Lý thuyết Sinh học 9 Bài 35 (mới 2024 + Bài Tập): Ưu thế lai

Tóm tắt lý thuyết Sinh học 9 Bài 35: Ưu thế lai ngắn gọn, chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm Sinh học 9 Bài 35.

1 4,642 21/12/2023


Lý thuyết Sinh học 9 Bài 35: Ưu thế lai

Bài giảng Sinh học 9 Bài 35: Ưu thế lai

I. HIỆN TƯỢNG ƯU THẾ LAI

- Ưu thế lai là hiện tượng cơ thể lai F1 có sức sống cao hơn, sinh trưởng nhanh hơn, phát triển mạnh hơn, chống chịu tốt hơn, các tính trạng năng suất cao hơn trung bình giữa hai bố mẹ hoặc vượt trội cả hai bố mẹ.

- Ví dụ: Cà chua hồng Việt Nam x cà chua Ba Lan; gà Đông Cảo x gà Ri; Vịt x ngan,…

- Ưu thế lai biểu hiện cao nhất ở F1, sau đó giảm dần qua các thế hệ.

II. NGUYÊN NHÂN CỦA HIỆN TƯỢNG ƯU THẾ LAI

- Về phương diện di truyền, sự xuất hiện của ưu thế lai được giải thích như sau:

+ Khi các dòng thuần mang gen trội về một số tính trạng nào đó lai với nhau thì cơ thể lai F1 sẽ tập trung đầy đủ các gen trội có lợi từ bố và mẹ, lấn át sự biểu hiện của các gen lặn có hại.

+ Ví dụ: Một dòng thuần mang 2 gen trội lai với một dòng thuần mang 1 gen trội sẽ cho cơ thể lai F1 mang 3 gen trội có lợi.

P: AAbbCC x aaBBcc → F1: AaBbCc

- Muốn khắc phục hiện tượng ưu thế lai giảm dần ở các thế sau, người ta sử dụng các phương pháp nhân giống vô tính (bằng giâm, chiết, ghép, vi nhân giống,…)

III. CÁC PHƯƠNG PHÁP TẠO ƯU THẾ LAI

1. Phương pháp tạo ưu thế lai ở cây trồng

- Lai khác dòng:

+ Là phương pháp tạo hai dòng thuần rồi cho lai với nhau.

+ Thành tựu: Tạo ngô F1 có năng suất tăng 25 - 30%, tạo lúa F1 có năng suất tăng 20 - 40%,...

- Lai khác thứ:

+ Là phương pháp tổ hợp lai giữa 2 thứ hoặc tổng hợp nhiều thứ của cùng một loài.

+ Phương pháp lai khác thứ vừa tạo ưu thế lai vừa tạo giống mới.

+ Thành tựu: Tạo giống lúa DT17 vừa có khả năng cho năng suất cao của DT10 vừa cho chất lượng gạo cao của OM80.

2. Phương pháp tạo ưu thế lai ở vật nuôi

- Để tạo ưu thế lai ở vật nuôi, chủ yếu người ta dùng phép lai kinh tế. Lai kinh tế là cho giao phối giữa cặp vật nuôi bố mẹ thuộc hai dòng thuần chủng khác nhau rồi dùng F1 làm sản phẩm, không dùng nó làm giống.

- Ở nước ta, trong phép lai kinh tế, thường dùng con cái thuộc giống trong nước cho giao phối với con đực cao sản thuộc giống thuần nhập nội. Con lai có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, chăn nuôi của giống mẹ và có sức tăng sản của giống bố.

- Thành tựu: Lợn lai kinh tế giữa Ỉ Móng Cái x Đại bạch có sức sống cao, tăng trọng nhanh, tỉ lệ thịt nạc cao hơn.

Trắc nghiệm Sinh học 9 Bài 35: Ưu thế lai

Câu 1: (NB) Ưu thế lai là hiện tượng

A. con lai giảm sức sinh sản so với bố mẹ.

B. con lai có tính chống chịu kém so với bố mẹ.

C. con lai có sức sống cao hơn bố mẹ.

D. con lai duy trì kiểu gen vốn có ở bố mẹ.

Đáp án: C

Giải thích:

Ưu thế lai là hiện tượng con lai có sức sống cao hơn, sinh trưởng nhanh hơn, phát triển mạnh hơn, chống chịu tốt hơn, các tính trạng năng suất cao hơn trung bình giữa hai bố mẹ hoặc vượt trội cả hai bố mẹ.

Câu 2: (TH) Ưu thế lai biểu hiện như thế nào qua các thế hệ?

A. Biểu hiện cao nhất ở thế hệ P, sau đó giảm dần qua các thế hệ.

B. Biểu hiện cao nhất ở thế hệ F1, sau đó giảm dần qua các thế hệ.

C. Biểu hiện cao nhất ở thế hệ F2, sau đó giảm dần qua các thế hệ.

D. Biểu hiện cao nhất ở thế hệ Fb, sau đó tăng dần qua các thế hệ.

Đáp án: B

Giải thích:

Ưu thế lai biểu hiện rõ nhất ở đời lai F1 sau đó giảm dần qua các thế hệ

Câu 3: (NB) Ưu thế lai biểu hiện rõ nhất khi thực hiện phép lai giữa

A. các cá thể khác loài.

B. các dòng thuần có kiểu gen khác nhau.

C. các cá thể được sinh ra từ một cặp bố mẹ.

D. hoa đực và hoa cái trên cùng một cây.

Đáp án: B

Giải thích:

Ưu thế lai biểu hiện rõ nhất khi thực hiện phép lai giữa các dòng thuần có kiểu gen khác nhau.

Câu 4: (VD) Trong chăn nuôi, người ta giữ lại con đực có nhiều tính trạng tốt làm giống cho đàn của nó là đúng hay sai, tại sao?

A. Đúng, vì con giống đã được chọn lọc.

B. Đúng, vì tạo được dòng thuần chủng nhằm giữ được vốn gen tốt.

C. Sai, vì đây là giao phối gần có thể gây thoái hóa giống.

D. Sai, vì trong đàn có ít con nên không chọn được con giống tốt.

Đáp án: C

Giải thích:

Giữ lại con đực có nhiều tính trạng tốt làm giống cho đàn của nó là sai. Vì đây là giao phối gần có thể gây thoái hóa giống, con đực F1 có nhiều tính trạng tốt nhưng qua nhiều thế hệ giao phối gần thì ưu thế lai giảm dần → nhiều tính trạng xấu biểu hiện.

Câu 5: (NB) Khi thực hiện lai giữa các dòng thuần mang kiểu gen khác nhau thì ưu thế lai thể hiện rõ nhất ở thế hệ con lai thứ mấy?

A. Thứ 1.

B. Thứ 2.

C. Thứ 3.

D. Mọi thế hệ.

Đáp án: A

Giải thích:

Ưu thế lai biểu hiện rõ nhất ở đời lai F1.

Câu 6: (TH) Để tạo ưu thế lai, khâu quan trọng đầu tiên là

A. lai khác dòng.

B. lai kinh tế.

C. lai phân tích.

D. tạo ra các dòng thuần.

Đáp án: D

Giải thích:

Để tạo ưu thế lai, khâu quan trọng đầu tiên là tạo ra các dòng thuần

Câu 7: (NB) Để tạo ưu thế lai ở cây trồng người ta dùng phương pháp chủ yếu nào sau đây?

A. Tự thụ phấn.

B. Lai kinh tế.

C. Lai khác dòng.

D. Lai phân tích.

Đáp án: C

Giải thích:

Để tạo ưu thế lai ở cây trồng người ta chủ yếu dùng phương pháp lai khác dòng.

Câu 8: (VD) Tại sao ưu thế lai biểu hiện rõ nhất ở F1, còn sau đó giảm dần qua các thế hệ?

A. Vì các thế hệ sau, tỉ lệ các tổ hợp đồng hợp trội giảm dần và không được biểu hiện.

B. Vì các thế hệ sau, tỉ lệ các tổ hợp đồng hợp trội biểu hiện các đặc tính xấu.

C. Vì các thế hệ sau, tỉ lệ dị hợp giảm dần, đồng hợp lặn tăng dần và biểu hiện các đặc tính xấu.

D. Vì các thế hệ sau, tỉ lệ đồng hợp giảm dần, dị hợp tăng dần và biểu hiện các đặc tính xấu.

Đáp án: C

Giải thích:

Khi tự thụ phấn tỉ lệ kiểu gen dị hợp tử giảm, kiểu gen đồng hợp tử tăng qua các thế hệ → tỉ lệ kiểu hình đồng hợp tử lặn tăng → gây hại.

Câu 9: (NB) Muốn duy trì ưu thế lai trong trồng trọt phải dùng phương pháp nào sau đây?

A. Cho con lai F1 lai hữu tính với nhau.

B. Nhân giống vô tính bằng giâm, chiết, ghép,...

C. Lai kinh tế giữa 2 dòng thuần khác nhau.

D. Cho F1 lai với P.

Đáp án: B

Giải thích:

Muốn duy trì được ưu thế lai người ta thường dùng các biện pháp nhân giống vô tính: giâm cành, chiết cành, nuôi cấy mô,…

Câu 10: (TH) Trong chăn nuôi, để tận dụng ưu thế lai, người ta dùng phép lai nào sau đây?

A. Giao phối cận huyết.

B. Lai kinh tế.

C. Lai phân tích.

D. Giao phối ngẫu nhiên.

Đáp án: B

Giải thích:

Trong chăn nuôi, để tận dụng ưu thế lai, người ta dùng phép lai kinh tế.

Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Sinh học lớp 9 đầy đủ, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 36: Các phương pháp chọn lọc

Lý thuyết Bài 37: Thành tựu chọn giống ở Việt Nam

Lý thuyết Bài 38: Thực hành: Tập dượt thao tác thụ phấn

Lý thuyết Bài 39: Thực hành: Tìm hiểu thành tựu chọn giống vật nuôi và cây trồng

Lý thuyết Bài 40: Ôn tập phần di truyền và biến dị

1 4,642 21/12/2023


Xem thêm các chương trình khác: