Soạn bài Trao đổi về một vấn đề - Ngắn nhất Cánh diều

Với soạn bài Trao đổi về một vấn đề Ngữ văn lớp 7 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 7.

1 5412 lượt xem
Tải về


Soạn bài Trao đổi về một vấn đề

1. Định hướng

a) Để có thể hiểu đúng hơn một vấn đề, các em thường phái trao đổi về vấn đề đó. Vấn đề trao đổi có thể là một hiện tượng đời sống hoặc một vấn đề văn học.

b) Để trao đổi, thảo luận về một vấn đề, các em cần chú ý:

- Lựa chọn vấn đề cần trao đổi (đặc điểm nội dung, nghệ thuật của một bài thơ).

- Xác định các ý kiến khác nhau về vấn đề cần trao đổi.

-  Chuẩn bị lí lẽ và dẫn chứng để làm rõ ý kiến của mình.

- Khi trao đổi, cần tôn trọng các ý kiến khác biệt.

2. Thực hành

Bài tập (trang 31 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Chọn một trong hai đề sau:

Đề 1: Sau khi học bài thơ “Những cánh buồm” (Hoàng Trung Thông), có bạn cho rằng: Hình ảnh cánh buồm trong bài thơ tượng trưng cho khát vọng vươn xa của người con. Lại có bạn cho rằng: Hình ảnh cánh buồm tượng trưng cho những ước mơ chưa đạt được của người cha. Ý kiến của em như thế nào?

Đề 2: Có bạn cho rằng: Chủ đề của bài thơ “Mây và sóng” (Ta-go) là ca ngợi tình mẫu tử. Bạn khác lại cho rằng: Chủ đề bài thơ ấy ca ngợi trí tưởng tượng của em nhỏ. Ý kiến của em như thế nào?

a) Chuẩn bị (với đề 1). 

- Xem lại nội dung đọc hiểu văn bản Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông). 

- Chuẩn bị các phương tiện như tranh ảnh, video, … và máy chiếu, màn hình (nếu có)  

b) Tìm ý và lập dàn ý 

- Tìm ý cho bài nói bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

Hai ý kiến nêu trong đề 1 có gì giống nhau và khác nhau?

Mỗi ý kiến có điểm gì hợp lí và chưa hợp lí?

Ý kiến của em như thế nào?

Vì sao em hiểu như thế?

Hình ảnh cánh buồm đều là hình ảnh tượng trưng.

+ Tượng trưng cho khát vọng vươn xa của con.

+ Tượng trưng cho những ước mơ của người cha chưa đạt được.

Những cánh buồm kiêu hãnh ngoài biển khơi tương trưng cho khát khao vươn xa để khám phá của con, hay cũng chính là tượng trưng cho những ước mơ cửa người cha chưa đạt được.

Theo em, khi nhận xét về hình ảnh cánh buồm, đây là hình ảnh ẩn dụ, vừa thể hiện khát vọng vươn xa của người con, vừa thể hiện được những ước mơ chưa đạt được của người cha.

Em hiểu như vậy là bởi thông qua ngữ cảnh của bài thơ và xem xét các ý kiến trong chỉnh thể bài thơ.

- Lập dàn ý cho bài nói bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:

Mở đầu

Nêu vấn đề cần trao đổi (có hai ý kiến khác nhau về hình ảnh cánh buồm trong bài thơ Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông).

Nội dung chính

Nêu và phân tích các ý kiến khác nhau, từ đó, phát biểu ý kiến của mình. Có thể phát biểu theo gợi ý sau: 

+ Nêu điểm giống nhau và khác nhau của hai ý kiến. 

+ Nêu và giải thích những điểm hợp lí và chưa hợp lí của mỗi ý kiến.

+ Ý kiến của em: có thể tán thành một trong hai ý kiến hoặc không tán thành cả hai và đưa ra một ý kiến khác.

Kết thúc

Khẳng định lại ý kiến của bản thân và những điểm hợp lí trong hai ý kiến đã nêu.

c) Nói và nghe 

- Người chủ trì nêu nội dung và cách thức trao đổi, mời người nói trình bày ý kiến.

Người nói

Người nghe

- Nêu ý kiến của mình trước nhóm hoặc lớp.

- Trình bày bằng lời, tránh viết thành văn để đọc; sử dụng điệu bộ, cử chỉ và các phương tiện hỗ trợ phù hợp.

- Chú ý điều chỉnh giọng điệu, cách trình bày, quan sát thái độ, lắng nghe ý kiến phản hồi của người nghe.

- Trả lời các câu hỏi của người nghe (nếu có).

- Tập trung theo dõi và nắm được thông tin từ người nói; ghi chép các ý chính và các điểm chưa rõ cần hỏi lại.

- Sử dụng cử chỉ, nét mặt, ánh mắt để khích lệ người nói.

- Nêu câu hỏi về những vấn đề chưa rõ; trao đổi lại về ý kiến mà mình thấy chưa thuyết phục.

- Người chủ trì tổng kết lại vấn đề đã trao đổi

* Bài nói mẫu tham khảo:

Xin chào tất cả các bạn. Các bạn thân mến!

Hoàng Trung Thông là một nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca cách mạng. Bài thơ “Những cánh buồm” là một trong những tác phẩm hay của ông. Sau khi học bài thơ “Những cánh buồm”, có bạn cho rằng: Hình ảnh cánh buồm trong bài thơ tượng trưng cho khát vọng vươn xa của người con. Lại có bạn cho rằng: Hình ảnh cánh buồm tượng trưng cho những ước mơ chưa đạt được của người cha. Buổi thảo luận ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau trao đổi về vấn đề này.

Bài thơ được rút ra từ tập thơ cùng tên, được xuất bản lần đầu vào năm 1964:

“Hai cha con bước đi trên cát

Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh

Bóng cha dài lênh khênh

Bóng con tròn chắc nịch,

 

Sau trận mưa đêm rả rích

Cát càng mịn, biển càng trong

Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng

Nghe con bước, lòng vui phơi phới.”

Hình ảnh mở đầu là người cha và đứa con đang bước đi trên cát. Sau một đêm mưa rả rích, ánh mặt trời xuất hiện đầy rực rỡ, khiến cho nước biển trong xanh, cát trở nên mịn màng. Chiếc bóng của cha dài lênh khênh, còn bóng con tròn chắc nịch - một hình ảnh đáng yêu cho thấy sự gắn bó, yêu thương của cha và con. Khi lắng nghe tiếng chân con bước, lòng cha cảm thấy sung sướng và hạnh phúc.

Ngắm nhìn thế giới rộng lớn ngoài kia, đứa trẻ đã hỏi cha bằng một giọng điệu đầy hồn nhiên, ngây thơ:

“Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,

Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”

Đáp lại câu hỏi của con, người cha đã giải thích cho con hiểu được rằng:

“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,

Sẽ có cây, có cửa, có nhà

Vẫn là đất nước của ta

Ở nơi đó cha chưa hề đi đến.”

Thế giới rộng lớn ngoài kia có muôn vàn điều thú vị. Đó cũng là nơi người cha chưa từng đi đến. Và rồi cậu bé lại chỉ cánh buồm bảo:

“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,

Để con đi …”

Những cánh buồm kiêu hãnh ngoài biển khơi thể hiện khao khát muốn đi xa để khám phá của con. Khi l ắng nghe lời đề nghị của con, cha dường như bắt gặp tiếng lòng của chính mình. Khi còn là một cậu bé, người cha cũng từng mong ước được khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia. Và giờ, những ước mơ chưa thể thực hiện của người cha nay được gửi gắm trong con. Đứa con sẽ tiếp tục thực hiện ước mơ đó thay cho người cha:

“Lời của con hay tiếng sóng thầm thì

Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm

Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận

Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.”

Như vậy, bài thơ “Những cánh buồm” đã thể hiện niềm tự hào của người cha khi thấy con mình cũng ấp ủ những ước mơ cao đẹp. Qua đó, Hoàng Trung Thông còn muốn ca ngợi ước mơ được khám phá cuộc sống của trẻ thơ - đó là những ước mơ làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Bài trình bày của tôi đến đây xin được khép lại. Vậy ý kiến của các bạn như thế nào? Rất mong được sự góp ý, trao đổi thêm từ các bạn.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Người nói

Người nghe

- Đối chiếu với dàn ý để xem xét nội dung ý kiến đã trình bày, cách dẫn dắt, các lí lẽ và bằng chứng.

- Rút kinh nghiệm về cách phát biểu và hiệu quả của việc sử dụng các phương tiện hỗ trợ.

- Xem xét lại nội dung, cách thức trả lười câu hỏi và ý kiến trao đổi với các bạn.

- Hiểu đúng và tóm tắt được các thông tin từ người nói bằng văn bản.

- Tập trung chú ý theo dõi người nói; thể hiện sự mạnh dạn, cầu thị và thái độ hòa nhã, lịch sự khi trao đổi với người nói.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 7 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Tự đánh giá: Rồi ngày mai con đi

Hướng dẫn tự học trang 35

Kiến thức ngữ văn trang 36- 37

Tinh thần yêu nước của nhân dân ta

Đức tính giản dị của Bác Hồ

1 5412 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: