Lý thuyết Sinh học 9 Bài 41 (mới 2024 + Bài Tập): Môi trường và các nhân tố sinh thái

Tóm tắt lý thuyết Sinh học 9 Bài 41: Môi trường và các nhân tố sinh thái, chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm Sinh học 9 Bài 41.

1 3,857 21/12/2023


Lý thuyết Sinh học 9 Bài 41: Môi trường và các nhân tố sinh thái

Bài giảng Sinh học 9 Bài 41: Môi trường và các nhân tố sinh thái

I. MÔI TRƯỜNG SỐNG CỦA SINH VẬT

- Khái niệm: Môi trường là nơi sinh sống của sinh vật, bao gồm tất cả những gì bao quanh chúng.

- Phân loại: Có 4 loại môi trường chủ yếu bao gồm:

+ Môi trường nước: Gồm những vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn có các sinh vật thủy sinh. Ví dụ: Môi trường nước là môi trường sống của tôm, cá, cây bèo tây,…

+ Môi trường trong đất: Gồm các lớp đất có độ sâu khác nhau, trong đó có các sinh vật sống dưới đất. Ví dụ: Môi trường trong đất là môi trường sống của giun đất, dế,…

+ Môi trường trên cạn (mặt đất - không khí): Gồm mặt đất và lớp khí quyển, là nơi sống của phần lớn sinh vật trên Trái Đất. Ví dụ: Môi trường trên cạn là môi trường sống của các loài chó, mèo, lợn, cây bàng,…

+ Môi trường sinh vật: Cơ thể sinh vật được coi là môi trường sống khi chúng là nơi ở, nơi lấy thức ăn, nước uống của các sinh vật khác. Ví dụ: Cây xanh là môi trường sống của vi sinh vật và nấm kí sinh; ruột người là môi trường sống của các loài giun, sán;…

II. CÁC NHÂN TỐ SINH THÁI CỦA MÔI TRƯỜNG

- Khái niệm: Nhân tố sinh thái là những nhân tố môi trường có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới đời sống sinh vật.

- Phân loại: Các nhân tố sinh thái được chia thành 2 nhóm:

+ Nhóm nhân tố vô sinh (không sống): bao gồm đất, nước, không khí, ánh sáng, nhiệt độ,…

+ Nhóm nhân tố hữu sinh (sống): bao gồm nhân tố con người và nhân tố các sinh vật khác (VSV, động vật, thực vật). Nhân tố con người được tách ra thành một nhóm nhân tố sinh thái riêng vì hoạt động của con người khác với các sinh vật khác; con người có trí tuệ nên bên cạnh việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, con người còn góp phần to lớn cải tạo thiên nhiên.

- Ảnh hưởng của các nhân tố sinh thái tới sinh vật tùy thuộc vào mức độ tác động của chúng. Ví dụ: Ánh sáng mạnh hay yếu, mật độ cá thể nhiều hay ít,…

- Các nhân tố sinh thái thay đổi theo từng môi trường và thời gian.

III. GIỚI HẠN SINH THÁI

- Khái niệm: Giới hạn sinh thái là giới hạn chịu đựng của cơ thể sinh vật đối với một nhân tố sinh thái nhất định. Nằm ngoài giới hạn sinh thái sinh vật sẽ yếu dần và chết.

+ Khoảng thuận lợi: là khoảng nhân tố sinh trưởng ở mức phù hợp, đảm bảo cho sinh vật sống tốt nhất.

+ Khoảng chống chịu: là khoảng nhân tố sinh trưởng gây ức chế cho hoạt động sống của sinh vật.

+ Giới hạn dưới: là khoảng giá trị thấp nhất mà dưới giới hạn đó sinh vật sẽ chết.

+ Giới hạn trên: là khoảng giá trị cao nhất mà trên giới hạn đó sinh vật sẽ chết.

- Ví dụ: Giới hạn sinh thái về nhiệt độ của cá rô phi: Cá rô phi có giới hạn sinh thái từ 5 – 42oC; giới hạn dưới: 5oC; giới hạn trên: 42oC; khoảng nhiệt thuận lợi cho cá rô phi sinh trưởng và phát triển: 20 – 30oC.

Giới hạn về nhiệt độ của cá rô phi ở Việt Nam

- Nhân tố sinh thái vô sinh tác động trực tiếp lên đời sống, đặc điểm sinh lí của sinh vật. Nhân tố sinh thái hữu sinh có ảnh hưởng trực tiếp (Ví dụ: Số lượng sâu là nhân tố sinh thái hữu sinh có ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng chim ăn sâu) hoặc ảnh hưởng gián tiếp (Ví dụ: Lá cây là thức ăn của sâu, sâu là thức ăn của chim ăn sâu → Cây xanh là nhân tố sinh thái hữu sinh có ảnh hưởng gián tiếp đến chim ăn sâu).

Trắc nghiệm Sinh học 9 Bài 41: Môi trường và các nhân tố sinh thái

Câu 1: (NB) Môi trường bao gồm

A. nguồn thức ăn cung cấp cho sinh vật.

B. các yếu tố của khí hậu tác động lên sinh vật.

C. tập hợp tất cả các yếu tố bao quanh sinh vật.

D. các yếu tố về nhiệt độ, độ ẩm.

Đáp án: C

Giải thích:

Môi trường là nơi sống của sinh vật, bao gồm tập hợp tất cả các yếu tố bao quanh sinh vật.

Câu 2: (NB) Các loại môi trường chủ yếu của sinh vật là:

A. đất, nước, trên mặt đất - không khí

B. đất, trên mặt đất - không khí

C. đất, nước, sinh vật

D. đất, nước, trên mặt đất - không khí và sinh vật

Đáp án: D

Giải thích:

- Có 4 loại môi trường sống của sinh vật:

+ Môi trường nước: nước mặn, nước ngọt, nước lợ,…

+ Môi trường trong đất: đất cát, đất sét, đất đá, sỏi,… trong đó có sinh vật sống.

+ Môi trường đất – không khí (môi trường trên cạn): đất đồi núi, đất đồng bằng,… bầu khí quyển bao quanh trái đất.

+ Môi trường sinh vật: động vật, thực vật, con người,… là nơi sống cho các sinh vật khác.

Câu 3: (NB) Cây xanh sống trong môi trường nào?

A. Đất và không khí.

B. Đất và nước.

C. Không khí và nước.

D. Đất.

Đáp án: B

Giải thích:

Cây xanh có thể sống trong môi trường đất và nước.

Câu 4: (NB) Da người có thể là môi trường sống của những loài sinh vật nào?

A. Giun đũa kí sinh.

B. Chấy, rận, nấm.

C. Sâu.

D. Thực vật bậc thấp.

Đáp án: B

Giải thích:

Da người có thể là môi trường sống của chấy, rận, nấm.

Câu 5: (NB) Nhân tố sinh thái là .... tác động đến sinh vật.

A. nhiệt độ.

B. các nhân tố của môi trường.

C. nước.

D. ánh sáng.

Đáp án: B

Giải thích:

Nhân tố sinh thái là các yếu tố của môi trường tác động đến sinh vật.

Câu 6: (NB) Các nhân tố sinh thái được chia thành những nhóm nào sau đây?

A. Vô sinh và con người.

B. Ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và sinh vật.

C. Vô sinh và hữu sinh.

D. Con người và các sinh vật khác.

Đáp án: C

Giải thích:

Các nhân tố sinh thái được chia thành 2 nhóm: vô sinh (không sống) và hữu sinh (sống). Trong nhóm nhân tố sinh thái hữu sinh, con người được tách thành một nhóm riêng vì hoạt động của con người khác với các sinh vật khác.

Câu 7: (NB) Yếu tố nào dưới đây là nhân tố hữu sinh?

A. Ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm.

B. Chế độ khí hậu, nước, ánh sáng.

C. Con người và các sinh vật khác.

D. Các sinh vật khác và ánh sáng.

Đáp án: C

Giải thích:

Nhân tố hữu sinh gồm các cơ thể sống → Trong các nhân tố trên, con người và các sinh vật khác là nhân tố hữu sinh.

Câu 8: (NB) Yếu tố ánh sáng thuộc nhóm nhân tố sinh thái nào?

A. Vô sinh.

B. Hữu sinh.

C. Vô cơ.

D. Chất hữu cơ.

Đáp án: A

Giải thích:

Ánh sáng lá một yếu tố không sống → Ánh sáng thuộc nhóm nhân tố sinh thái vô sinh.

Câu 9: (TH) Có thể xếp con người vào nhóm nhân tố sinh thái nào?

A. Vô sinh.

B. Hữu sinh.

C. Hữu sinh và vô sinh.

D. Hữu cơ.

Đáp án: B

Giải thích:

Con người là cơ thể sống → Có thể xếp con người vào nhóm nhân tố sinh thái hữu sinh.

Câu 10: (NB) Giới hạn chịu đựng của cơ thể sinh vật đối với một nhân tố sinh thái nhất định được gọi là gì?

A. Giới hạn sinh thái.

B. Tác động sinh thái

C. Khả năng cơ thể.

D. Sức bền của cơ thể.

Đáp án: A

Giải thích:

Giới hạn sinh thái là giới hạn chịu đựng của cơ thể sinh vật đối với một nhân tố sinh thái nhất định. Nằm ngoài giới hạn này sinh vật sẽ yếu dần và chết.

Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Sinh học lớp 9 đầy đủ, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 42: Ảnh hưởng của ánh sáng lên đời sống sinh vật

Lý thuyết Bài 43: Ảnh hưởng của nhiệt độ và độ ẩm lên đời sống sinh vật

Lý thuyết Bài 44: Ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sinh vật

Lý thuyết Bài 45-46: Thực hành: Tìm hiểu môi trường và ảnh hưởng của một số nhân tố sinh thái lên đời sống sinh vật

Lý thuyết Bài 47: Quần thể sinh vật

1 3,857 21/12/2023


Xem thêm các chương trình khác: