Soạn bài Kể lại một chuyến đi hoặc một hoạt động xã hội (trang 30) - Ngắn nhất Ngữ văn 8 Cánh diều

Với soạn bài Kể lại một chuyến đi hoặc một hoạt động xã hội (trang 30) Ngữ văn lớp 8 Cánh diều sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng Soạn văn 8.

1 42 27/03/2025


Soạn bài Kể lại một chuyến đi hoặc một hoạt động xã hội

1. Định hướng

1.1. Kể lại một chuyến đi hoặc một hoạt động xã hội là kể lại một sự kiện đã diễn ra, để lại cho bản thân người tham gia nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc. Người viết phải là người tham gia trực tiếp, sử dụng ngôi kể thứ nhất (xưng “tôi” hoặc “chúng tôi”,…), kể lại những gì mình đã chứng kiến (sự việc, phong cảnh, thiên nhiên, con người,…), những hoạt động mình đã tham gia, thực hiện,…Trong khi kể, có thể kết hợp sử dụng các yếu tố miêu tả hay biểu cảm.

Chuyến đi có thể là đi du lịch cùng gia đình; đi tham quan một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử cùng bạn bè; đi thăm quê hương, gia đình của bạn bè trong dịp nghỉ;…Hoạt động xã hội có thể là các sinh hoạt đoàn, đội; các việc làm công ích, tình nguyện như hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người già neo đơn;…

1.2. Để viết bài văn kể lại một chuyến đi hoặc một hoạt động xã hội, các em cần lưu ý:

- Chọn viết về một chuyến đi hoặc một hoạt động xã hội đã để lại cho em nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc.

- Trước khi viết, cần tìm hiểu đề, tìm ý và lập dàn ý.

- Viết bài văn tự sự, kể theo ngôi thứ nhất (xưng “tôi”, “em” hoặc “chúng tôi”, “chúng em”,…)

- Cần kết hợp kể lại sự việc và miêu tả không gian, cảnh vật, thiên nhiên, con người; phát biểu những nhận xét, cảm nghĩ của bản thân.

2. Thực hành

2.1. Thực hành viết theo các bước

Bài tập (trang 30 SGK Ngữ Văn 8 Tập 1): Kể lại một hoạt động xã hội giàu ý nghĩa mà em đã tham gia.

a) Chuẩn bị

- Đọc kĩ và tìm hiểu đề để biết các thông tin chính trước khi viết:

+ Trọng tâm cần làm rõ: một hoạt động xã hội giàu ý nghĩa.

+ Kiểu văn bản chính: tự sự (kể lại).

+ Phạm vi kiến thức cần huy động: kiến thức thực tế, các hoạt động xã hội gần gũi với học sinh; kiến thức lịch sử, địa lí và thơ văn liên quan.

- Nhớ lại những sự việc, con người, cảnh vật,…và những ấn tượng, cảm xúc đặc sắc trong hoạt động xã hội mà em đã tham gia, chứng kiến.

- Tìm đọc và tham khảo các bài viết kể về một hoạt động xã hội.

- Ghi chép những nội dung liên quan và chuẩn bị tranh ảnh, tư liệu,…(nếu có) về hoạt động xã hội mà em đã tham gia, chứng kiến.

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý: Ngoài cách tìm ý bằng việc đặt câu hỏi, sách Ngữ văn 8 cung cấp thêm một số cách khác. Tùy vào yêu cầu của mỗi đề văn, các em lựa chọn cách tìm ý và lập dàn ý cho phù hợp. Chẳng hạn, với đề văn nêu trên, có thể tìm ý dựa vào cách suy luận từ khái quát đến cụ thể như sau:

+ Xác định vấn đề (ý khái quát): một hoạt động xã hội giàu ý nghĩa.

+ Phát triển ý cụ thể cấp 1 (ý lớn): có thể xác định một số ý lớn như mục đích của hoạt động, hình thức tổ chức, quá trình hoạt động,…

+ Phát triển ý cụ thể cấp 2 (ý nhỏ): từ mỗi ý lớn, triển khai, phát triển thành các ý nhỏ. Ví dụ: Mục đích của hoạt động có thể là giúp đỡ đối tượng nào đó, làm từ thiện,…

Từ các ý đã tìm được, các em có thể trình bày bằng một sơ đồ gồm ý trọng tâm (Hoạt động xã hội giàu ý nghĩa); ý phát triển là các nhánh lớn (ý cấp 1) và các nhánh nhỏ (ý cấp 2) như sau:

Soạn bài Kể lại một chuyến đi hoặc một hoạt động xã hội - Ngắn nhất Ngữ văn 8 Cánh diều (ảnh 1)

- Lập dàn ý: Trên cơ sở các ý đã tìm được, có thể lập dàn ý theo bố cục ba phần:

Mở bài

Giới thiệu khái quát: nêu tên một hoạt động xã hội giàu ý nghĩa mà em đã tham gia.

Thân bài

- Đoạn 1: nêu mục đích của hoạt động, lí do em tham gia hoạt động đó.

- Đoạn 2: kể về hình thức tổ chức hoạt động (thành phần tham gia, thời gian, địa điểm,…).

- Đoạn 3: kể về quá trình tiến hành hoạt động (bắt đầu, hoạt động chính, kết thúc).

- Đoạn 4: nêu kết quả của hoạt động (về vật chất và về tinh thần)

Kết bài

Khẳng định ý nghĩa và bài học sau khi tham gia hoạt động xã hội.

c) Viết

Dựa vào dàn ý để viết bài văn kể lại một hoạt động xã hội. Trong khi viết, chú ý vận dụng cách viết mở bài và kết bài. Bài văn (viết trên lớp hoặc ở nhà) cần lưu ý:

- Đủ cấu trúc ba phần: mở bài, thân bài và kết bài.

- Có thể mở bài bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

- Thân bài gồm các đoạn văn, mỗi đoạn văn là một ý lớn.

- Kết bài cần tổng hợp được các ý đã nêu ở thân bài.

* Bài văn tham khảo

Trong cuộc sống, không phải ai cũng may mắn có được sự đủ đầy, trọn vẹn. Có bao nhiêu người ngoài xã hội kia gặp những khó khăn, trắc trở, bất hạnh trong cuộc đời, dù đã nỗ lực, cố gắng vẫn khó có thể một mình vượt qua. Bởi vậy, vòng tay yêu thương giúp đỡ của những tấm lòng nhân ái là điều đáng quý, đáng được trân trọng vô cùng. Tôi rất may mắn là một trong những học sinh của nhà trường cùng với thầy cô tham gia vào hoạt động từ thiện đầy nhân văn đó. Và chuyến đi có ý nghĩa nhất đối với tôi là chuyến thăm đến với các trẻ em ở một trường mầm non thuộc vùng cao Hòa Bình.

Sáng sớm hôm đó, chúng tôi tập trung tại trường, ai nấy đều háo hức, mong chờ một trải nghiệm mới. Sau khi kiểm tra và sắp xếp lại những món quà dành cho các bạn nhỏ vùng cao, đoàn chúng tôi bắt đầu khởi hành. Đường lên vùng cao quanh co, hiểm trở nhưng không làm giảm đi nhiệt huyết của mọi người. Trên suốt chặng đường, chúng tôi trò chuyện, hát ca, tạo nên bầu không khí vui tươi, phấn khởi.

Khi đến nơi, chúng tôi được chào đón bằng những ánh mắt hồn nhiên, trong sáng của các em nhỏ. Khung cảnh trường học đơn sơ với những lớp học bằng tre nứa, bàn ghế cũ kỹ làm tôi không khỏi xúc động. Chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào công việc. Đầu tiên, chúng tôi phát quà cho các em nhỏ. Những món quà đơn giản như quần áo ấm, sách vở, đồ dùng học tập nhưng lại mang đến niềm vui to lớn cho các em. Nhìn những gương mặt rạng rỡ, tôi cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc của chuyến đi này.

Tiếp theo, chúng tôi tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy dây, thi vẽ tranh. Các em nhỏ hăng say tham gia, tiếng cười vang lên khắp sân trường. Tôi được phân công dạy các em một số bài hát thiếu nhi. Nhìn các em hăng say hát theo, lòng tôi tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Buổi trưa, chúng tôi cùng các em dùng bữa. Những món ăn giản dị nhưng đượm tình người, khiến tôi cảm nhận được sự khắc nghiệt của cuộc sống nơi đây nhưng cũng thấy được sự kiên cường, lạc quan của người dân vùng cao.

Buổi chiều, chúng tôi tiếp tục các hoạt động khác như sửa sang lại lớp học, vẽ tranh tường và tặng các em những cuốn sách, vở mới. Chúng tôi chia thành các nhóm nhỏ, người thì sơn lại bàn ghế, người thì quét dọn lớp học, trang trí tường bằng những bức tranh tươi sáng, đầy màu sắc. Những lớp học đơn sơ dần trở nên sinh động, ấm cúng hơn.

Kết thúc ngày, chúng tôi tập trung lại để chào tạm biệt. Các em nhỏ lưu luyến, không muốn rời xa, khiến lòng tôi nghẹn ngào. Những ánh mắt, nụ cười của các em sẽ mãi là động lực để tôi cố gắng hơn nữa trong cuộc sống.

Chuyến đi từ thiện khép lại nhưng những dư âm về chuyến đi ấy cứ vang vọng mãi trong tâm trí tôi. Nó cho tôi rất nhiều bài học đáng nhớ. Hãy biết quý trọng những gì chúng ta đang có bởi với rất nhiều người đó là những thứ rất xa vời. Hãy nâng cao tỉnh thần tương thân tương ái, tự giác giúp đỡ những con người bất hạnh. Đó là lẽ sống nhân văn đầy tình người mà mỗi người chúng ta nên hướng đến.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Đọc lại bài văn đã viết, đối chiếu với mục 1. Định hướng và yêu cầu đã nêu ở các bước (chuẩn bị, tìm ý và lập dàn ý) để:

- Kiểm tra về nội dung và hình thức (bố cục, diễn đạt, trình bày).

- Nhận biết các lỗi còn mắc phải và cách chỉnh sửa.

- Tự đánh giá kết quả viết.

Ví dụ, cách kiểm tra bài đã viết:

Phương diện kiểm tra

Câu hỏi kiểm tra

Nội dung

Mở bài:

Đã giới thiệu khái quát nội dung bài viết chưa? (Ở bài viết này là kể về một hoạt động xã hội.)

Thân bài:

- Có nêu được các nội dung cụ thể làm rõ cho nội dung khái quát đã nêu ở mở bài không? (Ở bài viết này là kể lại được chi tiết về một hoạt động xã hội theo một trình tự thống nhất.)

- Nội dung cụ thể có sinh động, đặc sắc, giàu sức thuyết phục không?

- Đã kết hợp được các phương thức biểu đạt khác trong khi viết hay chưa? (Ở bài viết này là kết hợp yếu tố miêu tả, biểu cảm trong khi kể.)

- Có nêu được những suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc không?

Kết bài:

Đã tổng hợp được vấn đề, nêu được ý nghĩa hoặc rút ra bài học chưa? (Ở bài viết này là ý nghĩa hoặc bài học thu được sau khi tham gia hoạt động xã hội.)

Hình thức

- Bài viết đã có đủ ba phần chưa? Nội dung (độ dài) các phần có cân đối không?

- Bài viết đã đủ ý chưa? Các ý có được sắp xếp phù hợp không? Có ý nào trùng lặp nhau không?

- Bài viết có mắc lỗi dùng từ, đặt câu, chính tả,…không?

Đánh giá chung

- Bài viết đáp ứng yêu cầu đạt mức độ nào?

- Em thấy hứng thú hoặc khó khăn nhất khi thực hiện phần nào trong tiến trình thực hành viết?

2.2. Rèn luyện kĩ năng viết mở bài và kết bài.

a) Cách thức

- Mở bài trực tiếp: Người viết mở đầu bằng cách nêu trực tiếp vấn đề trọng tâm của bài (không có các câu dẫn dắt).

- Mở bài gián tiếp: Người viết bắt đầu bằng một số câu dẫn dắt, từ đó, nêu vấn đề trọng tâm của bài viết.

- Kết bài: Người viết tổng hợp lại các nội dung đã trình bày ở thân bài và thể hiện bằng một đoạn văn để kết thúc bài viết. Nội dung đoạn kết bài thường nêu lên suy nghĩ của người viết về ý nghĩa và bài học từ vấn đề đã viết.

b) Bài tập (trang 33 SGK Ngữ Văn 8 Tập 1)

Hãy viết mở bài hoặc kết bài cho đề văn: Kể lại một hoạt động xã hội giàu ý nghĩa mà em đã tham gia.

Trả lời:

- Mở bài: Tôi thường băn khoăn: liệu phép u có tồn tại trên đời? Nếu thực có phép u, tại sao cuộc sống vẫn còn biết bao mảnh đời bất hạnh? Và tôi đã tìm thấy câu trả lời về sự tồn tại của phép màu trong chuyến đi thăm bệnh nhi mang tên “Ước mơ của Thúy”. Ngày hội là một sự kiện thường niên do Thành Đoàn tổ chức nhằm giúp đỡ và đem lại niềm vui cho các bệnh nhi ung thư. Để hưởng ứng tinh thần ấy, trường cấp hai đã tổ chức chuyến đi thăm bệnh nhi tại bệnh viện Ung Bướu.

- Kết bài: Sau chuyến đi, tôi đã tìm thấy câu trả lời cho sự tồn tại của phép u, đó chính là sức mạnh tình người. Bởi nơi nào tồn tại tình yêu thương và sẻ chia, nơi đó phép u sẽ xuất hiện, giúp đỡ và an ủi những mảnh đời bất hạnh. Qua hoạt động, chúng tôi cũng đã nhận được những món quà tinh thần quý giá từ các em: bài học sâu sắc về giá trị của sự sống, biết trân trọng cuộc sống mình đang có.

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 8 sách Cánh diều hay, ngắn gọn khác:

Kiến thức ngữ văn trang 12

Tôi đi học

Gió lạnh đầu mùa

Thực hành tiếng Việt trang 24

Người mẹ vườn cau

Kể lại một chuyến đi hoặc một hoạt động xã hội

Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội

Chuỗi hạt cườm màu xám

Hướng dẫn tự học trang 39

1 42 27/03/2025