Soạn bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trang 99 - Ngắn nhất Ngữ văn 11 Kết nối tri thức

Với soạn bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trang 99 Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 11.

1 529 21/03/2024


Soạn bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

* Trước khi đọc

Câu hỏi 1 (trang 99 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 2): Hãy kể vắn tắt hiểu biết của bạn về một tấm gương đã anh dũng hi sinh vì nền độc lập tự chủ của dân tộc trong thời kì chống thực dân Pháp xâm lược.

Trả lời:

Võ tướng Nguyễn Tri Phương (1800 - 1873) là người đã dành cả đời trong công cuộc giữ yên bờ cõi và chống ngoại xâm trải qua ba đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông là vị Tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng, Gia Định, Hà Nội. Thành Hà Nội thất thủ, ông bị thương nặng và bị quân Pháp bắt giữ, lính Pháp đã đề nghị cứu chữa cho ông nhưng ông đã từ chối và cự tuyệt hợp tác với chúng cho đến khi qua đời.

Câu hỏi 2 (trang 99 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 2): Theo bạn, việc tưởng nhớ và tôn vinh những người đã hi sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc có ý nghĩa như thế nào trong việc giáo dục thế hệ trẻ hôm nay?

Trả lời:

Việc tưởng nhớ và tôn vinh những người đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục bởi thế hệ trẻ hiện nay. Bởi nó khẳng định chúng ta không bao giờ quên công lao của những người đã hi sinh vì độc lập của Tổ quốc. Để từ đó nhắc nhở thế hệ trẻ về truyền thống uống nước nhớ nguồn và càng quý trọng nền độc lập của dân tộc hơn.

* Đọc văn bản

1. Chú ý ngắt nhịp câu văn biền ngẫu.

Bài văn tế viết theo thế biền ngẫu có nhịp, có đôi, có vần. Văn tế là một thể văn thường dùng để bày tỏ lòng thương cảm với người đã khuất, có nội dung ca ngợi phẩm hạnh, công đức và giải bày sự tiếc thương đau xót với số phận của họ.

2. Hoàn cảnh xuất thân nghèo khó của nghĩa binh.

Đó là những nông dân nghèo khổ, những dân ấp, dân lân (những người bỏ quê đến khai khẩn đất mới để kiếm sống): “cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó”: hoàn cảnh sống cô đơn, thiếu người nương tựa, âm thầm lặng lẽ lao động mà vẫn nghèo khó suốt đời.

3. Thái độ của nghĩa binh đối với bọn cướp nước.

Khi thực dân Pháp xâm lược người nông dân cảm thấy: Ban đầu lo sợ rồi đến trông chờ tin quan - ghét - căm thù - đứng lên chống lại.

Sự chờ đợi “quan”: như “trời hạn trông mưa”

Thái độ đối với giặc: “ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ”, “muốn tới ăn gan”, “muốn ra cắn cổ”

=> Thái độ căm ghét, căm thù đến tột độ được diễn tả bằng những hình ảnh cường điệu mạnh mẽ mà chân thực.

- Nhận thức về tổ quốc: Họ không dung tha những kẻ thù lừa dối, bịp bợm. => Họ chiến đấu một cách tự nguyện: “nào đợi ai đòi ai bắt…”

=> Diễn biến tâm trạng người nông dân, sự chuyển hóa phi thường trong thái độ, chính lòng yêu nước và niềm căm thù giặc, cộng với sự thờ ơ thiếu trách nhiệm của “quan” đã khiến họ tự lực tự nguyện đứng lên chiến đấu.

4. Tinh thần chiến đấu quả cảm của nghĩa binh. Chú ý các hình ảnh đối lập.

Tinh thần chiến đấu quả cảm, anh hùng: Vốn không phải lính diễn binh, chỉ là dân ấp dân lân mà “mến nghĩa làm quân chiêu mộ”

- Quân trang rất thô sơ: một manh áo vải, ngọn tầm vông, lưỡi dao phay, rơm con cúi đã đi vào lịch sử => làm rõ nét hơn sự anh dũng của những người nông dân nghĩa sĩ.

- Lập được những chiến công đáng tự hào: “đốt xong nhà dạy đạo”, “chém rớt đầu quan hai nọ”.

- “đạp rào”, “xô cửa”, “liều mình”, “đâm ngang”, “chém ngược”…: động từ mạnh chỉ hành động mạnh mẽ với mật độ cao nhịp độ khẩn trương sôi nổi.

- Sử dụng các động từ chéo “đâm ngang, chém ngược” => làm tăng thêm sự quyết liệt của trận đánh.

=> Tượng đài nghệ thuật rực rỡ về người nông dân đứng lên đánh giặc cứu nước.

5. Giọng văn trầm hùng, âm hưởng bi tráng.

Giọng điệu bài văn tế khi là tiếng khóc đau thương, khi là lời khẳng định ngợi ca mang âm hưởng sử thi đã góp phần khắc họa bức tượng đài người nông dân nghĩa sĩ với vẻ đẹp bi tráng.

6. Cảm xúc xót thương.

Giọng văn thay đổi linh hoạt, phù hợp với những nội dung biểu đạt, trạng thái cảm xúc, trên nền âm hưởng chủ đạo là thống thiết. Khi gợi lại cuộc sống lam lũ, nghèo khó của người nông dân, giọng văn bùi ngùi, trầm lắng: cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó, chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu ở làng bộ.

7. Ngợi ca tinh thần và sự hi sinh anh dũng của nghĩa binh.

Những vần thơ cuối là sự khẳng định cho sự bất tử của những nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc và cũng là tiếng nói biểu dương công trạng xả thân vì nghĩa lớn của các nghĩa sĩ.

Đặc biệt trong câu “Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiêng dân; cây hương nghĩa sĩ thắp thêm thơm, cắm bởi một câu vương thổ” vừa thể hiện được nỗi xót thương và lòng tưởng nhớ những người đã mất, đồng thời tôn vinh công trạng của họ.

* Sau khi đọc

Nội dung chính: n tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là tiếng khóc bi tráng cho một thời kỳ lịch sử đau thương nhưng vĩ đại của dân tộc, là bức tượng đài bất tử về những người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc đã dũng cảm chiến đấu hi sinh vì Tổ quốc.

Soạn bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trang 99 - Ngắn nhất Ngữ văn 11 Kết nối tri thức (ảnh 1)

Câu 1 (trang 106 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 2): Căn cứ vào hiểu biết chung về cấu trúc nội dung thể văn tế, hãy xác định bố cục và nêu nội dung chính của mỗi phần trong văn bản.

Trả lời:

- Đoạn 1 (gồm 9 câu đầu, ứng với phần Tán trong cấu trúc nội dung bài văn tế): ca ngợi tấm lòng vì nghĩa lớn của người nông dân nghèo khổ.

- Đoạn 2 (6 câu tiếp theo, ứng với nửa trước của phần Thán trong cấu trúc nội dung bài văn tế): tinh thần dũng cảm kiên cường của người nghĩa sĩ nông dân trước sức mạnh súng đạn của kẻ thù xâm lược.

- Đoạn 3 (10 câu tiếp theo, ứng với nửa sau của phần Thán trong cấu trúc nội dung bài văn tế): lí giải nguyên nhân, cơ sở của hành động hi sinh vì nghĩa của người nghĩa sĩ nông dân.

- Đoạn 4 (5 câu còn lại, ứng với phần Ai trong cấu trúc nội dung bài văn tế): ý nghĩa cao cả của sự hi sinh và tình cảm xót thương của nhân dân đối với những người vì nước quên thân.

Câu 2 (trang 106 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 2): Câu văn mở đầu “Súng giặc đất rền; Lòng dân trời tỏ.” có ý nghĩa như thế nào trong việc thể hiện tư tưởng chung của bài văn tế?

Trả lời:

- Câu văn nhấn mạnh cuộc đối đầu giữa lòng dân và súng đạn kẻ thù:

+ Tình thế đất nước nguy cấp, tiếng súng quân giặc làm rung chuyển non sông.

+ Lúc đất nước nguy nan, mới hiểu hết lòng dân.

+ Lòng dân là cái vô hình nhưng sẽ được chuyển hóa thành sức mạnh vật chất cụ thể; súng giặc đất rền là uy lực vũ khí kẻ thù đang tâm chĩa vào lương tri nhân loại, là tội ác không thể dung tha.

- Câu văn mang ý nghĩa khái quát bối cảnh thời đại và chân dung tinh thần của người nghĩa binh Cần Giuộc. Chỉ với hai vế câu ngắn gọn đã cho thấy tinh thần, suy nghĩ, hành động của người nghĩa sĩ nông dân tay không tấc sắt nhưng có lòng căm thù giặc sâu sắc và đã anh dũng xả thân cứu nước.

Câu 3 (trang 106 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 2): Lòng căm thù giặc của người nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc được tác giả thể hiện trong tác phẩm như thế nào?

Trả lời:

Lòng căm thù giặc của người nghĩa sĩ nông dân được thể hiện trong suy nghĩ, lựa chọn cách ứng xử và hành động chiến đấu của người nghĩa sĩ:

- Người nông dân chân lấm tay bùn, cuộc sống nghèo khó nhưng lại là những người có ý thức sâu sắc về tự chủ dân tộc. Ý thức của họ gắn với nỗi bất bình khi cuộc sống bình dị an phận bỗng bị tàn phá. Đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành động nghĩa hiệp, anh hùng sau khi không thể trông đợi vào hành động của triều đình.

- Lòng căm thù giặc của người nông dân tiềm ẩn trong tình yêu quê hương, trong sự gắn bó với cuộc sống lao động vất vả. Vì vậy, họ căm thù những kẻ đi ngược lại với lẽ yêu thương đó.

- Lòng căm thù giặc chuyển hóa thành ý thức sống cao thượng, thái độ dứt khoát và cách hành động xả thân trượng nghĩa. Người “dân ấp dân lân” đã tự nguyện xác định bổn phận của mình với quê hương. Nguyễn Đình Chiếu đã giúp chúng ta hiểu được đời sống tâm thức giản đơn của người nông dân Việt Nam: Mỗi cá nhân đều gắn số phận của bản thân với sự tổn vong của núi sông; trong mỗi con người bình thường đều sẵn có ý niệm thường trực hướng về Tổ quốc thiêng liêng. Từ tình yêu cuộc sống, khát vọng gìn giữ quê hương, thái độ căm ghét sự tàn ác xấu xa đến ý thức tự nguyện giữ nước và cuối cùng là hành động quên mình trong đánh giặc là một logic tất yếu, có tính biện luận sâu sắc.

Câu 4 (trang 106 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 2): Liệt kê các động từ mà tác giả đã sử dụng để thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm của các nghĩa sĩ Cần Giuộc trong đoạn 2 của văn bản. Nêu nhận xét về cách sử dụng các động từ này.

Trả lời:

- Các động từ được sử dụng: đánh, đốt, chém, đạp, lướt, xô, xông, đâm, hè, ó,...

- Các động từ trên được kết hợp với các từ chî phương thức (bằng), chỉ ý hoàn thành (xong, rớt, ... ), ý nối tiếp (tới, vào, ... ) hoặc phương vị (ngang, ngược, trước, sau, ... ) đã diễn tả dồn dập sức mạnh chiến đấu kiên cường, như nước vỡ bờ, với tinh thần không nao núng trước sức mạnh giặc Tây. Về mặt hình thức, các động từ trên được sử dụng thành từng cặp trong cấu trúc đối, thể hiện sự tăng tiến về cấp độ và không khí dồn dập khẩn trương của chiến trận.

- Đây đều là các động từ đơn âm tiết, nét nghĩa cụ thế, dứt khoát, mạnh mẽ; lại là những từ thuần Việt, thường được dùng trong ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày của người nông dân, thể hiện rõ tính tương phản với điều kiện thiếu thốn, trang bị thô sơ và lực lượng ít ỏi nên có giá trị biểu cảm trực tiếp, gây xúc cảm mạnh trong lòng người đọc.

Câu 5 (trang 106 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 2): Tinh thần chiến đấu anh dũng của người nghĩa sĩ nông dân trong trận quyết chiến tấn công đồn giặc được tác giả thể hiện như thế nào?

Trả lời:

Trong trận quyết chiến tấn công giặc, cảm xúc của tác giả được thể hiện là cảm xúc buồn thương sâu sắc trước sự ra đi anh dũng của họ. Họ đã hi sinh vì dân, vì nước và đó là một sự cống hiến cao cả, đáng tự hào và trân trọng. Họ sẽ mãi là bức tượng đài bất tử của một thế hệ chiến đấu hết mình vì độc lập của dân tộc. Và họ sẽ mãi là tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo để thấy được sự thiêng liêng của nền độc lập, từ đó càng thêm quý trọng và ra sức bảo vệ nền độc lập ấy.

Câu 6 (trang 106 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 2): Từ câu 16 đến câu 25, tác giả đã nhìn nhận ra sao về hành động xả thân vì nghĩa của người nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc?

Trả lời:

- Người nghĩa sĩ nông dân đã xả thân vì nghĩa đúng như cốt cách, phẩm chất, lẽ sống bình dị của họ. Họ tự nguyện xung trận vì tình yêu quê hương và lòng căm thù giặc ngút trời.

- Người nghĩa sĩ chấp nhận sự hi sinh mà lẽ ra sự hi sinh đó không thuộc chức trách, bổn phận của họ. Sự hi sinh của họ để lại niềm đau thương khôn nguôi, khiến cả thiên nhiên và con người xúc động: "Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng ;....

- Người nghĩa sĩ Cần Giuộc xả thân vì nước trước hết xuất phát từ sự lựa chọn một cuộc sống có ý nghĩa. Cả đời cui cút khó nhọc nhưng họ là những người giàu lòng tự trọng, thấu hiểu đạo lí làm người.

- Hành động xả thân vì nghĩa còn xuất phát từ nhận thức về kẻ thù của người nông dân nghĩa binh: vô cớ xâm lăng một đất nước có chủ quyền, chẳng "mắc mớ chi" mà giày xéo quê hương, làm tan tác cả "bát cơm manh áo" người khác; kẻ "man di" đã khinh nhờn văn hoá, tín ngưỡng ngàn đời của truyền thống ông cha, ...

- Thà chết vinh còn hơn sống nhục là một lựa chọn khẳng khái, dứt khoát. Sự lựa chọn cách sống, hay đúng hơn là chấp nhận chết để bảo toàn khí tiết, danh dự, ... một cách tự nhiên của người nghĩa sĩ Cần Giuộc đã được Nguyễn Đình Chiểu nâng lên ngang tầm với cách ứng xử của một mẫu anh hùng lí tưởng.

Câu 7 (trang 106 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 2): Ý nghĩa của sự hi sinh và tình cảm của nhân dân dành cho người nghĩa sĩ được tác giả thể hiện trong phần cuối bài văn (từ “Ôi thôi thôi!” đến hết) gợi cho bạn những suy nghĩ gì về lẽ sống?

Trả lời:

Tác giả luận về ý nghĩa cao cả của sự hi sinh và bày tỏ tình cảm xót thương của nhân dân đối với những người vì nước quên thân.

- Sự xót thương dành cho người nghĩa sĩ, nỗi đau thương trùm lên đời sống và số phận người mẹ già ngồi khóc trẻ trong lều khuya leo lét ánh đèn.

- Cái chết của nghĩa binh đánh động người còn sống ý thức hơn về số phận của đồng bào, nhắc nhở rằng binh tướng giặc còn đó đã làm cho bốn phía mây đen, phải tiếp tục vùng lên để cứu nước, cứu nòi.

- Chết mà như sống, linh hồn nghĩa binh vẫn cùng nhân dân đánh giặc, vẫn tiếp tục nuền trung quân ái quốc. Ước nguyện trả đền nợ nước, trở thành lời thề thiêng liêng vang vọng núi sông. Cái chết hóa thân vào núi sông, cái chết hóa thành bất tử.

Câu 8 (trang 106 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 2): Khái quát những nét đặc sắc về phương diện nghệ thuật của Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

Trả lời:

- Thể văn biền ngẫu được sử dụng linh hoạt, đa dạng, với nhiều hình thức tổ chức câu văn đạt đến trình độ mẫu mực.

- Sự phá cách của thể loại phú (cấu trúc, ngôn từ, thủ pháp, ... ) được vận dụng thích hợp, có hiệu quả đặc biệt.

- Sự phá cách về đặc điểm kiểu loại văn tế. "Vai” của người chủ tế trong bài văn tế thường có vai trò quyết định đến nội dung các thông điệp. Với tác phẩm này, theo cách mà tác giả thể hiện, người chủ tế là cộng đồng dân tộc, là nhân dân; dường như không có sự phân cách giữa các góc nhìn quan phương và bình dân, cá nhân và quốc gia.

- Sự kết hợp nhuần nhuyễn của các bút pháp, thủ pháp và phương thức nghị luận: nghệ thuật tự sự và bút pháp trữ tình; thủ pháp tương phản và nghệ thuật đối; tính cụ thể - xác thực và giá trị khái quát - biểu trưng; tính quy phạm - khuôn mẫu và nghệ thuật biểu cảm - tạo hình; tính logic - biện luận và nghệ thuật phô diễn - tán thán, ...

Kết nối đọc – viết

Bài tập (trang 106 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 2): Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) nêu suy nghĩ của bạn về “lựa chọn và hành động” của nghĩa sĩ Cần Giuộc khi đối đầu với kẻ thù xâm lược.

Đoạn văn tham khảo

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là tác phẩm được Nguyễn Đình Chiểu viết theo yêu cầu của tuần phủ Gia Định, để tưởng nhớ công ơn của những người nông dân đã anh dũng đứng lên chống giặc. Năm 1858 giặc Pháp đánh vào Đà Nẵng, nhân dân Nam Bộ đã đứng lên chống giặc. Trước khi giặc đến họ là những người nông dân chân phương chất phác cuộc sống đồng ruộng khi giặc đến họ đứng trước hai sự lựa chọn không gì rõ ràng hơn. Thứ nhất, tiếp tục làm người nông dân lao động kiếm ăn, mặc cho bị đàn áp và bắt sai, mặc kệ với những gì đang xảy ra. Thứ hai, đó chính là dám đứng lên chống lại giặc, bảo vệ tổ quốc trước kẻ thù xâm lược. Tinh thần ấy được dâng lên cao thể hiện qua hành động mạnh mẽ kiên quyết, những người nông dân vùng lên đấu tranh vì Tổ quốc quên mình. Và cho đến mai sau, chúng ta vẫn luôn phát huy những tinh thần ấy mà dựng xây đất nước những vẫn không quên công lao to lớn của những con người đã ngã xuống vì hòa bình độc lập để từ đó không quên bảo vệ giữ gìn những tài sản thiêng liêng ấy.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 11 sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn khác:

Bài ca ngất ngưởng

Cộng đồng và cá thể

Thực hành tiếng Việt trang 110, 111

Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật

Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật (tiếp theo)

1 529 21/03/2024


Xem thêm các chương trình khác: