Soạn bài Nhớ đồng trang 56 - Ngắn nhất Ngữ văn 11 Kết nối tri thức

Với soạn bài Nhớ đồng trang 56 Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 11.

1 777 21/03/2024


Soạn bài Nhớ đồng

* Trước khi đọc

Câu hỏi 1 (trang 56 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Theo trải nghiệm của bạn, một nỗi nhớ thường được khởi đầu và phát triển như thế nào?

Trả lời:

- Nỗi nhớ thường được khởi đầu bằng những kỉ niệm sâu sắc, đậm nét, khó quên. Nỗi nhớ phát triển khi tình cảm ngày càng sâu đậm, những ký ức có ý nghĩa lớn trong cuộc sống tinh thần của mỗi người ở hiện tại.

Câu hỏi 2 (trang 56 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Hãy tưởng tượng về cách bạn mở đầu một sáng tác ngôn từ có nội dung thể hiện nỗi nhớ của bản thân. Điều gì sẽ được nói đến trước hết? Vì sao?

Trả lời:

Để thể hiện nỗi nhớ của bản thân, em sẽ nhắc đến những sự vật, khung cảnh, thời gian gắn liền với kỉ niệm và mở ra hồi ức, nỗi nhớ của mình vì đó cũng là cách để khơi gợi nỗi nhớ trong tiềm thức của em, đồng thời giúp người đọc hình dung dễ dàng về kí ức đó.

* Đọc văn bản

1. Tiếng hò có mối quan hệ như thế nào với nỗi nhớ?

Nỗi nhớ được khơi gợi từ sâu trong kí ức thông qua tiếng hò. Tiếng hò được lặp đi lặp lại thể hiện nỗi nhớ tầng tầng lớp lớp của tác giả với xứ Huế.

2. Các hình ảnh hiện lên ở đây có đặc điểm gì?

Đây đều là những hình ảnh đồng quê đơn sơ, gần gũi quen thuộc hiện lên trong nỗi nhớ của tác giả.

3. So với khổ thơ thứ nhất, khổ thơ này có điểm gì giống và khác?

Khổ 1

Khổ 3

Giống nhau

Đều chỉ có hai câu thơ, đều đề cập đến không gian buổi trưa hiu quạnh.

Khác nhau

Nhắc tới nỗi nhớ với tiếng hò.

Nhắc tới nỗi nhớ với ruộng đồng quê hương.

4. Hãy tưởng tượng về hình ảnh “bàn tay … vãi giống tung trời”.

Hình ảnh “bàn tay ... vãi giống tung trời” là biểu tượng cho người nông dân chất phác, hiền hậu, chân lấm tay bùn, vất vả trên cánh đồng. Bàn tay vãi giống cũng chính là bàn tay ươm mầm sự sống, gieo cho đời tinh túy yêu thương.

5. Đối tượng được gọi là “hồn thân” ở đây gồm những ai?

Bao gồm: những người nông dân, mẹ.

6. “Tôi” ở khổ thơ này có sự phát triển như thế nào so với “tôi” ở khổ thơ trên?

“Tôi” ở khổ trên cho thấy nhân vật trữ tình trong những ngày tháng lang thang đi tìm lẽ sống, lý tưởng, chân lý cho cuộc đời mình.

“Tôi” ở khổ thơ này cho thấy bước ngoặt to lớn khi nhân vật trữ tình đã giác ngộ chân lý, được soi chiếu và tìm được lẽ sống, lẽ yêu đời.

7. Hình ảnh “cánh chim buồn nhớ gió mây” biểu đạt cảm xúc gì của nhân vật trữ tình?

Hình ảnh biểu đạt khao khát được giống như cánh chim tung bay với gió mây ngoài trời, được thoát ra bên ngoài song sắt tù lao để về với đồng đội đồng chí, để được sống trọn với lý tưởng cao đẹp.

* Sau khi đọc

Nội dung chính: Bài thơ là tiếng lòng da diết với cuộc đời, cuộc sống tự do và say mê cách mạng của nhân vật trữ tình. Đồng thời thể hiện khát vọng tự do, tình yêu nhân dân, đất nước, yêu cuộc sống của chính mình.

Soạn bài Nhớ đồng trang 56 - Ngắn nhất Ngữ văn 11 Kết nối tri thức (ảnh 1)

Câu 1 (trang 58 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Theo bạn nhan đề “Nhớ đồng” đã bao quát được toàn bộ nội dung cảm xúc của bài thơ hay chưa? Vì sao? Nên hiểu như thế nào về nghĩa của từ “đồng” trong nhan đề?

Trả lời:

Nhớ đồng là một nhan đề phù hợp với nội dung tác phẩm và là từ khóa chi phối việc tổ chức văn bản của nhà thơ. Từ "đồng" trước hết chỉ một không gian cụ thể, là cánh đồng, “bãi đồng", nơi có những "ô mạ xanh mơn mởn", nơi xuất hiện hình ảnh người nông dân "Vãi giống tung trời những sớm mai". Nhưng từ "đồng" còn mang nghĩa khái quát, chỉ chung làng quê với sự thống nhất giữa cảnh và người. Hơn nữa, trong suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật trữ tình, "đồng" chính là điểm tựa tinh thần, là toàn bộ cuộc sống bên ngoài nhà tù mà anh luôn hướng về. Nhưng trong ngữ cảnh của bài thơ, từ "đồng" quen thuộc đã được cấp thêm những nét nghĩa mới.

Câu 2 (trang 58 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Bạn có nhận xét gì về đặc điểm hình thức và nội dung trong các khổ thơ 1, 4, 7, 13 trong văn bản? Các khổ thơ này được phân bố theo “quy luật” nào?

Trả lời:

- Các khổ 1, 4, 7, 13 đều chỉ có 2 câu, trong đó khổ 7 lặp lại hoàn toàn khổ 1; khổ 13 lặp lại hoàn toàn khổ 4. Điểm khác biệt duy nhất là từ cuối cùng ở câu đầu: một bên là “thương nhớ”, một bên là “hiu quạnh”. Tất cả các khổ thơ đều thể hiện nỗi nhớ đồng từ không gian lao tù, thời gian buổi trưa. Các khổ 1, 4, 7, 13 là bản lề kết nối 2 không gian (bên trong - bên ngoài) và 2 thời gian (hiện tại - quá khứ).

- Các khổ thơ này đảm nhiệm chức năng đánh dấu các giai đoạn phát triển mạch cảm xúc của bài thơ. Mỗi khi những hình ảnh thân thương của đồng quê, của ngày qua được gợi lên, nhân vật trữ tình không nén nổi cảm xúc và sau đó loạt hình ảnh từ quá khứ hiện ra, tiếp nối, dồn tụ, đợi phát triển đến đỉnh cao lần nữa. Tất cả như những đợt sóng gối nhau tạo thành một dòng chảy liên tục nhưng có biến đổi lên xuống nhịp nhàng.

Câu 3 (trang 58 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Hệ thống hình ảnh trong bài thơ đã biểu đạt được những nội dung gì? Bạn hiểu và đánh giá như thế nào về cách tác giả đan cài, phối hợp và sắp xếp các cụm hình ảnh?

Trả lời:

Khổ 2

"gió cồn thơm", "ruồng tre mát", "ô mạ xanh mơn mởn", "nương khoai ngọt sắn bùi” => phong vị đồng quê đầy thân thương khuấy động nỗi nhớ.

Khổ 3

"đường con bước vạn đời", "xóm nhà tranh thấp ngủ im hơi" => cuộc sống "âm u” gợi nỗi cảm thương, day dứt.

Khổ 5

"lưng cong xuống luống cày", bàn tay "vãi giống tung trời những sớm mai" => hoạt động của những người cần lao gieo niềm hi vọng vào một ngày mới.

Khổ 6

"chiều sương phủ bãi đồng", "lúa mềm xao xác ở ven sông", "tiếng xe lùa nước", "giọng hò đưa hố não nùng” => không khí ảm đạm của đồng quê gợi nỗi niềm "xao xác".

Khổ 9

"những hồn thân tự thuở xưa", "những hồn chất phác hiền như đất" => sự hồn hậu của những người lao động nghèo khổ khơi dậy bao tình cảm ấm áp.

Khổ 11

"Tôi" "nhẹ nhàng như con chim cà lơi", "say đồng hương nắng vui ca hát" => những ngày hoạt động trước đây (kiếm tìm lẽ sống và bắt gặp lí tưởng) làm dấy lên niềm khao khát cuộc đời tự do.

=> Mỗi cụm hình ảnh gợi lên ở người đọc một ấn tượng riêng, có ngây ngất hân hoan, có u sầu trĩu nặng, tất cả đan bện vào nhau, tạo nên một trạng thái cảm xúc, tinh thần đặc biệt, cho thấy sự phức hợp cùa nỗi nhớ và đời sống nội tâm phong phú cua nhân vật trữ tình. Nói chung, bài thơ đã thể hiện được nỗi "nhớ đồng” của nhân vật trữ tình một cách chân thực, sống động, có thể gợi lên được mối đồng cảm sâu xa ở độc giả.

Câu 4 (trang 58 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Từ “đâu” xuất hiện bao nhiêu lần và đóng vai trò gì trong cấu tứ của bài thơ?

Trả lời:

- Từ "đâu" xuất hiện 10 lần trong bài thơ, thể hiện hoạt động ráo riết của kí ức nhằm làm sống dậy quá khứ, làm hiển hiện cả một không gian thân quen giờ đây đã trở thành cõi tách biệt.

- Từ "đâu" được đặt ở vị trí đầu tiên của các câu thơ, đóng vai trò thúc giục, khuấy động tâm trí của nhân vật trữ tình. Lần nào xuất hiện, từ này cũng kéo theo một loạt hình ảnh mới. Bên cạnh đó, từ "đâu" còn góp phần tạo cho bài thơ một nhịp điệu đầy biến hoá, khi hối thúc, gấp gáp, khi chậm rãi, lắng sâu, thể hiện được đặc điểm tâm tư đầy xáo động của người tù trẻ tuổi đang khao khát tự do, khao khát hoạt động.

=> Từ "đâu" góp phần quan trọng tạo nên mạch lạc và liên kết cùa văn bản, khiến cho việc bộc lộ cảm xúc của nhân vật trữ tình trở nên thuận lợi, đảm bảo cho bài thơ vừa có được sự phong phú của các loại hình ảnh, lại vừa có được sự chặt chẽ, phân minh về cấu trúc, phù hợp với sự tiến triển theo đúng quy luật tâm lí của mạch cảm xúc.

Câu 5 (trang 58 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Phân tích tác dụng nghệ thuật của việc luân phiên câu hỏi, câu kể và câu cảm trong văn bản.

Trả lời:

Tác dụng:

- Gợi ra một sự ám ảnh lớn trong lòng người về nỗi nhớ thương da diết và sự cô đơn tự đáy lòng sâu thẳm của nhà thơ.

- Việc sử dụng thành công luân phiên câu hỏi, câu kể và câu cảm cho thấy sự cảm nhận sâu sắc của nhà thơ trong hoàn cảnh tù đày.

Câu 6 (trang 58 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Theo bạn, hình ảnh nào trong bài thơ mang tính tượng trưng, rõ nét hơn cả? Hãy làm rõ tính tượng trưng ở hình ảnh ấy?

Trả lời:

Hình ảnh "đường con bước vạn đời" và "xóm nhà tranh thấp ngủ im hơi": Hai hình ảnh này bổ sung cho nhau tạo nên một hình tượng khái quát, thể hiện con đường, mái nhà cụ thể ngụ ý về cuộc sống quẩn quanh, tù túng, đơn điệu, nhạt nhoà, cần thay đổi.

Câu 7 (trang 58 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Bài thơ cho thấy điều gì về tâm trạng, phẩm chất, lí tưởng của nhân vật trữ tình? Nêu cảm nhận của bạn về những cảm xúc, tâm tình của tác giả được bộc lộ trong bài thơ.

Trả lời:

- Tâm trạng của nhân vật trữ tình: nhớ đồng cồn cào do tác động ban đầu của một tiếng hò vẳng lên trong không gian tù ngục hiu quạnh lúc buổi trưa.

- Phẩm chất của nhân vật trữ tình: chân thành, trung hậu, có tình cảm gắn bó sâu nặng với gia đình, quê hương, đặc biệt với những người lao khổ.

- Lí tưởng của nhân vật trữ tình: mong thay đổi cuộc sống mỏi mòn, tù đọng; luôn hướng về Cách mạng với niềm tin lớn.

Kết nối đọc – viết

Bài tập (trang 58 SGK Ngữ văn lớp 11 Tập 1): Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) làm sáng tỏ mối liên hệ giữa các chi tiết, hình ảnh đã làm nên thế giới cảm xúc “nhớ đồng” trong bài thơ.

Đoạn văn tham khảo

Bài thơ Nhớ đồng là lời người chiến sĩ cộng sản trong những năm tháng ngục tù. Một tiếng hò vang vọng đã đánh thức và khơi dậy nỗi niềm nhớ thương về hình ảnh cánh đồng, hay cũng chính là quê hương. Bức tranh thiên nhiên hiện lên trong tâm tưởng của người tù với những chi tiết, hình ảnh quen thuộc. Không chỉ là cảnh đồng lúa, khóm tre, nương rẫy hay những mái nhà tranh, mà còn có những người nông dân cơ cực, bóng dáng người mẹ già. Từng lời thơ vang lên bộc lộ nỗi niềm nhớ thương da diết, đầy cảm xúc và chân thành. Điệp ngữ “gì sâu bằng…” muốn nói về nỗi nhớ sâu thẳm trong cõi lòng của nhân vật trữ tình. Còn điệp ngữ “đâu những…” gợi ra nỗi day dứt tìm kiếm trở về với cuộc sống khi xưa, tìm kiếm sự yên bình nơi quê hương trong sự ngậm ngùi, chua xót. Tất cả đã làm nên thế giới cảm xúc trong “nhớ đồng” trong bài thơ.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 11 sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn khác:

Tràng giang

Con đường mùa đông

Thực hành tiếng Việt trang 65

Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ (Tìm hiểu cấu tứ và hình ảnh của tác phẩm)

Giới thiệu về một tác phẩm nghệ thuật

1 777 21/03/2024


Xem thêm các chương trình khác: