Soạn bài Hướng dẫn tự học trang 101 - Ngắn nhất Cánh diều

Với soạn bài Hướng dẫn tự học trang 101 Ngữ văn lớp 7 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 7.

1 478 lượt xem
Tải về


Soạn bài Hướng dẫn tự học trang 101

Câu 1 (trang 101 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1): Tìm đọc một số bài phân tích các văn bản Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Buổi học cuối cùng (Đô-đê), Búp sen xanh (Sơn Tùng), Bố của Xi-mông (Mô-pa-xăng), Mẹ (Đỗ Trung Lai), Ông đồ (Vũ Đình Liên), Tiếng gà trưa (Xuân Quỳnh), Hai vạn dặm dưới đáy biển (Véc-nơ), Người về từ Sao Hỏa (Uya),...

Trả lời:

Học sinh tự tìm đọc lại bài phân tích về các văn bản. Ví dụ:

+ Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi): https://revelogue.com/sach-dat-rung-phuong-nam/

+ Búp sen xanh (Sơn Tùng): https://vov.vn/van-hoa/van-hoc/bup-sen-xanh-tac-pham-tam-huyet-nhat-kinh-dang-len-bac-cua-nha-van-son-tung-876342.vov

Câu 2 (trang 101 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1): Đọc một số bài nghị luận văn học và ghi lại những đoạn văn mà trong đó, tác giả phân tích cái hay, cái đẹp của các tác phẩm văn học.

Trả lời:

Hoài Thanh, Hoài Chân trong “Thi nhân Việt Nam” đã viết về thơ Vũ Đình Liên:

“Có những nhà thơ không bao giờ có thể làm được một câu thơ – tôi muốn nói một câu đáng gọi là thơ. Những người ấy hẳn là những người đáng thương nhất trong thiên hạ. Sao người ta thương hại những kẻ bị tình phụ, nuôi một giấc mộng ái ân không thành, mà không ai thương lấy những kẻ mang một mối tình thơ u uất, chịu để tan tành giấc mộng quý nhất và lớn nhất ở đời: giấc mộng thơ?

Hôm nay, trong khi viết quyển sách này, một quyển sách họ sẽ xem như một sự mỉa mai đau đớn, thơ Vũ Đình Liên bỗng nhắc tôi nghĩ đến những người xấu số kia.

Tôi có cần phải nói ngay rằng Vũ Đình Liên không phải là một người xấu số? Trong làng Thơ mới, Vũ Đình Liên là một người cũ. Từ khi phong trào Thơ mới ra đời, ta đã thấy có thơ Vũ Đình Liên trên các báo. Người cũng ca ngợi tình yêu như hầu hết mọi nhà thơ hồi bấy giờ. Nhưng hai nguồn thi cảm ấy đã gặp nhau và đã để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác “Ông đồ”… ít khi có một bài thơ bình dị mà cảm động như vậy. Tôi tưởng như đọc lời sám hối của cả bọn thanh niên chúng ta đối với lớp người đương đi về cõi chết. Đã lâu lắm chúng ta chỉ xúm nhau lại chế giễu họ quê mùa, mạt sát họ hủ lậu. Cái cảnh thương tâm của nền Nho học mạt vận chúng ta vô tình không lưu ý. Trọng bọn chúng ta vẫn có một hai người ca tụng đạo Nho và các nhà Nho. Nhưng chế giễu mạt sát thì không nên, mà ca tụng cũng không được. Phần đông các nhà Nho còn sót lại chỉ đáng thương. Không nghiên cứu, không lí luận, Vũ Đình Liên với một tấm lòng, dễ cảm nhận ra sự thực ấy và gián tiếp chỉ cho ta cái thái độ hợp lí hơn cả đối với các bậc phụ huynh của ta. Bài thơ của người có thể xem là một việc nghĩa cử.

(Hoài Thanh; Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, 2003)

Một nén hương tưởng niệm (Về bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên) – Bình giảng Ngữ Văn 8

Cảnh tàn tạ của Nho học một thời mà ông đồ là nhân chứng tiều tuỵ cuối cùng của nó tạo nên niềm thương cảm sâu xa không chỉ đối với một lớp độc giả khi bài thơ xuất hiện. Cái khắc khoải, cái day dứt không nguôi ấy còn mãi về sau bởi vì nói đến Nho học là nói đến một nền văn hoá du nhập vào nước ta không dưới một ngàn năm. Nó gắn bó với biết mấy buồn vui, nó đắp bồi nên bao mối quan hệ, nó tạo ra lẽ sống con người,… ấy là một nền văn minh truyền giữ từ đời này qua đời khác. Trước những biến thiên của lịch sử, trước xu hướng Âu hoá, một nền kinh tế khác, một nền văn hoá khác đang tiến vào làm rạn nứt và đổ vỡ những gì trước đó tưởng như trường cửu, mãi mãi không thể đổi thay. Nén hương tưởng niệm mà bài thơ thắp lên hướng về không chỉ một con người, mà còn một thế hệ, một nền văn hoá văn minh, một thời đại đã không còn trước quy luật tiến lên của lịch sử. Cái hay của bài thơ không chỉ ở ý nghĩa xã hội (độ rộng) vừa nêu, mà còn ở hình tượng (độ sâu) của nó. Bài thơ vừa tả cảnh vừa ngụ tình. Sự đan xen vốn là thuộc tính của nghệ thuật thơ ca ấy xuyên suốt bài thơ một cách vô cùng nhất quán, cả hai ý nghĩa nội dung lại chứa đựng trong một hình thức thể loại, một ngôn ngữ, một kết cấu thật là độc đáo.

Để hiểu đúng bài thơ, không thể không đi vào kết cấu, một kết cấu không chỉ giản đơn là đối lập xưa và nay, quá khứ với hiện tại. Ấy là kết cấu nổi, kết cấu một tầng. Nếu như thế chỉ cần so sánh như có người đã so sánh: bài thơ mở đầu là “Mỗi năm hoa đào nở – Lại thấy ông đồ già”, và kết thúc là “Năm nay đào lại nở – Không thấy ông đồ xưa”. Và từ đó mà chỉ ra rằng: đó là kiểu kết cấu đầu cuối tương ứng, chặt chẽ để làm nổi bật chủ đề. Nhưng thực ra, đằng sau cái kết cấu tổng thể có tính chất khái quát vừa nêu, còn có một cái gì ở bên trong nó. Như mối liên hệ giữa quá khứ với quá khứ, một quá khứ xa với một quá khứ gần giữa hai khổ đầu (1, 2) với hai khổ tiếp theo (3, 4). Và ngay trong phạm trù thời gian không thuộc thời hiện tại đã diễn ra một đối lập rồi. Hình tượng ông đồ ngay trong quá khứ đã ở vào hai đối cực: được chào đón, tiếp nhận và bị lãng quên, bỏ rơi. Vậy khai thác kết cấu bài thơ thế nào cho đúng? Phải chăng nên dựa hẳn vào dòng chảy thời gian mà bóc vào ba lớp, mà mỗi lớp ấy đều đánh dấu bằng khái niệm “năm” vì thế mỗi năm, đào ngày Tết chỉ có một lần. Đó cũng là ba nấc:

– Mỗi năm hoa đào nở…

– Nhưng mỗi năm mỗi vắng…

– Năm nay đào lại nở…

Ba nấc thang không phải lên cao mà là hạ dần xuống thấp ấy gắn với ba cảnh. Cảnh ấy có tình, được diễn tả một cách vừa đặc trưng vừa dồn nén tạo được những ấn tượng riêng cho mỗi bức tranh.

Thời kì vàng son rực rỡ của ông đồ được tái hiện thật tài hoa ở hai khổ thơ đầu. Ấy là sự song hành giữa ông đồ và ngày Tết:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Một chữ lại nhịp nhàng, ấm áp. Ông đồ trở thành một đường nét không thể thiếu được của mùa xuân. Cứ hoa đào nở là người xuất hiện như ông già Nô-en trước đêm trừ tịch phương Tây. Hai màu đỏ, màu đỏ của hoa, màu đỏ trên giấy của người cho chữ đều nổi bật lên giữa một cái nền nhộn nhịp tưng bừng của phố xá, kẻ lại người qua đông đúc. Hai màu đỏ ấy là trung tâm tạo nên một không gian màu hồng cho các vùng kẻ chợ. Những bài thơ bằng ngôn ngữ kể, tả xinh xắn gọn gàng không ôm đồm mà khêu gợi ấy phải chăng là rất thích hợp với một tâm trạng người viết thoáng chút xốn xang. Thật tự hào cho một mĩ tục được bảo tồn, những tinh hoa đang được ngưỡng mộ. Cũng vinh dự thay cho một tài năng thư pháp được tôn vinh. Hoa đào ở khổ một đã nhường chỗ cho hoa tay trong khổ hai chính là niềm vinh dự ấy:

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

“Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay”.

Khổ thơ mang chất kí sự, chỉ ghi chép những gì nhìn thấy như thiên kí sự Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp mà vẫn say đắm lòng người, ấy cũng bởi cái tình của người viết. Giữa nhà thơ và ông đồ có một mối tương giao, tri kỉ.

Hai hình tượng ấy khó tách bạch phân chia, phải chăng họ là những người cùng hội, cùng thuyền, những người đồng điệu?

Chính vì là đồng điệu mà nhà thơ có một linh cảm không vui khi cơn gió đã đổi chiều, đổi chiều mà không hiểu vì sao mới thành ngơ ngác:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Một chữ nhưng đặt ở đầu câu nói lên một sự thật, cũng nói lên một tâm trạng. Sự thật ấy là mọi cái đã khác xưa, tâm trạng ấy là bất ngờ, sửng sốt. Đọc kĩ khổ thơ thứ ba, ta mới nhận ra một xu thế khó lòng đảo ngược để tất cả trở về vị trí ban đầu (khổ 1). Đông (“Bên phố đông người qua”) đã thành vắng (“Nhưng mỗi năm mỗi vắng”). Đến đã thành đi. Những con người quen thuộc ngày nào nay đã trở nên xa lạ. Có lẽ vẫn là những con người ấy, nhưng trong lòng họ không còn bóng dáng ông đồ. Giữa họ và ông đã diễn ra cảnh đồng sàng dị mộng. Giữa biển người mênh mông đó, ông như một hòn đảo cô đơn. Một câu hỏi nghi vấn có từ nghi vấn, có dấu chấm hỏi ở cuối câu không có lời đáp, không có hồi âm như tan loãng vào không gian hun hút thì đấy là tâm trạng xót xa, ngao ngán đâu còn của người ngoài cuộc nữa. Phải nhập thân vào hình tượng ông đồ đến mức nào mới viết được hai câu thơ, trong đó, cái thực và cái ảo xen nhau:

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu…

Buồn, sầu vốn là tâm trạng con người, nhưng ở đây lại dùng cho giấy, cho nghiên. Câu thơ có vẻ không thực ấy hoá ra thành thực biết chừng nào! Ở đây cái buồn, cái sầu của ông đồ đã thấm vào giấy, vào nghiên. Đúng là “Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ?” (Nguyễn Du). Nhưng cảíih là nói chung còn giấy, mực vốn gắn với máu thịt với ông đồ, có nó ông mới khẳng định được tài hoa, mà bây giờ cũng buồn bã thế kia. Nó chính là cái tủi. Giấy đỏ đã không còn đỏ, mực đã đọng thành keo. Thật ngán ngẩm cho một thời cái đẹp đã lên ngôi này không còn nữa. Bản thân ông, chữ thánh hiền của ông, nền văn hoá mà lối chữ tượng hình đó gìn giữ cho mai sau nào có ra gì? Biết là như thế, nhưng vì sao “Ông đồ vẫn ngồi đấy”? Câu thơ không chịu lùi bước ấy vừa như một phương châm của khí tiết không chịu thất bại trước hoàn cảnh cũng vừa như những gắng gượng cuối cùng, đã đuối sức lắm thay! Lặng lẽ, khiêm nhường, đơn côi, lạc bước. Có ông mà cũng như không có ông. Thực thì, ông đã lùi đến cái chỗ không thể lùi thêm để nhường chỗ cho kẻ qua người lại vô tình, cho lá vàng, mưa bụi:

Ông đồ vẫn ngồi đấy,

Qua đường không ai hay,

Lá vàng rơi trên giấy;

Ngoài giời mưa bụi bay.

Sự phủ nhận đối với ông đồ cứ tới tấp, cứ lớp lớp tầng tầng như thế, nhưng lại làm ra vẻ vô tình. Thì ra sự lạnh nhạt, dửng dưng cũng có ý nghĩa như sự giết chết con người bằng cách riêng của nó. “Chết đuối người trên cạn mà chơi” (Cung oán ngâm khúc).

Như thế là con sóng thời gian đã hai lần chứng kiến sự lên ngôi và thoái vị của Nho học ngàn năm. Nó tung hô và xô đẩy những phên dậu cuối cùng không hề thương tiếc. Vẫn là những câu thơ ngũ ngôn không đẽo gọt cầu kì mà thâm trầm ở bề sâu của nó. Vẫn là giọng thơ mang dáng dấp khách quan tả, kể mà không giấu nổi ngậm ngùi. Riêng các hệ thống chi tiết quan trọng làm nền cho bài thơ thì không ngừng biến hoá. Ở hệ thống sắc màu của giấy đỏ thì từ màu sắc thấm tươi (khổ 1) đã không còn thắm nữa (khổ 3), rồi không còn màu, chỉ còn giấy (khổ 4), thay cho giấy đỏ chỉ còn lá vàng (Lá vàng rơi trên giấy) tàn héo rụng rơi. Cũng là quy luật nghiệt ngã này trong hệ thống người thuê viết, ta nhận thấy: Sự vồ vập, ngưỡng mộ (khổ 1 và 2) đến chỗ xa lạ (khổ 3) và quên lãng (khổ 4). Hệ thống các chi tiết này tuy khác nhau, nhưng lộ trình của nó, lô gích của nó thì y hệt như nhau: hợp rồi tan, vui đến buồn, tốt tươi để tàn héo. Riêng hình tượng trung tâm, hình tượng ông đồ không nằm ngoài quy trình ấy, nhưng vì là hình tượng trung tâm, cần tập trung vào khổ cuối:

Năm nay đào lại nở,

Không thấy ông đồ xưa.

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Để hiểu được sự vắng mặt vừa đột ngột vừa không đột ngột của ông đồ, cần đặt hình tượng này trong tổng thể cả bài, trong tiến trình từ có thành không (có ở bốn khổ đầu và không ở khổ cuối). Nó đột ngột ở chỗ: trong cảnh Tết đến xuân về, chưa bao giờ vắng mặt ông đồ, còn giờ đây khi bài thơ kết thúc, không thấy ông đồ đâu. Không những vắng mặt mà địa chỉ của ông cũng không còn.

Hơn thế, ông nhập vào “Những người muôn năm cũ”, nghĩa là xa lắc xa lơ. Còn nó không đột ngột ở chỗ: kết thúc ấy là tất yếu của một quá trình đi từ có đến không. Cái có đầu tiên của ông là một niềm vinh hạnh, ông hiện ra như một thứ hào quang. Ông đồ với tài hoa thư pháp là hội tụ bao nhiêu tinh hoa cao khiết ở chốn phường phố đông người. Ông là của họ, thuộc về họ. Có ông, có chữ viết của ông, gương mặt họ rạng rỡ hẳn lên với một niềm vui mà chỉ có hoa đào là không đủ. Những nét chữ thảo “phượng múa rồng bay” đối với mọi người, trong cả một năm là điều khởi đầu tốt đẹp, là hi vọng ước mơ. Còn gì cao quý cho bằng, Còn sự có mà như không chỉ thực sự xuất hiện ở đoạn sau (khổ 4). Từ hành động, ông đã trở nên bất động. Từ cánh chim tung hoành vùng vẫy, ông đã mất cả trời cao. Từ một thời hoàng kim, ông chỉ còn là cái di tích tồi tàn của nó. Quy trình từ có đến không ở đây là một cái mốc, một sự chuyển hướng đáng buồn. Sự có mặt của ông chỉ là một thứ hình thức, một cái bóng vô hồn vì thực chất nó đã là không có, cho dù trong bài thơ nó chưa phải là dấu chấm cuối cùng, một sự sang trang mà chỉ là một nhịp cầu, một gạch nối. Sự chấm dứt vốn đã có trong thực chất ở câu “Ông đồ vẫn ngồi đấy” đến đây mới trọn vẹn, nghĩa là có một hình thức cho nội dung: cái bóng ấy cũng không còn nữa. Nó mất hút vào mênh mông, nó không còn một mảy may dấu vết. Với hai câu đầu của khổ Cuối, bài thơ nhất quán trong một bút pháp kí sự, ghi chép khách quan những gì mà nhà thơ – với tư cách là một người qua đường nhìn thấy. Trong cả trường đoạn thơ trên, cho dù ta có bao nhiêu cảm xúc, tâm tình, nhưng tự nhà thơ vùi kín nó trong những chữ, những câu. Đến lúc này, sự ghìm nén nói trên không còn nữa, vì mất đi sự cân đối, thăng bằng. Nó phải oà ra nức nở. Nức nở là ở trong lòng thôi, còn âm thanh, ngữ điệu của hai câu cuối cùng ấy chẳng qua cũng như những tiếng thở dài thật bâng khuâng man mác. Hình như có ở đây cả sự nuối tiếc, xót xa, có cả sự day dứt, băn khoăn ân hận. Bởi biết rằng trong xu thế Âu hoá về nhiều mặt, những gì cũ kĩ, cản trở sẽ phải mất đi – trong đó có cả những cái cần thiết, không nên mất đi, mà chính nhà thơ không có cách nào níu giữ được. Tậm trạng xót xa day dứt ấy chính là một sự trả giá, một trách nhiệm không còn có cơ hội bù đắp. Câu thơ như một lời tự vấn, tự trách lương tầm có khả năng đồng cảm đến bao nhiêu thế hệ từ đó về sau chính là vì thế.

Trong cuộc đời làm thơ, Vũ Đình Liên viết không nhiều, và các bài thơ không nhiều ấy khơi nguồn từ “lòng thương người và tính hoài cổ” (Hoài Thanh). Ông đồ đã hội tụ được cả hai mạch cảm hứng ấy, nó đã là một tinh hoa.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 7 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Kiến thức ngữ văn trang 102- 103

Ca Huế

Hội thi thổi cơm

Thực hành tiếng Việt trang 108

Những nét đặc sắc trên “đất vật” Bắc Giang

1 478 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: