Soạn bài Thảo luận ý kiến về một vấn đề trong đời sống (trang 54) - Ngắn nhất Ngữ văn 8 Cánh diều
Với soạn bài Thảo luận ý kiến về một vấn đề trong đời sống (trang 54) Ngữ văn lớp 8 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng Soạn văn 8.
Soạn bài Thảo luận ý kiến về một vấn đề trong đời sống
1. Định hướng
1.1. Thảo luận về một vấn đề trong đời sống là đưa ra ý kiến của cá nhân về vấn đề đó và trao đổi, bàn bạc, lắng nghe ý kiến của mọi người cùng tham gia để có hiểu biết đầy đủ, toàn diện hơn và lựa chọn được cách thức giải quyết vấn đề phù hợp.
Vấn đề trong đời sống có thể nêu lên từ thực tế cuộc sống nhưng cũng có thể rút ra từ các tác phẩm văn học.
1.2. Để thảo luận, trao đổi về một vấn đề trong đời sống, các em cần chú ý:
- Quan tâm, theo dõi các sự kiện, hiện tượng,…trong cuộc sống xung quanh hoặc suy nghĩ từ các văn bản đọc hiểu để phát hiện vấn đề có ý nghĩa.
- Lựa chọn một vấn đề cần trao đổi. Tìm hiểu các thông tin về vấn đề và suy nghĩ, xác định ý kiến của em về vấn đề đó.
- Trao đổi, thảo luận trong nhóm về vấn đề đã lựa chọn.
- Khi trao đổi, cần nêu rõ cách hiểu hoặc quan điểm của bản thân về vấn đề; đồng thời, tôn trọng các ý kiến khác.
2. Thực hành
Bài tập: Chọn một trong các vấn đề sau đây (hoặc tự nêu vấn đề) để thảo luận trong nhóm, lớp. Khi chọn, cần suy nghĩ về mối liên hệ giữa vấn đề ấy với các văn bản ở phần đọc hiểu.
(1) Gia đình có vai trò như thế nào trong cuộc sống của mỗi chúng ta?
(2) Tình cảm quê hương quan trọng với mỗi người như thế nào?
(3) Trình bày suy nghĩ của em về cách ứng xử với những số phận thiếu may mắn trong cuộc sống.
a) Chuẩn bị
- Xác định vấn đề thảo luận: Gia đình có vai trò như thế nào trong cuộc sống của mỗi chúng ta?
- Chuẩn bị các phương tiện như tranh, ảnh, video,…và máy chiếu, màn hình (nếu có).
b) Tìm ý và lập dàn ý
- Tìm ý cho bài nói bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:
+ Em hiểu thế nào là gia đình?
→ Gia đình là tập hợp những người quen thuộc, thân thương gần gũi với chúng ta, gia đình chính là một cách thức tổ chức sống nhỏ nhất trong xã hội, trong gia đình có mối liên kết với nhau từ quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng.
+ Gia đình có vai trò như thế nào với mỗi người?
→ Vai trò của gia đình là trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc là là nơi mà ai cũng muốn được trở về. Gia đình là tế bào của xã hội, nó có vai trò to lớn trong việc xây dựng một xã hội văn mình, giàu đẹp. Sự quan tâm, chăm sóc của gia đình giúp ta phát triển nhân cách thành một người tốt đẹp.
+ Chúng ta nên bày tỏ, thể hiện tình cảm với gia đình như thế nào?
→ Để thể hiện tình cảm, mỗi con người lại có mỗi cách quan tâm khác nhau, không ai giống ai cả. Có người quan tâm bằng lời nói có người lại quan tâm bằng hành động. Nhưng họ đều có một điểm chung là đều yêu quý người thân của mình. Chẳng hạn như khi ông bà bị ốm đau, không cần phải ăn món cao lương mĩ vị gì cả chỉ đơn giản là con cháu quây quần bên cạnh động viên an ủi cũng làm cho ông bà cảm thấy hết bệnh.
- Lập dàn ý cho bài nói bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:
Mở đầu |
Nêu vấn đề và ý kiến chung của em về vấn đề thảo luận: Vai trò của tình cảm quê hương đối với mỗi người. |
Nội dung chính |
Nêu và làm rõ ý kiến của em về vấn đề. Ví dụ: - Quê hương là nơi gia đình, dòng họ của mỗi người đã trải qua nhiều đời làm ăn, sinh sống,…Tình yêu quê hương là một nguồn tình cảm tự nhiên đối với mỗi chúng ta. - Tình cảm với quê hương đem đến cho con người nhiều điều. - Chúng ta cần thể hiện tình cảm, trách nhiệm với quê hương bằng những suy nghĩ, việc làm phù hợp, ý nghĩa. |
Kết thúc |
Khẳng định lại ý kiến và thông điệp chung. |
c) Nói và nghe
Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 1, phần Nói và nghe, mục c (trang 35); nội dung nói và nghe đối chiếu với dàn ý đề văn.
Bài nói tham khảo
Đề 1
Xin chào thầy cô và các bạn. Sau đây em sẽ thảo luận về một vấn đề rất đáng quan tâm trong cuộc sống hiện nay. Đó là “Gia đình có vai trò như thế nào trong cuộc sống của mỗi chúng ta?”
Trong cuộc đời của mỗi con người, người ta có thể đi đến nhiều nơi hay có nhiều nơi để đến nhưng duy nhất chỉ có một nơi để trở về đó chính là gia đình. Gia đình là duy nhất và thiêng liêng nhất với mỗi người, chỉ có tình cảm gia đình mới là thứ tình cảm vô điều kiện, giống như câu nói "Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc". Vai trò của gia đình đối với cuộc sống con người là vô cùng quan trọng, dù cuộc đời bạn có tốt đẹp đến đâu nhưng nếu không có gia đình thì đó vẫn chỉ là cuộc đời bất hạnh.
Vậy gia đình là gì và chúng ta hiểu như thế nào là gia đình? Theo định nghĩa khoa học, gia đình là một cộng đồng người cùng chung sống, gắn bó với nhau bằng các mối quan hệ huyết thống, hôn nhân và tình cảm, cũng có thể là quan hệ nuôi dưỡng hay giáo dục. Gia đình đã tồn tại từ rất sớm và trải qua quá trình phải triển lâu dài, có thể nói gia đình có ý nghĩa quan trọng không chỉ với con người mà còn tác động mạnh mẽ đến xã hội. Đối với xã hội, gia đình là một thiết chế xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xã hội hóa con người. Đối với con người, gia đình mang nhiều vai trò quan trọng bậc nhất mà không có một tổ chức hay cộng đồng nào có thể thay thế được. Gia đình là nơi có cha và mẹ của ta, là nơi ta được sinh ra, là cội nguồn tồn tại của ta trên cõi đời này; mọi người trong gia đình đã cho ta được tồn tại, được yêu thương vô bờ bến. Cho ta một không gian sống để bước những bước đầu tiên trong cuộc đời, khi ta còn quá non nớt và bé bỏng, gia đình là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng và che chở cho ta được an toàn lớn lên. Chỉ có tình cảm của những người trong gia đình mới là thứ tình cảm cho đi mà không cần nhận lại, nơi đó chan chứa bao nhiêu tình cảm thương yêu, đùm bọc và cao đẹp mà những người thân dành cho nhau. Đến khi chúng ta lớn lên và trưởng thành, bước ra ngoài cuộc sống để mưu sinh, ai cũng phải đối mặt với khó khăn và thử thách của cuộc đời, đứng trước khó khăn đó gia đình chính là điểm tựa vững chắc cho ta sức mạnh và niềm tin giúp đỡ ta vượt qua khó khăn. Dù có thất bại hay gục ngã trước sóng gió cuộc đời, chúng ta vẫn có một nơi bình yên nhất là mái ấm gia đình để trở về. Mãi cho đến khi cuối đời, chúng ta đã nếm trải đủ vị đắng cay ngọt bùi của cuộc sống, đã đến lúc nghỉ ngơi thì gia đình lại là một bến đỗ cho tất cả mọi người.
Ai chẳng muốn những năm tháng còn lại của cuộc đời được sống bên người thân yêu, được sống trong tình cảm yêu thương, tránh xa mọi bộn bề và bon chen của cuộc sống, có gia đình để nương tựa lúc về già là hạnh phúc lớn lao. "Gia đình giống như một cái cây", mỗi cá nhân chúng ta giống như cành cây, trưởng thành theo nhiều hướng khác nhau nhưng vẫn chung một cội rễ. Gia đình chính là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách con người cho chúng ta, mái ấm gia đình cũng là mái trường đầu tiên ta được học, học từ những thứ căn bản, đơn sơ nhất trong nếp sống, sinh hoạt đến cách đối nhân xử thế. Chính vì vậy, người ta thường nói gia đình phải có gia phong, lễ nghĩa, nề nếp và nếp sống của gia đình sẽ quyết định đến chiều hướng phát triển nhân cách của chúng ta. Một gia đình gia giáo, con cái được dạy dỗ đến nơi đến chốn sẽ trở thành những người có phẩm chất, nhân cách tốt đẹp, ngược lại nếu gia đình thường bất hòa, mâu thuẫn và chia rẽ sẽ khiến con cái lớn lên trong ác cảm, tự ti và thù hận. Nếu điều hạnh phúc nhất là có gia đình thì điều tồi tệ nhất chính là sự tan vỡ gia đình. Đối với người đã trưởng thành, đó là một mất mát to lớn, khiến họ mất đi chỗ dựa, chẳng còn bến đỗ bình yên để trở về, nhưng đã trưởng thành vẫn còn may mắn hơn là trẻ thơ, nếu trẻ thơ mất đi gia đình sẽ trở thành trẻ mồ côi, cơ nhỡ, không người chăm sóc, lang thang đầu đường xó chợ. Có thể nói, gia đình tan vỡ trẻ em sẽ là người chịu tổn thương và bất hạnh nhất. Đối với xã hội, khi gia đình tan vỡ giống như mất đi một tế bào có lợi, sản sinh ra thêm nhiều tế bào có hại, bởi không có gia đình con người ta khó được giáo dục nên người, khi ra ngoài xã hội chỉ gây ra những tệ nạn, thói hư tật xấu làm ảnh hưởng đến mọi người và bộ mặt xã hội.
Mỗi cá nhân chúng ta phải cảm thấy thật may mắn khi có được mái ấm gia đình bởi ngoài kia còn có biết bao nhiêu người bất hạnh không có gia đình. Nhìn vào họ, ta hãy cố gắng gìn giữ hạnh phúc gia đình, nâng cao trách nhiệm của bản thân với những người thân trong gia đình, không nên vì bất cứ lý do gì mà làm tổn hại đến chính mái nhà hạnh phúc và những người yêu thương mình.
Phần trình bày của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.
Đề 2
Xin chào thầy cô và các bạn. Sau đây em sẽ thảo luận về một vấn đề rất đáng quan tâm trong cuộc sống hiện nay. Đó là “Tình cảm quê hương quan trọng với mỗi người như thế nào?”
Quê hương là nơi bố mẹ ta sinh ra và lớn lên. Đó cũng là nơi chứa đựng tuổi thơ tươi đẹp của mỗi người. Do đó, có thể nói rằng, quê hương có vai trò rất quan trọng với thế giới tinh thần của mỗi người. Tình cảm quê hương cũng vì vậy mà trân quý hơn bao giờ hết.
Tình cảm dành cho quê hương, là tình yêu thương, quý trọng. Là khi đi xa thì nhớ nhung khôn xiết, là khi nhớ về thì trái tim yên bình, hạnh phúc. Tình cảm ấy vô cùng chân thành, thiêng liêng và trân quý. Mỗi khi đến đâu, chúng ta đề bất giác mà nhớ về, mà so sánh với quê hương của mình. Chúng ta tìm kiếm dáng hình dòng sông, ngọn núi, bờ ao của những nơi mình đi qua với quê hương mình. Tình cảm quê hương ấy, còn là niềm tự hào thật khó gọi tên. Chúng ta tự hào về những gì mà quê hương mình có, tự hào về lịch sử và truyền thống của quê hương, tự hào vì được mang tên người con của quê hương. Điều đó là lý do mà những người con xa quê, thường tìm đến nhau trong Hội đồng hương. Họ lại gần với nhau hơn, thân thiết với nhau hơn chính bởi hai từ quê hương. Quê hương là một điểm tựa, một cốc mốc to lớn trong biển tinh thần. Giống như ngọn hải đăng trên biển lớn, cho chúng ta biết mình đến từ đâu và phải trở về đâu sau hành trình dài. Chỉ cần quê hương còn đó, thì giống như ngọn hải đăng mãi rực sáng, chúng ta sẽ không bao giờ lạc đường.
Tình cảm quê hương quan trọng như thế đối với mỗi người. Cho nên những người con của quê hương làm rất nhiều điều cho quê hương mình mà chẳng cần hồi báo. Họ sáng tác nhạc phẩm, phim ảnh về quê hương mình. Tự hào giới thiệu quê hương với bạn bè nơi khác. Khi có nguy hiểm, chiến loạn, chúng ta sẵn sàng hi sinh tất cả để bảo vệ quê hương, quyết không từ bỏ dù chỉ một tấc đất. Và khi đến cuối cuộc đời, những cụ ông cụ bà vẫn muốn được trở về quê hương. Quê hương chính là người mẹ bao dung và dịu dàng, trầm mặc, luôn ở nơi đó chờ đợi những người con ra đi rồi trở về.
Như vậy, có thể nói rằng tình cảm quê hương là tình cảm thiêng liêng và quý giá. Nó là sợi dây tinh thần cứng cáp, mạnh mẽ giữa con người với con người, giữa con người với mảnh đất mình sinh ra và lớn lên. Chẳng một điều gì có thể cắt đứt được sợi dây tinh thần ấy. Bởi nó được kết tinh nên từ chính tình yêu thương trong sáng nhất của con người.
Phần trình bày của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.
Đề 3
Xin chào thầy cô và các bạn. Sau đây em sẽ thảo luận về một vấn đề rất đáng quan tâm trong cuộc sống hiện nay. Đó là “Trình bày suy nghĩ của em về cách ứng xử với những số phận thiếu may mắn trong cuộc sống.”
Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên chứng kiến những người mang số phận khó khăn. Đôi khi, chúng ta vô tình có những hành động không thích hợp đối với họ. Qua bài nói của em hôm nay, mong rằng mọi người sẽ thay đổi cách ứng xử của mình.
Ứng xử là một khía cạnh quan trọng trong giao tiếp, thể hiện qua lời nói, cử chỉ và hành động. Người khôn ngoan, linh hoạt sẽ có cách ứng xử tốt, được mọi người tôn trọng. Ngược lại, những người thiếu nhận thức về người khác thường không được đánh giá cao. Cách ứng xử là gương của bản chất và thái độ của con người, đặc biệt là đối với những người gặp khó khăn hơn.
Những người gặp phải số phận khó khăn thường phải đối mặt với sự khiếm khuyết trên cơ thể hoặc số phận đau buồn. Thật buồn là, khi đối mặt với những tình huống như vậy, một số người không thể hiện sự thông cảm, giúp đỡ hoặc ít nhất là ứng xử lịch sự, tôn trọng. Thậm chí, một số người lại tỏ ra khinh khỉnh, coi thường khi nhìn thấy những người kém may mắn. Điều này không chỉ làm tổn thương họ mà còn phản ánh sự thiếu nhân đạo trong xã hội hiện đại. Hãy nhớ rằng, những lời nói và hành động, dù nhỏ nhưng có thể gây ra nỗi đau lớn cho những người này.
Chúng ta cần thể hiện văn minh, tôn trọng cộng đồng khi biết đối xử lịch sự và yêu thương. Nếu chúng ta nhìn thấy điều không công bằng, hãy lên tiếng phản đối, chỉ trích những lời nói hay hành động gây tổn thương. Câu 'Lá lành đùm lá rách' vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa. Hãy giữ gìn và thực hiện truyền thống tốt đẹp này. Đừng để những đánh giá tiêu cực về những người kém may mắn làm mất đi lòng nhân ái và sự lịch sự của chúng ta.
Phần trình bày của em đến đây là kết thúc. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.
Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:
Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ sau khi đọc một bài thơ sáu chữ, bảy chữ
Xem thêm các chương trình khác:
- Giải sgk Toán 8 – Cánh diều
- Lý thuyết Toán 8 – Cánh diều
- Giải sbt Toán 8 – Cánh diều
- Giải sgk Tiếng Anh 8 – iLearn Smart World
- Giải sbt Tiếng Anh 8 - ilearn Smart World
- Trọn bộ Từ vựng Tiếng Anh 8 ilearn Smart World đầy đủ nhất
- Ngữ pháp Tiếng Anh 8 ilearn Smart World
- Bài tập Tiếng Anh 8 iLearn Smart World theo Unit có đáp án
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 8 – Cánh diều
- Lý thuyết Khoa học tự nhiên 8 – Cánh diều
- Giải sbt Khoa học tự nhiên 8 – Cánh diều
- Giải vbt Khoa học tự nhiên 8 – Cánh diều
- Giải sgk Lịch sử 8 – Cánh diều
- Lý thuyết Lịch sử 8 - Cánh diều
- Giải sbt Lịch sử 8 – Cánh diều
- Giải sgk Địa lí 8 – Cánh diều
- Lý thuyết Địa lí 8 - Cánh diều
- Giải sbt Địa lí 8 – Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục công dân 8 – Cánh diều
- Lý thuyết Giáo dục công dân 8 – Cánh diều