Lý thuyết Sinh học 9 Bài 19 (mới 2024 + Bài Tập): Mối quan hệ giữa gen và tính trạng

Tóm tắt lý thuyết Sinh học 9 Bài 19: Mối quan hệ giữa gen và tính trạng ngắn gọn, chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm Sinh học 9 Bài 19.

1 4,472 21/12/2023
Tải về


Lý thuyết Sinh học 9 Bài 19: Mối quan hệ giữa gen và tính trạng

I. MỐI QUAN HỆ GIỮA ARN VÀ PRÔTÊIN

1. Quá trình tổng hợp chuỗi axit amin

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 19: Mối quan hệ giữa gen và tính trạng (ảnh 1)

Sơ đồ hình thành chuỗi axit amin

mARN sau khi được hoàn thành rời khỏi nhân ra tế bào để làm khuôn tổng hợp chuỗi axit amin theo cơ chế:

- Các tARN một đầu gắn với 1 axit amin, đầu kia mang bộ ba đối mã tiến vào ribôxôm.

- Khi có sự ăn khớp theo nguyên tắc bổ sung (A – U, X – G) giữa bộ ba đối mã và bộ ba mã sao thì một axit amin được đặt vào đúng vị trí.

- Sau đó, axit min này hình thành liên kết với axit amin đã được tổng hợp liền trước nó.

- Ribôxôm lại dịch chuyển đi 1 bộ ba rồi cứ như vậy đến cuối mARN.

- Khi ribôxôm dịch chuyển hết chiều dài của mARN thì chuỗi axit amin được tổng hợp xong.

2. Mối quan hệ giữa ARN và prôtêin

Quá trình tổng hợp chuỗi axit amin được diễn ra theo 2 nguyên tắc:

- Nguyên tắc khuôn mẫu: Quá trình tổng hợp chuỗi axit amin dựa trên khuôn mẫu là phần tử mARN.

- Nguyên tắc bổ sung: Bộ ba đối mã khớp với mARN theo nguyên tắc bổ sung A – U, G – X thì axit amin mới được đặt đúng vào vị trí.

→ Mối quan hệ giữa ARN và prôtêin: Trình tự các nuclêôtit trên mARN quy định trình tự sắp xếp các axit amin trong prôtêin.

II. MỐI QUAN HỆ GIỮA GEN VÀ TÍNH TRẠNG

- Mối quan hệ giữa gen và tính trạng được biểu thị theo sơ đồ sau: Gen → mARN → Prôtêin → Tính trạng.

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 19: Mối quan hệ giữa gen và tính trạng (ảnh 1)

Sơ đồ mối quan hệ giữa gen và prôtêin

- Phân tích mối quan hệ giữa gen và tính trạng:

+ Sự tổng hợp mARN được diễn ra dựa trên mạch khuôn là mạch gốc của gen theo nguyên tắc bổ sung: Agen liên kết với Utự do, Tgen liên kết với Atự do, Xgen liên kết với Gtự do, Ggen liên kết với Xtự do → Trình tự nuclêôtit trên gen quy định trình tự các nuclêôtit trên mARN.

+ Sự tổng hợp prôtêin được diễn ra dựa trên mạch khuôn là mARN theo nguyên tắc bổ sung: Khi 1 bộ ba trên mARN khớp bổ sung với 1 bộ ba trên tARN (A liên kết với U, G liên kết với X) thì 1 axit amin sẽ được đặt đúng vào vị trí → Trình tự nuclêôtit trên mARN quy định trình tự các axit amin trong chuỗi axit amin.

+ Chuỗi axit amin trải qua biến đổi tạo ra prôtêin trực tiếp tham gia vào cấu trúc và hoạt động sinh lí của tế bào, từ đó biểu hiện thành tính trạng của cơ thể.

→ Mối liên hệ giữa gen và tính trạng: Trình tự các nuclêôtit trên ADN (gen) quy định trình tự các nuclêôtit trong mARN, thông qua đó ADN quy định trình tự các axit amin trong chuỗi axit amin cấu thành prôtêin và biểu hiện thành tính trạng. Như vậy, giữa gen và tính trạng có mối quan hệ mật thiết với nhau, cụ thể là gen quy định tính trạng.

Trắc nghiệm Sinh học 9 Bài 19: Mối quan hệ giữa gen và tính trạng

Câu 1: (NB) Quá trình tổng hợp prôtêin được gọi là

A. sao mã.

B. tự sao.

C. dịch mã.

D. khớp mã.

Đáp án: C

Giải thích:

- Quá trình tổng hợp prôtêin được gọi là dịch mã (giải mã).

- Tự sao là quá trình tự nhân đôi ADN.

- Sao mã là quá trình tổng hợp ARN.

Câu 2: (NB) Quá trình tổng hợp prôtêin xảy ra ở

A. trong nhân tế bào.

B. trên phân tử ADN.

C. trên màng tế bào.

D. tại ribôxôm của tế bào chất.

Đáp án: D

Giải thích: Quá trình tổng hợp prôtêin xảy ra tại ribôxôm của tế bào chất.

Câu 3: (NB) Loại bào quan nào có chức năng tổng hợp prôtêin?

A. Bộ máy Gôngi.

B. Trung thể .

C. Ti thể.

D. Ribôxôm.

Đáp án: D

Giải thích: Ribôxôm là bào quan tổng hợp prôtêin.

Câu 4: (NB) Nguyên liệu từ môi trường nội bào nào dưới đây được sử dụng trong quá trình tổng hợp prôtêin?

A. Ribônuclêôtit.

B. Axit nuclêic.

C. Axit amin.

D. Các nuclêôtit.

Đáp án: C

Giải thích: Đơn phân của prôtêin là axit amin → Nguyên liệu trong môi trường nội bào được sử dụng trong quá trình tổng hợp prôtêin là axit amin.

Câu 5: (NB) Thành phần nào sau đây không tham gia trực tiếp trong quá trình dịch mã?

A. mARN.

B. tARN.

C. ADN.

D. Ribôxôm.

Đáp án: C

Giải thích: Thành phần không tham gia trực tiếp trong quá trình dịch mã là ADN. Thông tin di truyền trên ADN được truyền đạt cho mARN, sau đó mARN trực tiếp làm khuôn tổng hợp nên prôtêin.

Câu 6: (NB) Các thành phần nào sau đây tham gia vào quả trình tổng hợp prôtêin?

A. ADN (gen), mARN và rARN.

B. mARN, tARN và ribôxôm.

C. ADN (gen), mARN, tARN và ribôxôm.

D. ADN (gen), mARN và tARN.

Đáp án: C

Giải thích: Các thành phần tham gia vào quá trình tổng hợp prôtêin: ADN (gen), mARN, tARN và ribôxôm.

Câu 7: (NB) Phân tử nào được dùng làm khuôn để tổng hợp prôtêin?

A. tARN.

B. ADN.

C. mARN.

D. rARN.

Đáp án: C

Giải thích: mARN được dùng làm khuôn để tổng hợp prôtêin, mARN có vị trí để ribôxôm nhận biết và gắn vào khi dịch mã.

Câu 8: (NB) Kết quả của quá trình dịch mã là

A. tạo ra phân tử mARN mới.

B. tạo ra phân tử tARN mới.

C. tạo ra phân tử rARN mới.

D. tạo ra chuỗi pôlipeptit mới.

Đáp án: D

Giải thích: Kết thúc dịch mã tạo ra chuỗi pôlipeptit mới.

Câu 9: (TH) Ghép nội dung cột A với cột B cho phù hợp?

Cột A

Cột B

1. Gen cấu trúc

2. mARN

3. tARN

4. Ribôxôm

a. Nơi giải mã

b. Bản mã gốc

c. Bản mã sao

d. Vận chuyển axit amin

e. Nơi cung cấp axit amin

A. 1-a, 2-d, 3-c, 4-a.

B. 1-b, 2-c, 3-a, 4-d.

C. 1-b, 2-a, 3-d, 4-c.

D. 1-b, 2-c, 3-d, 4-a.

Đáp án: D

Giải thích:

- Gen cấu trúc là bản mã gốc.

- mARN là bản mã sao.

- tARN có chức năng vận chuyển axit amin.

- Ribôxôm là nơi giải mã (thực hiện quá trình tổng hợp prôtêin).

Câu 10: (TH) Phát biểu nào dưới đây về quá trình dịch mã là đúng?

A. Mỗi mARN chỉ liên kết với một ribôxôm nhất định.

B. mARN thường gắn với một nhóm ribôxôm (pôliribôxôm) giúp tăng hiệu suất tổng hợp prôtêin.

C. Mỗi phân tử mARN được làm khuôn tổng hợp nhiều loại prôtêin.

D. Mỗi chuỗi pôlipeptit được tổng hợp từ nhiều loại mARN.

Đáp án: B

Giải thích:

- A sai vì mARN thường gắn với một nhóm ribôxôm (pôliribôxôm) giúp tăng hiệu suất tổng hợp prôtêin.

- C sai vì mỗi phân tử mARN được làm khuôn tổng hợp một loại prôtêin.

- D sai vì mỗi chuỗi pôlipeptit được tổng hợp từ một loại mARN.

Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Sinh học lớp 9 đầy đủ, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 14: Thực hành: quan sát hình thái nhiễm sắc thể

Lý thuyết Bài 15: ADN

Lý thuyết Bài 16: ADN và bản chất của gen

Lý thuyết Bài 17: Mối quan hệ giữa gen và ARN

Lý thuyết Bài 18: Cấu trúc prôtêin

1 4,472 21/12/2023
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: