Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ - Ngắn nhất Cánh diều

Với soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ Ngữ văn lớp 7 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 7.

1 6,127 16/09/2022
Tải về


Soạn bài Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ

1. Định hướng

a) Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ là nêu lên những cảm nghĩ của bản thân về bài thơ đó. Đoạn văn có thể nêu những cảm xúc về nội dung một khổ thơ, đoạn thơ hoặc yếu tố nghệ thuật đặc sắc mà em yêu thích.

Tham khảo đoạn văn nêu cảm nghĩ về bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông (SGK Tr.28-29)

Đọc đoạn trích và thảo luận: Đoạn trích nêu lên cảm xúc của người viết về vấn đề gì (về nội dung hay một yếu tố nghệ thuật đặc sắc)?

Trả lời:

Đoạn trích nêu cảm xúc của nhà thơ về những hình ảnh đẹp cùng ý nghĩa của chúng trong bài thơ Những cánh buồm.

b) Để viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ, các em cần chú ý:

- Đọc kĩ để hiểu nội dung và nắm được những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ. Từ đó, dẫn ra một khổ thơ, đoạn thơ, hình ảnh hoặc yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong bài thơ gây ấn tượng, gợi cảm xúc cho em.

- Khi viết đoạn văn, cần nêu rõ: Yếu tố nào (nội dung, nghệ thuật) của bài thơ đã tạo cho em cảm xúc? Đó là cảm xúc như thế nào? Vì sao em có cảm xúc đó?

2. Thực hành

Bài tập (trang 29 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Hãy viết đoạn văn nêu cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông), Mây và sóng (Ta-go), Mẹ và quả (Nguyễn Khoa Điềm)

a) Chuẩn bị (với bài Mẹ và quả của Nguyễn Khoa Điềm)

- Xem lại nội dung đọc hiểu bài thơ Mẹ và quả.

- Xác định những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý cho đoạn văn bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

Bài thơ viết về điều gì? Em thấy ấn tượng nhất với yếu tố nào trong bài thơ?

Yếu tố ấy đặc sắc như thế nào? (về nội dung hoặc nghệ thuật)

Yếu tố ấy đã mang lại cho em những cảm xúc gì? Vì sao?

Bài thơ khắc họa hình ảnh người mẹ tần tảo, vất vả, lam lũ, giàu đức hi sinh và tình yêu thương con. Đồng thờ cũng thể hiện tình yêu và lòng biết ơn, nỗi lo lắng của con khi tuổi mẹ xế chiều.

- Bài thơ viết theo thể thơ tự do, gồm ba khổ, gieo vần hỗn hợp, ngắt nhịp linh hoạt.

- Bài thơ có tứ thơ độc đáo, mang tính phát hiện đầy ám ảnh về người mẹ và những thành quả mà mẹ tạo ra.

- Từ ngữ, hình ảnh của bài thơ vừa bình dị, quen thuộc vừa mang tính tượng trưng. Trong bài, nhà thơ sử dụng các biện pháp tu từ như điệp ngữ, đối lập, so sánh, ẩn dụ, nói giảm – nói tránh. 

Những yếu tố nghệ thuật này vừa giúp tác giả thể hiện cảm xúc chân thành, đồng thời nêu được những suy ngẫm, triết lí thâm trầm, sâu lắng của tác giả về mẹ.

Cảm xúc của bản thân: xúc động, yêu mến, …

- Lập dàn ý đoạn văn bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:

Mở đoạn

Nêu cảm nghĩ chung về bài thơ. Dẫn ra khổ thơ, đoạn thơ có nội dung hoặc nghệ thuật đặc sắc mang lại cho em nhiều cảm xúc.

Thân đoạn

Nêu cụ thể cảm xúc của em về yếu tố nội dung hoặc nghệ thuật đặc sắc khiến em yêu thích. Ví dụ, nêu cảm xúc về hai dòng thơ cuối của bài thơ: “Tôi sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?”. Hai dòng thơ cuối gợi cho người đọc sự xúc động, sâu lắng bởi tình cảm và tấm lòng hiếu thảo của nhà thơ. Sử dụng biện pháp tu từ hoán dụ, lấy hình ảnh “bàn tay mẹ mỏi” để chỉ người mẹ già suốt đời vì con đã không còn sức lực nữa. Tiếp đến là biện pháp tu từ ẩn dụ, dùng hình ảnh “quả non xanh” chỉ sự chưa trưởng thành, còn non dại, vụng về của chính mình. Hai dòng thơ đã diễn tả được tâm trạng lo lắng, trăn trở, pha chút ân hận của nhà thơ; mẹ già rồi mà mình vẫn còn non nớt, vụng dại,...

Kết đoạn

Khái quát lại suy nghĩ của bản thân về yếu tố đã mang lại cảm xúc ấy. Ví dụ: Hai dòng thơ thể hiện cái nhìn tinh tế, nỗi xúc động của nhà thơ và nói giúp được nhiều người tình cảm quý trọng, thương yêu mẹ vô cùng.

c) Viết

Viết đoạn văn theo dàn ý đã lập. Khi viết, cần sử dụng các từ ngữ ghi lại cảm xúc của em một cách trung thực, tránh các câu chữ sáo rỗng.

* Đoạn văn mẫu tham khảo:

Trong bài thơ “Mẹ và quả”, từ “vườn cây” của mẹ, Nguyễn Khoa Điềm bắt nhịp tự nhiên sang “vườn người” với những nhận xét, so sánh hóm hỉnh mà thâm trầm: “Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/ Còn những bí và bầu thì lớn xuống/ Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn/ Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.”. Từ bàn tay chăm sóc chu đáo và tấm lòng yêu thương, quý mến của mẹ dành cho cây, cho con, nên tất cả đều phát triển tốt đẹp. Những đứa con cao lớn dần lên cả về thể chất lẫn đời sống tâm hồn: còn bí bầu thì lớn xuống, dài to ra. Tất cả đều là sự kết tinh bao nhọc nhằn, lao khổ của mẹ. Tác giả đã có một liên tưởng thú vị mang theo tấm lòng biết ơn, trân trọng dành cho mẹ khi hình dung bí, bầu: “Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn/ Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.”. Ý thơ Nguyễn Khoa Điềm gợi ta nhớ đến bài ca dao nói về nỗi vất vả của mẹ, của nông dân một nắng hai sương: “Mồ hôi mà rỏ xuống đồng/ Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương/ Mồ hôi mà đổ xuống vườn/ Dâu xanh lá tốt vẫn vương tơ lòng.”

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Tham khảo việc kiểm tra, chỉnh sửa các lỗi về viết đã nêu ở Bài 6, phần Viết, mục d (trang 14)

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 7 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Trao đổi về một vấn đề

Tự đánh giá: Rồi ngày mai con đi

Hướng dẫn tự học trang 35

Kiến thức ngữ văn trang 36- 37

Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

1 6,127 16/09/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: