Soạn bài Thực hành tiếng Việt lớp 7 trang 42 Tập 2 - Ngắn nhất Cánh diều

Với soạn bài Thực hành tiếng Việt lớp 7 trang 42 Tập 2 Ngữ văn lớp 7 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 7.

1 1,423 16/09/2022
Tải về


Soạn bài Thực hành tiếng Việt lớp 7 trang 42 Tập 2

Câu 1 (trang 42 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Hãy làm rõ tính mạch lạc của văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh) bằng cách chứng minh các phần, các đoạn, các câu của văn bản này đều nói về một chủ đề và được sắp xếp theo một trình tự rất hợp lí.

Trả lời:

- Các phần, các đoạn, các câu của văn bản này đều nói về chủ đề tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

+ Ở phần mở đầu (cũng là đoạn 1), tác giả khẳng định tinh thần yêu nước là một truyền thống quý báu của nhân dân ta và chỉ ra một cách khái quát truyền thống đó được thể hiện qua suốt chiều dài lịch sử (từ xưa đến nay), nhất là mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng.

+ Ở phần thứ hai (gồm đoạn 2 và đoạn 3), tác giả chứng minh cụ thể tinh thần yêu nước của nhân dân ta thể hiện qua các giai đoạn lịch sử:

• Ở đoạn 2, tinh thần yêu nước của nhân dân ta được tác giả chứng minh qua lịch sử của thời xa xưa với bằng chứng hùng hồn là các cuộc kháng chiến vĩ đại gắn với tên tuổi của những vị anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,...

• Ở đoạn 3, tinh thần yêu nước của nhân dân ta tiếp tục được tác giả đề cập và chứng minh qua lịch sử hiện đại với bằng chứng là sự hết lòng tham gia, ủng hộ kháng chiến của đông đảo các tầng lớp đồng bào ở trong và ngoài nước bằng những hoạt động, những cử chỉ cao quý tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.

+ Ở phần cuối (đoạn 4), vẫn nói về tinh thần yêu nước của nhân dân ta, tác giả khẳng định đây là những thứ quý báu nhưng chưa được bộc lộ, chưa được khai thác hết, mà bổn phận của mỗi người chúng ta là phải làm cho chúng được bộc lộ và thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.

- Các phần, các đoạn, các câu của văn bản này được sắp xếp theo một trình tự hợp lí:

+ Phần mở đầu (đoạn 1) nêu khái quát về truyền thống yêu nước của nhân dân ta.

+ Phần thứ hai (gồm các đoạn 2, 3) làm rõ ý khái quát nêu ở phần mở đầu bằng việc chứng minh tinh thần yêu nước của nhân dân ta thể hiện qua các giai đoạn lịch sử (từ thời xa xưa đến hiện đại).

+ Phần cuối (đoạn 4) khẳng định giá trị quý báu của truyền thống yêu nước và xác định trách nhiệm của mỗi người dân đối với Tổ quốc.

Câu 2 (trang 42 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Phân tích tính liên kết của văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh):

a) Các câu trong đoạn văn thứ nhất (từ đấu đến “lũ cướp nước”) và đoạn văn thứ hai (từ “Lịch sử ta” đến “dân tộc anh hùng”) được liên kết với nhau bằng những từ ngữ nào? Hãy chỉ ra những từ ngữ đó.

b) Xác định những câu có tác dụng liên kết đoạn văn chứa chúng với đoạn văn đứng trước trong văn bản trên.

Trả lời:

a)

- Ở đoạn 1:

+ Đại từ “đó” thay thế cho câu 1;

Đại từ “ấy” thay thế cho cụm từ “nồng nàn yêu nước”.

Đại từ “nó” liên kết các vế trong câu ghép: “Từ xưa đến nay … lũ cướp nước”.

+ Từ đồng nghĩa “tinh thần” thay thế cho “lòng”. Liên kết câu 2 với câu 1 trong đoạn văn.

- Ở đoạn 2: Từ được lặp, làm phương tiện liên kết câu 2, câu 3 với nhau và với câu 1 là “chúng ta”, “lịch sử”.

Trong câu 3, cụm từ được dùng để thay thế cho tên các nhân vật lịch sử đã nêu ở câu 2 là “các vị anh hùng dân tộc”. Cụm từ này là phuuwong tiện liên kết câu 3 với câu 2.

b)

- Câu có tác dụng liên kết đoạn 2 với đoạn 1 là: “Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta.”. Ở câu này, biện pháp liên kết được sử dụng là phép lặp (lặp cụm từ “dân ta” đã xuất hiện ở đoạn 1).

- Câu có tác dụng liên kết đoạn 3 với đoạn 2 và đoạn 1 là: “Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước.”. Ở câu này, biện pháp liên kết được sử dụng là phép lặp (lặp từ “ta” đã xuất hiện ở đoạn 1 và đoạn 2) và phép thế (thay thế từ dân ở đoạn 1, đoạn 2 bằng từ đồng nghĩa: “đồng bào”).

- Câu có tác dụng liên kết đoạn 4 với các đoạn văn đứng trước là: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý.”. Ở câu này, biện pháp liên kết được sử dụng là phép lặp (lặp hai từ “yêu nước”, cụm từ “tinh thần yêu nước” đã xuất hiện ở các đoạn văn trước đó).

Câu 3 (trang 43 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Tìm vị ngữ là cụm động từ trong những câu dưới đây (ở văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ của Phạm Văn Đồng). Xác định động từ trung tâm và thành tố phụ là cụm chủ vị trong mỗi cụm động từ đó.

a) Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ.

b) Nhưng chớ hiểu lầm rằng Bác sống khắc khổ theo lối nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật.

Trả lời:

a) Vị ngữ là cụm động từ: càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ.

Động từ trung tâm: thấy.

Thành tố phụ là cụm chủ vị: Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ.

b) Vị ngữ là cụm động từ: chớ hiểu lầm rằng Bác sống khắc khổ theo lối nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật

Động từ trung tâm: hiểu lầm

Thành tố phụ là cụm chủ vị: Bác sống khắc khổ theo lối nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật

Câu 4 (trang 43 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) nêu cảm nghĩ của em về một văn bản nghị luận xã hội đã học. Chỉ ra tính mạch lạc và các biện pháp liên kết được sử dụng trong đoạn văn đó.

Trả lời:

“Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” (Hồ Chí Minh) là một trong những văn bản có giá trị đặc sắc về nội dụng và nghệ thuật. Về nội dung, văn bản này đã khẳng định và chứng minh bằng thực tiễn lịch sử một chân lí lớn: Yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Về nghệ thuật, nét nổi bật ở văn bản này là được trình bày một cách hết sức mạch lạc và có tính liên kết rất chặt chẽ.

* Tính mạch lạc và các biện pháp liên kết được sử dụng trong đoạn văn đã viết:

+ Tính mạch lạc: Các câu trong đoạn văn đều nói về một chủ đề: giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” (Hồ Chí Minh).

+ Các biện pháp liên kết: Các câu trong đoạn văn có sự liên kết chặt chẽ với nhau bằng phép lặp (lặp các từ văn bản, nội dung, nghệ thuật, yêu nước và phép thế thay thế tên văn bản bằng đại từ này).

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 7 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Tượng đài vĩ đại nhất

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống

Thảo luận nhóm về một vấn đề trong đời sống

Tự đánh giá: Sự giàu đẹp của Tiếng Việt

Hướng dẫn tự học trang 52

1 1,423 16/09/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: