Soạn bài Mùa hoa mận - Ngắn nhất Cánh diều

Với soạn bài Mùa hoa mận Ngữ văn lớp 10 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

1 9,260 23/09/2022
Tải về


Soạn bài Mùa hoa mận

1. Chuẩn bị

Yêu cầu (trang 77 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2):

- Đọc trước bài Mùa hoa mận và tìm hiểu, ghi chép thông tin từ các nguồn khác nhau về nhà thơ Chu Thùy Liên.

- Hãy tìm hiểu, chia sẻ ấn tượng của em về cảnh sắc thiên nhiên và mùa xuân của miền Tây Bắc.

Trả lời:

- Về tác giả Chu Thùy Liên:

+ Nhà thơ Chu Thùy Liên sinh năm 1966, người dân tộc Hà Nhì. Quê ở Điện Biên.

+ Thơ Chu Thùy Liên lấy cảm hứng từ cuộc sống dân tộc và miền núi với những hình ảnh, chất liệu đậm vẻ đẹp văn hóa của người vùng cao được thể hiện tinh tế, ấn tượng.

+ Các tập thơ đã xuất bản: Lửa sàn hoa (2003), Thuyền đuôi én (2009), …

- Xuân Tây Bắc đẹp như một tứ thơ. Thiên nhiên như mơ, rực rỡ. Tình người sắt son, nồng ấm nghĩa tình. Lời thơ của những nhà thơ bản xứ đã dẫn độ ta đến một thế giới đầy tình yêu. Ở đó có mọi cung bậc cảm xúc: yêu mến ngỡ ngàng, mãnh liệt cháy bỏng, đến trầm tư sâu lắng… Tất cả đó là thế thái nhân tình ở cõi trời Tây Bắc độc đáo và đậm đà bản sắc. Thật không quá khi nói mùa xuân ở Tây Bắc đẹp như một miền cổ tích. Ta nhớ mênh mang lời ca “Rừng xanh cây lá muôn đóa hoa mai chào đón xuân về” trong khúc “Tình ca Tây Bắc”. Mùa xuân Tây Bắc như thiên đường hoa trên mặt đất. Những rừng mận trắng tinh khôi trải dài khắp các sườn đồi, rừng đào phai như trên tiên cảnh. Mùa xuân theo hoa đào trên núi – Hát gọi – Tình ơi (Những cánh đồng – Đỗ Thị Tấc). Góp cùng muôn đóa hoa xuân ấy, có cả sắc trắng mà ít người biết tới. Không phải hoa lê trên cao nguyên núi đá, mà là hoa táo mèo bé nhỏ nở cùng tiếng khèn mùa xuân.

2. Đọc hiểu

* Nội dung chính:

- Văn bản “Mùa hoa mận” thể hiện tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình về thiên nhiên và con người miền Tây Bắc khi mùa xuân về.

Soạn bài Mùa hoa mận - Ngắn nhất Cánh diều (ảnh 1)

* Trả lời câu hỏi giữa bài

Câu 1 (trang 78 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Chú ý hình ảnh, các biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản.

Trả lời:

- Thể thơ: Thơ tự do

- Những hình ảnh thiên nhiên, con người: cành mận, con trai, con gái, lá, gạo, lửa hồng…

- Từ láy: háo hức, xôn xang, hối hả

- Các biện pháp tu từ:

+ Nhân hóa: Bóng bay nâng ước mơ; nhà trình tường ủ hương nếp, cành mận giục…

+ Ẩn dụ: Cành mận tượng trưng cho cả mùa xuân.

+ Phép điệp: Cành mận bung cánh muốt, giục, lũ con…

Có tác dụng gợi hình, giúp việc mô tả sự vật, sự việc được sinh động, cụ thể hơn và có tác dụng gợi cảm giúp biểu hiện tâm tư, tình cảm sâu sắc.

Câu 2 (trang 78 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Dòng thơ cuối có gì đặc biệt về hình ảnh, cảm xúc?

Trả lời:

- Dòng thơ cuối kết thúc bằng dấu chấm lửng, thể hiện tâm tư, nỗi nhớ thương sâu sắc của người xa quê, trong đó có tác giả. “Lối trở về” ở đây là con đường trở về quê hương, nơi mà người con luôn hướng về.

* Trả lời câu hỏi cuối bài

Câu 1 (trang 79 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Bài thơ Mùa hoa mận thể hiện tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình về điều gì? Dòng thơ nào được điệp lại trong bài?

Trả lời:

- Bài thơ Mùa hoa mận thể hiện tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình về thiên nhiên và con người miền Tây Bắc khi mùa xuân về.

- Dòng thơ được điệp lại trong bài là: Cành mận bung cánh muốt (3 lần), mở đầu 3 khổ thơ trong bài.

Câu 2 (trang 79 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Hãy chỉ ra và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ.

Trả lời:

- Phép điệp cú pháp: dòng thơ “Cành mận bung cánh muốt”, “Lũ con trai … khăn áo”, điệp động từ “giục”, …

+ Phép điệp nhấn mạnh tín hiệu của mùa xuân về và sự thôi thúc, giục giã, sự náo nức, chờ đón, xốn xang của lòng người khi mùa xuân đến.

+ Những dòng thơ mở đầu điệp lại đã mở ra không gian đặc trưng của miền núi Tây Bắc trong mùa xuân: bạt ngàn những cành mận bung toả, nở rộ, trắng muốt, cảnh mỏng manh, sắc tinh khôi - một “lễ hội của hoa mận”, của mùa xuân. Hình ảnh này cũng gợi ra sức sống kì diệu của thiên nhiên. Vượt qua sương giá của mùa đông, trên những thân cành xù xì, đầy rêu mốc, sắc trắng tinh khôi của hoa mận vẫn bừng nở gọi mùa xuân đến với đất trời và lòng người,... Tất cả mọi người: con trai, con gái, người mẹ, người cha, người già bản,... đều náo nức, rộn rã trong niềm vui của mùa xuân,...

- Biện pháp nhân hóa: “Cành mận bung trắng muốt” đã “Giục mẹ …”, “Giục cha…”, “Giục người già …”, “Giục lửa hồng…”. Tín hiệu “cánh muốt” của hoa mận đã sức tác động kì diệu với con người, đem hơi thở của mùa xuân, sức xuân rộn ràng tươi mới đến với lòng người.

- Biện pháp ẩn dụ: “lòng căng cánh nỏ”, “lửa hồng nở hoa trong bếp”, “Nhà trình tường ủ hương nếp”. Khi mùa xuân đến mang theo niềm vui, niềm hi vọng mới, tươi vui, ấm áp, rộn ràng.

Câu 3 (trang 79 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Tâm trạng, cảm xúc của con người hiện lên qua các từ ngữ, hình ảnh trong bài thơ ra sao?

Trả lời:

- Bài thơ thể hiện tâm trạng vui tươi, náo nức, rộn ràng của con người khi mùa xuân về:

+ “Háo hức”, “rộn ràng” là niềm vui của con trẻ, hiện ra trong sự phấn khởi, hoà mình vào các trò chơi, xúng xính trong khăn áo mới rực rỡ sắc màu.

+ “Xôn xang” vừa có cái xốn xang của những xúc động rạo rực, vừa có cái xôn xao dậy lên của những âm thanh cảm xúc tự bên trong lòng người, vừa thể hiện hình ảnh người mẹ đang bày ra nào lá, nào gạo,... để chuẩn bị cho những món ăn đón Tết.

+ “Hối hả” thể hiện sự vội vã chuẩn bị những trò chơi cho trẻ con, trai gái,... trong bản bởi mùa xuân đã giục giã, hối thúc, đã đến thật rồi.

Câu 4 (trang 79 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Hình dung và miêu tả lại bằng lời hoặc bằng bức tranh tự vẽ về thiên nhiên, con người miền Tây Bắc vào mùa hoa mận” được thể hiện trong bài thơ.

Trả lời:

- Hình ảnh thiên nhiên “Cành mận bung cánh muốt” điệp lại ba lần trong bài thơ gợi tưởng tượng và bối cảnh một thung lũng bạt ngàn sắc trắng của hoa mận, hoa mận bên đường, trong vườn, vươn tán vào những ngôi nhà trình tường quen thuộc, …

Câu 5 (trang 79 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Em thích nhất những câu thơ, hình ảnh nào trong văn bản Mùa hoa mận? Vì sao?

Trả lời:

- Em thích nhất câu thơ “Nhà trình tường ủ hương nếp”: Trong những ngôi nhà trình tường quen thuộc, đặc trưng của người vùng cao, mùi hương của lúa nếp nồng nàn như bọc kín cả không gian trong hương thơm ngọt ngào. Hương nếp như được “ủ” trong những ngôi nhà trình tường ấm áp và như được lên men nồng nàn trong cảm xúc ngây ngất của mùa xuân. Lòng người cũng ngây ngất, rạo rực trong chất men say của “Nhà trình ủ hương nếp” ấy.

Câu 6 (trang 79 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Tưởng tượng một “người đi xa” trong bài thơ đã “nhớ lối trở về” quê hương vào “mùa hoa mận”. Những cảm xúc, tình cảm nào đang diễn ra trong tâm hồn của người đó? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) để ghi lại cảm xúc, tình cảm ấy.

Trả lời:

Người đi xa họ luôn hướng về quê hương với những thứ mộc mạc, giản dị nhưng vẫn rất đỗi gần gũi và thân quen. Những người miền Tây Bắc khi đi xa họ luôn mang một nỗi niềm nhớ thương vô bờ bến về quê hương của mình, đặc biệt là vào mùa hoa mận, nỗi niềm đó lại nhân lên gấp bội, gợi nhớ về những kí ức xa xưa. Hoa mận như dẫn lối họ trở về với những hoài niệm, nhớ nhung, nhớ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày đang diễn ra một cách hối hả, xốn xang của các mẹ, cha, người già bản, sự vui vẻ, háo hức của lũ con trai, con gái trong bản làng. Chính điều này đã giục giã bước chân, thôi thúc tấm lòng của những người con đi xa “nhớ lối trở về” để được sống trong bầu không khí sum vậy, hạnh phúc đó.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Thực hành tiếng Việt trang 79

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ

Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm thơ

Tự đánh giá: Khoảng trời, hố bom

Hướng dẫn tự học trang 90

1 9,260 23/09/2022
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: