Soạn bài Hướng dẫn tự học trang 67 - Ngắn nhất Cánh diều

Với soạn bài Hướng dẫn tự học trang 67 Ngữ văn lớp 10 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 10.

1 1015 lượt xem
Tải về


Soạn bài Hướng dẫn tự học trang 67

Câu 1 (trang 67 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Đọc sách, báo hoặc truy cập internet để tìm hiểu và thu thập những thông tin cần thiết liên quan đến các văn bản đọc hiểu trong Bài 6; các bài giới thiệu, điểm sách, phê bình văn học có liên quan đến các tác giả, tác phẩm đã học.

Trả lời:

Tư liệu 1: Tham khảo bài phân tích đoạn trích “Kiêu binh nổi loạn” (Hoàng Lê nhất thống chí - Ngô gia văn phái).

Đoạn trích “Kiêu binh nổi loạn” trong Hoàng Lê nhất thống chí đã cho thấy sự thối nát của phủ chúa Trịnh: cha, con, anh, em tranh giành quyền lực, việc phế con trưởng lập con thứ hoàn toàn do quyền lợi ích kỉ của phe đảng, không vì quyền lợi của đất nước, của nhân dân.

Cuộc tranh giành đó Trịnh Tông là kẻ đang bị thất thế, có nguy cơ bị hại, phải nhờ mẹ là thái phi họ Dương kêu với quận Huy mới bảo toàn được tính mệnh.

Lính kiêu binh phần nhiều đều thuộc phe của Trịnh Tông. Tông mà bị diệt trừ thì họ mất chỗ dựa và có thế bị diệt theo. Số phận của các đám gia thần, tôi tớ, binh lính của các tập đoàn phong kiến xưa nay là vậy. Có thể kế các nhân vật kiêu binh như: Dự Vũ, đầu bếp của Tông; Gia Thọ là gia thần, Bằng Vũ là gia binh. Chúng căm ghét quận Huy như kẻ thù của chúng.

Vì thế, lời nói của Dự Vũ, Gia Thọ đều có tính chất xúi giục, hậu thuẫn cho Tông làm phản. Tông mời cơm ngỏ ý chỉ là một biểu hiện phó thác chính thức, lái mũi nhọn chĩa vào quận Huy.

Mục đích nổi loạn cùa kiêu binh là trả thù, rửa hận. Lời nói của Dự Vũ đã cho thấy quân lính “căm ghét”, “hậm hực” khinh bỉ cách làm của chúa Trịnh và quận Huy, chỉ muốn diệt trừ cho hả giận. Đề xuất kế sách của Bằng Vũ chứng tỏ quân lính rất khinh nhờn thế lực của phủ chúa: “Đánh một hồi trống làm hiệu, rồi kẻo ùa cả vào, nắm cẳng hắn, vứt chỏng gọng xuống dưới thềm một cái là xong thôi mà!”.

Sự can thiệp của bọn quý tộc, thân tộc trong phủ như quận Viêm, con hắn là Chiếu lĩnh bá, quận Hoàn, Thánh mẫu... cho thấy chúng chỉ muốn lợi dụng để hớt lấy công hoặc che chắn đế bảo vệ quyền lợi mình. Tiêu biểu cho thái độ bàng quan là Viêm quận công. Tiêu biểu cho thái độ hớt công là Bùi Bật Trực và Chiếu lĩnh bá. Mặt khác qua sự can thiệp này ta thấy phủ chúa hoàn toàn bất lực, kiêu binh lộng hành, làm chủ tình thế. Ở nơi tập trung quyền hành trung ương chỉ là một đám lưu manh họp chợ để giở thói côn đồ thanh toán nhau!

Đoạn văn đã miêu tả một cuộc nổi loạn của binh lính. Thế lực của họ thật mạnh. Xuất phát từ lòng căm phẫn, khinh bỉ, muốn rửa hận, trả thù, quân kiêu binh đã tụ tập, bàn định và thống nhất với nhau rất nhanh. Họ nổi lên chi phối các sự kiện lịch sử. Họ mớm lời và xúi giục Trịnh Tông, họ quyết định cách nổi loạn, bầu người chủ mưu, không cần chỉ dụ của ai hết. Trịnh Tông phó thác chỉ là kẻ ăn theo, Trần Hữu Cầu viết hịch chỉ là một việc hiếu sự. Bằng Vũ quyết định ngày khởi sự, không cần tâu với Thánh mẫu. Khi nghe tiếng trống, quân lính “nhảy nhót, hăng hái, cầm binh khí xô lấn nhau mà vào trong phủ”, “họ hò reo quát tháo long trời lở đất”.

Đoạn giết quận Huy đã thế hiện sức mạnh của kiêu binh. Họ dọa quận Châu. Thoạt đầu, do thói quen phục tùng, họ sợ quận Huy, song chỉ được một lát, từ tư thế ngồi họ nhao nhao đứng dậy vây lấy voi chiến, nềm gạch ngói vào voi, dùng câu liêm kéo quản tượng xuống giết, rồi kéo quận Huy xuống đánh chết, mồ bụng lấy gan ăn sống, sau đó lấy đá ghè chết em quận Huy. Tất cả sự nổi loạn, tàn bạo đã thể hiện cụ thể, sống động, nó cho thấy sức mạnh của đám đông có thể làm nổi thuyền, có thể làm lật thuyền.

Trịnh Tông đúng là ông chúa bù nhìn, hắn lên ngôi chúa hoàn toàn nhờ sự đưa đẩy tình cờ của số phận, tất cả chỗ dựa là đám lính tráng tự phát nổi lên. Cho nên khi đã làm chúa rồi, vẫn không sao làm chủ được đám âm binh làm loạn: phá nhà, giết người, cướp của... Trịnh Tông trở thành nhân vật hài hước khi được bọn lính tráng đặt lên cái mâm rồi nâng lên hạ xuống như “giỡn quả cầu” trong tiếng reo hò của đám loạn quân và dân hàng phố đông như họp chợ...

Kiêu binh đã lập Trịnh Tông lên, cảnh khiêng Tông trên chiếc mâm gỗ, đưa lên, đưa xuống, mọi người xúm lại đông như họp chợ. Hai tiếng “họp chợ” thật mỉa mai! Họ lại đặt sập gụ ngoài phủ đường để đưa Tông lên ngôi. Mấy chữ “ngoài phủ đường” cũng hài hước, chẳng có chút ụy nghiêm nào. Họ lại xin di phá tất cả dinh cơ quận Huy, làm náo động kinh thành liền trong mấy ngày.Trái lại với sức mạnh bạo lực của kiêu binh, giai cấp thống trị tỏ ra hoàn toàn bất lực và thảm hại.

Sự bất lực thảm hại của phe quận Huy đã quá rõ. Không đề phòng, thiếu mưu lược, sờ đến cung thì cung đứt dây, sờ đến súng thì súng không nổ! Hai anh em Huy bị giết nhanh chóng! Chúa thì chạy trốn, đói bụng khóc nheo nhéo phải dọa bị bắt mới không khóc nữa. Những kẻ nắm quyền quốc gia trong phủ mà như thế, thật là hài hước hết mức!

Phe theo Tông cũng bất lực không kém. Quận Châu lúc đầu theo Huy đứng trong cửa định lên giọng đe quân lính. Kiêu binh mới đe một câu liền mở cửa ngay. Thế mà khi kiêu binh đã giết hết anh em quận Huy rồi, Châu còn phất cờ đuôi báo và khua chiêng thu quân, làm như mình đã là người chỉ huy quân đội của phe Trịnh Tông vậy!

Đoạn trích cho thấy Trịnh Tông, Thánh mẫu chỉ là đám bèo bọt trôi nổi trên bề mặt dòng thác lịch sử. Tông chỉ là con rối trong tay kiêu binh. Chỉ của Thánh mẫu chỉ là bản viết tức thời trước việc đã rồi. Khi kiêu binh thừa thế đốt phá, trả thù riêng, “Tông hạ chỉ ngăn cấm mà họ vẫn không thôi” chứng tỏ Tông chẳng có chút uy quyền nào cả. Khi chúa vờ giết phứa “một người thường dân” (vì không dám đụng vào kiêu binh!) thì việc phá phách mới tạm ngừng, nhưng việc bắt người vẫn đang tiếp tục. Đoạn văn đã cho thấy làn sóng nổi loạn của quân lính và số phận bèo bọt của một vương triều, chứng tỏ sự thối nát cùng cực của một chế độ.

Có thề nói quận Huy và Trịnh Tông ở hai phía là những nhân vật của một tấn bi hài kịch lịch sử nói về sự suy sụp của triều đại họ Trịnh. Một triều đại phong kiến lâu đời, hiển hách đã rơi vào tình trạng suy sụp một cách thảm hại. Bố chết nằm đấy, anh em đã xung đột, tranh nhau ngai vàng. Đám lính tráng nổi lên làm chủ cả thành Thăng Long, phá nhà, đốt nhà, cướp của, giết người vô tội vạ v.v... Quận Huy bị phanh thây. Trịnh Cán bị phế truất. Tất cả là do bọn lính tráng, bọn bồi bếp tự phát nổi lên. Trịnh Tông lên ngôi mà bất lực trước đám, âm binh bất trị... Đúng là tấn bi kịch lịch sử.

Nhưng chất hài của tấn kịch lịch sử này cũng rất rõ: Những nhân vật đã bị lịch sử lên án, đã hết vai trò lịch sử, vẫn cố khẳng định uy quyền của mình và trở thành những vai hề như quận Huy vẫn tin ở uy quyền của mình, biết trước âm mưu nổi loạn của đám kiêu binh vẫn không thèm phòng bị gì, một mình giữa đám loạn quân hung hãn vẫn quát tháo thị oai. Nhưng bắn cung cung gẫy, bắn súng súng không nổ... cuối cùng bị kéo cổ xuống đất. Đúng là hài hước. Trịnh Tông thì tuy vẫn được gọi bằng những danh hiệu những từ ngữ trang trọng cao quy của bậc đế vương: thế tử, mặt rồng, Thánh chúa... nhưng ngai vàng chỉ là cái mâm đặt trên vai đám lính tráng, để cho hàng phố đến xem như họp chợ.

Những tư liệu được trình bày hết sức cụ thể, tỉ mỉ: về lai lịch tính cách các nhân vật, về địa chỉ của các vụ việc, về âm mưu của các phe phái, về quá trình hình thành, phát triển và kết thúc của sự kiện.v.v…Nghĩa là những tư liệu đủ để dựng lại bộ mặt, không khí của lịch sử một cách cụ thể, sinh động.

Bút pháp tả thực của lối chép sử biên niên không che dấu một nụ cười mỉa mai và xót xa trước tình cảnh đất nước bị rữa nát từ chính quyền trung ương. Cơn hấp hối vào giờ chót của một triều đại bao giờ cũng chẳng là một màn bi hài của lịch sử?

Tư liệu 2: Truyện ngắn Người ở bến sông Châu: Ngày về nghẹn đắng (trích trong giaoducthudo.giaoducthoidai.vn)

Chiến tranh khốc liệt mấy rồi cũng sẽ đi qua, song nỗi đau bởi đạn bom sẽ còn đeo đẳng mãi.

Đọc truyện “Người ở bến sông Châu” của nhà văn Sương Nguyệt Minh, nhân gian xót đau cho người lính ngày trở về nghẹn đắng, nuốt nước mắt vào trong bởi nghịch cảnh tréo ngoe. Ẩn sau trang văn rất đời là niềm trăn trở khôn nguôi của người cầm bút về thân phận con người.

Có khoảnh khắc chia li chan đầy nước mắt, có giây phút đoàn viên tràn ngập niềm vui, lẽ thường ngàn xưa và ngàn sau vẫn thế. Oái oăm thay, lần trở về của Mây, nhân vật chính trong truyện đi ngược với quy luật muôn đời. Thanh xuân gửi trọn chiến trường đạn nổ bom rơi, nữ chiến sĩ quân y sống sót trở về với “chiếc ba lô bạc mầu toòng teng ở một bên vai”, một chân cụt do “chắn cửa hầm che chở cho thương binh” cùng ước mong ấm êm nơi bến cũ người xưa. Song, sự thật phũ phàng đã vùi chôn khát vọng, dập tắt niềm vui chưa kịp nhen lên của nữ quân nhân đã vào sinh ra tử nơi chiến trường, may mắn sống sót về quê.

Nhà văn rất sáng tạo khi đặt nhân vật vào một tình huống trớ trêu: “Ngày dì Mây khoác ba lô về làng, chú San đi lấy vợ” (do tưởng Mây đã hi sinh, gia đình đã nhận giấy báo tử). Tình huống oái oăm đó đảo ngược tất cả, vui là vui gượng, buồn đến xé lòng. Đọc mấy câu văn tả cảnh Mây gặp lại gia đình thì đủ hiểu: “Cả nhà nói chuyện thủng thẳng. Ông hỏi bâng quơ những chuyện xưa lắc. Bố an ủi dì Mây cao số. Chuyện trò chẳng biết vui hay buồn. Mẹ đụng cái gì cũng rơi, cũng vỡ. Tim Mai đập thon thót. Thỉnh thoảng bố hỏi, dì Mây miễn cưỡng trả lời, bụng dạ cứ để ở bên nhà chú San”. Vẻn vẹn sáu mươi chữ, người kể tách làm sáu câu văn, hình thức hội thoại có lẽ chỉ là lớp vỏ. Sự liên kết người nói, người nghe không có. Người ở nhà cất lời thăm hỏi cũng chỉ nói cho có, người về trả lời là chiếu lệ, cho xong. Tất cả trở nên rời rạc bởi tâm thế mỗi nhân vật giao tiếp không đặt trong cuộc trò chuyện buổi đoàn viên. Thành thử, Mây trở về sau khi vượt qua lằn ranh sinh tử nơi chiến trường mà không khí gia đình não nề, xa xót, buồn nhiều hơn vui. Cha thương, chị gái nấc lên “khốn nạn cái thân em tôi”, bản thân Mây đau nhói bởi hi vọng vụt tan.

“Dì Mây nhắm mắt lại trốn tránh ánh đèn măng sông đám cưới. Đó là thứ ánh sáng hạnh phúc của người tình xưa chiếu vào tận sâu thẳm lòng dì. Nó như muôn vàn mũi kim nhọn, châm vào trái tim dì đang rỉ máu...”. Ẩn mình sau cô cháu gái (Mai), người kể chuyện hiểu thấu, hiểu rõ nỗi lòng dì Mây ngày trở về: Xót xa, bẽ bàng, hờn tủi. Còn gì đau hơn khi dang dở, dở dang. Bao nhớ thương thăm thẳm sẽ chỉ còn trong kí ức, “ngờ đâu ngày tiễn anh đi cũng là ngày li biệt” mà thôi.

“Sầu đong càng lắc càng đầy”, nỗi đau, nỗi sầu của nhân vật Mây dai dẳng, triền miên, nhất là sau cái khoảnh khắc nhất quyết chối từ lời đề nghị của San “Chúng ta sẽ làm lại”. “Dì ném xoạch đôi nạng gỗ xuống sân, ôm mặt khóc hu hu. Dì khóc như chưa bao giờ được khóc. Bao oan khúc, tức tưởi dồn nén chặt vỡ òa ra”. Hạnh phúc sẽ thuộc về người, sầu đau, thiệt thòi về phía mình. Song trách ai đây? Chiến tranh lấy đi của con người bao nước mắt, nỗi đau bởi đạn bom đâu dễ gì bù đắp.

Viết về thân phận con người sau chiến tranh, Sương Nguyệt Minh thể hiện cách nhìn độc đáo qua số phận người phụ nữ. Từ chiến trường trở về, thương tật, mẹ chết, hạnh phúc dở dang, Mây cay đắng xót xa trong những tiếng “thở dài” ngao ngán. Cách nhìn hiện thực độc đáo của chiến tranh Việt Nam là đây. “Những người con gái Việt Nam ra trận đã mất mát, trở về cũng mất mát, hai lần mất mát”. Ẩn sau những trang truyện, người đọc cảm được ân tình người cầm bút: Trăn trở, cảm thương cho số phận khổ đau của người phụ nữ sau chiến tranh.

“Hạnh phúc là một tấm chăn hẹp, người này kéo thì người kia sẻ hở”. Hàng dâm bụt leo dây tơ hồng chia đôi hai nửa, hạnh phúc nghiêng về phía Thanh, vợ chú San thì khổ đau nước mắt thuộc phần Mây. Song, dù đau, dù khổ Mây vẫn sống, sống đẹp với phẩm chất đáng quý của người lính đã vào sinh ra tử. Dõi theo thiên truyện, tôi đặc biệt với cách ứng xử đẹp của Mây: Độ lượng, vị tha chấp nhận nỗi đau về phía mình giữ hạnh phúc cho người. San níu kéo, Mây khước từ: “Thôi! Thôi! Lỡ rồi! Đằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ. Anh về đi. Sự thể đã thế, cố mà sống với nhau cho vuông tròn”. Tình huống oái oăm, ứng xử cao thượng, trái tim yêu đã vượt lên sự ích kỉ, tầm thường. Người đọc cảm thương một cuộc đời, mến phục một tấm lòng, tấm lòng cao thượng, bao dung của người phụ nữ tỏa rạng giữa giữa khổ đau nước mắt.

Sau cái ngày về vui ít đau nhiều, Mây “lại khoác ba lô ra lều cỏ” làm bạn với bến sông Châu trong quạnh quẽ, cô đơn. “Từ ngày ra bến sông Châu, dì Mây buồn lắm, cứ tha thẩn đi ra đi vào, lúc tư lự ngồi ngắm trời nhìn nước, lúc lụi cụi nấu cơm. Ban ngày đi lại còn khuây khỏa. Ban đêm nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc bên trạm xá vọng sang, dì Mây lại giật mình thon thót”. Thế nhưng, Mây vẫn sống, gắng sống và làm được điều hữu ích. Đêm mưa, vợ San trở dạ, “thai ngôi ngược lại tràng hoa quấn cổ, cô Thanh hai phần sống tám chín phần chết. Không sợ “vạ lây”, nữ quân y Trường Sơn vẫn bản lĩnh cứu người. Trái tim nhân hậu vị tha thêm một lần tỏa sáng cùng tiếng khóc “xót xa, tủi hờn, xen lẫn niềm ao ước chờ mong”.

“Xét đến cùng, văn chương là thân phận con người”. Trong truyện, ngòi bút hiện thực của Sương Nguyệt Minh xoáy sâu vào góc khuất của chiến tranh với cái nhìn độc đáo, nỗi khổ đau bất hạnh của người phụ nữ. Song, tấm lòng nhân ái của người cầm bút giúp ông phát hiện được hạt ngọc đáng quý trong những tâm hồn khổ. Vẻ đẹp đó tỏa ra từ bản lĩnh sống mạnh mẽ và trái tim nhân ái bao dung. Mây vẫn sống, nỗi ám ảnh về những đau thương của cuộc chiến vẫn còn, người đọc dõi theo và hi vọng hạnh phúc sẽ mỉm cười với Mây.

“Một trong những yếu tố đảm bảo cho thành công của Sương Nguyệt Minh là sự tích tụ các chi tiết và tình huống khác lạ”. Đọc truyện “Người ở bến sông Châu”, điều dễ nhận thấy nhất là nhà văn đã sáng tạo nên một “tình huống khác lạ”. Ngày Mây trở về, San lấy vợ. Tình thế oái oăm đó mở ra diễn biến câu chuyện với không ít bất ngờ lí thú. Vẻ đẹp tính cách, phẩm chất nhân vật dần bộc lộ rõ nét.

Cách kể chuyện vô cùng độc đáo, người kể đã mượn giọng điệu nhân vật Mai, cô cháu gái của Mây kể lại cuộc đời dì mình, cách kể đó tạo nên sự chân thực, hấp dẫn, giúp người viết thâm nhập vào đời sống nội tâm của nhân vật. Không gian của truyện là bến sông Châu, gợi mở nhiều lớp nghĩa; thời gian nghệ thuật được nhòe mở, hiện tại, quá khứ đan xen, đó là thời gian tâm trạng. “Nhà văn là người sáng tạo không ngừng như dòng sông chảy liên tục chở nặng phù sa tươi tốt bồi đắp cho bờ bãi, ruộng đồng”. Đọc “Người ở bến sông Châu”, tôi thầm nghĩ, tài năng truyện ngắn, tấm lòng người cầm bút chính là căn cốt tạo nên thiên truyện hấp dẫn, giàu ý nghĩa nhân văn này.

Sau mỗi cuộc chiến tranh là nước mắt, nỗi đau. Ngòi bút chân thực của Sương Nguyệt Minh mang đến cho người đọc một cách nhìn về số phận con người thời hậu chiến. Ở đó, trong nước mắt đắng cay, người lính vẫn sống, sống nhân hậu bao dung. Đọc truyện, người ta rưng rưng cảm xúc, cảm thương cho những cuộc đời khổ, biết trân trọng, giữ gìn cuộc sống hòa bình đang có hôm nay.

Câu 2 (trang 67 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Tìm đọc thêm:

- Một số truyện ngắn khác viết về đề tài chiến tranh.

- Một số chương khác của tiểu thuyết Hoàng Lê nhất thống chí và Tam quốc diễn nghĩa.

Trả lời:

Học sinh có thể tìm đọc

- Miền hoang – Sương Nguyệt Minh

Một số chương khác của tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa.

- Chương 2 - Nổi Giận Trương Phi Ðánh Khâm Sai Lập Mưu Hà Tiến Trừ Phản Loạn.

- Chương 3 - Bàn phế lập, Ðổng Trác mắng Ðinh Nguyên Tặng Xích thố, Lý Túc dụ Lữ Bố

Câu 3 (trang 67 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2): Lưu ý trong và sau khi đọc:

- Ghi lại những cảm xúc, điều tâm đắc, thích thú, băn khoăn, điều chưa hiểu,…trong lúc đọc.

- Tóm tắt tác phẩm, đưa ra các phân tích, đánh giá về hình thức và nội dung của tác phẩm sau khi đọc.

Trả lời:

Học sinh thực hiện tốt các lưu ý trong và sau khi đọc theo sự hướng dẫn của giáo viên và sách giáo khoa.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 10 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Tri thức ngữ văn trang 68

Đất nước

Lính đảo hát tình ca trên đảo

Đi trong hương tràm

Mùa hoa mận

1 1015 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: