Soạn bài Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài trang 132 - Ngắn nhất Ngữ văn 11 Kết nối tri thức

Với soạn bài Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài trang 132 Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 11.

1 331 21/03/2024


Soạn bài Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài

* Trước khi đọc

Câu hỏi (trang 132 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Phải chăng giá trị của nghệ thuật là ở chỗ nó có ích cho đời sống?

Trả lời:

Giá trị của nghệ thuật thực sự là khi nghệ thuật đó có ích và phục vụ đời sống. Nghệ thuật được sinh và và gắn bó chặt chẽ trong đời sống, sinh hoạt của con người. Vì vậy, nghệ thuật mang tính chất chữa lành, thể hiện tư tưởng và củng cố giá trị tinh thần cho con người.

* Đọc văn bản

1. Lời thoại và hành động thể hiện thái độ gì của các nhân vật?

Lời thoại và hành động thể hiện sự bất ngờ, đột ngột không thể tin được khi hay tin người dân và phản quân nổi lên đòi đến phá Cửu Trùng Đài và giết Vũ Như Tô.

2. Tình huống kịch được miêu tả trong lớp I là gì?

Tình huống kịch: Cung nữ Đan Thiềm biết tin và chạy đến nói cho Vũ Như Tô về việc phản quân đang kéo đến bắt ông, bảo ông phải trốn ngay đi nhưng ông không tin đồng thời cũng không có ý định trốn chạy.

3. Bối cảnh nào được tái hiện thông qua các chỉ dẫn sân khấu.

Bối cảnh: hỗn loạn phía bên ngoài (phản quân và nhân dân kéo đến ầm ầm của một vùng).

4. Chú ý thái độ của Vũ Như Tô, Đan Thiềm khi Nguyễn Vũ xuất hiện.

Khi Nguyễn Vũ đến, Đan Thiềm và Vũ Như Tô được trấn an hơn chút nhưng Đan Thiềm tiếp tục hối thúc Vũ Như Tô nhanh chóng trốn đi nhưng ông vẫn nhất quyết không chịu trốn đi.

5. Sự kiện nào được miêu tả trong lớp III.

Sự kiện: Trịnh Duy Sản làm phản, cái chết của Hoàng Thượng và Nguyễn Vũ.

6. Sự kiện nào được miêu tả trong lớp IV.

Sự kiện: Tình thế nguy cấp. Được tin vua chết, Nguyễn Hoằng Dụ kéo quân đốt phá kinh thành, thợ xây Cửu Trùng Đài quá nửa theo về quân phản nghịch.

7. Chú ý sự khác biệt trong hành động, thái độ của các nhân vật trong tình thế nguy ngập.

- Vũ Như Tô: thản nhiên, chỉ nghĩ đến Cửu Trùng Đài, không tin rằng nó bị phá.

- Lũ thái giám: tìm cách bỏ trốn với hy vọng thoát chết.

8. Chú ý thái độ của Vũ Như Tô và Đan Thiềm.

- Vũ Như Tô: bình tĩnh, khẳng định bản thân mình quang minh chính đại, không làm gì sai để phải bỏ chạy.

- Đan Thiềm: vội vàng, khẩn trương giục Vũ Như Tô bỏ chạy vì nàng lo lắng cho tính mạng của người tài.

9. Chú ý hành động của đám cung nữ và quân nổi loạn.

- Đám cung nữ: quỳ xuống van xin, đổ mọi tội lỗi cho Đan Thiềm.

- Quân nổi loạn: bắt giữ, phỉ báng Đan Thiềm và Vũ Như Tô.

10. Hành động, lời thoại của Vũ Như Tô và Đan Thiềm thể hiện thái độ gì của nhân vật?

- Vũ Như Tô: Không sợ chết, không chịu khuất phục trước quân nổi loạn.

- Đan Thiềm: Quỳ lạy, van xinh Ngô Hạch tha chết cho Vũ Như Tô.

11. Chú ý sự đối lập trong lời thoại, hành động của Vũ Như Tô và đám quân sĩ.

- Vũ Như Tô: Khẳng định mình không có tội, việc xây dựng Cửu Trùng Đài là để làm đẹp cho đất nước.

- Đám quân sĩ: Cho rằng hành động và lời nói của Vũ Như Tô là điên rồ, người ta oán trách Vũ Như Tô vì xây dựng mà mẹ mất con, vợ mất chồng…

12. Chú ý thái độ của Vũ Như Tô khi biết Cửu Trùng Đài bị đốt cháy.

- Vũ Như Tô đau đớn, tuyệt vọng khi nhìn thấy Cửu Trùng Đài đang cháy rụi trước mắt; chấp nhận cái chết vì không còn lí do để sống.

* Sau khi đọc

Nội dung chính: Văn bản đặt ra vấn đề sâu sắc về ý nghĩa muôn thủa của mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, giữa lí tưởng nghệ thuật thuần túy và lợi ích của nhân dân.

Soạn bài Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài trang 132 - Ngắn nhất Ngữ văn 11 Kết nối tri thức (ảnh 1)

Câu 1 (trang 141 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Tóm tắt các sự kiện chính trong đoạn trích. Bạn có nhận xét gì về diễn biến của các sự kiện?

Trả lời:

Soạn bài Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài trang 132 - Ngắn nhất Ngữ văn 11 Kết nối tri thức (ảnh 1)

- Nhận xét về diễn biến các sự kiện: Các sự kiện được sắp xếp theo trật tự tăng tiến, ngày càng khốc liệt, nguy hiểm hơn. Từ đó tạo nên nhịp điệu gấp gáp, căng thẳng, kịch tính để đẩy xung đột lên mức cao trào, qua đó tái hiện không khí lịch sử đầy biến loạn của thời đại và số phận đầy bi kịch của con người.

Câu 2 (trang 141 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Tình huống kịch được miêu tả trong đoạn trích là gì? Trước tình huống đó, mỗi nhân vật đã có những phản ứng, hành động như thế nào? Những phản ứng, hành động đó thể hiện đặc điểm tính cách gì của nhân vật?

Trả lời:

- Tình huống kịch: Trịnh Duy Sản dấy binh làm loạn, giết nhà vua, đốt phá Cửu Trùng Đài, lùng bắt Vũ Như Tô. Đây là một tình huống vô cùng kịch tính, làm thay đổi số phận nhân vật và đẩy nhân vật vào một tình thế buộc phải lựa chọn và hành động, thông qua lựa chọn và hành động đó mà bộc lộ tính cách.

- Phản ứng, hành động của các nhân vật:

+ Vũ Như Tô vẫn thản nhiên, không biết là mình có tội, một lòng muốn ở lại không chịu trốn đi.

+ Đan Thiềm thì lo lắng, giục ông mau chạy trốn đi.

+ Phản quân thì hùng hổ kéo vào đòi giết đám cung nữ và Vũ Như Tô.

+ Nguyễn Vũ thì tự tử.

+ Đám nội giám thì trốn chạy nhằm tìm cách thoát thân.

+ Cuối cùng Vũ Như Tô hiểu được cơ sự, lỗi lầm, thấy tâm huyết của mình bị đốt, đánh phá, ông xin được chết theo.

=> Những phản ứng, hành động đó đã thể hiện rõ phẩm chất của từng nhân vật. Vũ Như Tô thì ngay thẳng, có lý nên mãi mới nhận ra lỗi lầm của mình ở đâu. Đan Thiềm một lòng tiếc thương cho tài năng của Vũ Như Tô, muốn ông trốn đi để lưu giữ lại một tài năng tuyệt với đó. Cung nữ và đám nội giám hèn nhát, bên thì quỳ xuống nhận tội, bên thì bỏ của chạy lấy người hòng tìm cách sống sót.

Câu 3 (trang 141 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Xung đột chính trong đoạn trích là gì? Dựa vào đâu bạn nhận ra xung đột đó?

Trả lời:

- Xung đột chính trong đoạn trích: Mâu thuẫn giữa một bên là lí tưởng sống và hoài bão nghệ thuật cao đẹp của người nghệ sĩ tài năng Vũ Như Tô và một bên là thực tế tàn nhẫn khiến cho ông muốn thực hiện lí tưởng thì phải từ bỏ phẩm giá của mình.

- Căn cứ xác định xung đột:

+ Bộc lộ qua sự đối lập trong cái nhìn, thái độ, lí lẽ của hai nhân vật: Vũ Như Tô để bảo vệ phẩm giá và lí tưởng của mình, nhất định không chịu xây dựng Cửu Trùng Đài, Đan Thiềm vì nể trọng tài năng và thấu hiểu hoài bão của Vũ Như Tô mà một mực khuyên ông mượn tay hôn quân để thực hiện lí tưởng nghệ thuật.

+ Bộc lộ qua sự giằng co trong nội tâm Vũ Như Tô: một mặt, ông ý thức được tài năng của mình, nhất quyết theo đuổi lí tưởng dù phải chịu khổ sở, mặt khác, ông lại cùng lúc nhận ra thời thế không cho phép mình bộc lộ tài năng.

Câu 4 (trang 141 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Phân tích diễn biến tâm trạng của Vũ Như Tô được thể hiện trong đoạn trích (dựa vào các lời thoại và hành động của nhân vật).

Trả lời:

- Lúc đầu, ông thà chết chứ nhất định không xây Cửu Trùng Đài cho hôn quân; khi được vua thưởng bạc vàng, lụa là ông đem chia hết cho thợ. Nhưng Vũ Như Tô quá say sưa với mơ ước xây dựng một công trình nghệ thuật lớn cho đất nước, cho đời sau đến mới quên cả thực tế: dân chúng đang đói khổ, càng bị giai cấp thống trị bòn rút mồ hôi, nước mắt để xây Cửu Trùng Đài.

- Khi dân chúng và quân khởi loạn nổi dậy, Vũ Như Tô quyết không chạy trốn, không nhận ra cái sai của mình, nguyện chịu chết và bảo vệ Cửu Trùng Đài.

- Vũ Như Tô vừa là tội nhân, vừa là nạn nhân. Diễn biến mâu thuẫn trong con người Vũ Như Tô, mâu thuẫn giữa con người dân và con người nghệ sĩ, giữa khát vọng nghệ thuật và thực tế xã hội đã có kết cục nhưng thực ra vẫn chưa được giải quyết triệt để.

- Khi Cửu Trùng Đài bị cháy, Vũ Như Tô cảm thấy đau đớn, xót xa. Vũ Như Tô quá say mê cái đẹp mà quên cả thực tế.

Câu 5 (trang 141 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Hình tượng Cửu Trùng Đài trong vở kịch có ý nghĩa gì? Bạn có suy nghĩ gì về những phản ứng khác nhau của các nhân vật khi Cửu Trùng Đài bị đốt cháy?

Trả lời:

- Ý nghĩa hình tượng Cửu Trùng Đài:

+ Với Vũ Như Tô: Cửu Trùng Đài là lý tưởng sống và lý tưởng nghệ thuật mà ông cả đời theo đuổi, là thứ ông còn quý hơn cả mạng sống, thậm chí sẵn sàng đánh đổi cả phẩm giá chính trực của mình. Dưới góc nhìn của Vũ Như Tô, Cửu Trùng Đài là biểu tượng của tài năng, cái đẹp và nghệ thuật, một thứ nghệ thuật thuần khiết, cao cả, mang giá trị vĩnh cửu, vượt lên trên cuộc đời phàm tục, thoát ra khổi những mục đích thực dụng. Cửu Trùng Đài cũng có ý nghĩa như một giấc mơ lãng mạn mà con người muốn theo đuổi trong suốt cuộc đời, bất chấp mọi cản trở và sự phũ phàng của thực tại.

+ Với Đan Thiềm, Cửu Trùng Đài là sự kết tinh của tài năng và khí phách của người nghệ sĩ. Hành động kiên quyết bảo vệ Cửu Trùng Đài, bảo vệ Vũ Như Tô của Đan Thiềm thể hiện một thái độ trân trọng cái tài, cái đẹp, niềm tin vào giá trị vĩnh cửu của cái đẹp.

+ Với những nhân vật khác trong đoạn trích, Cửu Trùng Đài là biểu tượng cho sự xa hoa, lãng phí, thậm chí cho tội ác của quyền lực, là nguyên nhân của mọi đau khổ, lầm than.

- Tác giả xây dựng góc nhìn đa chiều như vậy về Cửu Trùng Đài cho thấy một cái nhìn đa chiều của Nguyễn Huy Tưởng về nghệ thuật, về tài năng, về cá nhân. Nguyễn Huy Tưởng một mặt trân trọng tài năng và phẩm giá của Vũ Như Tô, thương xót cho số phận đầy bi kịch của người nghệ sĩ, nhưng mặt khác cũng nhận ra sự phù phiếm của một thứ nghệ thuật thoát li cuộc sống.

Câu 6 (trang 141 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Vở kịch gợi cho bạn suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, giữa lí tưởng và thực tế, giữa cá nhân và lịch sử?

Trả lời:

Vở kịch gợi cho em suy nghĩ về mối quan hệ mật thiết giữa nghệ thuật và đời sống, nghệ thuật phải luôn phục vụ cho đời sống. Đó là ý nghĩa và giá trị chân chính của nghệ thuật. Sự xa rời thực tiễn sẽ làm mất đi giá trị của nghệ thuật, thậm chí, nó còn gây mất niềm tin và xung đột giữa những người xung quanh với nhau.

Câu 7 (trang 141 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Trong lời đề tựa kịch Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng viết:

“Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết.

Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm.”

Lời đề tựa này cho thấy thái độ gì của tác giả đối với các nhân vật? Thái độ đó được biểu hiện như thế nào qua văn bản Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài?

Trả lời:

- Lời đề tựa thể hiện thái độ phân vân của tác già trong việc đánh giá về các nhân vật trong vở kịch, đồng thời bày tổ sự đồng cảm của Nguyễn Huy Tưởng đối với sự trân trọng cái tài, cái đẹp của Đan Thiềm.

- Thái độ đó được biểu hiện qua văn bản Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài:

+ Tác giả xây dựng nhân vật đa diện, đặc biệt là Vũ Như Tô. Đây là nhân vật có sự mâu thuẫn lớn về tính cách, rất khó đánh giá là tốt hay xấu. Sự mâu thuẫn này và sự đa nghĩa của hình tượng Cửu Trùng Đài cho thấy sự phân vân, hoài nghi và mâu thuẫn trong tư tưởng của tác giả: Một mặt trân trọng, cảm thương cho người nghệ sĩ tài hoa, một mặt nhận ra sự phù phiếm, mù quáng của nghệ thuật thuần túy.

+ Về cốt truyện, dù cuối cùng Cửu Trùng Đài bị thiêu rụi, tác giả vẫn một phần thể hiện sự ngưỡng mộ khi cho nhân vật Vũ Như Tô hiên ngang chọn lấy cái chết, đầy dũng cảm và khí phách. Từ đó, tác giả bộc lộ kín đáo thái độ “biệt nhỡn liên tài” và bày tỏ niềm hi vọng vào nghệ thuật thanh cao vượt lên thực tại tầm thường.

Kết nối đọc – viết

Bài tập (trang 141 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Theo bạn, vấn đề xã hội nào được đề cập trong đoạn trích? Viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về vấn đề đó.

Đoạn văn tham khảo

Bi kịch Vũ Như Tô khiến cho chúng ta lo lắng cho vận mệnh của những giá trị lớn của xã hội và con người. Trong tác phẩm, Vũ Như Tô từng ao ước xây một công trình kiến trúc vĩ đại độc nhất vô nhị vượt qua được tất cả các kì quan trên thế giới mà người đời thường truyền tụng. Vậy mà cuối cùng Cửu Trùng Đài bị đốt. Số phận, bí quyết trường tồn hay tử vong của các nền văn minh và các dân tộc là một chủ đề tư tưởng sâu kín của vở kịch Nguyễn Huy Tưởng và những suy ngẫm kiên trì lắng đọng từ thuở thiếu thời cho đến tận lúc qua đời của ông về số phận của dân tộc ta so với số phận các dân tộc khác cho thấy ông là một con người Việt Nam thực thụ. Bi kịch cũng nhắc nhở mỗi chúng ta một điều: Mọi ước mơ chính đáng của con người, nhất là những ước mơ càng cao thượng, càng giàu giá trị nhân văn bao nhiêu càng tiềm ẩn nguy cơ tội lỗi bấy nhiêu.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 11 sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn khác:

Sống, hay không sống - đó là vấn đề

Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội

Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề đáng quan tâm (Kết hợp phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ)

Củng cố, mở rộng trang 151

Thực hành đọc: Prô-mê-tê bị xiềng

1 331 21/03/2024


Xem thêm các chương trình khác: