Soạn bài Kiêu binh nổi loạn - Ngắn nhất Cánh diều

Với soạn bài Kiêu binh nổi loạn Ngữ văn lớp 10 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

1 9,130 23/09/2022
Tải về


Soạn bài Kiêu binh nổi loạn

1. Chuẩn bị

Yêu cầu (trang 35 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

- Đọc phần Kiến thức ngữ văn để vận dụng vào bài đọc hiểu văn bản này:

- Cần lưu ý: Tiểu thuyết chương hồi xuất hiện đầu tiên và thịnh hành ở Trung Quốc khoảng từ thế kỉ XIV đến cuối thế kỉ XVIII. Đặc điểm nổi bật của tiểu thuyết chương hồi là sự phân chia tác phẩm thành những hồi khác nhau. Mỗi hồi đều có tiêu đề khái quát nội dung được trình bày trong hồi. Kết thúc mỗi hồi thường có câu thơ mang tính chất bình luận. Sau những câu thơ là những lời gắn kết hồi trước với hồi sau, kích thích sự quan tâm, chú ý của người đọc. Tiểu thuyết chương hồi thường chú ý đến các sự kiện, tình huống bất ngờ, hồi hộp, căng thẳng, thú vị. Trong tiểu thuyết chương hồi, tính cách nhân vật được thể hiện tương đối nhất quán, rõ ràng thông qua đối thoại và hành động.

- Khi đọc văn bản Kiêu binh nổi loạn, em cần chú ý:

+ Đoạn trích có những nhân vật và sự kiện nào nổi bật? Các nhân vật và sự kiện đó có liên quan đến lịch sử hay được tác giả hư cấu?

+ Nội dung (đề tài, chủ đề) và những hình thức nghệ thuật đặc sắc của đoạn trích là gì?

+ Nội dung đoạn trích mang lại cho em những hiểu biết, suy nghĩ và tình cảm gì?

- Đọc trước văn bản Kiêu binh nổi loạn và tìm hiểu thêm thông tin về nhóm tác giả Ngô gia văn phái, tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí.

- Đọc nội dung giới thiệu sau đây để hiểu bối cảnh đoạn trích:

Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm viết bằng chữ Hán theo hình thức tiểu thuyết chương hồi. Nội dung chính của Hoàng Lê nhất thống chí phản ánh thời kì lịch sử khoảng 30 năm, từ khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa (1768) đến lúc Gia Long lên ngôi vua (1802). Tác phẩm tái hiện một cách phong phú, sinh động bức tranh xã hội trong thời kì khủng hoảng triền miên, dẫn đến sự sụp đổ của các tập đoàn phong kiến Lê -Trịnh và khí thế quật khởi, tinh thần quyết liệt chống thù trong giặc ngoài của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn do Nguyễn Huệ đứng đầu.

Đoạn trích Kiêu binh nổi loạn dưới đây thuộc Hồi thứ hai của tác phẩm, kể chuyện kiêu binh nổi loạn, giết Quận Huy Hoàng Đinh Bảo, phế Trịnh Cán, lập Trịnh Tông lên ngôi chúa.

Trả lời:

- Về nội dung, đây là đoạn trích phản ánh trực tiếp một sự kiện lớn, chấn động kinh thành Thăng Long vào những năm 80 của thế kỉ XVIII: loạn kiêu binh. Nguyên chúa Trịnh Sâm bỏ con cả là Trịnh Tông, lập con thứ là Trịnh Cán làm thế tử. Khi Trịnh Sâm mất, để di chiếu lập Cán làm chúa và Quận Huy Hoàng Đình Bảo làm phụ chính. Trịnh Tông bèn mưu với quân tam phủ nổi loạn, diệt phe cánh Quận Huy, phế chúa nhỏ Trịnh Cán, lập Trịnh Tông lên ngôi chúa mới. Sự kiện nóng bỏng này cho thấy cơn kịch phát khủng hoảng của tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh. Tập đoàn thống trị này hoàn toàn bất lực, bế tắc, không thể giải quyết được các mâu thuẫn nội bộ, dẫn đến sự can thiệp manh động của binh lính vào công việc đại sự quốc gia, khiến tình trạng loạn lạc trong cung phủ, ở nơi trung tâm nhất của chế độ trở nên hết sức gay gắt, trầm trọng và sự sụp đổ của chế độ là không thể cứu vãn.

2. Đọc hiểu

* Nội dung chính:

Đoạn trích Kiêu binh nổi loạn thuộc Hồi thứ hai của tác phẩm, kể chuyện kiêu binh nổi loạn, giết Quận Huy Hoàng Đinh Bảo, phế Trịnh Cán, lập Trịnh Tông lên ngôi chúa.

Soạn bài Kiêu binh nổi loạn - Ngắn nhất Cánh diều (ảnh 1)

* Trả lời câu hỏi giữa bài

Câu 1 (trang 36 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Người kể chuyện là ai?

Trả lời:

Câu chuyện được kể ở ngôi thứ ba, có thể cho rằng người kể chuyện là nhóm tác giả Ngô Gia Văn Phái.

Câu 2 (trang 36 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Người kể chuyện nhận xét gì về đầu bếp, gia thần của Trịnh Tông?

Trả lời:

Đầu bếp, gia thần của Trịnh Tông được nhận xét là “người cơ tri”, “kẻ tinh khôn”, có nhiều mưu trí, ứng phó linh hoạt

Câu 3 (trang 37 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Chú ý động cơ và thái độ của đầu bếp, thân quân

Trả lời:

Động cơ và thái độ đầu bếp Dự Vũ và gia thần Gia Thọ đều căm ghét Quận Huy và phe phái như kẻ thù của chúng. Chính vì vậy trong của lời nói của Dự Vũ, Gia Thọ đều có tính chất xúi giục, hậu thuẫn cho Tông làm phản. Tông mời cơm ngỏ ý chỉ là một biểu hiện phó thác chính thức, lái mũi nhọn chĩa vào Quận Huy.

Câu 4 (trang 37 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Ai là người kể chuyện về nhân vật Bằng Vũ

Trả lời:

Nhân vật Bằng Vũ xuất hiện qua ngày hội họp quân lính ở chùa Khán Sơn, với ngôi kể chuyện ở ngôi thứ ba, có thể cho rằng người kể chuyện là nhóm tác giả Ngô Gia Văn Phái.

Câu 5 (trang 38 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Chú ý lời nói, thái độ và hành động của quận Huy.

Trả lời:

“…Quận Huy cũng biết tai họa sắp xảy ra, liền nói toạc ra ở trong triều rằng:

- Ngày mai có biến, tôi sẽ chết. Nhưng tôi chết cũng phải có dăm ba mạng đi theo.”

“Gặp lúc trời sắp tối, người nhà Quận Huy có kẻ khuyên hắn nên bế tân chúa đi trốn,… Nhưng Quận Huy đều gạt đi mà rằng:

- Xưa nay thói đời … cần gì phải hốt hoảng!”

“Đêm ấy, Quận Huy ngủ ở trong phủ, cũng chỉ đem theo vài người hầu như mọi ngày, không hề phòng bị gì hết.”

Sự bất lực thảm hại của phe Quận Huy đã quá rõ. Không đề phòng, thiếu mưu lược, chủ quan khinh địch, cho rằng “thói đời hay phao nhảm”, chính điều đó đã mang tới cái kết bi kịch

Câu 6 (trang 39 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Khí thế của kiêu binh được miêu tả như thế nào?

Trả lời:

“Lại nói, quân lính nghe thấy tiếng trống tức thì người nào cũng nhảy nhót hăng hái, cùng cầm binh khí xô lấn nhau mà vào trong phủ”

“…quân lính ở bên ngoài không vào được, họ cứ đứng hò reo, quát tháo long trời lở đất.”

Câu 7 (trang 39 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Chú ý hành động và thái độ của Quận Châu trước đám kiêu binh.

Trả lời:

- Lúc đầu, Quận Châu đứng ở phía trái trong cửa các, lên tiếng “dụ” binh lính, nhắc nhở binh linh phải lễ phép vì có quan tài của Trịnh Sâm chưa được an táng ở đây.

- Lúc sau vì quá run sợ trước khí thế của binh lính, Quận Châu phải mở cửa cho binh lính xông vào.

Câu 8 (trang 40 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Tình thế bất lực, thảm hại và bi đát của quận Huy được miêu tả qua những chi tiết nào?

Trả lời:

Rồi họ lấy khí giới đâm chém túi bụi … giết chết ngay tại chỗ.

Câu 9 (trang 40 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Những hình ảnh so sánh trong lời kể có tác dụng gì?

Trả lời:

Những hình ảnh so sánh trong lời kể có tác dụng như những tư liệu đủ để dựng lại bộ mặt, không khí của lịch sử một cách cụ thể, sinh động.

Câu 10 (trang 41 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Kiêu binh lộng hành bức ép chúa cũ, trả thù các đại thần như thế nào?

Trả lời:

Phá tan nát tất cả dinh cơ của Quận Huy, một mảnh ngói cũng không còn. Phàm các quan văn võ hễ ai thuộc bè đảng của Thị Huệ và Quận Huy, cùng những người dự vào việc tố giác vụ án năm Canh Tí, những viên quan hầu mọi ngày có tính nghiệt ngã mà quân lính vẫn ghét, lúc ấy cũng đều bị phá nhà hàng loạt và bị lùng bắt đem giết chết.

Câu 11 (trang 41 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Chi tiết nào cho thấy Trịnh Tông bất lực, không kiểm soát được kiêu binh?

Trả lời:

Chi tiết cuối bài cho thấy Trịnh Tông bất lực, không kiểm soát được kiêu binh: “Chúa phải sai người dò xét trong kinh kì, lén đến chỗ họ tụ họp, rồi bắt phứa một người thường dân ở gần đó đem chém để ra oai” Cho thấy rằng Trịnh Tông chỉ là con rối trong tay kiêu binh, không dám động vào quân linh để thị uy.

* Trả lời câu hỏi cuối bài

Câu 1 (trang 42 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Hãy nêu những sự kiện chính trong văn bản Kiêu binh nổi loạn và cho biết mâu thuẫn ở đây là gì?

Trả lời:

- Sự kiện chính được kể trong văn bản Kiêu binh nổi loạn:

+ Trịnh Tông cùng đám đầu bếp, gia thần khích động binh lính nổi loạn.

+ Kiêu binh tụ họp, bàn bạc, hưởng ứng, bầu Bằng Vũ làm chủ mưu, cùng nhau uống máu ăn thề.

+ Quận Huy biết tai họa sắp xảy ra nhưng không phòng bị; kiêu binh xông vào nội phủ, Quận Huy liều chết chống lại, bị giết.

+ Kiêu binh phò Trịnh Tông lên ngôi chúa; kiêu binh đốt phá dinh thựu của Quận Huy, Thừa kế hoành hành trả thủ riêng, gây náo động cả kinh thành.

- Mâu thuẫn: Đây là cuộc tranh giành quyền lực giữa hai phe: phe Trịnh Tông – kiêu binh với phe Trịnh Cán – Quận Huy Hoàng Đình Bảo. Trịnh Tông muốn đoạt ngôi chúa từ Trịnh Cán. Quận Huy nhận ủy thác của Trịnh Sâm, làm phụ chính cho Trịnh Cán. Kiêu binh “căm ghét”, “bất bình”, “miễn cưỡng”, “hậm hực”, … về việc này, khi được Trịnh Tông kích động đã nổi loạn giết Quận Huy, phế chúa nhỏ Trịnh Cán, phò Trịnh Tông lên ngôi chúa.

Câu 2 (trang 42 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Tìm những chi tiết miêu tả hành động của đám kiêu binh. Em có nhận xét gì về những hành động ấy?

Trả lời:

Những chi tiết miêu tả hành động của đám kiêu binh:

- Khi bị Trịnh Tông xúi giục, khích động: liền hưởng ứng, “ngầm đi báo cho nhau, hẹn ngày tụ họp.

- Khi tụ họp, bàn bạc ở chùa Khán Sơn: thái độ hăng hái, âm mưu táo bạo, bầu ngay Bằng Vũ làm chủ mưu, uống máu ăn thề, không dự định ngày nổi dậy, chỉ hẹn nhau nghe hiệu lệnh trống là kéo đến khởi sự (hăng hái, manh động, tự phát, vô tổ chức, khinh nhờn thế lực của phe Quận Huy).

- Khi nghe tiếng trống, xông vào phù đường, giết anh em Quận Huy:

+ Nghe tiếng trống thì “nhảy nhót hăng hái, cùng cầm binh khí xô lẫn nhau mà vào trong phủ”, “đứng hò reo, quát tháo long trời lở đất” (khí thế hăng hái, thế lực rất mạnh).

+ “Thét lên”, đe doạ Quận Châu.

+ Mới đầu đối mặt với Quận Huy thì “khiếp đảm”, “ngồi xụp xuống”, “không dám lên tiếng” (thói quen phục tùng)

+ Sau đó thì “nhao nhao đứng dậy, kéo ập vào trước đầu voi”, “đâm chém túi bụi”, “cạy gạch ngói ở phủ ném ra tới tấp”, chém viên quản tượng, “xúm đến vây kín dưới chân voi”, “dùng câu liêm móc cổ Quận Huy kéo xuống, rồi đánh đấm túi bụi giết chết ngay tại chỗ”.

+ Với em Quận Huy: “vớ luôn gạch đá”, “đập cho vỡ đầu và vứt xác xuống hồ” (sức mạnh đám đông, tàn bạo).

- Khi phò Trịnh Tông lên ngôi chùa: “reo hò như sấm”, “kiệu thế tử trên vai”, “đứng xúm quanh, gào lên”; đặt Trịnh Tông trên mâm, nâng lên hạ xuống y như người ta giỡn quả cầu hoặc nước pho tượng Phật” (náo động, không chút uy nghiêm).

- Khi trả thù các đại thần; nhà cửa Quận Huy bị phá tan tành, “một mảnh ngói cũng không còn”; kiêu binh “thừa thế hoành hành” đốt phá giết người bừa bãi gây “náo động kinh thành” (đám đông tàn bạo, mù quáng, vô chính phủ).

Câu 3 (trang 42 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Những chi tiết, hình ảnh nào cho thấy sự bất lực và thất bại của phe cánh Quận Huy?

Trả lời:

- Những chi tiết, hình ảnh cho thấy Quận Huy và các đại thần bị động, lúng túng, không đề phòng, thiếu mưu lược đối phó: qua cuộc đối thoại giữa Quận Huy với các quan ở trong triều cho thấy Quận Huy biết tai hoạ sắp xảy ra nhưng không lường hết mức độ của tai hoạ, chủ quan, liều chết: đã biết trước (“Ngày mai có biến... ”), ở thái độ liều chết (“Nhưng tôi chết cũng có dăm ba mạng đi theo”); chủ quan, khinh xuất gạt ngoài tai lời khuyên “đi trốn”, “bắt bọn gian”, chủ động “tự vệ” của người nhà; đêm ấy, Quận Huy ngủ trong phủ “không hề phòng bị gì hết”; các quan không nắm được tình hình, hoàn toàn bị động (“nhìn nhau ngơ ngác”).

- Khi lâm vào tình thế tai hoạ, bị kiêu binh bao vây, uy hiếp thì Quận Châu “run sợ, phải mở cửa”; Quận Huy viết tờ khải, tỏ thái độ trung thành và tinh thần “liều chết” (“Nếu dẹp được..., nhược bằng không dẹp được, tôi cũng xin liều chết.. ) cưỡi voi thị oai trước đám lính nhưng nhanh chóng rơi vào tình thế bi đát, bị cô lập, bất lực, cùng đường (sờ đến cung thì cung đứt dây, sờ đến súng thì súng không nổ,...); cuối cùng “bị giết chết ngay tại chỗ”; em Quận Huy là Lý Vũ Hầu cũng bị quân lính đánh chết.

- Các chi tiết, hình ảnh diễn tả sự bế tắc, cùng đường, trơ trọi và thất bại thảm hại của phe cánh Quận Huy.

Câu 4 (trang 42 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Cảnh Trịnh Tông lên ngôi chúa có gì đặc biệt? Nhận xét về nghệ thuật miêu tả của tác giả.

Trả lời:

- Cảnh Trịnh Tông lên ngôi chúa “đặc biệt”: Kiêu binh không có chuẩn bị gì cho việc đăng quang ngôi chùa của Trịnh Tông, khiến lễ đăng quang diễn ra không khác trò hề, mua vui cho thiên hạ: đặt thế tử ngồi trên “chiếc mâm vẫn bày cỗ lộc”, “chốc chốc, họ lại nâng bổng chiếc mâm lên đầu mà đội; đầu mỏi lại hạ xuống vai, rồi vai mỏi lại năng lên đầu. Cứ thế lên lên xuống xuống y như người ta giỡn quả cầu hoặc rước pho tượng Phật. Mỗi lần thế tử được nhô lên cao, quân lính lại vỗ tay reo hò vang lên một chặp. Những kẻ buôn bán ở các phố phường, chợ búa đều tranh nhau kéo đến xem mặt chúa, sân phủ đông như họp chợ.”.

- Nhận xét về nghệ thuật miêu tả của tác giả: Tác giả có cách miêu tả rất sắc nét, sinh động cảnh Trịnh Tông lên ngôi chúa. Qua các So sánh (“y như người ta giỡn quả cầu hoặc rước pho tượng Phật”, “đông như họp chợ”), tác giả bày tỏ thái độ mỉa mai kín đáo. Lễ đăng quang ngôi chúa đáng lẽ phải trang nghiêm, trang trọng, nhưng qua cách miêu tả của tác giả thì chẳng khác gì một trò diễn vụng về, lố bịch.

Câu 5 (trang 42 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Hãy dẫn ra một số bình luận, đánh giá của người kể chuyện đối với các sự kiện và nhân vật trong văn bản. Theo em, quan điểm và thái độ của người kể chuyện có khách quan và đáng tin cậy không? Vì sao?

Trả lời:

- Một số bình luận, đánh giá của người kể chuyện đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử:

+ Thế tử có người đầu bếp tên là Dự Vũ, vốn là người cơ trí, nói năng rành mạch.

+ Thọ người làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, cũng là kẻ tinh khôn.

+ Bằng Vũ được người làng thuê đi lính thay. Gã người thấp bé, thanh nhã như học trò. Sau khi vào đội Tiệp bảo, nhờ biết dăm ba chữ, gã được làm chân biện lại. Ở kinh, gã thường làm mướn đơn kiện cho người ta, vẫn lừng tiếng là tay điêu toa trong việc xui nguyên giục bị.

+ Đêm ấy, Quận Huy ngủ ở trong phủ, cũng chỉ đem theo vài người hầu như mọi ngày, không hề phòng bị gì hết.

- Thái độ mỉa mai kín đáo của người kể chuyện thể hiện rõ nhất khi miêu tả việc kiêu binh phò Trịnh Tông lên ngôi chúa: “Cứ thế lên lên xuống xuống y như người ta giỡn quả cầu hoặc rước pho tượng Phật. Mỗi lần thế tử được nhô lên cao, quân lính lại vỗ tay reo hò vang lên một chặp. Những kẻ buôn bán ở các phố phường, chợ búa đều tranh nhau kéo đến xem mặt chúa, sân phủ đông như họp chợ.”

- Thái độ mỉa mai kín đáo thể hiện ngầm qua các so sánh. Lễ đăng quang ngôi

chúa đáng lẽ phải trang nghiêm nhưng qua cách miêu tả của tác giả thì không phải vậy.

- Quan điểm, thái độ của người kể chuyện là khách quan và đáng tin cậy vì người kể chuyện không trực tiếp dự phần vào cuộc chính biến, không dính líu về mặt tình cảm hay có quyền lợi chính trị liên quan đến các phe phái xung đột; không tỏ rõ thái độ bênh vực ai, có thành kiến với ai hay ủng hộ phe phái nào; các nhận xét, bình luận của người kể chuyện về nhân vật và sự việc là có cơ sở thực tế; người kể chuyện đóng vai trò như người quan sát từ bên ngoài, bình tĩnh, chừng mực và kín đáo trong cách nhận xét, miêu tả, tường thuật sự kiện và nhân vật.

Câu 6 (trang 42 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Người xưa từng nói về năm nguy cơ làm mất nước: “Một, trẻ không kính già; hai, trò không trọng thầy; ba, binh kiêu tướng thoái; bốn, tham nhũng tràn lan; năm, sĩ phu ngoảnh mặt”. Sau khi đọc đoạn trích Kiêu binh nổi loạn, em suy nghĩ gì về ý kiến này?

Trả lời:

Suy nghĩ về ý kiến của người xưa:

1) Trẻ không kính già, trò không kính thầy: Người trẻ phải hiếu kính với người già, đó là đạo hiếu. Học trò phải tôn trọng thầy, cô. Đó là đạo học. Giữ đạo hiếu, đạo học là giữ vững luân thường. Làm trái hai điều trên là xã hội vô đạo, có nguy cơ hỗn loạn.

2) Binh kiêu, tướng thoái: Quân lính cậy công trạng dẫn đến kiêu căng, làm nhiều điều trái phép; tướng lĩnh suy thoái về đạo đức và bản lĩnh, trốn tránh nhiệm vụ, chỉ biết lo thân, không đủ uy tín, uy quyền để sai khiến binh lính. Hậu quả là quân đội hỗn loạn, mất sức mạnh chiến đấu bảo vệ chế độ, đất nước.

3) Tham nhũng tràn lan: Quan chức tham lam vơ vét của công làm của riêng, viên lại (viên chức) nhũng nhiễu vòi vĩnh, quấy rầy, gây phiền hà nhân dân để trục lợi. Hiện tượng này nếu tràn lan, mất kiểm soát sẽ dẫn đến việc nhân dân mất niềm tin với quan chức và hệ thống chính quyền sẽ trở thành thế lực đối lập với nhân dân, bị nhân dân căm ghét.

4) Sĩ phu ngoảnh mặt: Sĩ phu là tầng lớp trí thức trong xã hội xưa, có kiến thức, hiểu biết; có năng lực phân tích, phản biện nhằm ngăn chặn, điều chỉnh các chính sách sai lầm, đề xuất các chính sách ích nước lợi dân. Khi tầng lớp này chán nản, thờ ơ đối với công việc quốc gia thì đất nước có nguy cơ lầm đường, lạc lối trong đối nội và đối ngoại, khó tránh suy tàn, sụp đổ.

→ Ý kiến của người xưa là sự tổng kết các kinh nghiệm trị nước hàng ngàn năm, hoàn toàn đúng đắn. Loạn kiêu binh trong Kiêu binh nổi loạn vừa là một hiện tượng nhãn tiền vừa là hệ quả của các nguy cơ mà người xưa đã tổng kết.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Người ở bến sông Châu

Hồi trống Cổ Thành

Thực hành Tiếng Việt trang 54, 55

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện

Nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm truyện

1 9,130 23/09/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: