Soạn bài Lời tiễn dặn trang 102 - Ngắn nhất Ngữ văn 11 Kết nối tri thức

Với soạn bài Lời tiễn dặn trang 102 Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 11.

1 1,083 21/03/2024


Soạn bài Lời tiễn dặn

* Trước khi đọc

Câu hỏi 1 (trang 102 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Hãy chia sẻ đôi điều về một truyện thơ bạn từng biết hay từng đọc (nhan đề, tác giả, nội dung tác phẩm…).

Trả lời:

Nhan đề: Tống Trân Cúc Hoa

Tác giả: truyện thơ Nôm khuyết danh

Nội dung:

Tống Trân cùng mẹ đi ăn xin, Cúc Hoa con gái của phú ông đem lòng yêu mến chàng. Bố Cúc Hoa bực mình bắt Tống Trân và Cúc Hoa lấy nhau rồi đuổi ra khỏi nhà. Mẹ Cúc Hoa vì thương con nên dấu cho con gái ít tiền. Nàng dùng số tiền đó nuôi Tống Trân đi học chàng học giỏi thi đỗ Trạng nguyên. Nhà Vua định gả con gái cho chàng để chàng làm phò mã nhưng chàng đã khước từ vì đã có vợ. Công chúa tức giận xin cha đấy Tống Trân đi biệt xứ tại nước Hán 10 năm. Ở nhà bố mẹ Cúc Hoa ép nàng lấy chồng và làm nhục mẹ Tống Trân. Hết hạn đi xứ trở về nước gia đình đoàn tụ, sau Tống Trân lên làm vua.

Câu hỏi 2 (trang 102 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Hãy nhớ lại một tác phẩm (thuộc bất kì thể loại nào) có kể một câu chuyện tình yêu đã thực sự gây ấn tượng với bạn. Theo bạn, điều gì khiến tình yêu trở thành đề tài bất tận của văn học?

Trả lời:

- Tác phẩm kể khiến em ấn tượng nhất về tình yêu là bộ phim Titanic (1997) và mối tình sâu đậm, đau thương của nàng tiểu thư Rose và chàng trai nghèo Jack.

- Tình yêu trở thành đề tài bất tận của văn học vì tình yêu là những tình cảm thiêng liêng, đẹp đẽ và luôn có những cung bậc cảm xúc khác nhau, đem đến rung động cho con người. Văn học có chức năng truyền tải và thể hiện những cảm xúc ấy rõ ràng nhất.

* Đọc văn bản

1. Hình dung về bối cảnh câu chuyện

Bối cảnh: hai người yêu nhau nhưng không đến được với nhau, chàng trai tiễn người yêu đi lấy chồng.

2. Chú ý cách diễn tả đầy hình ảnh về tâm trạng của cô gái

- Hình ảnh Lá ớt, lá cà, lá ngón - những loại lá độc, diễn tả tâm trạng đau đớn, buồn bã của cô gái trên đường về nhà chồng.

3. Chú ý cách cư xử khác thường nhưng hoàn toàn hợp lí của chàng trai

Chàng trai muốn níu kéo thời gian để được tâm tình, ở bên người con gái yêu thương thêm chút nữa:

+ Cho anh kề vóc mảnh, quấn quanh vải ủ lấy hương người, lửa đượm xác hơi.

+ Anh sẵn sàng bồng nựng con của cô gái “con rồng, con phượng” như chính con của mình

4. Cảm nhận niềm thương xót của chàng trai khi chứng kiến tình cảnh của người yêu ở nhà chồng.

- Chàng trai nâng “em” dậy, phủi áo, chải tóc cho “em” bị chồng đánh ngã lăn miệng cối gạo, bên máng lợn vầy.

- Chàng trai đi chặt tre làm ống thuốc cho người mình yêu “khỏi đau”.

→ Thể hiện sự cảm thông, thương xót, chăm sóc, nâng niu của chàng trai khi chứng kiến người mình yêu chịu khổ. Đồng thời cũng thể hiện niềm xót xa cho số phận của chàng trai, một tình yêu trong sáng, mãnh liệt nhưng không được đáp lại.

5. Lời thề nguyền thủy chung được diễn tả như thế nào?

Lời thề nguyền thủy chung được thể hiện qua biện pháp nghệ thuật điệp cấu trúc: Chết…

=> Chàng trai luôn mong ước được ở bên cô gái dù bất cứ khi nào, ở đâu, nơi nào và dưới bất kỳ thân phận nào, chàng trai đều muốn ở bên cô gái được thể hiện qua đoạn điệp khúc Chết ba năm… Chết thành sông… Chết thành đất… Đoạn điệp khúc đó đã khẳng định dù bất cứ điều gì xảy ra, sống hay chết hay trở thành bất cứ dạng nào, chàng trai vẫn một lòng một dạ, thủy chung son sắt với người con gái mình yêu.

* Sau khi đọc

Nội dung chính: Văn bản thể hiện tâm trạng xót thương của chàng trai trên đường tiễn cô gái về nhà chồng và chứng kiến cảnh cô bị người chồng đánh đập. Đồng thời đoạn trích còn khẳng định khát vọng hạnh phúc, tình yêu thuỷ chung của chàng trai với cô gái.

Soạn bài Lời tiễn dặn trang 102 - Ngắn nhất Ngữ văn 11 Kết nối tri thức (ảnh 1)

Câu 1 (trang 106 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Qua hai lời tiễn dặn trong đoạn trích, người đọc có thể nắm bắt được điều gì về bối cảnh của câu chuyện?

Trả lời:

Bối cảnh của câu chuyện là những trở ngại ngăn đôi trai gái yêu nhau kết thành vợ chồng, do đó, càng làm bùng cháy ước nguyện gắn bó ở hai người. Cụ thể, trở ngại đó là: Chàng trai sau bao ngày đi xa, trở về xin cưới cô gái thì gặp đúng lúc cô phải bước chân về nhà chồng; chàng trai chứng kiến cảnh cô gái bị hành hạ nhưng chỉ biết nói lời an ủi, vì cô gái đã thuộc về nhà người ta và chàng không thể làm gì được.

Câu 2 (trang 106 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Lời kể trong đoạn trích là của ai? So với một số tác phẩm viết bằng văn xuôi đã học, lời kể ở đây có điểm gì đặc biệt?

Trả lời:

- Lời kể trong đoạn trích là của chàng trai.

- Chàng trai là người tự kể câu chuyện từ ngôi thứ nhất. Nhưng do lời kể được thể hiện bằng hình thức thơ nên tính trữ tình gia tăng, gây ấn tượng đoạn trích mang đặc điểm tương tự một bài thơ trữ tình dài với nội dung chính là thổ lộ cảm xúc của chủ thể.

Câu 3 (trang 106 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Nêu nhận xét về tâm trạng của cô gái trên đường về nhà chồng và cách thể hiện tâm trạng ấy trong lời tiễn dặn 1.

Trả lời:

- Tâm trạng cô gái trên đường về nhà chồng: đau nhớ, chờ, đợi, ngóng trông => tất cả tâm trí hướng về người yêu, không quan tâm gì đến thực tại đang diễn ra.

- Cách thể hiện tâm trạng cô gái: vừa trực tiếp gọi tên tâm trạng (đau nhớ, chờ, đợi, ngóng trông), vừa miêu tả các cử chỉ ngoại hiện vốn phản ánh sâu sắc những gì đang diễn ra trong cõi lòng: ngoảnh lại, ngoái trông, ngắt lá ớt ngồi chờ, ngắt lá cà ngồi đợi, tới rừng lá ngón, bẻ lá xanh em ngồi, ... Các cách thể hiện đó phối hợp với nhau, làm nổi bật được tình cảnh bi thiết mà cô gái đang lâm vào.

Câu 4 (trang 106 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Qua đoạn trích, hình ảnh chàng trai hiện lên với những đặc điểm gì? Bạn thấy xúc động nhất với những biểu hiện nào của nhân vật này?

Trả lời:

- Đặc điểm của chàng trai: chung tình, nhân hậu, kiên trì.

- Em thấy xúc động nhất với hình ảnh chàng trai luôn nói lời nguyện ước sắt son ("Xin hãy cho anh kề vóc mảnh"; "Đôi ta yêu nhau đợi tới tháng Năm lau nở"; "Lòng ta thương nhau trăm lớp nghìn trùng" ;... ).

Câu 5 (trang 106 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): So sánh nội dung lời thề nguyền thủy chung và cách thể hiện lời thề nguyền ấy trong hai lời tiễn dặn.

Trả lời:

Nội dung thề nguyền

Cách thể hiện

Lời tiễn dặn 1

Sẽ vẫn yêu nhau trong mọi thời điểm, tình huống.

Liệt kê dồn dập cách chi tiết, các mùa trong năm, làm nổi bật sự bền bỉ, nồng đượm của tình yêu qua năm tháng.

Lời tiễn dặn 2

Sẽ quyết chống lại mọi tác động ngược chiều để bảo vệ tình yêu.

- Liên tục nêu tình huống giả định mang tính thử thách đặc biệt để to đậm sự kiên định trong tình yêu, trong đó, cái chết luôn được nhắc đến như một thử thách cao nhất.

- Thủ pháp so sánh được sử dụng hiệu quả, ấn tượng.

Câu 6 (trang 107 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Qua tìm hiểu đoạn trích và phần giới thiệu chung về tác phẩm Tiễn dặn người yêu, hãy nêu nhận xét về sự khác nhau giữa một bài thơ trữ tình và một truyện thơ.

Trả lời:

Bài thơ trữ tình

Truyện thơ

Nội dung chính

Thường là một trạng thái cảm xúc, suy tư của nhân vật trữ tình, tồn tại như một lát cắt đời sống.

Một câu chuyện tương đối hoàn chỉnh với các nhân vật và sự kiện có sự diễn tiến trong thời gian, không gian.

Tiếng nói nhân vật

Giữ vai trò chi phối, vì vậy, gây ấn tượng về sự thuần nhất.

Có sự đan cài, hoà nhập về tiếng nói giữa người kể chuyện và nhân vật.

Câu 7 (trang 107 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Đoạn trích cho biết điều gì về không gian tồn tại và đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Thái – chủ nhân truyện thơ Tiễn dặn người yêu?

Trả lời:

- Không gian tự nhiên nơi đồng bào dân tộc Thái cư trú là miền núi, nơi có rừng cây, có suối nước khi vơi khi đầy, có chim tăng ló hót, có hoa lau nở vào tháng Năm,...

- Đồng bào dân tộc Thái có những phong tục riêng về hôn nhân, tang lễ, sinh hoạt (ở rế, hoả táng, dệt vải, nấu cơm lam,... ).

- Đồng bào dân tộc Thái có đời sống tâm linh phong phú, thực hiện những nguyên tắc ứng xử đầy nhân ái, nhân văn (cho rằng có sự cảm ứng giữa con người với thiên nhiên, tin vào sự hoá thân sau khi chết, ... ).

Kết nối đọc – viết

Bài tập (trang 107 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một đoạn thơ trong văn bản Lời tiễn dặn đã để lại cho bạn những ấn tượng thực sự sâu sắc.

Đoạn văn tham khảo

Truyện thơ “Lời tiễn dặn” là câu chuyện cảm động về tình yêu son sắt, mặn nồng của đôi lứa. Nổi bật trong tác phẩm là lời thề tình yêu giàu hình ảnh của chàng trai dành cho cô gái:

"Đôi ta yêu nhau, đợi tới tháng Năm lau nở,

Đợi mùa nước đỏ cá về

Đợi chim tăng ló hót gọi hè

Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông

Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi goá bụa về già"

Mối tình của đôi lứa yêu nhau đã vượt qua cả giới hạn của không gian và thời gian. Đứng trước cảnh biệt li, chàg trai càng khẳng định tình cảm vũng bền của mình dù có phải chờ đợi. Tình yêu ta nối dài từ “tháng Năm lau nở” đến “mùa nước đỏ cá về” rồi mùa hè “chim tăng ló hót”. Sự đối lập giữa các cột mốc thời gian “mùa hạ” - “mùa đông”, “thời trẻ” - “góa bụa về già” cùng điệp cấu trúc “Không lấy được nhau…. ta lấy nhau…” đã thể hiện sự quyết tâm đến cùng, tìm mọi cách để được ở bên người anh yêu. Điệp từ “Đợi” được lặp lại ba lần trong đoạn thơ tựa như nỗi nhớ và tình yêu cứ ngân lên không dứt. Bằng các hình ảnh thiên nhiên phong phú và biện pháp điệp từ, điệp cấu trúc tác giả dân gian đã diễn tả một tình yêu cháy bỏng và cao cả vô cùng. Đây xứng đáng là một trong những đoạn thơ hay nhất viết về tình yêu trong văn học Việt Nam.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 11 sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn khác:

Dương phụ hành

Thuyền và biển

Thực hành tiếng Việt trang 112

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội (Hình thành lối sống tích cực trong xã hội hiện đại)

Thảo luận về một vấn đề trong đời sống (Hình thành lối sống tích cực trong xã hội hiện đại)

1 1,083 21/03/2024


Xem thêm các chương trình khác: