Soạn bài Viết bài văn biểu cảm về một con người hoặc sự việc - Ngắn nhất Cánh diều

Với soạn bài Viết bài văn biểu cảm về một con người hoặc sự việc Ngữ văn lớp 7 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 7.

1 4,286 16/09/2022
Tải về


Soạn bài Viết bài văn biểu cảm về một con người hoặc sự việc

1. Định hướng

a) Bài học này tiếp tục rèn luyện cách viết bài văn biểu cảm về một con người hoặc sự việc mà em đã được làm quen từ Bài 3 (sách Ngữ văn 7, tập một). Tuy nhiên bài này tập trung vào yêu cầu biểu cảm về một sự việc.

- Tham khảo đoạn trích viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân sự việc ông ra đi, “về với đất mẹ Quảng Bình”.

b. Để viết bài văn biểu cảm về một sự việc, các em cần chú ý:

- Xác định được sự việc cần viết bài văn biểu cảm.

- Giới thiệu tóm tắt về sự việc định ấy.  

- Nêu lên tình cảm, cảm xúc và thái độ của em trước con người hoặc sự việc ấy: vui, buồn, trân trọng, căm giận, xót thương, kính phục, ca ngợi, phê phán, …

- Lập dàn ý cho bài viết.

- Viết bài văn theo một dàn ý hợp lí.

2. Thực hành

Bài tập (trang 69 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Viết bài văn biểu cảm về sự hi sinh thầm lặng của dì Bảy trong bài tản văn “Người ngồi đợi trước hiên nhà” của tác giả Huỳnh Như Phương.

a) Chuẩn bị

- Xem lại nội dung đọc hiểu văn bản Người ngồi đợi trước hiên nhà.

- Tìm hiểu thêm thông tin về những sự việc cao đẹp của người phụ nữ trong cuộc sống nói chung và đức hi sinh của người phụ nữ trong thời kì chống Mỹ cứu nước nói riêng.

b) Tìm ý và lập dàn ý 

- Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt và trả lời những câu hỏi sau:

Câu chuyện về “người ngồi đợi trước hiên nhà” có sự việc gì đáng chú ý?

Sự hi sinh thầm lặng của dì Bảy thể hiện cho những đức tính nào của người phụ nữ Việt nam?

Sự hi sinh thầm lặng của dì Bảy để lại trong em những tình cảm, suy nghĩ gì?

Xã hội cần phải ứng xử như thế nào với những người như dì Bảy?

Dì Bảy chờ đợi chồng suốt cả cuộc chiến tranh. Chồng hi sinh trong chiến đấu, dì thầm lặng sống một mình cho đến lúc già.

Thủy chung son sắt, hi sinh thầm lặng, …

Yêu quý, ngưỡng mộ, xót xa, kính trọng, …

Quan tâm, chăm sóc, yêu thương, …

- Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục 3 phần:

Mở bài

Nêu ấn tượng chung về những sự việc cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và của nhân vật dì Bảy ở bài tản văn Người ngồi đợi trước hiên nhà của Huỳnh Như Phương.

Thân bài

Lần lượt trình bày nội dung bài viết theo một trình tự nhất định. Ví dụ:

+ Tóm tắt câu chuyện về người phụ nữ chờ chồng hai chục năm trong văn bản Người ngồi đợi trước hiên nhà của Huỳnh Như Phương.   

+ Phát biểu cảm xúc, tình cảm, thái độ của em trước sự hi sinh thầm lặng của dì Bảy. Sự việc ấy đã nói lên tính cách và phẩm chất của dì Bảy.

+ Phát biểu suy nghĩ về sự hi sinh thầm lặng, cao cả của những người phụ nữ trong các cuộc chiến tranh và trách nhiệm của xã hội trong việc ứng xử với những người như dì Bảy.

Kết bài

Nêu lên suy nghĩ và bài học của cá nhân em về sự hi sinh thầm lặng của dì Bảy và phẩm chất của người phụ nữ trong văn bản Người ngồi đợi trước hiên nhà.

c. Viết 

- Viết bài văn biểu cảm theo dàn ý đã lập. Khi viết cần sử dụng các từ ngữ thể hiện những suy nghĩ, thái độ, tình cảm, cảm xúc của em một cách trung thực.

* Bài văn mẫu tham khảo:

Giàu nghị lực, trung hậu, đảm đang - đó là những phẩm chất đáng khâm phục của những người mẹ, người vợ các thương binh, liệt sĩ. Trong chiến tranh, họ tiễn chồng, con lên đường đánh giặc, trở thành chỗ dựa tinh thần, hậu phương vững chắc cho người ở tiền tuyến. Nhân vật dì Bảy ở bài tản văn Người ngồi đợi trước hiên nhà của Huỳnh Như Phương là tiêu biểu cho sự hi sinh thầm lặng, cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Dì Bảy tên thật là Lê Thị Thỏa, một người phụ nữ quê ở Quảng Ngãi, đã chờ đợi chồng suốt cả cuộc chiến tranh. Chồng hi sinh trong chiến đấu, dì thầm lặng sống một mình cho đến già. Ngày ấy, dượng Bảy – chồng của dì cùng nhiều người con đất Quảng lên đường ra bắc tập kết. Ra miền Bắc rồi lại vào miền Nam chiến đấu, dượng Bảy vẫn liên lạc với gia đình. Điều không may nhất đã xảy ra, dượng ngã xuống trong trận đánh ở Xuân Lộc, trên đường tiến vào Sài Gòn. Ngày hòa bình, dì đã qua tuổi 40. Vẫn có người đàn ông để ý đến dì nhưng lòng dì không còn rung động nữa. Thấm thoát trôi đi, dì Bảy năm nay tròn 80 tuổi, đang ngồi một mình đợi Tết ở ngôi nhà gần cầu Vĩnh Phú, thuộc thị trấn Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nguyện cầu hồn thiêng những người đã ngã xuống độ trì cho dì bình an, trường thọ.

Kể câu chuyện của dì mình, lời người kể luôn nhỏ nhẹ như thì thầm với người đọc. Cách kể ấy vừa thể hiện được tình cảm, thái độ quý trọng, kính cẩn thiêng liêng của người cháu; vừa tái hiện sự hi sinh thầm lặng, sự chịu đựng âm thầm, bền bỉ, dẻo dai, lặng lẽ, “biết hi sinh nên chẳng nhiều lời” của những người phụ nữ Việt Nam.

Dì Bảy trong bài tản văn giống hình tượng hòn Vọng Phu vì ở dì là sự hi sinh, chờ đợi, thương yêu người chồng nơi chiến trận của mình. Dù biết chồng đã hi sinh, dì vẫn ôm ấp lấy quá khứ ấy. Ở dì là sự hi sinh cao cả thầm lặng, đại diện của những người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh.

Trong lịch sử nước ta, hàng triệu người đã cầm gươm, cầm súng ra trận để giữ vững nền độc lập. Đằng sau họ là những bà mẹ, người vợ, người chị em đã lặng lẽ hi sinh, tiếp sức mạnh cho cả dân tộc. Đó là mẹ Suốt, mẹ Tơm, mẹ Thứ, những bà bủ, bà bầm, bà má Hậu Giang,…

Những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh càng được tôn vinh, gìn giữ, trao truyền và phát huy trong thời kì đất nước đổi mới. Dù trên cương vị nào người phụ nữ Việt Nam vẫn giàu đức hi sinh, trong chiến tranh họ cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho đất nước để Tổ quốc nở hoa độc lập, trong hòa bình họ thầm lặng chăm lo cho hạnh phúc gia đình, nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Đâu đó, hằng ngày ta vẫn còn nghe, được thấy những lời nói chưa hay, việc làm chưa đúng, ứng xử chưa phải của các cô gái trẻ, các bà mẹ già…Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người phụ nữ luôn giàu lòng trắc ẩn và đức hi sinh. Bản chất, phẩm giá của người phụ nữ Việt Nam tự bao đời nay vẫn luôn hàm chứa những giá trị cao đẹp, nhân văn và cao cả. Sự hi sinh của “một nửa đất nước” vẫn luôn tồn tại, giá trị con người không bị đảo lộn; truyền thống cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn được phát huy dù trong bất kì điều kiện, hoàn cảnh nào.

Mỗi lần đọc Người ngồi đợi trước hiên nhà của Huỳnh Như Phương, tôi không khỏi ngậm ngùi thương cảm đan xen niềm cảm phục vô bờ. Cảm phục, biết ơn người chiến sĩ đã hi sinh máu xương của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Cảm thương cho những người vợ, người mẹ liệt sĩ sống trong cô đơn, buồn nhớ suốt phần đời còn lại. Được hưởng hòa bình từ bao mất mát hi sinh của các thế hệ cha anh, mỗi chúng ta hôm nay phải có những hành động thiết thực, hiệu quả trong việc đền ơn đáp nghĩa gia đình liệt sĩ; biết quan tâm, yêu thương, sẻ chia với người ở lại để an lòng người từ thế giới bên kia.

d. Kiểm tra và chỉnh sửa 

Tham khảo việc kiểm tra chỉnh sửa các lỗi về viết ở Bài 6, phần Viết mục d (trang 14)

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 7 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Trao đổi về một vấn đề

Tự đánh giá: Tiếng chim trong thành phố

Hướng dẫn tự học trang 74

Kiến thức ngữ văn trang 75- 76

Ghe xuồng Nam Bộ

1 4,286 16/09/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: