Soạn bài Người ở bến sông Châu - Ngắn nhất Cánh diều

Với soạn bài Người ở bến sông Châu Ngữ văn lớp 10 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

1 14,710 23/09/2022
Tải về


Soạn bài Người ở bến sông Châu

1. Chuẩn bị

Yêu cầu (trang 42 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

- Xem lại phần Kiến thức ngữ văn để vận dụng vào đọc hiểu văn bản này.

- Khi đọc truyện Người ở bến sông Châu, các em cần chú ý:

+ Nhân vật chính trong truyện là ai? Có số phận như thế nào? Tình cách của nhân vật được thể hiện qua những tình huống nào?

+ Thông điệp tư tưởng mà tác giả muốn nhắn gửi qua truyện ngắn này là gì? Người kể chuyện có thái độ như thế nào đối với các nhân vật trong truyện? Dựa vào đâu để biết được điều đó?

+ Em biết gì về hậu quả của chiến tranh? Hãy chia sẻ những hiểu biết ấy.

- Tìm hiểu thêm về tác giả Sương Nguyệt Minh và truyện Người ở bến sông Châu lựa chọn những thông tin liên quan giúp em hiểu thêm truyện ngắn này.

Trả lời:

- Về truyện Người ở bến sông Châu:

+ Là truyện ngắn hay, nổi tiếng của nhà văn Sương Nguyệt Minh, được chuyển thể thành phim truyện nhựa: Người trở về.

+ Về mội dung: truyện viết về hậu quả chiến tranh, ca ngợi lòng nhân hậu, ý chí, bản lĩnh vững vàng của người nữ thương binh sau cuộc chiến. Câu chuyện xảy ra tại một làng quê miền Bắc. Người nữ chiến sĩ tên Mây đã được báo tử bất ngờ trở về quê hương đúng ngày người yêu đi lấy vợ. Bị thương do chiến tranh, thân thể không còn nguyên vẹn, trẻ trung, xinh đẹp như xưa, giờ đây, người nữ thương binh phải đối mặt với tình huống trớ trêu của số phận, tiếp tục chịu thêm chấn thương tinh thần. Nhưng bằng phẩm chất kiên cường, bản lĩnh vững vàng của người lính, tâm hồn nhân hậu của người phụ nữ, dì Mây đã kiên cường vượt qua hoàn cảnh trớ trêu của số phận, vươn lên làm người tốt, sống có ích giữa cuộc đời.

- Những thông tin về nhà văn Sương Nguyệt Minh:

Soạn bài Người ở bến sông Châu - Ngắn nhất Cánh diều (ảnh 1)

* Tiểu sử

- Nhà văn Sương Nguyệt Minh sinh ngày 15-9-1958.

- Nhà văn tên thật là Nguyễn Ngọc Sơn.

- Quê quán: Yên Mĩ, Yên Mô, Ninh Bình.

- Ông là nhà văn quân đội, đến với sự nghiệp văn chương khá muộn màng. Năm 1992 lần đầu tiên có truyện ngắn đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Hiện tại, nhà văn Sương Nguyệt Minh đang công tác tại ban Sáng tác – Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

* Giải thưởng:

- Giải thưởng cuộc thi bút ký báo Giáo dục thời đại năm 2004 với tác phẩm "Nhọc nhằn gieo chữ vùng cao".

- Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn cuộc thi Nhà xuất bản Giáo dục với tác phẩm "Những bước đi vào đời" năm 2004.

- Giải thưởng Văn học nghệ thuật Bộ Quốc phòng 5 năm 1999 – 2004 với tập bút ký "Trong cơn đại hồng thủy".

- Giải thưởng cuộc thi tập truyện ngắn của Nhà xuất bản Thanh niên với tập truyện ngắn "Đi qua đồng chiều", năm 2004.

- Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội với tác phẩm "Bản kháng án bằng văn", năm 1996.

- Giải thưởng truyện ngắn cuộc thi Cây bút vàng của tạp chí Văn hóa – Văn nghệ Công an (1998 -2001) với tác phẩm "Lửa cháy trong rừng hoang".

- Giải thưởng cuộc thi bút ký Đài tiếng nói Việt Nam năm 2002 -2003 với tác phẩm "Đêm Pà Cò"

- Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2003-2004 với tác phẩm "Mười ba bến nước"

- Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2010.

* Các tác phẩm tiêu biểu:

Đêm Thánh Vô Cùng (tập truyện ngắn, năm 2011)

Lửa cháy trong rừng hoang

Người về bến sông Châu,

Nỗi đau dòng họ,

Nhọc nhằn gieo chữ vùng cao

Bản kháng án bằng văn

Mây bay cuối đường

Đêm làng Trọng Nhân,

Đêm Pà Cò

Nơi hoang dã đồng vọng,

Những bước đi vào đời

Đi qua đồng chiều (tập truyện ngắn, năm 2004)

Mười ba bến nước,

Dị Hương (tập truyện ngắn, năm 2011)

Đàn ông chọn khe ngực sâu (tập tản văn, năm 2013)

Trong cơn đại hồng thủy

Miền hoang  (tiểu thuyết, năm 2014)

2. Đọc hiểu

* Nội dung chính:

Bằng nghệ thuật tạo dựng tình huống truyện độc đáo, sử dụng điểm nhìn linh hoạt, bút pháp miêu tả tâm lí nhân vật sống động, kịch tính; nghệ thuật tả cảnh, sử dụng ẩn dụ, biểu tượng tinh tế. Truyện “Người ở bến sông Châu” đã đề cao, ca ngợi sự hi sinh thầm lặng, bản lĩnh và lòng nhân hậu cao quý của người phụ nữ Việt Nam trong và sau chiến tranh.

Soạn bài Người ở bến sông Châu - Ngắn nhất Cánh diều (ảnh 1)

* Trả lời câu hỏi giữa bài

Câu 1 (trang 43 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Tóm tắt sự việc chính của phần này.

Trả lời:

Phần 1 kể chuyện dì Mây về làng đúng ngày chú San – người yêu cũ lấy vợ, tâm trạng ngổn ngang, giằng xé của dì Mây, của chú San và những người thân trong gia đình.

Câu 2 (trang 44 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Chú ý lời đối thoại giữa các nhân vật và lời bình luận của người kể chuyện.

Trả lời:

- Lời đối thoại của chú San: Ân hận, hối lỗi, muốn được làm lại với dì.

- Lời đối thoại của dì Mây: Hụt hẫng, tiếc nuối, tủi thân nhưng rất cương quyết

- Lời bình luận của người kể: Tiếc nuối cho mối tình dang dở giữa chú San và dì Mây.

Câu 3 (trang 44 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Chú ý tác dụng của biện pháp điệp từ trong đoạn này.

Trả lời:

- Biện pháp điệp ngữ nhằm khắc họa không gian thơ mộng, chan chứa tình yêu thường giữa đôi trai gái.

Câu 4 (trang 44 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Hình dung tâm trạng của các nhân vật.

Trả lời:

- Chú San: bồi hồi.

- Dì Mây: da diết, nhớ về hồi ức những ngày xa người yêu.

Câu 5 (trang 45 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Nhận xét về quyết định của nhân vật dì Mây.

Trả lời:

- Thái độ của dì Mây rất cương quyết, thể hiện sự bản lĩnh kiên cường của người phụ nữ. Dì nhất quyết không đồng ý trước lời đề nghị “Mây, chúng ta sẽ làm lại” của chú San. Trước sự thể đã rồi dì nhận phần thiệt thòi về mình, dì chỉ muốn một người đàn bà khổ.

Câu 6 (trang 45 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Chú ý thái độ của các nhân vật.

Trả lời:

- Những người dân xóm Trại ai biết tin dì Mây về cũng đến thăm nom, hỏi han chia sẻ, cảm thông, xót xa với dì.

- Dì Mây: ngẩn ngơ nhìn hoa gạo đỏ, thở dài, nuối tiếc, xa xăm, …

- Mai – cháu dì cũng suốt ngày bên cạnh dì an ủi, động viên dì.

→ Mọi người ai ai cũng quý mến và yêu thương dì Mây.

Câu 7 (trang 46 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Chi tiết về mái tóc dì Mây trước đây và bây giờ có ý nghĩa gì?

Trả lời:

- Mái tóc dì Mây trước kia: dài, đen óng mượt

- Mái tóc dì bây giờ: rụng đi nhiều, xơ và thưa hơn

→ Ý nghĩa: Hình ảnh mái tóc dì đã phơi bày những hiện thực đau đớn của cuộc chiến tranh tàn ác, nơi rừng thiêng, nước độc, hoang vu, sương muối, những trận đổ bệnh vì sốt rét…Đã khiến cho dung nhan, vẻ đẹp của những người con gái bị hủy hoại. Không chỉ dì Mây mà rất nhiều những nữ thanh niên xung phong họ cũng đã hi sinh tuổi trẻ, vẻ đẹp thiếu nữ của mình để đất nước được bình yên, hạnh phúc

Câu 8 (trang 47 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Chú ý tâm trạng của nhân vật dì Mây.

Trả lời:

- Khi lũ trẻ trên thuyền nói đến chuyện dì lấy chồng. Dì Mây thoáng buồn, chắc hẳn dì thấy nuối tiếc cho cuộc đời dang dỡ của mình. Dì cũng như bao người con gái khác mơ về một hạnh phúc trọn vẹn với người mình yêu những có lẽ với dì điều đó giờ đây thật quá đỗi xa xỉ.

Câu 9 (trang 47 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Tình huống nào đã làm nhân vật bộc lộ phẩm chất và tính cách?

Trả lời:

- Tình huống dì Mây giúp cô Thanh (vợ chú San) vượt cạn, khi cô Thanh đẻ thiếu tháng, thai ngôi ngược lại tràng hoa quấn cổ; một hai phần sống, tám chín phần chết.

- Ở tình huống này, ta thấy được phẩm chất tốt bụng, tính cách thương người, luôn nghĩ tới người khác của dì Mây. Mặc dù ở vào hoàn cảnh của dì việc làm đó chẳng hề dễ dàng, nhưng dì vẫn không chút e ngại, chần chừ, suy nghĩ gì mà lập tức tới giúp đỡ cô Thanh vượt qua cơn nguy hiểm, mẹ tròn con vuông.

Câu 10 (trang 48 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Theo em, vì sao lúc này dì Mây lại khóc?

Trả lời:

- Tiếng khóc lúc này của dì Mây chứa biết bao sự xót xa, tủi hờn, xen lẫn niềm ao ước, chờ mong và vui buồn lẫn lộn. Dì tiếc nuối cho cuộc đời mình, cho mối tình dang dở và hạnh phúc mà đáng ra dì xứng đáng nhận được. Nhưng chỉ vì hoàn cảnh nghiệt ngã mà dì không thể có được.

Câu 11 (trang 49 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Số phận của nhân vật thím Ba, thằng Cún gợi suy nghĩ gì về hậu quả chiến tranh.?

Trả lời:

- Số phận của nhân vật thím Ba, thằng Cún đã gợi ra những hậu quả đáng thương của chiến tranh, bom đạn chiến tranh đã cướp đi những người mẹ khi con mình con thơ ngây dại dột.

Câu 12 (trang 49 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Đoạn này cho biết những thông tin gì quan trọng nào?

Trả lời:

- Đoạn này cho biết những thông tin gì quan trọng là:

+ Lính công binh bắc thêm một nhịp cầu.

+ Họ kháo nhau thủ trưởng tán dì Mây không đổ.

Câu 13 (trang 49 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Chú ý sự thay đổi trong tiếng ru của dì Mây.

Trả lời:

- Tiếng ru lúc đầu trầm lắng, nghèn nghẹn, xót xa, sau đó thì êm ái, trong sáng, mênh mang, ngân nga sâu lắng tận sâu thẳm con tim  những người lính. Tiếng ru hòa lẫn vào hơi thở sông nước trong đêm, hòa vào hương thơm của cây cỏ, đất trời.

* Trả lời câu hỏi cuối bài

Câu 1 (trang 50 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Xác định sự kiện chính của mỗi phần trong văn bản Người ở bến sông Châu. Theo em, cách xây dựng cốt truyện của tác giả có gì đặc sắc?

Trả lời:

- Xác định sự kiện chính:

Văn bản được chia làm bốn phần, thể hiện nét hiện thực khác biệt, độc đáo của thời kì chống Mỹ cứu nước. Đó là sự tham dự, chiến đấu và hi sinh của người phụ nữ trong và sau chiến tranh.

Phần (1):

Kể chuyện dì Mây về làng đúng ngày chú San - người yêu cũ - cưới vợ cũng như tâm trạng ngổn ngang, giằng xé của dì Mây, chú San và những người thân trong gia đình.

Phần (2):

Kể chuyện dì Mây ra sông ở lều cỏ bên bến sông Châu, phụ giúp người cha chèo đò đưa khách qua sông; tâm trạng buồn tủi của dì Mây, sự quan tâm và tình cảm của mẹ và Mai đối với dì Mây.

Phần (3):

Kể chuyện dì Mây trở lại với nghề y tá, làm việc ở trạm xá xã; cô Thanh - vợ chú San đẻ khó, suýt chết, dì Mây đỡ đẻ, cứu sống cả hai mẹ con.

Phần (4):

Kể chuyện thím Ba chết vì vướng bom bi, dì Mây nhận nuôi thằng Cún - con thím Ba; dì Mây gặp lại chú Quang - người thương binh năm xưa nay về chỉ huy công binh xây cầu qua bến sông Châu; dì Mây từ chối tình cảm của chú Quang; hằng đêm, tiếng dì Mây ru thằng Cún lan xa, vang vọng trên bến sông Châu.

- Nhận xét cách xây dựng cốt truyện:

+ Về việc xây dựng cốt truyện, tác giả đã tạo dựng được tình huống truyện đặc sắc. Đó là tình huống éo le, rắc rối, khó đoán, bộc lộ rõ hoàn cảnh trớ trêu của các nhân vật mà trung tâm là nhân vật dì Mây - một phụ nữ, người nữ quân y từ chiến trường trở về đúng ngày người yêu đi lấy vợ. Từ tình huống trớ trêu, nan giải này, tác giả miêu tả thành công tâm trạng đau khổ của dì Mây, gợi lại quá khứ tình yêu của dì Mây và chú San, khiến nhân vật có chiều dày quá khứ; thể hiện được những biến chuyển, đổi thay về thể chất, tinh thần của dì Mây sau một thời gian về ở bến sông Châu; những hành động, lựa chọn, quyết định mà dì Mây đã thực hiện (ra ở bến sông Châu, phụ giúp cha chèo đò, làm y tá ở trạm xá xã, đỡ đẻ cứu mẹ con cô Thanh, nhận nuôi thằng Cún và từ chối tình cảm của chú Quang).

+ Các sự kiện tạo thành cốt truyện chủ yếu được sắp xếp theo trật tự thời gian, có xen kẽ một vài đoạn hồi tưởng vừa đủ để tạo sức gợi, cúng cấp những thông tin cần thiết về cuộc đời nhân vật (trước khi nhập ngũ, hoàn cảnh bị thương). Cốt truyện có sự vững chắc, kịch tính và các sự kiện chính được liên kết mạch lạc, dễ theo dõi.

Câu 2 (trang 50 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Ai là nhân vật trung tâm trong truyện ngắn này? Hãy vẽ sơ đồ mối quan hệ giữa nhân vật trung tâm này với các nhân vật khác trong truyện.

Trả lời:

- Dì Mây là nhân vật trung tâm. Nhân vật xuất hiện từ đầu đến cuối, thường xuyên có mặt ở hầu hết các sự kiện, tập trung bộc lộ rõ nét khác biệt, độc đáo của cuộc kháng chiến chống Mĩ và chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.

- Sơ đồ mối quan hệ giữa các nhân vật:

Soạn bài Người ở bến sông Châu - Ngắn nhất Cánh diều (ảnh 1)

- Giải thích sơ đồ: Sơ đồ gồm hai trục

+ Trục dọc: thể hiện mối quan hệ gia đình, ruột thịt.

+ Trục ngang: thể hiện quan hệ tình yêu, tình nghĩa, tình đồng đội.

Câu 3 (trang 50 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Phân tích tính cách và phẩm chất của nhân vật dì Mây trong truyện qua các tình huống và sự kiện tiêu biểu. Nêu nhận xét về cuộc đời và tính cách của nhân vật dì Mây.

Trả lời:

- Dì Mây là nhân vật trung tâm của tác phẩm, tính cách và phẩm chất hiện lên qua các tình huống:

Ngày dì Mây về làng, chú San đi lấy vợ

+ Trở về quê hương xúc động, nghẹn ngào.

+ Ngổn ngang, tan nát khi thấy nhà chú San đám cưới.

+ Khi nói chuyện với chú San: đau khổ, uất ức – uất ức, tức tưởi, tình cảm sâu nặng cồn cào, da diết như mê mị đi – tỉnh táo, nhận rõ hoàn cảnh, quyết định dứt khoát.

→ Nhân vật là người có tình cảm da diết, sâu nặng, có ý chí mạnh mẽ, bản lĩnh vững vàng và lòng nhân hậu sâu sắc.

Đêm mưa cô Thanh vượt cạn, thai ngôi ngược suýt chết, dì Mây đỡ đẻ cứu hai mẹ con – tình huống sinh tử, khẩn cấp.

+ Trước tình huống nan giải, dễ bị hiểu lầm, tai vạ, có người can ngăn. Dì Mây không toan tính, ích kỉ mà can đảm, tự tin, tận tâm hết sức vì người khác.

+ Dì Mây giúp cô Thanh sinh nở mẹ tròn con vuông.

→ Nhân vật có bản lĩnh vững vàng, vượt lên tình cảm riêng tư, hoàn thành bổn phận, nghĩa vụ đạo đức tốt đẹp của người làm nghề y.

Tình huống khác như: nhận nuôi thằng Cún khi thím Ba chết vì bom bi, gặp lại chú Quang và từ chối tình cảm của chú, sau khi đỡ đẻ cho cô Thanh, qua tiếng ru thằng Cún.

Nhân vật rất nữ tính, đời thường nhưng cũng rất bản lĩnh, nhân hậu.

→ Dì Mây là một phụ nữ vừa bình dị, gần gũi như bao phụ nữ khác trong tình yêu, trong khát khao làm vợ, làm mẹ, lại có những phút giây yếu đuối, … nhưng trong những hoàn cảnh thử thách, dì đã thể hiện sự cứng cỏi, bản lĩnh vững vàng, tấm lòng nhân hậu tuyệt vời, hiếm có.

Câu 4 (trang 50 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Phân tích và nhận xét về bút pháp miêu tả (tả cảnh và diễn biến tâm lí các nhân vật) của tác giả trong truyện ngắn Người ở bến sông Châu.

Trả lời:

- Tả cảnh sống động, chọn những cảnh nhằm ngụ ý hoặc chuẩn bị cho việc bộc lộ tâm trạng nhân vật: cảnh đám rước dâu qua sông, cảnh bến sông Châu lúc chập tối như báo hiệu sự trớ trêu, sóng gió sắp xảy ra, cảnh đám cưới bên nhà chú San, cảnh bến sông Châu thời chiến tranh qua hồi tưởng nhân vật, cảnh bầu trời đêm sông Châu vào cuối thu, ….

- Tả diễn biến tâm lí: cha con gặp nhau có sức gợi và gây xúc động; dì Mây và chú San gặp nhau đa dạng về cung bậc tình cảm: lúc đau khổ uất ức, lúc như mê lịm đi, lúc bừng tỉnh, lúc nhớ thương da diết, cồn cào; lúc tỉnh táo cương quyết.

Câu 5 (trang 50 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Câu chuyện diễn ra trong những không gian và thời gian nào? Tìm hiểu ý nghĩa của những hình ảnh dòng sông, con đò, cây cầu xuất hiện trong truyện.

Trả lời:

- Câu chuyện diễn ra ở hai không gian chính: không gian sinh hoạt gia đình (nhà ông ngoại và nhà chú San), không gian sông nước (bến sông, lều cỏ).

+ Không gian nhà ông ngoại được tập trung thể hiện trong phần (1), ngày dì Mây về làng; không gian nhà chú San được đặc tả ở phần (3) gắn với việc sinh nở của cô Thanh.

+ Không gian bến sông - lều cỏ chủ yếu nổi bật ở phần (2) và (4). Trong phần (4), không gian chiến trường cũng được gợi nhắc qua lời kể của công binh xây cầu.

- Chuyện diễn ra trong thời gian: ngày đầu tiên dì Mây trở về sau chiến tranh; những ngày tháng dì Mây sống ở bến sông Châu (chèo đò chở học sinh qua sông, làm y tá ở trạm xá, nuôi nấng thằng Cún). Thời gian tuyến tính được xen kẽ bởi những khoảng thời gian quá khứ được gợi lại qua các hồi ức, đối thoại (nhan sắc, tình yêu của dì Mây và chú San trước chiến tranh, tình huống dì Mây bị thương ngoài mặt trận vì che chắn cho thương binh Quang).

- Tác giả miêu tả một số hình ảnh như dòng sông, con đò, cây cầu,... Những hình ảnh này có tính ẩn dụ, biểu tượng. Dòng sông gợi lên ý nghĩa về dòng đời bí ẩn, nhiều biến động, sóng gió (như tình yêu của dì Mây và chú San), nhiều hoàn cảnh trớ trêu, đau khổ (như cuộc đời dì Mây, thím Ba, thằng Cún), sự đổi thay tâm trạng, sự hồi sinh (cảnh dì Mây gội đầu, tắm sông cho thấy những mất mát tuổi trẻ và sự hồi sinh của nhân vật); con đò là hình ảnh tượng trưng cho thân phận con người (dì Mây “lỡ đò”), cho sự chia li, sự chuyên chở, nâng đỡ (dì Mây chèo đò tiễn đưa chú San đi học nước ngoài; dì Mây hào phóng đưa học sinh qua sông, dì Mây đỡ đẻ cho cô Thanh); cây cầu với trụ cầu đổ, nhịp cầu gãy là hình ảnh tượng trưng cho chiến tranh phá hoại (trụ cầu đổ đứng trơ trọi, nhịp cầu bị bom đánh sập trơ ở bến sông); cho sự kiến thiết, xây dựng (bộ đội công binh về xây cầu); cho sự hàn gắn, kết nối, nghĩa tình (kết nối giữa quá khứ và hiện tại, nghĩa tình giữa dì Mây và thắng Cún, dì Mây và chú Quang),...

Câu 6 (trang 50 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Nhận xét về điểm nhìn trần thuật và người kể chuyện trong văn bản.

Trả lời:

- Điểm nhìn trần thuật: di chuyển linh hoạt từ bên ngoài (kể những điều nhân vật không thấy, không biết) sang bên trong (thông qua cảm nhận, suy nghĩ của nhân vật Mai) và ngược lại.

- Người kể chuyện: thâm nhập vào đời sống nội tâm phức tạp của nhân vật, thường xuyên mượn vị trí quan sát, thái độ, cảm nhận của nhân vật Mai để kể chuyện. Khiến điểm nhìn có sự thay đổi linh hoạt, giúp người đọc biết được nhiều thông tin về các nhân vật và các sự việc.

Câu 7 (trang 50 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Theo em, vấn đề đặt ra trong truyện ngắn này là gì? Vấn đề đó có ý nghĩa như thế nào với cuộc sống hôm nay? Hãy ghi lại một đoạn văn (khoảng 6 - 8 dòng).

Trả lời:

          Truyện không chủ ý viết về chiến tranh, bom đạn; về những gian khổ, hi sinh của người nữ chiến sĩ ở chiến trường. Truyện tập trung kể về sự hi sinh thầm lặng, bản lĩnh phi thường, phẩm chất tốt đẹp của người nữ thương binh giữa đời thường. Mây, người nữ chiến sĩ quân y Trường Sơn, vốn đã chịu thương tật vì bom đạn, nay trở về quê hương đúng ngày người yêu đi lấy vợ, phải nhận thêm chấn thương tinh thần đau đớn, dai dẳng. Không muốn một người phụ nữ nữa (cô Thanh) phải chịu đau khổ như mình, dì Mây chấp nhận rời xa chú San, lặng lẽ sống nơi lều cỏ bên bến sông Châu. Người phụ nữ ấy không gục ngã vì hai lần đau đớn, vì sự trớ trêu của số phận. Bằng bản lĩnh, nghị lực phi thường, chị đã hoà nhập vào đời sống, sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm mới, sống nghĩa tình, nhân hậu, yêu thương giữa cuộc đời. Bản lĩnh và lòng nhân hậu của nhân vật dì Mây thật đáng ngưỡng mộ. Cuộc sống hôm nay, tuy không còn chiến tranh, bom đạn, nhưng nghị lực phi thường và lòng nhân hậu của nhân vật dì Mây có sức mạnh cổ vũ mọi người can đảm đối mặt và sẵn sàng vượt qua những những tình huống khó khăn trong cuộc sống, có ý chí vươn lên làm người tốt, sống có ích giữa cuộc đời.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Hồi trống Cổ Thành

Thực hành Tiếng Việt trang 54, 55

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện

Nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện

Tự đánh giá: Ngày cuối cùng của chiến tranh

1 14,710 23/09/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: