Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống - Ngắn nhất Cánh diều

Với soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống Ngữ văn lớp 7 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 7.

1 2484 lượt xem
Tải về


Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống

1. Định hướng

a) Nghị luận về một vấn đề trong đời sống là nêu lên và trình bày ý kiến của mình (tán thành hay phản đối) về một vấn đề nào đó của đời sống bằng cách đưa ra được lí lẽ rõ ràng, kết hợp với bằng chứng đa dạng để thuyết phục người đọc, người nghe.

Vấn đề của đời sống thường do đề bài nêu lên nhưng cũng có thể do người viết tự xác định từ những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, chẳng hạn:

- Thế nào là yêu nước?

- Yêu tiếng mẹ đẻ có phải là yêu nước? 

- Thế nào là sống giản dị? 

- Tại sao cần tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”? 

- Cần biết sống vì người khác. 

b) Để viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống, các em cần: 

- Xác định được vấn đề cần bàn luận.

- Tìm hiểu các tư liệu liên quan đến vấn đề xã hội cần nghị luận đó (tư liệu thực tế, những chuyện đã nghe, đã đọc, chuyện đã chứng kiến hay trải nghiệm của bản thân,...).

- Giải thích vấn đề và làm sáng tỏ ý kiến của mình bằng việc nêu ra lí lẽ và bằng chứng. Ví dụ: Trong văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lí lẽ khẳng định đồng bào ta ngày nay tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước của cha ông, đồng thời làm sáng tỏ điều đó bằng việc liệt kê các bằng chứng về biểu hiện của lòng yêu nước trên nhiều lĩnh vực, vùng miền, tuổi tác, giới tính, tầng lớp xã hội,... Từ đó, tác giả đi đến lí lẽ tuy các biểu hiện khác nhau nhưng tất cả đều thể hiện lòng yêu nước của nhân dân ta.

2. Thực hành

Bài tập (trang 46 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 2): Viết bài văn trả lời cho câu hỏi: “Thế nào là lối sống giản dị?”.

a) Chuẩn bị

- Đọc kĩ lại văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ (Phạm Văn Đồng) và xem lại nội dung đọc hiểu của văn bản này,

- Xem mục Định hướng nêu trên để nắm vững các yêu cầu của bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống xã hội

- Tập hợp những hiểu biết từ sách báo và đời sống thực tế về những lời dạy và tấm gương có lối sống cao đẹp, giản dị.

+ Tấm gương sống giản dị: Bác Hồ

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

Thế nào là giản dị?

Tính giản dị được biểu hiện qua những phương diện nào?

Tại sao cần sống giản dị?

Em biết những tấm gương nào về lối sống giản dị trong thực tế, sách, báo,…?

Em có suy nghĩ như thế nào về việc rèn luyện cho mình lối sống giản dị?

Giản dị là lối sống đơn giản, cần kiệm.

Ăn, mặc, ở, nói, viết,…

Tiết kiệm về kinh tế; tạo nên sự hoà đồng, kết nối, cảm thông lớn với mọi người.

Bác Hồ

Giản dị là một phẩm chất cao quý cần có ở mỗi con người.

- Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:

Mở bài

+ Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận, ví dụ: Những nhân vật vĩ đại lại thường là những người giản dị.

+ Nêu vấn đề: Cần sống giản dị.

Thân bài

+ Nêu quan niệm về lối sống giản dị? Ví dụ: Giản dị là lối sống đơn giản, cần kiệm.

+ Nêu biểu hiện của lối sống giản dị trong sinh hoạt đời sống (ăn, mặc, ở, nói, viết,...).

+ Phân tích ý nghĩa của lối sống giản dị.

Ví dụ:

• Giản dị tạo nên sự hoà đồng, kết nối, cảm thông lớn với mọi người.

• Một số tấm gương đã chứng minh vẻ đẹp của lối sống giản dị.

+ Liên hệ với bản thân trong việc rèn luyện lối sống giản dị. Cần diễn đạt chân thật, cụ thể suy nghĩ của bản thân.

Kết bài

+ Khẳng định vai trò của lối sống giản dị. Ví dụ: Giản dị là một phẩm chất cao quý cần có ở mỗi con người

+ Nêu suy nghĩ về hướng rèn luyện của em.

c) Viết

Dựa vào dàn ý đã lập, thực hành viết với những yêu cầu khác nhau:

- Rèn luyện viết các đoạn văn: đoạn mở bài, đoạn kết bài, đoạn văn phát triển một ý ở thân bài,...

- Viết bài văn nghị luận hoàn chỉnh. 

* Bài văn mẫu tham khảo:

Giản dị là một đức tính, một phẩm chất đáng quý của người Việt Nam. Ngày xưa khi cuộc sống còn lam lũ, sự giản dị luôn được đề cao trong nếp sống. Ngày nay, khi xã hội đã phát triển hơn, không còn thiếu thốn như ngày xưa nhưng giản dị vẫn là nếp sống đáng quý.

Sống giản dị là gì? Giản dị chính là cách sống đơn giản, cần kiệm, không cầu kì. Là cách sống phù hợp với hoàn cảnh của bản thân, gia đình và xã hội. Hơn nữa giản dị còn được miêu tả cho sự sống dưới mức nhu cầu của một ai đó. Lối sống giản dị là một lối sống đáng quý, không phô trương, lành mạnh và đúng với chuẩn mực xã hội.

Sự giản dị thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau: từ cách sử dụng vật chất, lời ăn tiếng nói hằng ngày, cách hành xử của mỗi người, cử chỉ, cách thể hiện bản thân... Một người giản dị thường ăn mặc đơn giản, đúng lúc đúng chỗ, phù hợp với bản thân. Đi đứng cử chỉ thường nhẹ nhàng, dung dị. Có thể nói giản dị trong cách ăn mặc là điều dễ nhận biết nhất. Những người sống giản dị thường không quá quan tâm đến bề ngoài. Nhu cầu ăn mặc của họ không cầu kì. Họ thường không ăn mặc theo mốt, chỉ thay đổi trang phục theo thời tiết, công việc. Với văn phong nhẹ nhàng, chân thật, không dùng những lời lẽ cao xa khác với sự thật. Người giản dị trong lời ăn tiếng nói thường được mọi người xung quanh yêu quý. Cách nói chuyện nhanh gọn, đi đúng vấn đề sẽ chiếm được cảm tình từ đối phương. Giản dị trong cách ăn nói khiến cho mục đích giao tiếp thành công hơn. Nội dung ngôn từ ngắn gọn súc tích tiết kiệm được nhiều thời gian giao tiếp. Từ đó mang lại thành công cho người giản dị. Giản dị là bằng lòng với hiện tại. Ở đây, bằng lòng với hiện tại không có nghĩa là không có chí tiến thủ. Ý nghĩa đơn giản là biết bằng lòng với điều kiện sống của bản thân. Cảm thấy như thế là đủ, không cần phải cầu kì hơn. Người sống giản dị không yêu cầu người khác phải thế này thế kia đối với mình. Họ biết bằng lòng với tình cảm người khác dành cho mình. Bởi họ biết bằng lòng với những thứ họ có, khi cho đi cũng không cầu nhận lại bằng từng ấy. Người giản dị tiêu tiền đúng cách. Thông thường, những người giản dị không bị đồng tiền chi phối. Các nhu cầu trong cuộc sống của họ đôi khi thấp hơn mức xã hội đang có. Họ sống tiết kiệm và sử dụng đồng tiền đúng mục đích. Từ đó không gây lãng phí.

Bác Hồ – người là tấm gương sáng trong lòng dân tộc Việt Nam. Bác cũng chính là miêu tả sáng rõ nhất cho sự giản dị. Khi mà Bác được cả một dân tộc tôn vinh, Bác vẫn không hề tỏ ra xa lạ với người dân. Bác ăn ở, đi lại như bao nhiêu người bình thường khác. Chính vì thế, đi đến đâu Bác cũng được mọi người yêu quý và ghi nhớ.

Lối sống giản dị giúp con người ta thanh thản. Khi nhu cầu phù hợp với bản thân hay thấp hơn mức xã hội, con người sẽ không cần phải đau đầu để làm sao bằng người ta. Tính giản dị giúp chúng ta tiết kiệm thời gian khi không cần suy nghĩ đến những nhu cầu không cần thiết. Chúng ta sẽ không mất thời gian vào những việc vô bổ, được mọi người xung quanh yêu quý và tôn trọng. Đồng thời tạo thành thói quen tốt để người khác noi theo. Giản dị giúp chúng ta hòa đồng hơn, gần gũi hơn với thiên nhiên, giúp cuộc sống hạnh phúc hơn.

Giản dị là một phẩm chất cao quý cần có ở mỗi người. Khi xã hội phát triển chóng mặt, con người giản dị thường không bị ảnh hưởng hay chi phối quá nhiều. Điều đó giúp chúng ta có thể làm chủ được chính mình, làm chủ được cuộc sống. Chứ không phải cuộc sống làm chủ chúng ta.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa 

Tham khảo việc kiểm tra và chỉnh sửa các lỗi về viết đã nêu ở Bài 6, mục d (trang 15).

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 7 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Thảo luận nhóm về một vấn đề trong đời sống

Tự đánh giá: Sự giàu đẹp của Tiếng Việt

Hướng dẫn tự học trang 52

Kiến thức ngữ văn trang 53

Cây tre Việt Nam

1 2484 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: