bóng em trong tim.
Câu 5. Khái quát nội dung bài thơ "Hương thầm".
Bài thơ diễn tả tâm trạng ngập ngừng, bối rối của chàng trai, cô gái trong buổi chia tay chàng trai ra mặt trận. Mối tình thầm lặng nhưng không kém phần lãng mạn, nồng nàn của người thiếu nữ với chàng trai hàng xóm là một biểu tượng đẹp của tình yêu nam nữ thời chiến tranh.
Câu 6. Nêu những nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ "Hương thầm" :
- Thể thơ tự do;
- Giọng thơ: Nhẹ nhàng, da diết, đậm chất lãng mạn
- Ngôn từ: Vừa mộc mạc, tự nhiên, vừa tinh tế, giàu sức gợi, có khả năng biểu đạt tinh tế cảm xúc của nhân vật.
- Hình ảnh thơ đẹp (hoa bưởi, hương bưởi) mang màu sắc thi vị, bay bổng cho bài thơ.
2. Đề số 2
Câu 1: Bài thơ trên được viết theo thể thơ gì?
A. Thất ngôn bát cú Đường luật
B. Tự do
C. Lục bát
D. Tám chữ
Câu 2: Bài thơ có sự kết hợp của những phương thức biểu đạt nào?
A. Biểu cảm, miêu tả, tự sự
B. Biểu cảm, miêu tả, nghị luận
C. Biểu cảm, miêu tả.
D. Biểu cảm, nghị luận
Câu 3: Nhân vật trữ tình trong bài thơ là:
A. Cô gái
B. Nhà thơ
C. Hoa bưởi
D. Chàng trai
Câu 4: Sự việc được kể trong bài thơ là sự việc gì?
A.Cô gái sang nhà chia tay chàng trai trước khi chàng trai ra mặt trận .
B. Cô gái sang nhà chia tay chàng trai trước khi cô gái ra mặt trận.
C. Chàng trai hẹn hò, tình tự với cô gái dưới gốc bưởi.
D. Chàng trai hẹn cô gái trước khi lên đường chiến đấu
Câu 5: Tâm trạng của chàng trai và cô gái trong bài thơ được miêu tả như thế nào?
A. Vui mừng, hạnh phúc
B. Buồn rầu, bịn rịn
C. Nhớ nhung, lưu luyến
D. Ngập ngừng, bối rối
Câu 6: Vẻ đẹp tình yêu của chàng trai, cô gái trong bài thơ là:
A. Tình yêu đắm say, mãnh liệt, vượt qua những cách trở về không gian và thời gian
B. Tình yêu đắm say, mãnh liệt, vượt qua nghịch cảnh chiến tranh
C. Tình yêu kín đáo, âm thầm nhưng không kém phần nồng nàn, mãnh liệt
D. Tình yêu thủy chung, son sắt, luôn hướng về nhau bằng tình yêu bất diệt
Trả lời câu hỏi:
Câu 7: Em hiểu như thế nào về nhan đề bài thơ Hương thầm?
- Hương: Được dùng để miêu tả hương hoa bưởi. Hoa bưởi có hương thơm dịu nhẹ, ngan ngát trong không gian mùa xuân.
- Thầm: có nghĩa là lặng lẽ, âm thầm. Hương thơm của hoa bưởi nhẹ nhàng, âm thầm, lan tỏa.
Với nhan đề Hương thầm, tác giả ngầm gợi cho độc giả một sự liên tưởng tới hương vị tình yêu trong sáng, thanh cao, thầm lặng.
- Hương thầm là một cách kết hợp từ độc đáo, mới lạ, tạo ấn tượng và cuốn hút độc giả.
Câu 8: Chỉ ra và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ sau
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu.
(Anh vô tình anh chẳng biết điều
Tôi đã đến với anh rồi đấy…)
Trả lời
- Biện pháp tu từ so sánh trong câu: “Cô gái như chùm hoa lặng lẽ”
- Tác dụng:
+ Gợi vẻ đẹp mộc mạc, e ấp, thuần khiết cũng như sự kín đáo, tế nhị trong cách thể hiện tình yêu của cô gái.
+ Câu thơ trở nên giàu hình ảnh, giàu sức gợi.
Câu 9: Theo em, điểm gặp gỡ giữa bài thơ Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn và bài thơ Đi trong hương tràm của Hoài Vũ là gì?
Điểm gặp gỡ giữa hai bài thơ Hương thầm của Phan thị Thanh Nhàn và bài thơ Đi trong hương tràm của Hoài Vũ
- Nội dung:
+ Để thể hiện tình yêu đôi lứa, hai nhà thơ đều sử dụng những hình ảnh thiên nhiên gắn với quê hương là hương bưởi và hương tràm
+ Những hình ảnh này gợi cảm nhận tình yêu đôi lứa hòa quyện với tình yêu Tổ quốc.
- Nghệ thuật:
+ Hình ảnh thơ đẹp
+ Sử dụng thành công các biện pháp nghệ thuật tu từ
+ Giọng thơ linh hoạt
+ Thể thơ tự do
Câu 10: Em hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) về một bài học ý nghĩa nhất được rút ra từ cách thể hiện tình yêu của chàng trai và cô gái trong bài thơ Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn.
- Hình thức: Đảm bảo cấu trúc một đoạn văn, dung lượng: 8 – 10 dòng. Không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành.
- Nội dung: Về một bài học ý nghĩa nhất được rút ra từ cách thể hiện tình yêu của chàng trai và cô gái trong bài thơ Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn.
(Gợi ý: tế nhị, kín đáo, duyên dáng, đáng yêu nhưng không kém phần nồng nàn tha thiết …)
3. Đề số 3
Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?
A. Thơ bảy tiếng
B. Thơ tám tiếng
C. Thơ lục bát
D. Thơ tự do
Câu 2. Từ nào sau đây không phải là từ láy?
A. Ngan ngát
B. Ngập ngừng
C. Lặng lẽ
D. Thầm thơm
Câu 3. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong các dòng thơ sau: “Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu.”?
A. Điệp từ, nhân hóa
B. So sánh , nhân hóa
C. Ẩn dụ, nhân hóa
D. Đảo ngữ, nhân hóa
Câu 4. Không gian nghệ thuật trong bài thơ gắn với các hình ảnh:
A. Cây bưởi, lớp học
B. Cửa sổ, lớp học
C. Cửa sổ, cây bưởi
D. Hai nhà cuối phố, cây bưởi
Câu 5. Các dòng thơ: “Họ ngồi im không biết nói năng chi/ Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi,/ Nào ai đã một lần dám nói?” đã bộc lộ tình cảm, cảm xúc của cô gái và chàng trai:
A. Tình yêu trong sáng, e ấp, ngập ngừng, bối rối, bẽn lẽn, kín đáo.
B. Tình yêu nồng nàn, tha thiết, trăn trở, nhẹ nhàng, kín đáo.
C. Tình yêu đơn phương, hồn nhiên, tế nhị, ngập ngừng, bối rối.
D. Tình yêu lãng mạn, mê đắm, tha thiết, ngập ngừng, bối rối.
Câu 6. Câu thơ “Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay, Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm,” không cùng nghĩa với ý thơ nào trong các câu sau?
A. Gửi khăn, gửi áo, gửi lời/ Gửi đôi chàng mạng cho người đàng xa. (Ca dao)
B. Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm. (Trường ca Mặt đường và khát vọng-Nguyễn Khoa Điềm)
C. Chiếc khăn tay em bỏ quên hôm ấy/ Nhiều năm dài như lửa cháy trong tôi. (Chợt nhớ chiếc khăn tay - Bùi Đức Ánh)
D. Ước gì anh hóa ra hoa/ Để em nâng lấy rồi mà cài khăn. (Ca dao)
Câu 7. Nội dung nào đúng về ý nghĩa của từ “hương thầm” trong bài thơ?
A. Hương thầm là hương vị tình yêu thầm lặng mà bền bỉ, tế nhị mà đậm sâu.
B. Hương thầm là hương vị tình yêu thầm lặng mà bền bỉ, lãng mạn mà cao cả.
C. Hương thầm là hương vị tình yêu thầm lặng mà bền bỉ, dịu dàng mà mãnh liệt.
D. Hương thầm là hương vị tình yêu thầm lặng mà bền bỉ, bình dị mà thiêng liêng.
Thực hiện yêu cầu:
Câu 8. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là gì?
Câu 9. Từ vẻ đẹp tình yêu đôi lứa của thế hệ trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ được gợi ra trong bài thơ trên, anh/chị hãy nêu 01 bài học ứng xử trong tình yêu tuổi học trò.
Câu 10. Anh/Chị cảm nhận như thế nào về cách bày tỏ tình cảm của cô gái trong bài thơ?
Đáp án
ĐỌC HIỂU |
|
1 |
D. Thơ tự do |
2 |
D. Thầm thơm |
3 |
B. So sánh, nhân hóa |
4 |
C. Cửa sổ, cây bưởi |
5 |
A. Tình yêu trong sáng, e ấp, ngập ngừng, bối rối, bẽn lẽn, kín đáo. |
6 |
D. Ước gì anh hóa ra hoa/ Để em nâng lấy rồi mà cài khăn. (Ca dao) |
7 |
A. Hương thầm là hương vị tình yêu thầm lặng mà bền bỉ, tế nhị mà đậm sâu. |
8 |
HS có thể diễn đạt bằng nhiều cách, gợi ý: Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là: nỗi lưu luyến, vấn vương trong tình yêu,… Hướng dẫn chấm: - Học sinh trả lời như đáp án hoặc diễn đạt tương đương: 1.0 điểm. - Học sinh trình bày chưa rõ ràng: 0.5 điểm. - Học sinh trả lời không đúng đáp án: 0.0 điểm. |
9 |
HS rút ra 01 bài học ứng xử phù hợp với bản thân, có thể theo gợi ý sau: - Bài học ứng xử trong tình yêu tuổi học trò: trong sáng/ thủy chung/ chân thành/... - Lí giải: có thể diễn đạt theo nhiều cách nhưng thuyết phục, phù hợp với tuổi học trò. Hướng dẫn chấm: - Học sinh nêu được 01 bài học, lí giải thuyết phục: 1.0 điểm. - Học sinh nêu được 01 bài học, lí giải chưa thuyết phục hoặc không lí giải: 0.5 điểm. |
10 |
HS có thể diễn đạt bằng nhiều cách, gợi ý: - Cách bày tỏ tình cảm của cô gái trong bài thơ: chủ động mà vẫn tế nhị, kín đáo/ thầm lặng nhưng mạnh mẽ,… Hướng dẫn chấm: - Học sinh trả lời như đáp án hoặc diễn đạt tương đương: 0.5 điểm. - Học sinh trình bày chưa rõ ràng: 0.25 điểm. |
III. Phân tích Hương thầm
DÀN Ý
1. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm.
- Dẫn dắt vào tác gải Phan Thị Thanh Nhàn và tác phẩm Hương Thầm
- Giố thiệu nội dung cần cảm nhận: Thông qua hệ thống ngốn ngữ, hệ thống hình ảnh già sức gợi bài thơ đã miêu tả và tái hiện thành công tâm trạng ngại ngùng, bối rối, thẹn thùng của đôi trai gái khi tràng trai sắp phải lên đường ra trận.
2. Thân bài: Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc, độc đáo của bài thơ:
* Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình:
(Chủ đề, mạch cảm xúc, hình ảnh, điểm nhìn…)
- Chủ đề của bài thơ: thông qua hình ảnh của loài hoa giản dị, trắng trong tinh khiết, mang trong mình mùi thơm nhẹ nhàng thanh quý mà say đắm long người. Tác giả PTTN đã ngợi ca vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa, đây là thứ tình cảm mới chớm nở, còn sự ngại ngùng bẽn lẽn nhưng đọng lại trong long người đọc là sự trắng trong, thánh thiện đáng ngưỡng mộ của vể vẻ đẹp của những chàng trai, cô gái thời bấy giờ.
- Mạch cảm xúc của bài thơ chậm dãi, thự nhiên, nhẹ nhàng tựa như vẻ đẹp trắng trong và hương thơm dịu nhẹ của loài hoa bưởi. Bài thơ mở ra là hình ảnh khung cửa sổ hai nhà cuối phố, không hiểu vì sao không khép bao giờ. Hình ảnh thơ hé mở những liên tưởng thú vị về mối quan hệ đặc biệt của một đôi bạn học cùng lớp. Mạch cảm xúc tiếp tục được gợi mở thông qua một tình huống đặc biệt: Chàng trai phải ra trận, người con gái không dám bộc lộ trực tiếp tình cảm của mình đành phải nhờ hương thơm của hoa bưởi để nói hộ tình yêu. Giây phút cuối cùng họ vẫn chọn cách lặng im … theo bước chân của chàng trai luôn là tình cảm, sự dõi theo của người ở lại, là mùi hương bưởi đắm say không thể nào quên.
- Chính sự ngập ngừng bối rối của anh và em đã làm nên thành công của bài thơ, bởi diễn biến tâm trạng này là chuỗi diễn biến tâm lý vô cùng hợp lý: nó vừa diễn tả vẻ đẹp thuần khiết của tình yêu, vừa diễn tả được vẻ đẹp tâm hồn của Anh và em của thế hệ trẻ VN thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Có thể khẳng định khong có những tình cảm trong sáng, thuần khiết đó, không có những con người mang tâm hồn đẹp như Anh và Em chúng ta sẽ không bao giờ có được cuộc sống yên bình như ngày hôm nay.
- Hình ảnh nổi bật trong bài thơ là hình ảnh chum hoa bưởi, được cô gái giấu trong chiếc khăn tay để mang sang nhà hang xóm. Hình ảnh hoa bưởi là hình ảnh ẩn dụ cho vẻ đẹp và tình yêu của cô gái dành cho chàng trai..
- Hình ảnh: mắt chợt nhìn nhau rồi lại quay đi: dình ảnh chân thực, độc đáo diễn tả chính xác tâm trạng yêu đương buổi đàu của bao cặp tình nhân, Ánh mắt đó thể hiện sự bẽn lẽn, ngượng ngùng của buổi đầu rung động. Dù quay đi nhưng chắc chắn trong long họ đang rung lên những cung bậc cảm xúc mạnh mẽ..
- Hình ảnh hương thầm thơm mãi bước người đi.. thể hiện tình cảm thuỷ chung và sự dõi theo của Em dành cho Anh, đây chính là nguồn động lực giúp cho nhận vật Anh có thể vững bước lên đường, cầm chắc tay súng bảo vệ đất nước, bảo về những người thân yêu nơi quê nhà.
- Điểm độc đáo của bài thơ chính là điểm nhìn của nhân vật trữ tình – Tac giả , chính nhà thơ là người đã thấu hiểu và miêu tả lại những cung bậc cảm xúc trong tình cảm của đôi trẻ. Câu chuyên tình yêu trong sáng cứ thế được kể lại một cách nhẹ nhàng, dung dị. Vấn vương trong long người đọc không chỉ là mùi hương hoa bưởi thoang thoảng đâu đây mà còn là sự lặng im không nói những điều đang giấu kín trong lòng .. một giấc mơ về một ngày mai với khung cửa sổ vẫn luôn mở …
* Phân tích đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của các phương diện ngôn từ.
- Sự phát triển của hình tượng chính :
+ Hình tượng xuyên suốt bài thơ chính là hương bưởi, trong cảm nhận của nhân vật trữ tình, cảm nhận của Em, Anh hương bưởi lúc thì ngan ngát hương đưa, hoa bưởi thơm cho long bối rối, mùi hương đầm ấm thạnh tao, bay dịu nhẹ, thấm sâu vào lồng ngực, thơm mãi bước người đi. Mùi hương bưởi giống như sợi dây cảm xúc, giống như bà mối của tự nhiên gắn kết tình yêu cho đôi bạn trẻ. Chính vì vậy dù ngồi cạnh nhau, dù ánh mắt chợt nhàn nhau rồi lại quay đi, dù lăng im không nói điều gì .. thì Hương thầm vẫn theo mãi bước người đi mãi mãi không xa rời.
+ Nếu mùi hương hoa bưởi đã nói hộ tấm lòng người thiếu nữ, thì Hương thầm có thể coi là thay lời muốn nói của cả một thế hệ đã trải qua tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình nơi chiến trường. Không một lời yêu nào được ngỏ, không một lời hứa hẹn nào được trao. Chỉ có những câu hỏi không lời đáp để lại bao xao xuyến trong lòng người nghe.
- Tính độc đáo của các phương diện ngôn từ:
+Bài thơ trữ tình có kết cấu giống như một câu truyện, với kết cấu mở bài thơ cứ làm vấn vương, lưu luyến mãi trong lòng người đọc
+ Nghệ thuật Ẩn dụ, so sánh, điệp ngữ.. được sử dụng linh hoạt trong bài thơ không chỉ àm tăng sức gợi hình gợi cảm mà trên hết còn làm cho hình tượng thơ trở nên cụ thể và chân thực hơn trong cảm nhận của người đọc..
* Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác khác cùng đề tài, chủ đề, thể loại
- Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh , nhưng đơn thuần chỉ là bài thơ viết về tình yêu đầu đời vô cùng thánh thiện và vô cùng trong sáng – Viết về điều này nhà Thế Lữ từng khẳng định: Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy. Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên.
- Bài thơ với kết thúc mở, để lại bao vân vương trong lòng người ra đi và người ở lại …một hi vọng tốt đẹp được nhen lên trong mỗi bước người đi vì trong mỗi bước hành quân của anh luôn có tình em theo cùng.
- Trước Phan Thị Thanh Nhàn, hoa bưởi đã xuất hiện trong ca dao và nhiều nhất là trong thơ Nguyễn Bính. Nhiều người vẫn thuộc câu ca “Trèo lên cây bưởi hái hoa” hay những dòng tươi thắm tả cảnh mùa xuân “Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng – Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng” (Nguyễn Bính). Nhưng phải đến Phan Thị Thanh Nhàn, hoa bưởi mới trở thành nhân vật chính trong một bài thơ.
3. Kết bài: Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.
BÀI LÀM
Có những loài hoa trở nên bất tử vì một bài thơ hay một bài ca. Đó là “hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng, “màu tím hoa sim” trong thơ của Hữu Loan, “hoa sứ nhà nàng” trong nhạc của Hồng Phương… Tất nhiên khi điểm danh sách ấy, không thể quên “hoa bưởi” trong Hương thầm của nhạc sĩ Vũ Hoàng, phổ thơ Phan Thị Thanh Nhàn.
Trước Phan Thị Thanh Nhàn, hoa bưởi đã xuất hiện trong ca dao và nhiều nhất là trong thơ Nguyễn Bính. Nhiều người vẫn thuộc câu ca “Trèo lên cây bưởi hái hoa” hay những dòng tươi thắm tả cảnh mùa xuân “Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng – Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng” (Nguyễn Bính). Nhưng phải đến Phan Thị Thanh Nhàn, hoa bưởi mới trở thành nhân vật chính trong một bài thơ. Bài thơ ấy mang tên Hương thầm, tác giả sáng tác để tặng người em ruột tên là Phan Hữu Khải.
Hương thầm bắt đầu bằng hình ảnh những khung cửa để ngỏ. Hai người bạn “thanh mai trúc mã” lớn lên bên nhau với cây bưởi là chứng nhân lặng lẽ:
Cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ.
Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa.
Nhà phải có cây bưởi mới biết hoa bưởi hữu dụng đến mức nào. Hoa bưởi được người ông đem ướp với trà để đãi khách những mùa sau. Người bà tần tảo đem hoa bưởi ướp với mía lùi làm quà ngon cho các cháu. Những ngày nóng nực, người mẹ đem hoa bưởi rắc lên bát chè đậu đen ngọt lành. Người chị để hoa trong vuông khăn giắt trong túi áo hoặc cài lên mái tóc để làm điệu.
Trẻ con dùng chỉ xâu qua những đóa hoa để kết thành vòng tay, vòng cổ xinh xắn. Lại có khi hoa được giắt lên mái đầu khi các em chơi trò cô dâu chú rể. Chàng trai và cô gái nhà bên có lẽ đã lớn lên với những kỷ niệm dịu ngọt từ những mùa hoa bưởi đi qua như thế.
Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay,
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm,
Bên ấy có người ngày mai ra trận
Những rung động đầu đời chưa kịp gửi trao thì chàng trai đã phải ra trận, “xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao”. Ở một mùa hoa bưởi khác trong thơ của Tô Hùng một cuộc biệt ly như thế cũng đã diễn ra:
“Mỗi mùa xuân thơm lừng hoa bưởi
Rắc trắng vườn nhà những cánh hoa vương
Em lại nhớ ngày xưa anh ra trận
Cũng giữa mùa hoa bưởi ngát hương”
Cô bé hái một chùm hoa bưởi, giấu trong khăn tay định tặng người ra trận. Chỉ một từ “ngập ngừng” thôi mà như diễn tả được bao nét ngại ngùng, bẽn lẽn của người thiếu nữ dịu dàng.
Nào ai đã một lần dám nói?
Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin,
Cô gái chẳng dám trao
Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao
Không dấu được cứ bay dịu nhẹ.
Thời ấy, tình yêu trong sáng lắm. “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Người thiếu nữ đoan trang e thẹn chẳng dám mở lời. Chàng trai, đứng trước cuộc sinh ly tử biệt, dù trong lòng có tình cảm cũng phải kìm nén, sợ nói ra nhỡ có bề gì, trở thành gánh nặng cho người ở lại.
Trong thơ của Phan Thị Thanh Nhàn, sự bối rối ấy được diễn tả rõ hơn: “Họ ngồi im không biết nói năng chi – Mặt chợt tìm nhau rồi lại quay đi”; “Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối – Anh không dám xin – Cô gái chẳng dám trao”.
Tình yêu thời chiến là thế: kín đáo, âm thầm nhưng không kém phần nồng nàn lãng mạn. Vì lý tưởng, họ sẵn sàng lên đường, ấp trong tim một khối tình chẳng bao giờ dám ngỏ. Có những người lính ngã xuống vẫn chưa từng một lần được yêu, chưa từng được nếm vị ngọt ngào của bờ môi thiếu nữ.
Nếu mùi hương hoa bưởi đã nói hộ tấm lòng người thiếu nữ, thì Hương thầm có thể coi là thay lời muốn nói của cả một thế hệ đã trải qua tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình nơi chiến trường:
Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu.
……
Họ chia tay
Vẫn chẳng nói điều gì
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi.
Không một lời yêu nào được ngỏ, không một lời hứa hẹn nào được trao. Chỉ có những câu hỏi không lời đáp để lại bao xao xuyến trong lòng người nghe.
Người ta vẫn thương hoa bưởi vì để lại mùi hương rất lâu. Hoa đã tàn rồi mà trên tay, trong nếp áo, mái đầu của người hái hoa vẫn còn thoang thoảng mùi hương. Hương thầm cũng vậy, dù bao nhiêu năm đi chăng nữa thì vẫn tỏa hương bền bỉ như khát vọng tình yêu và hòa bình vẫn chẳng bao giờ thôi trăn trở trong tim người Việt.
Xem thêm các chương trình khác:
- Các dạng bài tập Tiếng Anh thông dụng nhất
- 3000 câu hỏi ôn tập môn Tiếng Anh có đáp án
- Toàn bộ kiến thức về cụm động từ | Định nghĩa và cách dùng
- 500 đoạn văn Tiếng Anh thông dụng nhất và cách làm
- 1000 câu hỏi ôn tập môn Công nghệ có đáp án
- 1000 câu hỏi ôn tập Giáo dục công dân
- 15000 câu hỏi ôn tập môn Toán có đáp án
- Wiki Toán | Khái niệm, định lí, tính chất, dạng bài, công thức
- Tuyển tập đề thi + chuyên đề ôn thi Toán Kangaroo các cấp độ (có đáp án 2024)
- 3000 câu hỏi ôn tập môn Vật lí có đáp án
- Tổng hợp Dạng bài - Công thức môn Vật lí
- Phương trình hóa học | Tổng hợp PTHH của các chất hữu cơ, vô cơ chính xác nhất
- Đồng phân & Công thức cấu tạo của các chất hữu cơ
- Nhận biết các chất Hóa học
- Cấu hình electron
- So sánh bán kính nguyên tử và bán kính ion
- 1000 câu hỏi ôn tập môn Hóa có đáp án
- Wiki các chất hóa học | Định nghĩa, tính chất, nhận biết, điều chế, ứng dụng
- Cách đọc danh pháp hóa học (chương trình mới) đầy đủ nhất
- Công thức Lewis của một số chất thường gặp (chương trình mới)
- Công thức electron của một số chất thường gặp (chương trình mới)
- Công thức cấu tạo của một số chất thường gặp (chương trình mới)
- Công thức hợp chất khí với hidro của các nguyên tố (phổ biến) | Cách viết công thức hợp chất khí với hidro
- Công thức hidroxit cao nhất của các nguyên tố (phổ biến) | Cách viết công thức hidroxit cao nhất
- Công thức oxit cao nhất của các nguyên tố (phổ biến) | Cách viết công thức oxit cao nhất
- 2000 câu hỏi ôn tập môn Tin học có đáp án
- 3000 câu hỏi ôn tập môn Lịch sử có đáp án
- 3000 câu hỏi ôn tập môn Địa lí có đáp án
- 2000 câu hỏi ôn tập môn Sinh học có đáp án
- Tổng hợp Dạng bài - Công thức môn Sinh học
- Trò chơi Powerpoint | Game Powerpoint
- Tổng hợp bài thu hoạch BDTX Giáo viên mầm non (2025) theo Thông tư 12
- Tổng hợp bài thu hoạch BDTX Giáo viên tiểu học (2025)
- Tổng hợp bài thu hoạch BDTX Giáo viên THCS (2025)
- Tổng hợp bài thu hoạch BDTX Giáo viên THPT (2025)