Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện - Ngắn nhất Cánh diều

Với soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện Ngữ văn lớp 10 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

1 14755 lượt xem
Tải về


Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện

1. Định hướng

a. Phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện là nêu lên và làm sáng tỏ giá trị (cái hay, cái đẹp) về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đó.

- Phân tích là chia tách, đi sâu tìm hiểu và làm rõ giá trị của từng phương diện cụ thể về nội dung và hình thức của tác phẩm truyện.

- Đánh giá là nêu lên những suy nghĩ, nhận xét, bình luận của người viết về vấn đề đã được phân tích.

Phân tích và đánh giá là những thao tác thường kết hợp với nhau trong các bài nghị luận văn học. Ví dụ: Đoạn trích sau đây người viết tập trung phân trích và đánh giá tính hoàn chỉnh về cốt truyện của văn bản Hồi trống Cổ Thành.

Đọc đoạn trích (trang 56 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2) và trả lời các câu hỏi sau:

1. Tác giả nêu nhận xét về vấn đề gì trong đoạn mở đầu?

→ Trong phần mở đầu tác giả đã nêu nhận xét về văn bản Hồi trống Cổ Thành mặc dù chỉ là một đoạn trích ngắn song vẫn có thể xem là một câu chuyện trong tác phẩm tự sự có cốt truyện hoàn chỉnh.

2. Tác giả phân tích, làm rõ nhận xét nêu ở đoạn mở đầu bằng cách nào?

→ Tác giả đã làm rõ nhận xét ở phần đầu bằng cách tóm tắt sự việc, phân tích, đánh giá.

3. Phân biệt lí lẽ phân tích của tác giả và các bằng chứng lấy từ văn bản truyện.
→ Lí lẽ và bằng chứng:

+ Lí lẽ: Với Trương Phi về chuyện trung thành …. để lừa bắt mình, …

+ Bằng chứng: Để tự minh oan, Quan Công chỉ còn cách đưa ra … của Tào kéo đến, …

4. Tính chất hoàn chỉnh về cốt truyện của đoạn trích nêu ở mở đầu đã được làm rõ chưa?

→ Tính chất hoàn chỉnh về cốt truyện của đoạn trích nêu ở mở đầu đã được làm rõ.

5. Nhận biết một số câu văn thể hiện rõ nhận xét của người viết.

→ Câu chuyện diễn ra qua hàng loạt biến cố bất ngờ đầy kịch tính. Bất ngờ mà lại là tất yếu, hợp lô gích; Có lẽ bất ngờ nhất là sự xuất hiện đột ngột của Sái Dương, …

- Tác phẩm truyện thường được cấu tạo từ nhiều phương diện, nhiều yếu tố. Bài viết có thể phân tích, đánh giá toàn bộ tác phẩm, nhưng cũng có thể chỉ tập trung làm rõ một yếu tố nội dung hoặc hình thức nào đó của truyện, chẳng hạn:

+ Phân tích, đánh giá nhân vật Quận Huy trong đoạn trích Kiêu binh nổi loạn (trích tiểu thuyết Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái).

+ Phân tích, đánh giá các nhân vật Trương Phi và Quan Công qua đoạn trích Hồi trống Cổ Thành (trích tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của Lê Quán Trung)

+ Phân tích, đánh giá nghệ thuật xây dựng cốt truyện của tác giả Sương Nguyệt Minh trong truyện Người ở bến sông Châu.

b. Để viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện, các em cần chú ý:

- Xác định rõ yêu cầu nghị luận mà đề văn đã nêu.

- Đọc lại văn bản truyện được nêu trong đề.

- Xác định vấn đề cụ thể (nội dung, hình thức) mà bài viết sẽ phân tích, đánh giá.

- Suy nghĩ và thực hiện theo các bước viết bài văn nghị luận văn học.

2. Thực hành

Bài tập (trang 59 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Phân tích và đánh giá nhân vật dì Mây trong truyện “Người ở bến sông Châu” của Sương Nguyệt Minh.

a. Chuẩn bị

- Xem lại phần Kiến thức Ngữ văn và nội dung đọc hiểu văn bản truyện Người ở bến sông Châu. Chú ý những chi tiết bộc lộ phẩm chất nhân vật dì Mây: từ ngữ, hình ảnh, nhân vật (ngoại hình, lời nói, hành động, …), sự kiện, lời nhận xét từ người kể chuyện và các nhân vật khác trong truyện, …

- Đọc kĩ đề bài và chú ý các vấn đề đã nêu trong mục Định hướng ở trên để vận dụng vào phần thực hành này.

b. Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý bằng cách đặt và trả lời câu hỏi như:

Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện - Ngắn nhất Cánh diều (ảnh 1)

- Dì Mây là nhân vật trung tâm của tác phẩm, tính cách và phẩm chất hiện lên qua các tình huống:

Ngày dì Mây về làng, chú San đi lấy vợ

+ Trở về quê hương xúc động, nghẹn ngào.

+ Ngổn ngang, tan nát khi thấy nhà chú San đám cưới.

+ Khi nói chuyện với chú San: đau khổ, uất ức – uất ức, tức tưởi, tình cảm sâu nặng cồn cào, da diết như mê mị đi – tỉnh táo, nhận rõ hoàn cảnh, quyết định dứt khoát.

→ Nhân vật là người có tình cảm da diết, sâu nặng, có ý chí mạnh mẽ, bản lĩnh vững vàng và lòng nhân hậu sâu sắc.

Đêm mưa cô Thanh vượt cạn, thai ngôi ngược suýt chết, dì Mây đỡ đẻ cứu hai mẹ con – tình huống sinh tử, khẩn cấp.

+ Trước tình huống nan giải, dễ bị hiểu lầm, tai vạ, có người can ngăn. Dì Mây không toan tính, ích kỉ mà can đảm, tự tin, tận tâm hết sức vì người khác.

+ Dì Mây giúp cô Thanh sinh nở mẹ tròn con vuông.

→ Nhân vật có bản lĩnh vững vàng, vượt lên tình cảm riêng tư, hoàn thành bổn phận, nghĩa vụ đạo đức tốt đẹp của người làm nghề y.

Tình huống khác như: nhận nuôi thằng Cún khi thím Ba chết vì bom bi, gặp lại chú Quang và từ chối tình cảm của chú, sau khi đỡ đẻ cho cô Thanh, qua tiếng ru thằng Cún.

Nhân vật rất nữ tính, đời thường nhưng cũng rất bản lĩnh, nhân hậu.

- Dì Mây là một phụ nữ vừa bình dị, gần gũi như bao phụ nữ khác trong tình yêu, trong khát khao làm vợ, làm mẹ, lại có những phút giây yếu đuối, … nhưng trong những hoàn cảnh thử thách, dì đã thể hiện sự cứng cỏi, bản lĩnh vững vàng, tấm lòng nhân hậu tuyệt vời, hiếm có.

- Đặc sắc nghệ thuật:

+ Tả cảnh sống động. 

+ Tả diễn biến tâm lí.

+ Điểm nhìn trần thuật: di chuyển linh hoạt.

- Người kể chuyện: thâm nhập vào đời sống nội tâm phức tạp của nhân vật, …

- Truyện không chủ ý viết về chiến tranh, bom đạn; về những gian khổ, hi sinh của người nữ chiến sĩ ở chiến trường. Truyện tập trung kể về sự hi sinh thầm lặng, bản lĩnh phi thường, phẩm chất tốt đẹp của người nữ thương binh giữa đời thường. Mây, người nữ chiến sĩ quân y Trường Sơn, vốn đã chịu thương tật vì bom đạn, nay trở về quê hương đúng ngày người yêu đi lấy vợ, phải nhận thêm chấn thương tinh thần đau đớn, dai dẳng. Không muốn một người phụ nữ nữa (cô Thanh) phải chịu đau khổ như mình, dì Mây chấp nhận rời xa chú San, lặng lẽ sống nơi lều cỏ bên bến sông Châu. Người phụ nữ ấy không gục ngã vì hai lần đau đớn, vì sự trớ trêu của số phận. Bằng bản lĩnh, nghị lực phi thường, chị đã hoà nhập vào đời sống, sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm mới, sống nghĩa tình, nhân hậu, yêu thương giữa cuộc đời. Bản lĩnh và lòng nhân hậu của nhân vật dì Mây thật đáng ngưỡng mộ. Cuộc sống hôm nay, tuy không còn chiến tranh, bom đạn, nhưng nghị lực phi thường và lòng nhân hậu của nhân vật dì Mây có sức mạnh cổ vũ mọi người can đảm đối mặt và sẵn sàng vượt qua những những tình huống khó khăn trong cuộc sống, có ý chí vươn lên làm người tốt, sống có ích giữa cuộc đời.

- Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn và sắp xếp các ý theo bố cục 3 phần:

Mở bài

Giới thiệu khái quát về nhân vật và vấn đề sẽ phân tích.

Thân bài

- Nêu bối cảnh lịch sử - xã hội của truyện Người ở bến sông Châu

+ Tóm tắt về cuộc đời dì Mây: Hoàn cảnh gia đình, tình yêu của dì Mây với chú San trước chiến tranh; cuộc sống chiến đấu của dì Mây ở chiến trường, cuộc sống của dì Mây ngày trở về quê hương, ...

+ Phân tích nhân vật dì Mây thông qua các tình huống trớ trêu, đau khổ; những lựa chọn khó khăn và lòng can đảm khi đối mặt với những thứ thách của tác giả.

+ Nêu cảm nhận, suy nghĩ của em về nhân vật dì Mây.

Kết bài

- Nêu khái quát thành công của tác giả của tác giả qua việc xây dựng nhân vật.

- Từ nhân vật dì Mây, liên hệ và nêu cảm nghĩ của em về thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm.

c. Viết

- Dựa vào dàn ý đã chuẩn bị đã viết bài văn hoàn chỉnh

- Cần chú ý: Bài viết đủ ba phần; các luận điểm trong phần thân bài cần làm rõ cho vấn đề nêu ở mở bài (phân tích, đánh giá về nhân vật dì Mây); các ví dụ (bằng chứng) lấy từ truyện Người ở bến sông Châu phải phù hợp, vời lời văn trong sáng, thể hiện được thái độ, tình cảm của người viết đối với nhân vật được phân tích, …

Bài làm tham khảo

Nhân vật Dì Mây trong truyện ngắn “Người ở bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng là một trong những nhân vật bộc lộ được bản chất người lính đã trải qua cuộc chiến tranh, thấy được sự hy sinh mất mát, và nỗi đau khôn cùng của người phụ nữ Việt Nam.

Truyện viết về cuộc đời của dì Mây - một người phụ nữ đẹp nhưng lại có số phận đau thương, vây hãm cả đời. Dì đại diện cho một thế hệ thanh niên đã dâng hiến quãng đời thanh xuân tươi đẹp nhất cho cách mạng. Tuổi trẻ của dì là những ngày tháng lăn lộn trên khắp các nẻo đường Trường Sơn. Dì Mây có một mối tình đằm thắm, trong sáng với chú San, tuy nhiên lại rơi vào nghịch cảnh éo le: ngày cô trở về quê cũng là ngày người yêu – San đi lấy vợ vì tưởng cô hy sinh. Ngay đêm tân hôn, biết tin Mây còn sống quay về, San đã tìm gặp Mây. Anh xin cô được bỏ vợ để cả hai làm lại từ đầu. Mây khóc, từ chối vì cho rằng: “Một người phụ nữ đau khổ và lỡ dở đã là quá đủ”.

Ngoài nỗi buồn mất đi người mình yêu, dì Mây còn phải chịu những hậu quả do chiến tranh để lại. Từ một người con gái xinh đẹp trở thành một người tàn tật, vô cùng thương xót “Dì Mây bước tập tễnh, tóc Dì Mây rụng nhiều, xơ và thưa, dì có chân giả, chống nạng gỗ”. Tuy nhiên, không vì điều đó mà dì lại cảm thấy tủi thẹn, dì luôn luôn cảm thấy tự hào, vì đã dâng hiến quãng đời thanh xuân tươi đẹp cho cách mạng: “Dì Mây chắn cửa hầm che chở cho thương binh, …”. Bởi vậy, cuộc sống của dì Mây khi trở về quê hương cũng có sự thay đổi thay. Ai nấy trong gia đình đều cảm thấy thương dì, cuộc đời của dì thật đau xót. Những đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng dì Mây đã cho thấy một hình ảnh người phụ nữ kiên cường, đầy nỗi bất hạnh vì chiến tranh. Cuộc chiến đã cướp đi tất cả: tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc và mài mòn dần những gì còn sót lại của dì khi trở về sau chiến tranh.

Càng éo le hơn khi truyện đẩy nhân vật dì Mây vào những tình huống vô cùng trớ trêu và đau khổ. Khi dì đứng trước sự lựa chọn về tinh yêu của mình, dì đã cam đảm đối mặt với nó, mặc dù buồn, vẫn còn thương chú San nhiều nhưng dì đã cương quyết dứt khoát với chú “Thôi! Thôi! Lỡ rồi! Đằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ. Anh về đi!”, “Sự thế đã thế, cố mà sống với nhau cho vuông tròn”. Chưa dừng lại ở đó, tác giả lại một lần nữa đẩy nhân vật vào tình huống mà khiến dì phải đấu tranh lí trí và cảm xúc của bản thân. Đó là khi vợ chú San - cô Thanh vượt cạn thiếu tháng và dì Mây đã cố gắng hết sức đỡ đẻ cho cô mặc kệ lời thím Ba can ngăn. Chi tiết dì khóc ngay sau khi đỡ đẻ thành công cho vợ chú San, đã để lại cho người đọc nhiều xúc động. Giá như không đi bộ đội, nếu không có chiến tranh, thì cũng không bị chiến tranh làm xa cách dì Mây cũng có thể hạnh phúc bên chú San. Qua đây, em thấy được hình tượng của một người phụ nữ dưới thời chiến, đó là một người xinh đẹp, gan dạ và đầy lòng nhân ái, vị tha. Người phụ nữ mặc dù trải qua những khó khăn, thử thách ở những tình huống nghịch cảnh, đau khổ nhưng vẫn quyết tâm đối mặt với nó, với số phẩn của bản thân.

Tác giả đã vô cùng thành công trong việc xây dựng nhân vật dì Mây. Chúng ta thấy được rõ hơn những góc khuất của chiến tranh, những câu chuyện buồn dưới thời chiến. Chưa bao giờ, trong văn học Việt Nam xuất hiện người phụ nữ trở về sau chiến tranh lại bi thương đến vậy. Từ đó, ta mới càng cảm thông hơn với những số phận của họ và thật biết ơn với những công lao của họ để chúng ta có được cuộc sống như ngày hôm nay.

d. Kiểm tra và chỉnh sửa

Đọc lại bài văn đã viết. Đối chiếu với mục 1. Định hướng và dàn ý ở trên để phát hiện và sửa lỗi theo yêu cầu sau:

Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện - Ngắn nhất Cánh diều (ảnh 1)

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện

Tự đánh giá: Ngày cuối cùng của chiến tranh

Hướng dẫn tự học trang 67

Tri thức ngữ văn trang 68

Đất nước

1 14755 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: