Soạn bài Thuyết trình và thảo luận về một vấn đề xã hội - Ngắn nhất Cánh diều

Với soạn bài Thuyết trình và thảo luận về một vấn đề xã hội Ngữ văn lớp 10 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

1 1379 lượt xem
Tải về


Soạn bài Thuyết trình và thảo luận về một vấn đề xã hội

1. Định hướng

a) Ở Bài 1, các em đã thuyết trình và thảo luận về một vấn đề xã hội có thực trong cuộc sống hoặc được gợi ra từ một hay một số tác phẩm văn học. Phần này tiếp tục luyện tập thuyết trình và thảo luận về một vấn đề xã hội nhưng là vấn đề tư tưởng, đạo lí.

b) Để thuyết trình, thảo luận về một vấn đề xã hội, các em cần:

- Lựa chọn vấn đề thuyết trình (những tư tưởng, đạo lí có ý nghĩa thời sự, ảnh hưởng tới đời sống xã hội, được nhiều người quan tâm,...) như đã gợi ý trong phần Viết ở trên.

- Tìm hiểu kĩ nội dung vấn đề cần thuyết trình, tránh trường hợp không phù hợp với thời gian.

- Xác định rõ người nghe bài thuyết trình là ai để có cách trình bày phù hợp.

- Xác định thời lượng trình bày bài thuyết trình.

- Chuẩn bị dàn ý cho bài thuyết trình, tránh viết thành văn để đọc.

- Chuẩn bị các tư liệu, thiết bị hỗ trợ như máy tính, máy chiếu, video, tranh, ảnh,... (nếu cần).

- Người nghe cần chuẩn bị vấn đề và câu hỏi để tham gia thảo luận. Người nghe cũng có thể đề xuất các vấn đề mà bản thân thấy cần được đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, cần chú ý đến thời gian cho phép của buổi thuyết trình.

2. Thực hành

Bài tập (trang 26 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

Đề bài: Hãy thuyết trình quan niệm của em về lòng yêu nước.

a) Chuẩn bị

- Dựa vào dàn ý phần Viết ở trên để thuyết trình.

- Sắp xếp lại tranh, ảnh, chuẩn bị video, máy tính, máy chiếu phục vụ cho buổi thuyết trình (nếu cần).

- Trao đổi với bạn trong nhóm về nội dung và hưởng trình bày, thuyết trình

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Bổ sung, chỉnh sửa dàn ý bài viết thành đề cương bài thuyết trình.

- Lựa chọn, bổ sung, thêm bớt nội dung cho phù hợp với đối tượng, yêu cầu, thời gian và điều kiện thuyết trình.

c) Nói và nghe

- Người chủ trì: Nêu vấn đề, thống nhất cách thức trình bày, thảo luận, mời người nói trình bày ý kiến.

Soạn bài Thuyết trình và thảo luận về một vấn đề xã hội - Ngắn nhất Cánh diều (ảnh 1)

- Thảo luận: Sau khi người nói trình bày xong, người chủ trì mời người nghe phát biểu ý kiến hoặc nêu câu hỏi, tranh luận, …

- Kết thúc thảo luận: Người chủ trì tổng hợp ý kiến của cả nhóm về vấn đề thảo luận, những điểm đã thống nhất và những điểm còn tranh luận (nếu có).

* Bài nói mẫu tham khảo

Xin chào tất cả các bạn. Các bạn thân mến! Lòng yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc ta được lưu truyền và phát huy từ đời này qua đời khác. Nó không những không bị mai một đi mà ngày càng được phát huy một cách mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong xã hội hiện nay.

Lòng yêu nước chính là lòng yêu quê hương, xóm làng, yêu núi sông, yêu Tổ quốc hay yêu những thứ nhỏ bé, bình dị nhất xung quanh cuộc sống của mỗi chúng ta. Lòng yêu nước còn là khát vọng dựng xây, phát triển đất nước ngày một giàu mạnh hơn, rạng rỡ hơn.

Có thể nói, tình yêu nước được thể hiện với muôn hình vạn trạng. Ở mỗi giai đoạn, mỗi hoàn cảnh khác nhau thì tình yêu nước lại có những biểu hiện ngời sáng khác nhau. Trong những năm tháng kháng chiến oanh liệt của dân tộc thì lòng yêu nước chính là tinh thần bất khuất, lòng khao khát độc lập tự do đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm và bè lũ bán nước. Là tinh thần đoàn kết đùm bọc lẫn nhau qua những năm tháng mưa bom bão đạn. Là sự nhiệt thành cách mạng, là sự hi sinh quên mình của những người lính nơi đầu súng ngọn gió, là sự hi sinh thầm lặng của những người mẹ, người vợ nơi hậu phương… Lớp lớp những thế hệ hi sinh quên mình vì Tổ quốc mà lịch sử còn nhắc tên họ mãi. Chúng ta làm sao có thể quên một anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, một Phan Đình Giọt lấy thân mình lấp lỗ châu mai… và hàng ngàn những người con đã ngã xuống vì màu cờ đỏ thắm, vì độc lập tự do, vì lòng yêu nước sáng ngời.

Nếu như trong thời chiến lòng yêu nước là sự quả cảm, anh dũng chiến đấu thì trong thời bình tinh thần yêu nước lại chính là sự đoàn kết, sự giúp đỡ lẫn nhau để dựng xây lên một đất nước ngày một giàu mạnh hơn. Lòng yêu nước là không ngừng học hỏi, không ngừng phấn đấu để làm rạng danh dân tộc, rạng danh 2 tiếng Việt Nam. Một giáo sư Ngô Bảo Châu với giải thưởng về toán học danh giá. Một vận động viên Ánh Viên với những kỉ lục liên tiếp được phá vỡ với môn bơi lội… Đó chỉ là một số trong rất nhiều tấm gương những người Việt đang không ngừng phấn đấu để làm rạng danh Tổ quốc.

Lòng yêu nước không phải là thứ  gì đó xa vời nhưng nó lại có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi con người và với mỗi quốc gia, dân tộc. Lòng yêu nước giúp con người xích lại gần nhau hơn, đoàn kết và tạo nên sức mạnh tập thể vô cùng to lớn. Sức mạnh ấy có thể giúp một nước nhỏ bé như Việt Nam quật ngã được 2 đế quốc thực dân sừng sỏ là Pháp và Mỹ. Sức mạnh ấy giúp Việt Nam từ một nước nghèo và lạc hậu sau chiến tranh đang ngày một chuyển mình đứng dậy để sánh vai với các cường quốc 5 châu. Thử hỏi, nếu không có lòng yêu nước, không có tinh thần dân tộc thì cuộc sống hiện tại sẽ ra sao? Đó sẽ là một viễn cảnh u ám khi mà con người sống thờ ơ, vô cảm với chính mình và với cộng đồng. Sẽ không còn yêu thương, không còn đoàn kết.

Thế nhưng, trong xã hội hiện nay vẫn còn một số những phần tử tiêu cực phản động, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng, xã hội. Chúng luôn có những thủ đoạn nhằm làm bôi nhọ danh dự của Đảng và Nhà nước, làm xấu đi lý tưởng xã hội chũ nghĩa. Hoặc có những con người sống vô cảm, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mà quên đi những giá trị của cuộc sống, quên đi những người xung quanh. Những con người như vậy cần phải được giáo dục và thay đổi nhận thức vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Bản thân là những người trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, mỗi chúng ta cần có ý thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của lòng yêu nước, từ đó, không ngừng cố gắng học tập, trau dồi bản thân để hoàn thiện chính mình và giúp ích cho xã hội.

Có thể nói, lòng yêu nước là một trong những truyền thống quý báu đáng tự hào của dân tộc ta. Nó không chỉ là cầu nối từ thế hệ này sang thế hệ khác mà còn là cái nôi chắp cánh hi vọng cho những thế hệ tương lai. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe bài thuyết trình của tôi và tôi cũng hi vọng được lắng nghe thêm những quan niệm khác của các bạn về lòng yêu nước.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Người nói

Người nghe

- Rút kinh nghiệm về bài thuyết trình:

+ Đã thuyết trình đầy đủ các nội dung chuẩn bị trong đề cương chưa?

+ Cách thức trình bày, phong thái, giọng điệu, ngôn ngữ,... có phù hợp không?

+ Hiệu quả sử dụng các phương tiện hỗ trợ như thế nào?  

- Đánh giá chung: những thành công và hạn chế của bài thuyết trình; hướng khắc phục, sửa chữa.

- Kiểm tra kết quả nghe:

+ Nội dung nghe và ghi chép lại đã chính xác chưa?

+ Thu hoạch được những gì về nội dung và cách thức giới thiệu một vấn đề xã hội.

- Rút kinh nghiệm về thái độ nghe:

+ Đã chú ý và tôn trọng người nói chưa?

+ Có nêu được câu hỏi và tham gia ý kiến trong quá trình thảo luận không?

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Tự đánh giá: Thư dụ Vương Thông lần nữa

Hướng dẫn tự học trang 32

Tri thức ngữ văn trang 33

Kiêu binh nổi loạn

Người ở bến sông Châu

1 1379 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: