Lý thuyết Sinh học 9 Bài 29 (mới 2024 + Bài Tập): Bệnh và tật di truyền ở người

Tóm tắt lý thuyết Sinh học Bài 29: Bệnh và tật di truyền ở người ngắn gọn, chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm Sinh học 9 Bài 29.

1 2229 lượt xem
Tải về


Lý thuyết Sinh học 9 Bài 29: Bệnh và tật di truyền ở người

- Tác nhân gây các bệnh và tật di truyền: Ảnh hưởng của tác nhân vật lí và hóa học trong tự nhiên, do ô nhiễm môi trường và do rối loạn quá trình trao đổi chất trong tế bào.

- Cơ chế gây các bệnh và tật di truyền: Do đột biến gen và đột biến NST.

I. MỘT VÀI BỆNH DI TRUYỀN Ở NGƯỜI

1. Bệnh Đao

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 29: Bệnh và tật di truyền ở người (ảnh 1)

- Đặc điểm di truyền: Người mắc hội chứng Đao có 3 NST số 21 → Có bộ NST dạng thể ba 2n + 1 (47 NST).

- Biểu hiện bên ngoài: Bé, lùn, cổ rụt, má phệ, miệng hơi há, lưỡi hơi thè ra, mắt hơi sâu và 1 mí, khoảng cách giữa 2 mắt xa nhau, ngón tay ngắn.

- Về sinh lí: Bị si đần bẩm sinh và không có con.

2. Bệnh Tớcnơ (OX)

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 29: Bệnh và tật di truyền ở người (ảnh 1)

- Đặc điểm di truyền: Bệnh nhân Tớcnơ chỉ có 1 NST giới tính X → Có bộ NST dạng thể một 2n – 1 (45 NST).

- Biểu hiện bên ngoài: Bệnh nhân là nữ, lùn, cổ ngắn, tuyến vú không phát triển.

- Về sinh lí: Chỉ khoảng 2% bệnh nhân Tớcnơ sống đến lúc trưởng thành nhưng không có kinh nguyệt, tử cung nhỏ, thường mất trí và không có con.

3. Bệnh bạch tạng và bệnh câm điếc bẩm sinh

- Bệnh bạch tạng do một đột biến gen lặn gây ra. Bệnh nhân có da và tóc màu trắng, mắt màu hồng.

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 29: Bệnh và tật di truyền ở người (ảnh 1)

- Bệnh câm điếc bẩm sinh do một đột biến gen lặn gây ra. Bệnh này thường thấy ở con của những người bị nhiễm phóng xạ, chất độc hóa học trong chiến tranh hoặc không cẩn thận trong việc sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ.

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 29: Bệnh và tật di truyền ở người (ảnh 1)

II. MỘT SỐ TẬT DI TRUYỀN Ở NGƯỜI

- Một số tật di truyền ở người xảy ra do đột biến NST: Tật khe hở môi – hàm, bàn tay mất một số ngón, bàn chân mất ngón và dính ngón, bàn tay nhiều ngón.

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 29: Bệnh và tật di truyền ở người (ảnh 1)

- Một số tật di truyền ở người xảy ra do đột biến gen trội là: xương chi ngắn, bàn chân có nhiều ngón.

III. CÁC BIỆN PHÁP HẠN CHẾ PHÁT SINH TẬT, BỆNH DI TRUYỀN

- Các bệnh di truyền và dị tật bẩm sinh ở người do ảnh hưởng của các tác nhân vật lí và hóa học trong tự nhiên, do ô nhiễm môi trường hoặc do rối loạn trao đổi chất nội bào.

- Có thể hạn chế phát sinh tật, bệnh di truyền ở người bằng các biện pháp sau:

+ Đấu tranh chống sản xuất, thử, sử dụng vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học và các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

+ Sử dụng đúng quy cách các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ dại, thuốc chữa bệnh.

+ Hạn chế kết hôn giữa những người có nguy cơ mang gen gây các tật, bệnh di truyền hoặc hạn chế sinh con của các cặp vợ chồng nói trên.

Trắc nghiệm Sinh học 9 Bài 29: Bệnh và tật di truyền ở người

Câu 1: (NB) Bệnh, tật di truyền là

A. bệnh của bộ máy di truyền, gồm những bệnh, tật phát sinh chỉ do sai sót trong bộ gen hoặc do sai sót trong quá trình hoạt động của gen.

B. bệnh của bộ máy di truyền, gồm những bệnh, tật phát sinh do sai sót trong cấu trúc hoặc số lượng nhiễm sắc thể, bộ gen hoặc sai sót trong quá trình hoạt động của gen.

C. bệnh của bộ máy di truyền, gồm những bệnh, tật phát sinh do sai sót trong cấu trúc hoặc số lượng nhiễm sắc thể hoặc sai sót trong quá trình hoạt động của gen.

D. bệnh của bộ máy di truyền, gồm những bệnh, tật phát sinh do sai sót trong cấu trúc hoặc số lượng nhiễm sắc thể và bộ gen.

Đáp án: B

Giải thích:

Bệnh, tật di truyền là bệnh của bộ máy di truyền, gồm những bệnh, tật phát sinh do sai sót trong cấu trúc hoặc số lượng nhiễm sắc thể, bộ gen hoặc sai sót trong quá trình hoạt động của gen.

Câu 2: (NB) Nguyên nhân có thể dẫn đến các bệnh di truyền và tật bẩm sinh ở người là do

A. các tác nhân vật lí, hoá học trong tự nhiên.

B. ô nhiễm môi trường sống.

C. rối loạn hoạt động trao đổi chất bên trong tế bào.

D. cả A, B, C đều đúng.

Đáp án: D

Giải thích:

Nguyên nhân có thể dẫn đến các bệnh di truyền và tật bẩm sinh ở người là do các tác nhân vật lí, hoá học trong tự nhiên, ô nhiễm môi trường sống, rối loạn hoạt động trao đổi chất bên trong tế bào.

Câu 3: (NB) Ở người, tính trạng nào sau đây di truyền có liên quan đến giới tính?

A. Bệnh máu khó đông.

B. Bệnh bạch tạng.

C. Tầm vóc cao hoặc tầm vóc thấp.

D. Tất cả các tính trạng nói trên.

Đáp án: A

Giải thích:

Bệnh máu khó đông do gen nằm trên NST giới tính quy định → Bệnh máu khó đông di truyền có liên quan đến giới tính.

Câu 4: (NB) Bệnh di truyền xảy ra do đột biến gen là

A. bệnh máu khó đông và bệnh Down.

B. bệnh Down và bệnh bạch tạng.

C. bệnh máu khó đông và bệnh bạch tạng.

D. bệnh Turner và bệnh Down.

Đáp án: C

Giải thích:

- Bệnh máu không đông và bệnh bạch tạng xảy ra do đột biến gen.

- Bệnh Down, bệnh Turner là những bệnh do đột biến NST gây ra.

Câu 5: (NB) Hội chứng Down ở người là dạng đột biến

A. dị bội xảy ra trên cặp NST thường.

B. đa bội xảy ra trên cặp NST thường.

C. dị bội xảy ra trên cặp NST giới tính.

D. đa bội xảy ra trên cặp NST giới tính.

Đáp án: A

Giải thích:

Người mắc hội chứng Down có 3 NST số 21 → Hội chứng Down ở người là dạng đột biến dị bội xảy ra trên cặp NST thường.

Câu 6: (NB) Người bị hội chứng Down có số lượng NST trong tế bào sinh dưỡng bằng

A. 46 chiếc.

B. 47 chiếc.

C. 45 chiếc.

D. 44 chiếc.

Đáp án: B

Giải thích:

Người mắc hội chứng Down có 3 NST số 21 → Kí hiệu bộ NST của người mắc hội chứng Down là 2n + 1 → Người bị hội chứng Down có số lượng NST trong tế bào sinh dưỡng là 46 + 1 = 47 chiếc.

Câu 7: (NB) Hậu quả xảy ra ở bệnh nhân Down là

A. cơ thể lùn, cổ rụt, lưỡi thè ra.

B. hai mắt xa nhau, mắt một mí, ngón tay ngắn.

C. si đần bẩm sinh, không có con.

D. cả A, B, C đều đúng.

Đáp án: D

Giải thích:

Bệnh nhân Down có cơ thể lùn, cổ rụt, lưỡi thè ra, hai mắt xa nhau, mắt một mí, ngón tay ngắn, si đần bẩm sinh, không có con.

Câu 8: (TH) Phát biểu nào sau đây về bệnh Down là đúng?

A. Bệnh Down chỉ xảy ra ở trẻ nam.

B. Bệnh Down chỉ xảy ra ở trẻ nữ.

C. Bệnh Down có thể xảy ra ở cả nam và nữ.

D. Bệnh Down chỉ có ở người lớn.

Đáp án: C

Giải thích:

Bệnh Down là do đột biến số lượng NST thường → Bệnh Down có thể xảy ra ở cả nam và nữ.

Câu 9: (TH) Những trường hợp nào sau đây không phải là nguyên nhân gây ra các bệnh, tật di truyền ở người?

A. Do kết hôn gần trong phạm vi 3 đời.

B. Người phụ nữ trên 35 tuổi còn sinh đẻ.

C. Do ăn uống thiếu chất.

D. Sống ở môi trường bị ô nhiễm nặng do phóng xạ, hóa chất.

Đáp án: C

Giải thích:

Ăn uống thiếu chất chỉ gây ra các bệnh trong đời cá thể chứ không ảnh hưởng đến bộ gen di truyền của cá thể.

Câu 10: (NB) Bệnh Turner là một dạng đột biến làm thay đổi về

A. cấu trúc của gen.

B. cấu trúc NST.

C. số lượng NST theo hướng giảm đi.

D. số lượng NST theo hướng tăng lên.

Đáp án: C

Giải thích:

Bệnh Turner (OX) là một dạng đột biến làm thay đổi số lượng NST theo hướng giảm đi. Người mắc bệnh Turner chỉ có 1 NST giới tính X.

Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Sinh học lớp 9 đầy đủ, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 26: Thực hành: nhận biết một vài dạng đột biến

Lý thuyết Bài 27: Thực hành: quan sát thường biến

Lý thuyết Bài 28: Phương pháp nghiên cứu di truyền người

Lý thuyết Bài 30: Di truyền học với con người

Lý thuyết Bài 24: Đột biến số lượng nhiễm sắc thể (tiếp theo)

1 2229 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: