TOP 15 câu Trắc nghiệm Tách chất ra khỏi hỗn hợp có đáp án - Khoa học tự nhiên lớp 6 Kết nối tri thức

Bộ 40 bài tập trắc nghiệm Khoa học tự nhiên lớp 6 Bài 17: Tách chất ra khỏi hỗn hợp có đáp án đầy đủ các mức độ sách Kết nối tri thức giúp học sinh ôn luyện trắc nghiệm Khoa học tự nhiên 6 Bài 17.

1 4,406 04/09/2022
Tải về


Trắc nghiệm Khoa học tự nhiên 6 Bài 17: Tách chất ra khỏi hỗn hợp - Kết nối tri thức

A. Lý thuyết

I. Nguyên tắc tách chất

- Ta có thể tách các chất trong hỗn hợp dựa trên sự khác nhau về tính chất của chúng.

Ví dụ: 

+ Phù sa trong nước sông lắng xuống, tách khỏi nước .

+ Muối ăn không bị bay hơi nên khi làm cho nước biển bay hơi sẽ thu được muối ăn.

II. Một số cách tách chất

1. Lắng, gạn và lọc

- Lắng: tách các chất rắn lơ lửng nặng hơn ra khỏi các chất nhẹ hơn 

Ví dụ: 

+ Trong không khí thường có lẫn bụi.Khi lặng gió, sau một thời gian, hạt bụi nặng hơn tự động lắng xuống, giúp làm sạch không khí một cách tự nhiên.

+  Nước đục do bị lẫn đất, bùn, khi để yên, các hạt bùn đất sẽ lắng xuống đáy. Gạn lớp nước phía trên ta thu được nước trong hơn.

Tách chất khỏi hỗn hợp | Kết nối tri thức

- Lọc: Dùng để tách các chất rắn không tan ra khỏi hỗn hợp lỏng.

Ví dụ:  Khi các hạt chất rắn lơ lửng, khó lắng xuống, ta có thể lọc tách cúng ra khỏi chất lỏng hoặc chất khí.Để lọc chất rắn khỏi chất lỏng, ta thường dùng phễu lót giấy lọc. Giấy lọc chứa các lỗ li ti, khi chất lỏng chảy qua giấy lọc, các hạt chất rắn có kích thước lớn hơn lỗ này sẽ bị giữ lại.

Tách chất khỏi hỗn hợp | Kết nối tri thức

2. Cô cạn

- Tách các chất khó bay hơi ra khỏi các chất dễ bay hơi.

Ví dụ:

+ Tách muối ăn từ nước muối: đun nóng dung dịch muối ăn cho đến khi nước bay hơi hết, còn lại là muối. Người làm muối cũng biết tận dụng nắng, gió để nước bay hơi, thu được muối ăn.

Tách chất khỏi hỗn hợp | Kết nối tri thức

+ Tách các chất tan rắn ra khỏi dung dịch hoặc huyền phù bằng cách làm dung môi bay hơi, thu được chất rắn còn lại.

3. Chiết

- Tách các chất lỏng không tan vào nhau ra khỏi nhau bằng các dụng cụ như phễu chiết, bình chiết.

Tách chất khỏi hỗn hợp | Kết nối tri thức

B. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Tách chất ra khỏi hỗn hợp bằng các cách lọc, cô cạn, chiết dựa trên yếu tố nào sau đây?

A. Sự giống nhau về tính hóa học của các chất.

B. Sự khác nhau về tính chất vật lí của các chất.

C. Sự giống nhau về tính chất vật lí của các chất.

D. Sự khác nhau về tính chất hóa học của các chất.

Đáp án: B

Giải thích:

Dựa trên sự khác nhau về tính chất vật lí của các chất để tách chất ra khỏi hỗn hợp bằng các cách: lọc, cô cạn, chiết.

Câu 2: Phương pháp nào sau đây dùng để tách chất rắn không tan ra khỏi hỗn hợp lỏng?

A. Chiết.

B. Cô cạn.

C. Lọc.

D. Dùng phản ứng hóa học.

Đáp án: C

Giải thích:

Phương pháp lọc dùng để tách chất rắn không tan ra khỏi hỗn hợp lỏng.

Câu 3: Tác dụng chủ yếu của việc đeo khẩu trang là gì?

A. Tách hơi nước ra khỏi không khí hít vào.

B. Tách oxygen ra khỏi không khí hít vào.

C. Tách khí carbon dioxide ra khỏi không khí hít vào.

D. Tách khói bụi ra khỏi không khí hít vào.

Đáp án: D

Giải thích:

Đeo khẩu trang sẽ giúp lọc và giữ lại khói bụi trong không khí ở mặt ngoài khẩu trang, giúp chúng ta hít thở không khí được sạch hơn.

Câu 4: Nước phù sa được dẫn qua hỗn hợp cát vàng, than hoạt tính thu được nước trong. Phương pháp nào đã được sử dụng để loại bỏ chất bẩn trong nước?

A. Cô cạn.

B. Chiết.

C. Lắng gạn.

D. Lọc.

Đáp án: D

Giải thích:

Nước phù sa được lọc qua hỗn hợp cát vàng, than hoạt tính để thu được nước trong.

Câu 5: Cách nào sau đây có thể tách muối ăn ra khỏi hỗn hợp muối ăn với cát?

A. Hòa tan hỗn hợp đã cho vào nước rồi dùng phương pháp lọc ta sẽ thu được muối ăn.

B. Hòa tan hỗn hợp đã cho vào nước rồi dùng phương pháp cô cạn sẽ thu được muối ăn.

C. Hòa tan hỗn hợp đã cho vào nước rồi dùng phương pháp chiết sẽ thu được muối ăn.

D. Hòa tan hỗn hợp đã cho vào nước, lọc để thu lấy cát, cô cạn nước lọc sẽ thu được muối ăn.

Đáp án: D

Giải thích:

Cách tách muối ăn ra khỏi hỗn hợp muối ăn với cát:

+ Hòa tan hỗn hợp đã cho vào nước.

+ Lọc để thu lấy cát do cát không tan.

+ Cô cạn phần nước lọc, nước bay hơi sẽ thu được muối ăn.

Câu 6: Hỗn hợp nào sau đây có thể tách riêng các chất bằng cách cho hỗn hợp vào nước, sau đó khuấy kĩ và lọc, rồi cô cạn nước lọc?

A. Bột đá vôi và muối ăn.

B. Bột than và bột sắt.

C. Đường và muối.

D. Giấm và rượu.

Đáp án: A

Giải thích:

Tách riêng bột đá vôi và muối ăn:

- Cho hỗn hợp bột đá vôi và muối ăn vào nước, khuấy đều cho đến khi muối ăn tan hết.

- Lọc thu được bột đá vôi (phần rắn) và nước lọc (chứa muối ăn hòa tan).

- Cô cạn phần nước lọc, nước bay hơi thu được phần rắn là muối ăn.

Câu 7: Dầu hỏa là chất lỏng không tan trong nước và nhẹ hơn nước. Để tách dầu hỏa ra khỏi nước người ta dùng phương pháp nào sau đây?

A. Chiết.

B. Chưng cất.

C. Lọc.

D. Cô cạn.

Đáp án: A

Giải thích:

Dầu hỏa là chất lỏng không tan trong nước và nhẹ hơn nước. Để tách dầu hỏa ra khỏi nước người ta sử dụng phương pháp chiết (tách các chất lỏng không hòa tan vào nhau ra khỏi nhau).

Câu 8: Một hỗn hợp gồm bột sắt và bột đồng, có thể tách riêng bột sắt và bột đồng bằng cách nào sau đây?

A. Hòa tan vào nước.

B. Cô cạn.

C. Dùng nam châm hút.

D. Chưng cất.

Đáp án: C

Giải thích:

Sắt bị nam châm hút còn đồng thì không. Do đó có thể dùng nam châm để hút bột sắt ra khỏi bột đồng để tách riêng hai chất này.

Câu 9: Phễu chiết dùng để

A. tách chất rắn ra khỏi dung dịch.

B. tách hỗn hợp hai chất khí.

C. tách hai chất lỏng không hòa tan vào nhau.

D. tách hỗn hợp hai chất rắn.

Đáp án: C

Giải thích:

Phễu chiết dùng để tách hai chất lỏng không hòa tan vào nhau.

Câu 10: Người ta có thể sản xuất phân đạm từ nitrogen không khí. Coi không khí sau khi tách hết tạp chất chỉ còn nitrogen và oxygen. Nitrogen sôi ở -196oC, còn oxygen sôi ở -183oC. Để tách nitrogen ra khỏi không khí người ta cần

A. dẫn không khí vào dụng cụ chiết, lắc thật kĩ sau đó tiến hành chiết sẽ thu được nitrogen.

B. Dẫn không khí qua nước, nitrogen sẽ bị giữ lại, sau đó đun sẽ thu được nitrogen.

C. Hóa lỏng không khí, sau đó nâng nhiệt độ lên -196oC, nitrogen sẽ sôi và bay hơi.

D. Làm lạnh không khí sau đó đun sôi thì nitrogen bay ra trước còn oxygen bay ra sau.

Đáp án: C

Giải thích:

Để tách nitrogen ra khỏi không khí người ta dùng phương pháp chưng cất phân đoạn không khí lỏng.

Hóa lỏng không khí, sau đó nâng nhiệt độ lên -196oC, nitrogen sẽ sôi và bay hơi.

Câu 11: Trong quá trình sản xuất rượu từ các làng nghề truyền thống, rượu thu được thường có nước. Để tách rượu ra khỏi hỗn hợp rượu và nước, người ta dùng phương pháp nào sau đây?

A. Lọc.

B. Chưng cất.

C. Cô cạn.

D. Chiết

Đáp án: B

Giải thích:

Nước và rượu đều ở thể lỏng nhưng có nhiệt độ sôi khác nhau. Phương pháp chưng cất được dùng để tách riêng rượu ra khỏi hỗn hợp rượu với nước.

Câu 12: Trà là loại đồ uống có nhiều lợi ích cho sức khỏe được nhiều tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo. Trong thực tế, khi pha trà để tách nước trà ra khỏi hỗn hợp bã trà và nước, người ta dùng phương pháp nào sau đây?

A. Lọc.

B. Chưng cất.

C. Cô cạn.

D. Chiết.

Đáp án: A

Giải thích:

Tách nước trà ra khỏi hỗn hợp bã trà bằng phương pháp lọc.

Câu 13: Nhận định nào sau đây là đúng?

A. Không khí là chất tinh khiết.

B. Chất tinh khiết có những tính chất xác định.

C. Nước biển là chất tinh khiết.

D. Nước cam là chất tinh khiết.

Đáp án: B

Giải thích:

Không khí, nước biển, nước cam đều không phải là chất tinh khiết.

Câu 14: Cách thực hiện nào sau đây có thể phân biệt được cốc nước cất và cốc nước muối?

A. Lấy mỗi cốc một ít làm mẫu thử sau đó đem lọc, mẫu thử nào đem lọc thu được cặn là mẫu thử của cốc chứa nước muối.

B. Lấy mỗi cốc một ít làm mẫu thử sau đó đem lọc, mẫu thử nào đem lọc thu được cặn là mẫu thử của cốc chứa nước cất.

C. Lấy mỗi cốc một ít làm mẫu thử sau đó đem cô cạn, mẫu thử nào đem cô cạn thu được cặn là mẫu thử của cốc chứa nước muối.

D. Lấy mỗi cốc một ít làm mẫu thử sau đó đem cô cạn, mẫu thử nào đem cô cạn thu được cặn là mẫu thử của cốc chứa nước cất.

Đáp án: C

Giải thích:

Muối ăn là chất khó bay hơi, nước cất dễ bay hơi. Để phân biệt cốc đựng nước cất và cốc đựng nước muối ta tiến hành như sau: Lấy mỗi cốc một ít làm mẫu thử sau đó đem cô cạn, mẫu thử nào đem cô cạn thu được cặn là mẫu thử của cốc chứa nước muối.

Câu 15: Khi hòa tan dầu ăn vào nước thu được

A. hỗn hợp đồng nhất.

B. hỗn hợp không đồng nhất.

C. dung dịch.

D. huyền phù.

Đáp án: B

Giải thích:

Khi hòa tan dầu ăn vào nước, dầu ăn không tan trong nước và nổi lên trên nước. Như vậy khi hòa tan dầu ăn vào nước được hỗn hợp không đồng nhất.

Các câu hỏi trắc nghiệm Khoa học tự nhiên lớp 6 sách Kết nối tri thức có đáp án, chọn lọc khác:

Trắc nghiệm Bài 18: Tế bào - Đơn vị cơ bản của sự sống

Trắc nghiệm Bài 19: Cấu tạo và chức năng các thành phần của tế bào

Trắc nghiệm Bài 20: Sự lớn lên và sinh sản của tế bào

Trắc nghiệm Bài 22: Cơ thể sinh vật

Trắc nghiệm Bài 23: Tổ chức cơ thể đa bào

1 4,406 04/09/2022
Tải về