Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ - Ngắn nhất Cánh diều

Với soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ Ngữ văn lớp 10 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

1 16209 lượt xem
Tải về


Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ

1. Định hướng

a) Viết bài nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ là nêu lên và làm rõ ý kiến của người viết về giá trị nội dung, nghệ thuật (cái hay, cái đẹp của một tác phẩm thơ nào đó. 

- Khi đánh giá, có thể nêu cả các hạn chế cũng như những điều tâm đắc, những phát hiện riêng của bản thân về tác phẩm thơ.

* Tìm hiểu bài mẫu:

Câu hỏi (trang 81 – 82 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

1. Mở đầu nêu nội dung gì?

→ Giới thiệu tên bài thơ, vị trí và nội dung chính của bài thơ “Tự tình”

2. Người viết phân tích bài thơ theo trình tự nào?

→ Theo kết cấu đề - thực – luận – kết của thơ Đường luật.

3. Những chi tiết, yếu tố nào của bài thơ được chú ý phân tích?

→ Nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

4. Chú ý các nhận xét của người viết khi phân tích.

→ “Một cảm giác về … cũng mơ hồ”, “Vầng trăng … tượng trưng”, …

5. Đoạn này có phải nêu khái quát về bài thơ.

→ Đoạn văn khái quát, tổng hợp lại nội dung, chủ đề tư tưởng của bài thơ.

- Khi phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ cần chú ý:

+ Nội dung của tác phẩm thơ thể hiện qua các yếu tố như đề tài, chủ đề, tư tưởng, tình cảm và thái độ, ... của chủ thể trữ tình.

+ Nghệ thuật của tác phẩm thơ thể hiện ở các yếu tố hình thức thể loại như: thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, các biện pháp tu từ, ...

+ Nội dung và nghệ thuật liên quan chặt chẽ với nhau. Vì thế, khi phân tích cần làm rõ vai trò và tác dụng của các yếu tố hình thức nghệ thuật trong việc làm nổi bật nội dung.

+ Nghị luận về một tác phẩm thì có thể yêu cầu phân tích, đánh giá toàn bộ tác phẩm, đoạn trích hoặc tập trung vào một số nội dung, hình thức của tác phẩm thơ.

b) Để viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá tác phẩm thơ, các em cần:

- Đọc kĩ tác phẩm thơ, chú ý xác định nội dung và các yếu tố hình thức nổi bật. Chỉ ra giá trị của các yếu tố hình thức trong việc thể hiện nội dung, chủ đề của tác phẩm thơ.

- Xác định các luận điểm trong bài viết; lựa chọn các dẫn chứng từ tác phẩm thơ cho mỗi luận điểm.

- Liên hệ với các tác giả, tác phẩm có cùng đề tài, chủ đề, so sánh để nhận xét điểm gặp gỡ và sáng tạo riêng của tác giả được thể hiện trong tác phẩm thơ.

- Suy nghĩ, nhận xét về những thành công và hạn chế (nếu có) của tác giả, về giá trị và sự tác động của tác phẩm thơ đối với người đọc và với chính bản thân em.

2. Thực hành

Bài tập (trang 83 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Chọn một trong hai đề sau đây để viết bài văn phân tích, đánh giá về bài thơ, đoạn thơ:

Đề 1: Hãy viết bài văn phân tích, đánh giá bài thơ “Mùa hoa mận” của Chu Thuỳ Liên. 

Đề 2: Cảm nhận của em về vẻ đẹp của đoạn thơ:

“Sáng mát trong như sáng năm xưa 

Gió thổi mùa thu hương cốm mới 

Tôi nhớ những ngày thu đã xa 

 

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội 

Những phố dài xao xác hơi may 

Người ra đi đầu không ngoảnh lại 

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.

(Đất nước - Nguyễn Đình Thi)

a) Chuẩn bị (ví dụ với đề 2)

- Đọc kĩ đề bài, xác định yêu cầu của đề (Vẻ đẹp của đoạn thơ: nội dung và nghệ thuật; phạm vi dẫn chứng: hai khổ thơ đầu của bài thơ Đất nước,...).

- Đọc kĩ lại đoạn thơ; chú ý vị trí của đoạn thơ, thể thơ, cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ, các hình ảnh, biện pháp tu từ được sử dụng...

b) Tìm ý và lập dàn ý 

- Tìm ý cho bài viết theo gợi dẫn sau:

+ Đoạn thơ thuộc phần nào trong bài Đất nước?

→ Phần mở đầu bài thơ.

+ Nhân vật trữ tình bộc lộ cảm xúc, tâm trạng gì trong đoạn thơ?

→ Tâm trạng buồn, tràn đầy nhung nhớ

+ Tác giả đã sử dụng thành công những yếu tố nghệ thuật nào để biểu đạt nội dung (thể thơ, hình ảnh, từ ngữ, biện pháp tu từ, ...)?

→ So sánh, từ láy,…Nhịp điệu của câu thơ cuối nói riêng, đoạn thơ nói chung cũng đã góp phần diễn tả cái tâm trạng rất thực của người ra đi nói trên: chậm rãi đều đều trầm lắng như nhịp bước của người ra đi, quả quyết và lưu luyến, lặng lẽ, mà xao động.

+ Đoạn thơ gợi cho em những cảm xúc, suy nghĩ, liên tưởng như thế nào?

Đoạn thơ chỉ có bảy câu thơ nhưng vừa có hình, có tình, có nhạc, có ánh sáng, màu sắc. Nó xứng đáng là một trong những đoạn thơ hay nhất viết về mùa thu.

- Lập dàn ý cho bài viết:

Mở bài

Giới thiệu khái quát về bài thơ và nêu vấn đề: Vẻ đẹp về nội dung và nghệ thuật trong hai khổ thơ mở đầu bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi. Ví dụ: Đất nước của Nguyễn Đình Thi là một bài thơ hay. Bằng những hình ảnh, ngôn ngữ tinh tế, trong sáng, hai khổ thơ đầu trong bài đã mở ra dòng hoài niệm của nhân vật trữ tình về mùa thu Hà Nội trong quá khứ.

Thân bài

+ Giới thiệu về đoạn thơ (tác giả, hoàn cảnh ra đời của đoạn thơ,...). 

+ Phân tích, đánh giá đoạn thơ để làm rõ vấn đề của bài viết. Người viết có thể sắp xếp các ý theo trật tự khác nhau (theo bố cục, mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình, theo các khía cạnh của vấn đề,...). Ví dụ, có thể sắp xếp nội dung phân tích, đánh giá hai khổ thơ đầu của bài Đất nước theo bố cục, mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình như sau: 

• Tín hiệu gợi nhớ về những ngày thu đã xa" (phân tích, đánh giá nội dụng và nghệ thuật của khổ thơ đầu). 

• Mùa thu Hà Nội trong quá khứ qua hoài niệm của nhân vật trữ tình (phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của khổ thơ sau).

Kết bài

+ Khái quát, tổng hợp lại vẻ đẹp nội dung và hình thức của đoạn thơ. 

+ Nêu suy nghĩ, đánh giá khái quát và cảm xúc của bản thân về đoạn thơ.

c) Viết

- Viết văn theo dàn ý đã lập.

- Chú ý nêu rõ cảm nhận, ý kiến của bản thân về vẻ đẹp của đoạn thơ, bài thơ; diễn đạt có cảm xúc trung thực, không sao chép văn mẫu; dùng từ ngữ chính xác và viết đúng chính tả, ngữ pháp, …

* Bài viết mẫu tham khảo:

Đề 1:

Với người dân vùng núi Tây Bắc sắc trắng của hoa mơ, hoa mận không chỉ là tín hiệu của mùa xuân mà còn là tín hiệu của quê hương. Với những người xa quê chỉ nhìn thấy sắc trắng hoa mơ, hoa mận qua hình ảnh trên tivi, báo đài thôi cũng thấy xao xuyến và bồi hồi khó tả. Bài thơ “Mùa hoa mận” được tác giả Chu Thuỳ Liên sáng tác đúng tháng chạp năm 2007 đã thể hiện nỗi nhớ sâu sắc về quê hương, buôn làng của những người đi xa thông qua sắc trắng quen thuộc đó.

Bài thơ có ba khổ thơ, mỗi khổ thơ đều bắt đầu bằng hình ảnh hoa mận nở trắng muốt “cành mận bung cánh muốt”, sắc trắng tinh khôi của hoa mận nở khắp vùng trời Tây Bắc dường như chính là tín hiệu của mùa xuân. Và cũng từ đây nó là cái cớ để nhà thơ tuôn trào những cảm xúc về quê hương mình. Dưới tán mận, dưới sắc trắng tinh khôi của hoa mận, toàn bộ sinh hoạt bình dị của dân làng hiện ra, thân thương mà thiêng liêng làm sao:

Cành mận bung cánh muốt

Lũ con trai háo hức chơi cù

Lũ con gái rộn ràng khăn áo

Bóng bay nâng ước mơ con trẻ

Vui nhất và háo hức nhất khi xuân về chính là lũ trẻ nhỏ. Chúng rộn ràng, sung sướng vì được mặc áo mới, được chơi những trò chơi dân gian mà không sợ cha mẹ mắng. Con trai thì “háo hức chơi cù”, “con gái thì rộn ràng khăn áo”, ... niềm vui ấy như lan toả sang cả không khí xung quanh. Các từ láy “háo hức”, “rộn ràng” khiến ý thơ tươi vui, rộn rã, dường như ta thấy được nụ cười trong trẻo của lũ trẻ. Dường như cành mận cũng đã cùng vui với lũ trẻ, chứng kiến bao ước mơ và theo con đường trưởng thành của chúng.

Cành mận bung cánh muốt

Giục mẹ xôn xang lá, gạo

Giục cha vui lòng căng cánh nỏ

Giục người già bản hối hả làm đu

Không khí thật nhộn nhịp, tất bật và khẩn trương. Dưới tán mận mẹ vội vàng rửa lá, ngâm gạo để chuẩn bị thổi xôi, làm bánh cúng tổ tiên, mong mỏi một vụ mùa no ấm. Cha đi căng cánh nỏ, người già hối hả làm đu, để chuẩn bị cho những trò chơi dân gian vào năm mới. Động từ “giục” xuất hiện liên tiếp ở ba dòng thơ “giục mẹ”, “giục cha”, “giục người già”, ... tất cả gợi một không khí thật khẩn trương, rộn rã, tưng bừng. Cả buôn làng từ già đến trẻ đều đang háo hức, phấn khởi chờ đón một mùa xuân mới về.

Cành mận bung cánh muốt

Nhà trình tường ủ hương nếp

Giục lửa hồng nở hoa trong bếp

Cho người đi xa nhớ lối trở về

Trong những ngôi nhà truyền thống mùi hương nếp tỏa ra thơm lừng. Dân làng thổi xôi, làm cơm rượu nếp, ủ men lá, thịt lợn, làm bánh… căn bếp không khi nào hết ánh lửa bập bùng. Không khí thật ấm cúng, hạnh phúc làm sao. Tác giả thật tinh tế khi viết “giục lửa hồng nở hoa trong bếp”, khiến chúng ta cảm nhận được hương vị của mùa xuân đã lan tỏa khắp các ngõ ngách của buôn làng.

Màu trắng của hoa mận, cánh trắng tinh khôi, sắc trắng bao trùm cả những con đường, ven suối, bản làng làm cho quê hương đẹp hơn. Chính màu sắc ấy cũng dấy lên trong lòng những người xa quê cảm xúc bồi hồi, nhớ thương da diết. Ai đi xa chẳng mong trở về, nhất là khi năm mới đến, con người ta lại càng da diết với nỗi nhớ quê hương hơn. Hoa mận như là hoài niệm, như là tín hiệu dẫn lối con người ta trở về với quê hương, nơi ta sinh ra và gắn bó suốt những năm tháng tuổi thơ.

Bài thơ có ba khổ, viết theo thể thơ 5 chữ, không gieo vần, không nặng nề về hình thức. Mạch cảm xúc của nhà thơ chi phối đến mạch chung của bài thơ. Bằng những nét vẽ tinh tế nhà thơ đã giúp bạn đọc cảm nhận được vẻ đẹp cùng không khí rộn ràng của quê hương vào những ngày xuân sang. Qua đó dấy lên trong lòng mỗi người tình yêu tha thiết với nơi chôn nhau cắt rốn.

Đề 2:

"Tháng tám mùa thu, lá rơi vàng chưa nhỉ? Từ độ người đi, thương nhớ âm thầm, ..." Nhắc về mùa thu của non sông Việt Nam thì chẳng đâu hơn mùa thu của Hà Nội, cái mùa mà mỗi con người Việt Nam luôn cảm thấy bồi hồi, thân thương nhất. Mùa thu của một Hà Nội - Thăng Long ngàn năm văn hiến cứ vấn vương, da diết trong ta biết bao điều. Thu Hà Nội thật đẹp, thật nên thơ, trữ tình. Chẳng vậy mà bất cứ người con nào của Hà Nội đi xa cũng đều nhớ về quê hương, nơi có Hồ Tây chiều hôm, có hương sen thơm, có "hương cốm mới" và có một mùa thu thật dịu dàng. Với Nguyễn Đình Thi cũng vậy, Hà Nội trong ông, quê hương đất nước trong ông là một mùa thu của Hà Nội thật bình yên, vương vấn tâm hồn người:

"Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa

 

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy."

Chẳng phải mùa xuân với những đóa hoa thơm rực rỡ khoe sắc màu, không phải mùa hạ với tiếng ve kêu râm ran, cũng chẳng phải mùa đông với những vạt sương bảng lảng trên mặt hồ Gươm buổi sớm, mùa thu của Hà Nội mới là thứ khiến cho Nguyễn Đình Thi luôn bâng khuâng mỗi khi nhớ về. Bởi Hà Nội đẹp nhất, dịu dàng nhất có lẽ chính trong những ngày với sắc trời thu này. Mang tâm sự của một người ra đi, Nguyễn Đình Thi đã vẽ lại mùa thu ly biệt thật đặc sắc đã từ nửa thế kỉ trước thế mà vẫn khiến tâm hồn người đọc chúng ta vương vấn mãi không thôi.

Mở đầu bài thơ, Nguyễn Đình Thi đã viết trong nỗi nhung nhớ đến cháy lòng, nhớ một mùa thu đã xa. Ông đã xúc động mà viết lên cái hồn của đất nước muôn đời để mở đầu cho bài thơ "Đất nước":

"Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới".

Những rung động sâu thẳm trong tâm hồn tác giả đã khiến ông tái hiện lên một mùa thu trong nỗi nhớ miên man của mình. Những sáng mùa thu với hương gió lạnh se se áo, với những chùm hoa sữa ngất ngây lòng người, với bầu trời xanh, với khí trong lành, ... Như Nguyễn Khuyến cũng đã gợi tả:

"Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt"

Phải, bầu trời ấy thật trong lành, "mát trong" biết bao nhiêu như những ngày tháng "năm xưa". Chỉ với hai từ "mát trong" dường như khiến cho tâm hồn của chúng ta được đắm trong cái không khí của làn gió thu mơn man khắp da thịt, thổi mát của tâm hồn con người khiến cho ta thật lâng lâng. Chỉ với hai chữ này thôi, cả một mùa thu với khí thu, hồn thu của sông núi được tóm lại thật gọn gàng, với màu sắc thật đẹp đẽ. Ở đây, Nguyễn Đình Thi đã sử dụng phép so sánh giữa hiện tại và quá khứ "sáng mát trong" của ngày hôm nay với "sáng năm xưa". Đặt vào thời điểm sáng tác bài thơ này, chúng ta mới thật hiểu được ý của tác giả. Bài thơ được sáng tác trong vòng tám năm, tám năm trời thai nghén từ 1948 đến 1955, biết bao mùa thu đã đi qua Hà Nội, có những năm tháng chiến tranh tàn khốc, có những năm tháng thật êm dịu. Thế nhưng, sáng mùa thu này, thu Hà Nội trở lại là thu Hà Nội, dịu dàng, trong trẻo như xưa, như những ngày thu êm đềm, chiến tranh chưa bắt đầu. Hay cũng có thế là mùa thu độc lập đầu tiên sau những năm tháng dài của chiến tranh khi Bác Hồ thân yêu của chúng ta đứng giữa quảng trường Ba Đình lịch sử dõng dạc đọc bản Tuyên Ngôn khai sinh ra một nước Việt Nam độc lập tự do? Nhưng dù là gì thì mùa thu Hà Nội vẫn "mát trong" như thế, vẫn đẹp và bình yên như thế.

Câu thơ thứ hai, Nguyễn Đình Thi đã viết:

"Gió thổi mùa thu hương cốm mới"

Nếu nhắc về thu Hà Nội mà không nhắc tới món cốm gói trong lá sen thì có lẽ sẽ là một thiếu sót lớn. Thế nên, trong cái nhớ lưu luyến của một người sắp đi xa, thức quà đặc sản mà Nguyễn Đình Thi nhớ nhất là món cốm làng Vòng. Hương gió thu thoang thoảng thổi qua đây mang theo "hương cốm mới". Cái hương cốm ấy quyện sánh lại trong làn gió thu, lướt qua những con phố, phả vào lòng người nỗi nhớ bâng khuâng mùi lúa nếp non, mùi cốm mới thơm nồng. Nó khiến cho con người bừng lên nỗi nhớ da diết không thôi cái hương vị đậm đà của quê hương xứ sở. Người Hà Nội đi đâu cũng không thể nào quên được cái vị thơm nồng của những hạt cốm được gói trong từng lớp lá sen. Cũng như Hữu Thỉnh, ông nhận ra cái thứ mùi riêng biệt, đặc trưng của mùa thu - "hương ổi", cái mùi hương ấy quấn quýt trong làn gió thu khiến cho ai cũng phải vương vấn:

"Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió thu

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về"

Chẳng phải đến thơ Nguyễn Đình Thi ta mới biết đến món đặc sản ấy của Hà Nội, mà từ trong những bài văn xuôi của Vũ Bằng, của Thạch Lam cũng luôn nhắc nhở rằng: cốm vòng Hà Nội là "thức quà riêng của đất nước", "thức quà thanh nhã và tinh khiết". Nhưng đến với thơ Nguyễn Đình Thi, người ta lại cảm nhận được nét đẹp thoáng chút buồn của hồn quê hương đất nước, của Hà Nội trong hương cốm mùa thu.

Dòng hồi tưởng miên man đưa Nguyễn Đình Thi trở về những năm tháng của quá khứ, nhắc ông nhớ tới những hoài niệm xưa kia. Lòng ông trải ra với bao xúc cảm dồn nén, những kỉ niệm xưa ùa về, dâng tràn trong nỗi lòng người thi sĩ:

"Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may"

"Những ngày thu đã xa" mà Nguyễn Đình Thi nhắc tới phải chăng là những ngày thu trước ngày giã biệt quê hương, Hà Nội ra đi vì sông núi non sông, vì dân tộc yêu dấu. Những ngày thu đó giờ đã trở thành miền kí ức "đã xa", hằn in dấu lên tâm hồn người con của Hà Nội. Ra đi vì chí lớn, nhưng nỗi lòng mang nặng niềm thương với Hà Nội thân yêu, để đền giờ đây bao nhiêu nỗi nhớ cứ ùa về trong lòng thi sĩ, nhắc ông nhớ về sáng thu "chớm lạnh" của thành phố quê hương. Cái "chớm lạnh" se se của đầu thu ấy đã gieo vào lòng người biết bao nhung nhớ. "Chớm lạnh" nghe sao mà gợi tả gợi tình, nó không chỉ diễn tả những cơn gió vừa se se hiu hắt của những buổi sáng mùa thu mà còn ẩn trong đó là cảm nhận của con người. Vậy giữa những ngày "chớm lạnh trong lòng Hà Nội" ấy, ta có gì để nhớ? Ta nhớ "những con phố dài xao xác hơi may". Hà Nội ba mươi sáu phố phường, mỗi con phố lại gợi lên những cảm giác riêng, không khí riêng, để làm lên cái riêng khác biệt của Hà Nội.Chẳng vậy mà Nguyễn Đình Thi lại nhớ da diết "những con phố Hà Nội" lúc mùa thu "chớm lạnh" đến thế! Bởi hình ảnh của những con đường với những chiếc lá vàng bay trong gió thu, mang theo cái hơi thu hiu hiu, khiến cho lòng người thêm se sắt. Nguyễn Đình Thi đã khéo léo lồng vào trong câu thơ một từ Hán Việt "hơi may", vừa tinh tế lại quá đỗi giàu sức tưởng. "Hơi may", cũng có nghĩa là gió lạnh, thế nhưng đọc lên hai tiếng "hơi may", người ta thấy nó sao tình tứ, ngọt ngào quá! Nếu đặt hai từ "gió lạnh" ở đây để thay thế thì không khí của câu thơ chẳng phải cái không khí se se kia sẽ nhuốm màu lạnh giá hay sao?

Trong thơ xưa, Nguyễn Khuyến cũng đã có lần dùng từ "hơi may" để gợi tả những cơn gió thu, cái từ mà chỉ gợi lên cái không khí lành lạnh, se se chứ không phải cái lạnh giá mang hơi thở của mùa đông:

"Lác đác ngô đồng mấy lá bay

Tin thu heo hắt lọt hơi may".

Không những vậy, tác giả còn đặt ở đây từ láy "xao xác". Chỉ nghe thôi người ta đã cảm nhận được âm thanh của những chiếc lá bay, đang nhẹ cuốn trên từng vỉa hè, con phố. Đó là tiếng lá rơi, âm thanh của những nhánh cây đang khẽ rùng mình trong cái "chớm lạnh" đầu thu.

"Những con phố dài xao xác hơi may"

Phố Hà Nội xưa nay luôn nổi tiếng với những vẻ đẹp cổ kính và thu Hà Nội cũng vậy, cũng khiến cho người ta man mác buồn, bâng khuâng một nỗi nhớ tha thiết. Chỉ với vài nét bút, Nguyễn Đình Thi đã vẽ lên một Hà Nội của "những ngày đã xa" với cái chớm lạnh se sắt đầu thu của những cơn gió thu, với cái âm thanh "xao xác hơi may" của những chiếc lá vàng. Ông đã để lại trong lòng chúng ta một cảm nhận rất riêng về thu Hà Nội. Phải yêu thương Hà Nội đến thế nào, hiểu rõ Hà Nội thế nào, ông mới trân quý, mới gợi tả được mùa thu Hà Nội đẹp đến như thế?

Và hai câu cuối của khổ thơ, Nguyễn Đình Thi lại cất lên nỗi lòng của mình trong tâm trạng của người ra đi. Giọng thơ ông vẫn vậy, vẫn buồn thương da diết, nhưng ở đây, cái buồn ấy như nhân lên gấp bội lần vừa sâu lắng lại vừa thiết tha, non nỉ:

"Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy".

"Người ra đi" vì chí lớn non sông, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, biết là thế nhưng sao trong lòng còn vấn vương, còn lưu luyến quá đỗi thế này. Mang trong lòng biết bao kỉ niệm về Hà Nội, về mùa thu của Hà Nội với hương cốm mới, với cái chớm lạnh, cái xao xác của những lá sấu, lá me bay, đó là hành trang để người chiến sĩ bước ra đi. Câu thơ vang lên mà ta nghe thấy cả tiếng lòng quyết tâm đến tột độ của người chiến sĩ. "Không ngoảnh lại" phải chăng đó là sự quyết tâm ra đi để đem về hòa bình, đem về những sáng mùa thu trong mát "như sáng năm xưa"? Nghe đâu đây âm vang của những lời thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của những người lính năm nào!

Câu thơ sau tiếp nối quả là một câu thơ đặc sắc. Người ra đi để lại sau lưng là những giọt nắng thu vương vãi trên thềm nhà, là lá thu rơi trên nền đất, trải rộng trên "những phố dài". Câu thơ không chỉ dùng để tả cảnh mà còn dùng để nói lên nỗi lòng của chính tác giả. Đó là sự lưu luyến, sự ngập ngừng chẳng muốn rời xa. Mặc dù ra đi với quyết tâm "đầu không ngoảnh lại", khí thế là thế, nhưng chẳng thể tránh khỏi những phút lưu luyến, nghẹn ngào nhớ thương. Cái quay lưng của người chiến sĩ quyết tâm là thế, nhưng nghe sao bâng khuâng quá đỗi, bởi người thi sĩ - chiến sĩ ấy còn lưu luyến với quê hương, với mùa thu quê nhà. Cảm xúc ấy dường như là cảm xúc chung của lứa thanh niên trí thức ra đi vì Tổ quốc thời ấy bởi Quang Dũng cũng đã từng viết:

"Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm".

Từ chiến khu xa xôi, người chiến sĩ nhớ về quê nhà với bao tình thương mến, nỗi nhớ man mác sâu nặng chứa chan cả niềm tự hào.

Đoạn thơ trên là đoạn mở đầu của tác phẩm "Đất nước" được thai nghén trong vòng tám năm của tác giả Nguyễn Đình Thi. Đây là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông, không chỉ về mặt ý nghĩa mà là cả nghệ thuật nữa. Đã bao người viết về thu Hà Nội, nhưng chưa ai có cái nhìn vừa cảm quan lại sâu sắc như ông, bởi ông là người con của Hà Nội, gắn bó với Hà Nội suốt những tháng năm tuổi thơ. Mùa thu Hà Nội trong ông mang nỗi buồn day dứt, khó tả, mang theo cả hồn thơ sông núi muôn đời nữa. Một chút "xao xác hơi may", "hương cốm mới", cái "chớm lạnh" trên "những phố dài" cổ kính, tất cả đều làm nên một mùa thu khó quên trong lòng người ly biệt. Vậy nên, dù quyết tâm ra đi vì chí lớn non sông, người khách ly biệt cũng chẳng thể nào thôi lưu luyến nắng thu, lá thu đang "rơi đầy" ngoài "thềm" trong gió thu kia.

Đoạn thơ đã gợi tả xuất sắc hình ảnh của mùa thu Hà Nội trong nỗi nhớ của người ly biệt. Nguyễn Đình Thi đã giúp cho chúng ta càng thêm yêu hơn dáng hình non sông quê hương mình, yêu thêm những con phố cổ kính của Hà Nội - Thăng Long ngàn năm văn hiến.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Đọc lại bài văn đã viết. Đối chiếu với mục 1. Định hướng và dàn ý ở trên để phát hiện và sửa lỗi theo yêu cầu sau:

Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ - Ngắn nhất Cánh diều (ảnh 1)

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm thơ

Tự đánh giá: Khoảng trời, hố bom

Hướng dẫn tự học trang 90

Kiến thức ngữ văn trang 91

Bản sắc là hành trang

1 16209 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: