Soạn bài Tuyên ngôn Độc lập (Tiếp theo) | Ngắn nhất Soạn văn 12

Soạn bài Tuyên ngôn Độc lập (Tiếp theo) lớp 12 ngắn nhất mà vẫn đủ ý giúp học sinh dễ dàng trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 Tập 1 từ đó soạn văn lớp 12 một cách dễ dàng.

1 1,728 04/03/2022
Tải về


Soạn bài Tuyên ngôn Độc lập (Tiếp theo) (ngắn nhất)

Soạn bài Tuyên ngôn Độc lập (Tiếp theo) ngắn gọn:

Phần đọc – hiểu văn bản

Câu 1 (trang 41 sgk Ngữ văn 12 Tập 1):

Bố cục của bản Tuyên ngôn Độc lập:

- Đoạn 1 (từ đầu đến không ai chối cãi được): Nêu nguyên lí chung của Tuyên ngôn Độc lập.

- Đoạn 2 (từ Thế mà đến phải được độc lập): Tố cáo tội ác của thực dân Pháp và khẳng định thực tế lịch sử là nhân dân ta đã kiên trì đấu tranh và nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.

- Đoạn 3 (còn lại): Lời tuyên ngôn và những tuyên bố về ý chí bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Soạn bài Tuyên ngôn Độc lập (Tiếp theo) | Ngắn nhất Soạn văn 12 (ảnh 1)

Câu 2 (trang 41 sgk Ngữ văn 12 Tập 1):

Ý nghĩa việc trích dẫn bản tuyên ngôn của Mĩ và Pháp trong phần mở đầu:

- Tạo cơ sở pháp lý cho bản Tuyên ngôn.

- Đề cao những giá trị hiển nhiên của tư tưởng nhân đạo và của văn minh nhân loại. tạo tiền đề cho lập luận sẽ nêu ở mệnh đề tiếp theo.

- Thể hiện sự sáng tạo trong cách nêu vấn đề: Từ quyền con người mở rộng ra nói về quyền dân tộc.

Câu 3 (trang 42 sgk Ngữ văn 12 Tập 1):

Trong phần thứ hai của bản Tuyên ngôn Độc lập, để khẳng định quyền độc lập, tự do của nước Việt Nam, tác giả đã sử dụng lập luận rất thuyết phục:

- Bản tuyên ngôn đã vạch trần tội ác của thực dân Pháp:

+ Trong hơn 80 năm: Thực dân Pháp cướp nước ta, áp bức đồng bào ta:

Về chính trị: cướp tự do, chia để trị, đầu độc, khủng bố.

Về văn hóa: thi hành chính sách ngu dân.

Về kinh tế: bóc lột dân ta đến tận xương tủy.

Bản cáo trạng đanh thép, đầy phẫn nộ về tội ác của thực dân Pháp đối với dân tộc Việt Nam.

+ Trong 5 năm (1940 – 1945): Pháp đã bán nước ta hai lần cho Nhật, phản bội đồng minh, khủng bố tù chính trị,...

=> Thực dân Pháp đã từ bỏ quyền lợi, trách nhiệm của mẫu quốc đối với thuộc địa nên chúng không có tư cách gì quay trở lại Đông Dương.

- Bằng những lập luận chặt chẽ, từ ngữ sắc sảo, điệp ngữ “Sự thật là”, nhịp điệu dồn dập, bản tuyên ngôn đã khẳng định cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta:

+ Gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm;

+ Đứng về phe Đồng minh chống Phát xít;

+ Khoan hồng với kẻ thù bị thất thế;

+ Giành độc lập từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp.

=> Từ những cứ liệu lịch sử hiển nhiên đó, bản tuyên ngôn nhấn mạnh các thông điệp quan trọng:

+ Tuyên bố thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước Pháp đã kí với Việt Nam, xóa bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.

+ Kêu gọi toàn dân Việt Nam đoàn kết chống giặc.

+ Kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Câu 4 (trang 42 sgk Ngữ văn 12 Tập 1):

Tuyên ngôn Độc lập thể hiện phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh trong văn chính luận: lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, ngôn ngữ hùng hồn.

-Về lập luận: Hệ thống lập luận của bản tuyên ngôn có tính logic chặt chẽ.

+ Phần đầu: nêu nguyên lí mang tính phổ quát: độc lập, tự do, bình đẳng là lí tưởng theo đuổi của toàn nhân loại.

+ Phần thứ hai: Qua thực tế lịch sử, tác giả chứng minh nguyên lí trên đã bị thực dân Pháp chà đạp. Mặt khác, bản tuyên ngôn cũng khẳng định chính Việt Minh và nhân dân Việt Nam đã bền bỉ đấu tranh để giành lại quyền tự do, độc lập.

+ Phần kết: Tuyên bố về quyền được hưởng tự do, độc lập.

- Về lí lẽ: Lí lẽ sắc bén, thêm thuyết phục bởi những bằng chứng xác thực, hùng hồn, không thể chối cãi được.

- Về ngôn ngữ: vừa hùng hồn sắc bén, chính xác vừa tình cảm qua cách xưng hô gần gũi “đồng bào, đất nước ta, nhân dân ta, nước nhà của ta,…”

Phần luyện tập 

Bản Tuyên ngôn độc lập từ khi ra đời cho đến nay là một áng văn chính luận có sức lay động sâu sắc hàng chục triệu trái tim con người Việt Nam vì:

- Bản tuyên ngôn có giá trị lịch sử lớn lao, là văn kiện lịch sử vô giá tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về quyền tự do, độc lập của dân tộc VN và khẳng định quyết tâm bảo vệ quyền độc lập tự do ấy.

- Bên cạnh đó, bản tuyên ngôn còn chứa đựng tình cảm yêu nước, thương dân nồng nàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình cảm đó được bộc lộ qua các phương diện:

+ Về lập luận: Mọi lập luận trong tác phẩm chủ yếu dựa trên lập trường quyền lợi tối cao của các dân tộc nói chung và của dân tộc ta nói riêng.

+ Về lí lẽ: Sức mạnh của lí lẽ được sử dụng trong bản tuyên ngôn xuất phát từ tình yêu công lí, thái độ tôn trọng sự thật, và trên hết, dựa vào lẽ phải và chính nghĩa của dân tộc ta.

+ Về bằng chứng: Những bằng chứng xác thực, hùng hồn, không thể chối cãi cho thấy sự quan tâm sâu sắc của tác giả đến vận mệnh đất nước, hạnh phúc của nhân dân.

+ Về ngôn ngữ: Cách sử dụng từ ngữ chan chứa tình cảm ngay từ câu đầu tiên “Hỡi đồng bào cả nước”, và nhiều đoạn văn khác, luôn có cách xưng hô bộc lộ tình cảm gần gũi “nòi giống ta, công nhân ta,…”

Xem thêm các bài Soạn văn lớp 12 ngắn gọn, hay khác:

Soạn bài Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (tiếp theo)

Soạn bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng)

Soạn bài Mấy ý nghĩ về thơ (Nguyễn Đình Thi)

Soạn bài Đọc thêm: Đô – xtôi – ép – xki (trích)

Soạn bài Nghị luận về một hiện tượng đời sống

1 1,728 04/03/2022
Tải về