Soạn bài Viết bài tập làm văn số 2 – văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm | Ngắn nhất Soạn văn 8

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 2 – văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm lớp 8 ngắn nhất mà vẫn đủ ý giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa Ngữ văn 8 Tập 1 từ đó soạn văn lớp 8 một cách dễ dàng.

1 811 lượt xem
Tải về


Soạn bài Viết bài tập làm văn số 2 – văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm (ngắn nhất)

Soạn bài Viết bài tập làm vă số 2 – Văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm ngắn gọn:

Đề bài tham khảo

Đề 1 (trang 103 sgk Ngữ Văn 8 Tập 1):

Dàn ý:

-  Mở bài: giới thiệu về kỉ niệm đáng nhớ với con vật nuôi mà em yêu thích ( con mèo, con chó…). Giới thiệu về nguồn gốc của con vật nuôi đó (được tặng hay do ba mẹ mua về).

- Thân bài:

+ Hình dáng của con vật nuôi: thân hình, bộ lông, đôi mắt, hàm răng, đôi chân, đôi tai, bộ râu, cái đuôi…

+ Khả năng, tính cách của con vật nuôi: bắt chuột giỏi (mèo), trông nhà tốt (chó); thích nũng nịu, vuốt ve; sạch sẽ…

+ Cách em chăm sóc vật nuôi

+ Kỉ niệm của em với con vật nuôi

- Kết bài: Tình cảm của em đối với con vật nuôi.

Bài văn mẫu:

Tuổi thơ của ai cũng gắn bó với một loài vật nuôi đáng yêu, đó có thể là chú rùa, chú chim hay chú mèo. Riêng với tôi, tuổi thơ của tôi gắn với chú mèo Bun xinh xắn. Chả là năm lớp 1, do đạt thành tích cao trong học tập nên bố mẹ đã mua tặng tôi.

Bun là một chú mèo rất dễ thương. Lúc mới về chú rất nhút nhát, chỉ biết nằm ở góc tường thu lu người và buồn. Đến bữa chú chỉ ăn vài miếng rồi tiếp tục hành trình ngủ đông của mình. Được một thời gian khi đã thích nghi với môi trường xa lạ chú lại trở thành một chú hề cho cả nhà. Lắm lúc chú đẩy banh, rồi lấy mũi đẩy viên bi vờn qua vờn lại. Tuy hơi hề nhưng Bun biết suy nghĩ lắm! Tôi và chú là hiểu nhau nhất. Mỗi khi học bài chú đều quanh quẩn bên tôi, lúc thì trèo lên bàn đẩy đẩy cây viết, lúc thì cuộn tròn mình ngủ sát bên đùi tôi. Ôi, Bun thật đáng yêu làm sao! Lắm lúc tôi ngồi ngắm Bun và thấy chú có một vẻ đẹp riêng. Bộ lông chú óng mượt xám xám lại xen vào vài cái vằn đen. Hai cái tai vểnh lên lâu lâu lại cọ quậy như chú ý lắng nghe gì đó. Cặp mắt tròn long lanh nổi bật là hai con ngươi đen nhánh hiện ra. Cái mũi hồng hồng lúc nào cũng ươn ướt đánh mùi rất tài. Chân của chú thì thoăn thoắt mỗi khi có báo động ở đâu chú đều khẩn cấp lao tới liền nhưng chẳng bao giờ nghe tiếng động cả bởi lớp chân có những đệm thịt rất êm và mịn. Tính tình của chú lại càng đáng mến hơn. Mỗi lần tôi vui chú chú chạy nhảy với tôi. Chú trèo lên cây lại nhảy xuống, chạy xung quanh thỉnh thoảng lại cào tôi một cái nhẹ, lúc thì cắn quần rồi chạy y hệt sợ tôi rượt. Những lúc âu yếm, chú nằm gọn trong lòng tôi đòi tôi vuốt ve bộ lông từ khóe mắt xuống tai. Những lúc tôi buồn hay bị bệnh nhìn vẻ mặt tôi dường như Bun hiểu. Nó như muốn chia buồn với tôi. Nó nằm xuống cạnh tôi lặng im, chẳng đùa giỡn như mọi hôm nữa. Tôi mỉm cười nói khẽ: "Chị không giận em đâu mèo cưng ơi!". Nhưng cu cậu vẫn chẳng vui mà còn lại làm nũng nữa cơ. Đúng thiệt là con mèo lắm trò! Suốt thời gian đó Bun là một người bạn thân của tôi lúc vui cũng như lúc buồn. Phải nói là người bạn tri kỉ của tôi thời học cấp I.

Từ khi hoàn thành chương trình cấp I phải di cư vào trường nội trú thân yêu tôi phải xa Bun. Trước hôm đi tôi cùng cả nhà và mèo Bun nữa, cùng nhau quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Mọi người nói cười vui vẻ còn tôi thì gắp cho mèo Bun những thứ ngon. Hôm sau, khi chia tay, mọi người. Đây là giờ cao điểm sao ngăn được những giọt lệ rơi. Tôi khóc, mẹ tôi cũng khóc và rồi tôi phải đi, nhưng kìa mèo Bun và nũng nịu như không muốn cho đi. Lúc này tôi khóc càng to và chạy thật nhanh lên xe mặc cho mèo Bun ngơ ngác đứng nhìn rồi buông một tiếng "meo".

Thời gian qua, tôi cứ ngóng từng ngày để được về với gia đình và mèo Bun dù chỉ hai ngày. Mỗi lần về Bun mừng lắm, nó lúc nào cũng ở bên tôi không rời, thậm chí lúc tôi ngủ nó cũng trèo lên giường chui vào chăn ngủ cùng. Thời gian cứ thế đi cho đến một ngày tôi nhận được tin mèo Bun qua đời vì bệnh tự dưng sống mũi tôi cứ cay cay, tôi núp vào một góc, nước mắt giọt ngắn giọt dài, tôi cứ thế nức nở nhớ mèo Bun. Một người bạn tri kỉ, luôn bên tôi lúc tôi vui tôi buồn mà bây giờ lại bỏ tôi một cách thản nhiên như vậy. Và tôi cũng thầm chúc Bun "ở bên kia thế giới" sẽ luôn vui vẻ như những ngày cùng chơi với tôi.

"Bun ơi! Chị yêu em nhiều"

Đến tận bây giờ, những khi buồn tôi lại nhớ đến Bun. Và cứ nghĩ đến những ngày bên Bun lòng tôi thắt lại. "Tại sao trên đời lại có con vật đáng yêu như vậy nhỉ?"

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 2 – văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm | Ngắn nhất Soạn văn 8 (ảnh 1)

Đề 2 (trang 103 sgk Ngữ Văn 8 Tập 1):

Dàn ý:

- Mở bài: Giới thiệu thời gian, không gian bắt đầu câu chuyện

- Thân bài:

+ Em mắc lỗi trong hoàn cảnh và thời gian như thế nào?

+ Vì sao em mắc lỗi?

+ Thái độ của thầy (cô giáo) ra sao khi chứng kiến việc em mắc lỗi?

+ Thái độ của em sau lần mắc lỗi đó? Em đã hối lỗi và sửa chữa như thế nào?

- Kết luận

   + Bài học sâu sắc rút ra sau khi mắc lỗi

   + Lời khuyên dành cho các bạn khác

Bài văn mẫu:

Cô tin em sẽ thành công nếu em sửa chữa mọi thứ một cách kịp thời”, cứ thế lời nói cùng nụ cười của cô cứ in đậm trong tâm trí của tôi. Sẽ chẳng có sự xuất hiện của nó nếu ngày đó tôi không mắc lỗi với cô. Lỗi lầm mà có lẽ tôi muốn và sẽ mắc phải dù chỉ một lần: thái độ sai quay cóp bài trong giờ kiểm tra và sự vô lễ với giáo viên.

Đó là một ngày hè thứ 6 trong tuần, đến tiết cô Thanh – giáo viên chủ nhiệm của chúng tôi – bước vào lớp. Chúng tôi đứng lên chào cô và bắt đầu tiết học. Hết tiết trước khi rời lớp cô có thông báo rằng: để chuẩn bị điểm tổng kết kết thúc năm học lớp 7 thì vào giờ này tuần tới các em sẽ có một bài kiểm tra môn Toán 45’, thế nên cô mong các em về chuẩn bị cho thật kĩ lưỡng nhé”. Không khí lớp tôi xôn xao một hồi vì dường như tâm lí sắp nghỉ hè đã chi phối hầu hết các bạn và không hề muốn ôn tập học hành hay kiểm tra cả trong đó có tôi. Bản tính hay chơi và rất bướng bỉnh của tôi kiểm soát toàn bộ suy nghĩ, tôi chẳng muốn dính dáng bất cứ bài kiểm tra hay bài thi nào trong không khí thoải mái của những ngày cuối năm. Nhưng tất nhiên cũng không thể để bài kiểm tra môn toán quan trọng kia rơi xuống hố sâu với con trứng ngỗng nên tôi quyết định sẽ ăn gian, quay cóp tài liệu trong giờ kiểm tra. Tôi kĩ lưỡng chuẩn bị những mẫu “phao” bé tí hon với suy nghĩ an phận rằng” sẽ thật khó để cô Thanh phát hiện ra hành động của mình”. Và rồi ngày kiểm tra toán cũng đến giờ kiểm tra toán vào tuần tới ấy. Vẫn là nhịp đều đều của tiết học. Cô Thanh bước vào lớp và phát giấy tờ đề kiểm tra cho các bạn học sinh trong lớp. Tôi cũng đón nhận tờ bài kiểm tra và bắt đầu làm. Với một bộ não mải chơi, không ôn tập chuẩn bị bài như tôi thì sẽ chẳng có chút kiến thức nào đọng lại để hoàn thành bài làm. Tôi bắt đầu lén lút, tận dụng những mẫu phao mà mình đã kì công chuẩn bị. Tôi cúi gập người, lấy chiếc túi bút vĩ đại của mình để che mất tầm tay đi. Sau đó lén lúc giáo viên không để ý tôi mở thật nhẹ nhàng, kín đáo mà đầy điêu luyện các mẫu phao ra và xem tất cả công thức đã viết trong đó. Mọi thứ sẽ thật suôn sẻ nếu tôi biết cân bằng việc chép phao và việc quan sát giáo viên. Cứ thế tôi cặm cụi viết và copy bài mà không để ý rằng cô Thanh từ khi nào vòng xuống cuối lớp và đi đến đằng sau chỗ tôi một cách lặng lẽ như thế nào. Bỗng nhiên Lan- cô bạn cùng bàn- huých tay tôi ra hiệu nhưng tôi cáu gắt: Mày hâm hả, không thấy tao đang tập trung à? Không phải, mà là Cô Thanh đang đứng sau mày. Như một luồng gió thổi qua làm lạnh gáy tôi, giờ đây tôi sợ khi quay lại người đứng cạnh là cô, và người đằng sau cũng là cô, sợ ánh mắt cô đang nhìn mình như thế nào. Oanh cứ làm hết bài đi nhé ! Tôi tuân thủ làm bài trong tâm lí lo sợ. Cuối giờ tôi vẫn còn mang vẻ mặt âu sầu không dám ngẩng mặt nhìn bạn bè và nhất là cô. Từng bước chân cứ nặng trĩu lê trên đất đi ra cửa. Bỗng có tiếng gọi tôi lại. Là cô. Cô bước ra trước của lớp từ lúc nào không hay và câu cuối cô gửi lại: “cô tin em sẽ thành công nếu em sửa chữa mọi thứ một cách kịp thời cô bé của cô ạ” kèm với là một nụ cười. Tôi đâu biết rằng đó là lần cuối tôi nhìn thấy cô tại ngôi trường. Vì cô được lệnh chuyển công tác vào Nam ngay tuần sau.

Cứ thế hình ảnh cô in đậm trong tâm trí tôi mỗi ngày mà tôi nhớ lại ngày đầy tội lỗi ấy của mình. Lòng lại càng thêm yêu quý người giáo viên dịu dàng, mẫu mực năm ấy. Bài học đó sẽ làm tôi nhớ mãi tong suốt chặng đường đời sau này.

Em xin lỗi và cảm ơn cô !

Đề 3 (trang 103 sgk Ngữ Văn 8 Tập 1):

Dàn ý:

* Mở bài: Giới thiệu một việc tốt em đã làm khiến bố mẹ vui lòng: giúp đỡ người khác

* Thân bài:

- Hoàn cảnh, địa điểm em đã giúp đỡ người khác.

- Kể lại diễn biến lần giúp đỡ đó, ví dụ:

+ Giúp đỡ bà cụ qua đường.

+ Giúp đỡ em bé lạc đường.

+ Giúp đỡ chép bài cho bạn khi bạn bị ốm.

+ ...

- Kết quả nhận được sau lần giúp đỡ đó

+ Với người được giúp đỡ họ tỏ thái độ thế nào: biết ơn, trân trọng,...

+ Với bản thân em sau khi giúp đỡ người khác thấy thế nào: hạnh phúc, vui vẻ,...

- Cảm xúc của em khi kể chuyện cho bố mẹ nghe: vui mừng và hãnh diện về sự quan tâm, giúp đỡ của mình dành cho người khác.

  - Cảm xúc của bố mẹ khi nghe em kể về việc tốt của em: Tự hào và vui khi thấy em trưởng thành

* Kết bài: Tổng kết vấn đề: Ý nghĩa của việc giúp đỡ những người xung quanh.

Bài văn mẫu:

Đã bao giờ bạn tự đặt cho câu hỏi rằng mình có phải là người hạnh phúc hay không. Chắc rằng trong mỗi chúng ta không phải ai cũng có được câu trả lời hoàn hảo nhất, vì mỗi người sẽ có những quan niệm khác nhau về hạnh phúc. Với tôi hạnh phúc đơn giản là làm được những việc tốt để giúp đỡ mọi người. Tôi sẽ chẳng thể nhớ được mình đã làm được gì, nhưng tôi luôn nhớ đến một em  bé bị lạc mẹ, mà tôi đã giúp em ấy tìm được về nhà.

Câu chuyện ấy, đã xảy ra cách đây hơn một năm. Hôm đó là hôm chủ nhật, tôi được nghỉ học. Tôi lười nhác cuộn mình trong chăn, chẳng muốn bước ra khỏi phòng trong cái thời tiết lạnh giá của mùa đông. Nhưng vì đói bụng, tôi lê bước ra phòng bếp thấy mẹ tôi đã chuẩn bị cho bữa sáng kèm theo đó là lời nhắn trong giấy: “Bố mẹ sang nhà cô Nga có chút việc, 10h sẽ về. Con dậy ăn sáng rồi đi mua cho mẹ một ít cà chua nhé”. Ăn xong, tôi tìm cho mình chiếc áo khoác để chống lại với cái lạnh bên ngoài, lúc ấy tôi nghĩ đi mua đồ thật nhanh rồi về.

Tôi đi đến siêu thị dưới nhà, rẽ nhanh vào quầy hàng thực phẩm tầng một  để tìm cà chua. Chẳng mất quá nhiều thời gian tôi đã cầm trên tay túi cà chua chỉ chờ cô nhân viên thanh toán rồi chạy ù về nhà. Trong lúc xếp hàng chờ tính tiền, tôi bâng quơ nhìn ngang dọc, ánh mắt tôi vô tình dừng lại bên một cậu bé chừng 4,5 tuổi đứng nép vào gian hàng bánh kẹo cậu bé  có vẻ hoảng sợ như sắp khóc. Trả tiền xong tôi đi lại gần và hỏi em: “Em có cần chị giúp gì không?”. Cậu bé im lặng, không nói gì. Trông em rất lo lắng, tôi cố hỏi xem em đi cùng ai, mẹ em đâu. Thấy tôi nhắc đến mẹ, bỗng dưng em òa khóc nức nở gọi mẹ. Tôi cố dỗ cho em nín, nịnh mãi em mới nói em bị lạc mẹ khi đi tìm mua kẹo mút, mẹ không cho em ăn vì em sâu răng lúc ấy vừa khóc vừa há miệng khoe với tôi hai cái răng sâu. Nhìn em lúc ấy trông đáng yêu lắm. Rồi tôi lấy khăn lau nước mắt cho em và nói: “Chị dẫn em đi tìm mẹ nhé”. Cậu bé gạt nước mắt, đồng ý theo tôi. Tôi dắt em đến chỗ ban quản lí khu chung cư tôi ở, và nói với chú nhân viên ở đó là có em bé bị lạc mẹ, trong siêu thị của chung cư, nhờ chú thông báo giúp để em ấy sớm tìm được mẹ. Nghe xong câu chuyện của tôi chú ấy nhanh chóng lấy điện thoại, bấm số gọi cho mẹ em bé, rồi kể với tôi cách đây vài phút có một cô đến báo con cô ấy đi lạc khi đang mua đồ. Trên loa đang thông báo để tìm em bé, nhưng may mắn tôi dẫn em vào chỗ các chú để em có thể nhanh chóng gặp được mẹ.

Rất nhanh sau đó, tôi thấy bóng dáng một người phụ nữ trẻ tuổi hớt hải chạy vào phòng và nhìn thấy em bé cạnh tôi cô ấy ôm chầm lấy con rồi khóc nức nở. Cô ấy quay lại nhìn tôi và cảm ơn tôi nhiều lắm. Cô hỏi địa chỉ nhà tôi, khi tôi nói thì thật bất ngờ chúng tôi ở cùng tòa nhà vậy cậu bé sún răng kia là hàng xóm của tôi rồi. Sau đó, tôi chào tạm biệt mẹ con cô rồi về. Xách trên tay túi cà chua mẹ dặn mua tôi tung tăng bước về nhà tôi thấy rất vui vì đã làm được một việc tốt. 9h45’ tôi về đến nhà, cửa vẫn đóng bố mẹ tôi chưa về. Tối hôm đó nhà tôi có một vị khách bất ngờ, chính là cậu bé sún răng tôi đã giúp em tìm mẹ lúc sáng. Em đi cùng mẹ đến nhà tôi đển nhà thôi chơi. Khi nghe mẹ em bé, kể lại câu chuyện tôi thấy bố mẹ tôi vui lắm, cảm giác rất tự hào về mình.

Sau hôm đó, tôi cảm thấy rất vui vì mình không chỉ giúp được em bé tìm về với mẹ, mà gia đình chúng tôi có thêm những người hàng xóm tốt bụng. Với tôi đó không còn là một việc làm tốt mà là một mối quan hệ tốt mà tôi có được.

Đề 4 (trang 103 sgk Ngữ Văn 8 Tập 1):

Dàn ý:

* Mở bài: Dẫn dắt hoàn cảnh việc chứng kiến câu chuyện của lão Hạc kể lúc bán chó.

* Thân bài:

- Nêu các sự việc chính theo trật tự truyện kể:

+ Vừa gặp lão Hạc đã nói “bán rồi”.

+ Lão cười như mếu và đôi mắt ầng ậng nước.

+ Lão bắt đầu khóc hu hu như đứa trẻ, cái miệng móm mém của lão cứ méo xệch đi.

+ Lão tự dằn vặt bản thân bằng này tuổi còn nhẫn tâm lừa một con chó, lão ân hận, dằn vặt.

- Cảm xúc và suy nghĩ về nhân vật lão Hạc.

* Kết bài: Từ hoàn cảnh của lão Hạc, bản thân em (sự hóa thân vào người kể chuyện) em có suy nghĩ gì về thân phận người nông dân trong xã hội cũ trước cách mạng tháng Tám.

Bài văn mẫu:

Từ nhỏ, tôi rất thích đi học nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên không được đến trường. Khi ông giáo dọn nhà về đây, tôi qua làm quen và nhờ ông giáo chỉ dạy những con chữ. Kể từ đó, tôi trở thành học trò của một ông giáo tốt bụng mặc dù lúc đó tôi cũng đã lớn tuổi. Do thường hay qua nhà ông giáo nên một lần tôi được chứng kiến câu chuyện hết sức xúc động: lão Hạc kể chuyện bán chó với ông giáo. Bạn có thể nghĩ: “Có gì to tát đâu, chỉ là bán một con chó thôi mà!”. Nhưng bạn ơi, nếu bạn hiểu về hoàn cảnh sống và phẩm chất của lão Hạc thì hẳn bạn sẽ hiểu vì sao đây là một câu chuyện mà dù nhiều năm trôi qua nhưng tôi vẫn không thể nào quên.

Tôi vẫn nhớ như in hôm ấy! Khi đang ngồi trò chuyện cùng ông giáo thì bất chợt thấy lão Hạc từ đằng xa đi lại, vừa bước vào nhà, thấy chúng tôi, lão báo ngay:
- Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!
- Cụ bán rồi? – Ông giáo hỏi với vẻ ngạc nhiên.
- Bán rồi! Họ vừa bắt xong. – lão trả lời giọng như có vật gì trong cổ họng.
  Rồi sau đó, lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước. Thấy thế, trong chúng tôi, ai muốn ôm choàng lấy lão mà oà lên khóc, vì chúng tôi hiểu lão quý “cậu vàng” như thế nào. Thật ái ngại cho lão Hạc làm sao. Như để thay đổi không khí trầm lắng, ông giáo hỏi lão Hạc:

- Thế nó cho bắt à?

Sau câu hỏi của ông giáo, tôi bỗng thấy mặt lão đột nhiên co rúm và những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc... Tội nghiệp cho lão! Như muốn bộc lộ nỗi lòng dằn vặt, lão chợt thốt lên

- Khốn nạn... Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!

Rất khéo léo, ông giáo vội an ủi lão:

- Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả biết đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt? Ta giết nó chính là hoá kiếp cho nó đấy, hoá kiếp để cho nó làm kiếp khác.

Thế nhưng, lão chua chát bảo:

- Ông giáo nói phải! Kiếp cho chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút... kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn...

- Tôi cũng bùi ngùi nhìn lão, chua chát nói:

- Kiếp ai cũng thế thôi, cụ ạ! Cụ tưởng chúng tôi sung sướng hơn chăng?

- Thế thì không biết nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho thật sướng

Lão cười và ho sòng sọc. Ông giáo nắm lấy cái vai gầy của lão, ôn tồn bảo

- Chẳng kiếp gì sung sướng thật, nhưng có cái này là sung sướng: bây giờ cụ ngồi xuống phản này chơi, tôi đi luộc mấy củ khoai lang, nấu một ấm nước chè tươi thật đặc; ông con mình ăn khoai, uống nước chè, rồi hút thuốc lào... Thế là sướng.

- Vâng! Ông giáo dạy phải! Ðối với chúng mình thì thế là sung sướng.

Lão nói xong lại cười đưa đà. Tiếng cười gượng nhưng nghe đã hiền hậu lại. Chúng tôi đều nhẹ người hẳn lại.

Tôi vui vẻ bảo

- Thế là được, chứ gì? Vậy cụ ngồi xuống đây, nói chuyện với thầy tôi, để tôi đi luộc khoai, nấu nước.

- Nói đùa thế, chứ ông giáo và bác để khi khác vậy?...

Chúng tôi hết sức ngỡ ngàng vì câu nói của lão. Hình như lão có chuyện gì chăng???

- Việc gì còn phải chờ khi khác?... Không bao giờ nên hoãn sự sung sướng lại cụ ơi. Cụ cứ ngồi xuống đây đi ạ! Tôi làm nhanh lắm!

- Ðã biết thế, cảm ơn bác, nhưng tôi còn muốn nhờ ông giáo một việc...

Rồi tự dưng mặt lão nghiêm trang lại...

- Việc gì thế, cụ? – Ông giáo nhẹ nhàng hỏi.

- Ông giáo để tôi nói... Nó hơi dài dòng một tí.

- Vâng, cụ nói.

- Nó thế này, ông giáo ạ!

Tôi cũng thôi nấu khoai, ngồi xuống cùng ông giáo nghe lão Hạc kể. Lão kể nhỏ nhẹ và dài dòng thật. Nhưng đại khái có thể rút vào hai việc. Việc thứ nhất: Lão thì già, con đi vắng, vả lại nó cũng còn dại lắm, nếu không có người trông nom cho thì khó mà giữ được vườn đất để làm ăn ở làng này. Thầy của tôi là người nhiều chữ nghĩa, nhiều lý luận người ta kiêng nể, vậy lão muốn nhờ thầy cho lão gửi ba sào vườn của thằng con lão, lão viết văn tự nhượng cho thầy tôi để không ai còn tơ tưởng dòm ngó đến; khi nào con lão về thì nó sẽ nhận vườn làm, nhưng văn tự cứ để tên thầy tôi cũng được,... Việc thứ hai: Lão già yếu lắm rồi, không biết sống chết lúc nào: con không có nhà, lỡ chết không biết ai đứng ra lo cho được; để phiền cho hàng xóm thì chết không nhắm mắt: lão còn được hăm nhăm đồng bạc với năm đồng vừa bán chó là ba mươi đồng bạc, muốn gửi thầy để lỡ có chết thì thầy đem ra, nói với hàng xóm giúp, gọi là của lão có tí chút, còn bao nhiêu đành nhờ hàng xóm cả... ôi lão Hạc quả thật xứng đáng để người ta kính trọng và yêu quý. Sau đó, lão về. Chúng tôi nhìn theo dáng gầy gò của lão mà không cầm được nước mắt. Rồi lão sẽ sống ra sao những ngày tháng sau này?... Cuộc đời sao mà thật đáng buồn!!!

Nhìn đời sống hạnh phúc ấm no và khá đầy đủ của người nông dân thời bây giờ, tôi chợt chạnh lòng xót xa cho số phận cùng cực khổ đau mà người nông dân trong xã hội cũ âm thầm gánh chịu. Câu chuyện tôi chứng kiến cảnh lão Hạc kể chuyện bán chó mãi mãi in sâu vào trong tâm trí cũng như làm sao tôi có thể quên hình ảnh người nông dân nghèo nhưng giàu tình cảm, giàu lòng tự trọng, yêu thương con – Lão Hạc!

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 ngắn gọn, hay khác:

Soạn bài Ôn tập truyện kí Việt Nam

Soạn bài Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000

Soạn bài Nói giảm nói tránh

Soạn bài Luyện nói: kể chuyện theo ngôi kể kết hợp với miêu tả và biểu cảm

Soạn bài Câu ghép

1 811 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: