Soạn bài Tự đánh giá cuối học kì 1 - Ngắn nhất Cánh diều

Với soạn bài Tự đánh giá cuối học kì 1 Ngữ văn lớp 10 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

1 777 23/09/2022
Tải về


Soạn bài Tự đánh giá cuối học kì 1

I. Đọc hiểu

a) Đọc bài thơ sau, chọn phương án trả lời đúng của mỗi câu hỏi (từ câu 1 đến câu 5) và làm bài tập 6.

Thương vợ

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quang vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,

Có chồng hờ hững cũng như không.

Trần tế Xương

(Thơ văn Trần Tế Xương, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1984)

Câu 1 trang 122 sgk Ngữ Văn 10 tập 1: Bài thơ Thương vợ là lời của ai, nói về ai?

A. Vợ nhà thơ Trần Tế Xương nói về chồng

B. Vợ nhà thơ Trần Tế Xương tự nói về mình

C. Người chồng nói về người vợ của mình

D. Nhà thơ Trần Tế Xương tự nói về mình

Trả lời:

Đáp án đúng là: D

Nhà thơ Trần Tế Xương tự nói về mình

Câu 2 trang 122 sgk Ngữ Văn 10 tập 1: Bài thơ nêu trên có đặc điểm như thế nào?

A. 8 câu, không có hình ảnh

B. 8 câu, mỗi câu 7 chữ

C. 8 câu, không có nhịp

D. 8 câu, không có vần

Trả lời:

Đáp án đúng là: B

8 câu, mỗi câu 7 chữ

Câu 3 trang 122 sgk Ngữ Văn 10 tập 1: Câu thơ nào sau đây sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ?

A. Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

B. Có chồng hờ hững cũng như không

C. Một duyên hai nợ âu đành phận

D. Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Trả lời:

Đáp án đúng là: D

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Câu 4 trang 122 sgk Ngữ Văn 10 tập 1:  Câu thơ nào sau đây sử dụng thành ngữ?

A. Quanh năm buôn bán ở mom sông

B. Nuôi đủ năm con với một chồng

C. Năm nắng mười mưa dám quản công

D. Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Trả lời:

Đáp án đúng là: C

Năm nắng mười mưa dám quản công

Câu 5 trang 122 sgk Ngữ Văn 10 tập 1: Điểm giống nhau giữa bài thọ trên với các bài Tự tình (bài 2 – Hồ Xuân Hương), Cảm xúc mùa thu (bài 1 – Đỗ Phủ); Câu cá mùa thu (Nguyễn Khuyến) là gì?

A. Viết về tình cảm với quê hương

B. Viết về đề tài người phụ nữ

C. Viết về thiên nhiên, mùa thu

D. Làm theo thể thơ Đường luật

Trả lời:

Đáp án đúng là: D

Làm theo thể thơ Đường luật

Câu 6 trang 122 sgk Ngữ Văn 10 tập 1: Nêu nội dung chính của bài thơ trên trong khoảng 4 – 5 dòng.

Trả lời:

Đáp án đúng là: D

“Thương vợ” là một trong những bài thơ hay và cảm động nhất của Tú Xương viết về bà Tú. Với tình cảm thương yêu, quý trọng, tác giả đã ghi lại một cách xúc động, chân thực hình ảnh người vợ tần tảo, giàu đức hi sinh. Đây là thơ tiêu biểu cho phong cách thơ trữ tình của Trần Tế Xương: cảm xúc chân thành, lời thơ giản dị mà sâu sắc.

b) Đọc đoạn trích sau và làm các bài tập ở dưới:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm

Câu ca dao đậm đà tình nghĩa đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi tưởng niệm về cội nguồn dân tộc luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.

Lễ hội Đền Hùng còn được gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước đó hàng tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá dân gian và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.

Từ xa xưa, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601, sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “…Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất, sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi…”

                 (Theo Uyên Linh, baodautu.vn)

Câu 1 trang 123 sgk Ngữ Văn 10 tập 1:  Đoạn trích viết về đề tài gì? Tóm tắt trong khoảng 3 – 4 dòng.

Trả lời:

Đoạn trích trên viết về ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương – một ngày lễ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi người dân Việt Nam từ xưa đến nay.

Câu 2 trang 123 sgk Ngữ Văn 10 tập 1:  Xác định phương thức biểu đạt chính và phương thức biểu đạt kết hợp của đoạn trích.

Trả lời:

Phương thức biểu đạt chính là thuyết minh, kết hợp với phương thức biểu đạt tự sự, nghị luận.

Câu 3 trang 123 sgk Ngữ Văn 10 tập 1: Đoạn trích được triển khai theo kiểu diễn dịch, quy nạp hay tổng - phân hợp?

Trả lời:

Đoạn trích được triển khai theo kiểu tổng – phân – hợp.

Câu 4 trang 123 sgk Ngữ Văn 10 tập 1: Phân tích ý nghĩa của một thông tin mà em tâm đắc nhất khi đọc đoạn trích (trình bày trong khoảng 6 - 8 dòng).

Trả lời:

Thông tin khiến em tâm đắc nhất là chi tiết “Bản ngọc phả viết thời Trần… vẫn không thay đổi…”. Thông tin đó giúp em hiểu được ngay cả trong thời kì phong kiến, trải qua nhiều triều đại, các vị vua vẫn thể hiện lòng thành kính của mình với các vị vua Hùng như một tín ngưỡng quan trọng. Vì vậy, ngày nay, chúng ta không có lí do gì để bỏ qua nó, thế hệ trẻ ngày nay cần phải biêt ơn, trân trọng và gìn giữ những giá trị tín ngưỡng lâu đời của dân tộc.

II. Viết

Chọn một trong hai để sau để viết thành bài văn ngắn

Đề 1: Phân tích một nhân vật mà em yêu thích trong các tác phẩm đã học ở sách Ngữ văn 10, tập một.

Đề 2: Viết bài thuyết phục người bạn từ bỏ thói quen xấu.

Bài viết tham khảo

Đề 1: Phân tích một nhân vật mà em yêu thích trong các tác phẩm đã học ở sách Ngữ văn 10, tập một.

Nói đến nhà thơ Tú Xương, chúng ta không thể không nhắc đến tác phẩm "Thương vợ". Trong sự nghiệp thơ ca phong phú, đa dạng của Tú Xương, “Thương vợ” được xem là một trong những bài thơ hay nhất. Bài thơ thể hiện một cách thấm thía, cảm động thái độ trân trọng, tri ân của Tú Xương đối với sự hi sinh, tảo tần của vợ, để ông được học hành, thi cử như vậy. Quan trọng hơn qua hình ảnh bà Tú trong tác phẩm “Thương vợ”, người ta thấy hiện lên một bức chân dung về người phụ nữ Việt Nam với những nét phẩm chất tốt đẹp điển hình.

Bà Tú có tên thật là Phạm Thị Mẫn, xuất thân từ gia đình dòng dõi nho gia. Bà nhẫn nại, cam chịu phận làm người vợ thảo hiền, tảo tần sớm hôm nuôi chồng, nuôi con, làm chỗ dựa tinh thần cho cuộc đời Tú Xương – Một trí thức không gặp thời, long đong, lận đận trên con đường sự nghiệp.

Có lẽ vì thế mà hình tượng người vợ trở thành đề tài quen thuộc trong các tác phẩm thơ của Tú Xương. Những bài thơ của ông viết về đề tài người vợ thường mang nhiều âm điệu: có khi là lời thủ thỉ tâm tình, có khi chỉ là lời bông đùa hóm hỉnh, hoặc cũng có lúc là nỗi niềm chua chát, xót xa nhưng bao trùm tất cả các tác phẩm vẫn là thái độ trân trọng cảm thông, sự hàm ơn chân thành từ phía một người chồng trước sự hi sinh của một người vợ.

Khi nói đến người phụ nữ truyền thống là nhắc đến một không gian gia đình, mà ở đó người vợ có vai trò trong việc thu vén, chăm lo sự nghiệp, danh vị của người chồng. Bà Tú cũng không phải là ngoại lệ, nhưng vào cái thời buổi Tây, Tàu lẫn lộn, nhốn nháo, không còn đâu cảnh thơ mộng “bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ” như ngày xưa, bà Tú cũng phải cuốn theo guồng quay của cuộc đời, cũng phải dạt theo cuộc bươn chải với đổi chác, bán mua để mong đảm bảo cuộc sống tối thiểu của gia đình:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng”

Hình ảnh bà Tú trong tác phẩm “Thương vợ” hiện lên không phải từ dáng vóc, hình hài mà từ không gian và thời gian của công việc. “Quanh năm” không chỉ là độ dài có thời lượng mà còn gợi ra cho chúng ta một cái vòng vô kì hạn của thời gian, nó cho thấy cuộc mưu sinh vất vả này không có hồi kết thúc. Không gian “mom sông” vừa có giá trị tả thực – là phần đất nhô hẳn ra lòng sông, vừa gợi lên không gian sinh tồn bấp bênh và chông chênh.

Bà Tú phải hàng ngày bươn chải với đời bởi trên vai bà là cả một gánh nặng gia đình: “Nuôi đủ năm con với một chồng”. Biết bao hàm ý toát lên trong cụm từ “nuôi đủ”, nó thể hiện sự chăm lo tận tụy chuyện cơm ăn áo mặc lại vừa hàm ý sự chịu đựng. Cách nói của nhà thơ đầy ý vị “năm con với một chồng”. Nhà thơ đã tự hạ mình ngang hàng với các con khi cay đắng, tủi hổ, xót xa nhận ra mình cũng là một trong những gánh nặng của vợ.

Câu ca dao xưa khi nói tới hình tượng người phụ nữ thường liên tưởng tới hình ảnh con cò:

“Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”

Tú Xương đã vận dụng sáng tạo chất liệu ca dao trong hai câu thơ:

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Nhà thơ đã vận dụng văn học dân gian lại vừa có những sáng tạo độc đáo từ đó. Với việc dùng từ “thân cò”, tác giả đã thể hiện danh phận khiêm nhường vừa làm nổi rõ hơn số kiếp lận đận của bà Tú. Nói về cấu trúc cú pháp của câu thơ, tác giả đã sử dụng biện pháp đảo ngữ nhằm nhấn mạnh, gia tăng tính chất âm thầm, nhọc nhằn trong công việc của bà Tú. Nếu như hình ảnh “đò đông” thể hiện tính chất bấp bênh trong cuộc mưu sinh của bà thì từ láy “eo sèo” đã diễn tả sinh động sự ồn ào, nhốn nháo, phức tạp, nhục nhằn trong công việc hàng ngày mà bà Tú phải chịu đựng.

Không chỉ tần tảo, lam làm, chịu thương, chịu khó, mà hình ảnh bà Tú trong tác phẩm “Thương vợ” của Tú Xương còn thể hiện một con người với bổn phận vị tha, lấy hi sinh làm hạnh phúc và lẽ sống của đời mình.

Hóa thân vào nhân vật người vợ, nhà thơ đã nói hộ nỗi niềm tâm sự của vợ, đó là thái độ chín chắn trước duyên phận, độ lượng trước hoàn cảnh gia đình. Khi đọc bài thơ hiện lên trong tâm trí người đọc là hình ảnh một người phụ nữ lặng lẽ an phận, ráng sức lo toan, không trách phận than thân, không phiền lòng phẫn chí. Việc vận dụng thành ngữ số từ “một duyên hai nợ”, “năm nắng mười mưa” làm cho lời thơ trở nên cô đúc. Những câu thơ như lời kể công, kể khổ của Tú Xương dành cho vợ trở nên trĩu nặng hơn, day dứt hơn. Sự cam chịu và đức hi sinh của bà Tú như càng được nhấn mạnh và nổi bật hơn.

Ý thức được nỗi nhọc nhằn gian truân của vợ mà không thể san sẻ, đỡ đần một phần nào, thể hiện ở hai câu kết của bài thơ là tiếng lòng mang nặng nỗi niềm chất chứa của nhà thơ:

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không”

“Thói đời” ở đây được nhà thơ nói đến phải chăng là sản phẩm của buổi giao thời đã tạo ra những người chồng hờ hững? để rồi những người phụ nữ như bà Tú phải mang gánh nặng trụ cột gia đình. Câu thơ thể hiện nỗi lòng dằn vặt, thái độ chân thành, tự trách mình của nhà thơ, đồng thời bộc lộ tâm trạng bất lực trong bi kịch tinh thần của người trí thức: trở thành người thừa trong xã hội và ngay cả trong chính gia đình của mình.

Có thể nói hình ảnh bà Tú trong tác phẩm “Thương vợ”, được Tú Xương khắc họa rõ nét và sống động hình ảnh người vợ tảo tần với những nét phẩm chất điển hình của người phụ nữ Việt Nam: đảm đang, chịu thương chịu khó, giàu đức hi sinh và lòng vị tha. Đằng sau tiếng thơ là tiếng lòng tri ân trân trọng, sụ cảm thông đồng thời là nỗi day dứt khôn nguôi của nhà thơ đối với người vợ thảo hiền.

Để 2: Viết bài thuyết phục người bạn từ bỏ thói quen xấu.

Bài viết tham khảo

Cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, đời sống vật chất và tinh thần của con người ngày càng được nâng cao. Bên cạnh những nhu cầu về ăn mặc, sinh hoạt thì nhu cầu giải trí của con người cũng tăng lên. Và để đáp ứng điều này, vô số trò chơi tiêu khiển đã ra đời. Nhưng đáng buồn thay, những trò chơi dân gian bổ ích và đậm đà bản sắc dân tộc lại mai một, rồi dần dần có nguy cơ biến mất, thay vào đó là sự bùng nổ và phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát của trò chơi điện tử. Thực trạng này đã gây ra rất nhiều hậu quả và hệ lụy bởi việc lạm dụng trò chơi điện tử và lún sâu vào thế giới ảo.

Trò chơi điện tử là những trò chơi giải trí được ra đời dựa trên sự phát triển của công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử. Một điều không thể phủ nhận là sự ra đời của mạng internet đã đem đến một số tiện ích cho cuộc sống con người như tìm kiếm thông tin nhanh hơn, giúp con người có thể kết nối với nhau dễ dàng, làm việc hiệu quả hơn,.... Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự phát triển này còn tạo tiền đề và nền tảng tốt cho sự ra đời của trò chơi điện tử. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, hay máy tính, laptop kết nối internet thì người dùng có thể lựa chọn một trò chơi tiêu khiển mà mình yêu thích trong vô vàn những trò chơi bằng hình thức online.

Và hiện nay, số lượng các quán game, quán net mọc lên hàng loạt, và cảnh tượng thường thấy tại các địa điểm này là sự đông đúc. Đặc biệt, tỉ lệ số người sử dụng trò chơi điện tử chủ yếu rơi vào đối tượng là các bạn học sinh, sinh viên, và chủ đề chính xuất hiện trong những cuộc nói chuyện giữa các bạn trẻ thường là những trò chơi điện tử nổi tiếng và có sức hấp dẫn như Liên quân, Liên minh huyền thoại,....

Chúng ta không thể phủ nhận rằng, sự ra đời của trò chơi điện tử đã giúp con người giải tỏa bớt được những căng thẳng, mệt mỏi sau thời gian làm việc. Trò chơi điện tử cũng vô cùng phong phú và đa dạng, người dùng có thể thoải mái lựa chọn trò chơi phù hợp với nhu cầu cũng như độ tuổi của bản thân. Như vậy, khi biết cách sử dụng một cách hợp lí về cách thức cũng như quỹ thời gian, trò chơi điện tử sẽ đem đến những lợi ích nhất định cho người chơi.

Tuy nhiên, trên thực tế, con người đang lạm dụng cũng như đầu tư nhiều thời gian cho những trò chơi điện tử và vô tình khiến chúng trở thành những mối nguy hại. Trước hết, nghiện chơi điện tử sẽ làm ảnh hưởng xấu đến kết quả công việc, còn đối với thế hệ trẻ, điều này sẽ làm giảm hứng thú, kết quả học tập. Khi dạo ngang qua các quán internet, chúng ta dễ dàng bắt gặp những bạn trẻ tập trung cao độ vào màn hình máy tính, đắm mình trong những thế giới ảo.

Không ít bạn học sinh sẵn sàng nói dối bố mẹ, thầy cô để trốn học, thậm chí, khi không còn tiền để đầu tư vào các trò game, các bạn sẵn sàng thực hiện những hành động vi phạm quy chuẩn đạo đức và pháp luật như trộm cắp, cướp giật tài sản. Như vậy, bắt nguồn từ nhu cầu giải trí, trò chơi điện tử lại trở thành những mối nguy hại và là một trong những con đường dẫn con người sa vào tệ nạn xã hội.

Trò chơi điện tử ngày càng gia tăng và phát triển cả về số lượng, chất lượng, khiến cho người dùng dễ dàng đắm mình vào thế giới ảo và quên đi thế giới thực tại. Lâu dần, con người sẽ không quản lí và làm chủ được quỹ thời gian của bản thân, rồi trở thành những con nghiện game. Sự cám dỗ của những trò chơi điện tử vô cùng hấp dẫn cũng như hậu quả mà nó để lại đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh và đáng báo động. Đứng trước thực trạng này, chúng ta cần có những biện pháp phù hợp để phòng tránh và ngăn chặn.

Trước hết, ta cần tuyên truyền, phổ biến về những hậu quả mà trò chơi điện tử gây ra khi con người lạm dụng nó. Để tránh được điều này, con người cần biết sắp xếp và sử dụng quỹ thời gian hợp lí, không dành quá nhiều thời gian cho các trò chơi tiêu khiển vô bổ. Đồng thời, chúng ta nên giải trí bằng những trò chơi có lợi cho sức khỏe như vận động thể dục thể thao. Giữa gia đình, nhà trường cần có sự phối hợp trong việc định hướng cho học sinh tìm đến những trò chơi bổ ích và tránh xa trò chơi điện tử.

Như vậy, trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin nói chung và của mạng truyền thông, thiết bị điện tử thông minh nói riêng, con người cần có bản lĩnh để vững vàng trong việc sắp xếp, sử dụng quỹ thời gian hợp lí. Là học sinh - chủ nhân tương lai của đất nước, chúng ta cần nhận thức rõ hơn điều này để không sa vào tệ nạn xã hội.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Kiến thức ngữ văn trang 3

Nguyễn Trãi – cuộc đời và sự nghiệp

Đại cáo bình Ngô

Gương báu khuyên răn (bài 43)

Thực hành tiếng Việt trang 20

1 777 23/09/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: