Lý thuyết Sinh học 9 Bài 25 (mới 2024 + Bài Tập): Thường biến

Tóm tắt lý thuyết Sinh học 9 Bài 25: Thường biến ngắn gọn, chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm Sinh học 9 Bài 25.

1 2546 lượt xem
Tải về


Lý thuyết Sinh học 9 Bài 25: Thường biến

I. SỰ BIẾN ĐỔI KIỂU HÌNH DO TÁC ĐỘNG CỦA MÔI TRƯỜNG

- Khái niệm: Thường biến là những biến đổi kiểu hình phát sinh trong đời cá thể, dưới ảnh hưởng của điều kiện môi trường (đất, nước, không khí, thức ăn, điều kiện chăm sóc,…).

- Ví dụ: Sự biến đổi màu sắc hoa ở hoa cẩm tú cầu tùy thuộc vào độ pH của đất, sự biến đổi hình dạng lá của cây rau mác tùy thuộc vào mức độ ngập nước, sự biến đổi màu sắc hoa của hoa anh thảo dưới điều kiện nhiệt độ khác nhau,…

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 25: Thường biến (ảnh 1)

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 25: Thường biến (ảnh 1)

- Đặc điểm:

+ Chỉ biến đổi kiểu hình mà không biến đổi kiểu gen nên không di truyền được.

+ Xảy ra đồng loạt theo một hướng xác định tương ứng với điều kiện môi trường.

+ Giúp sinh vật thích nghi thụ động với môi trường sống để duy trì sự tồn tại.

* Phân biệt thường biến và đột biến:

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 25: Thường biến (ảnh 1)

II. MỐI QUAN HỆ GIỮA KIỂU GEN, MÔI TRƯỜNG VÀ KIỂU HÌNH

- Bố mẹ không truyền cho con những tính trạng (kiểu hình) đã được hình thành sẵn mà truyền một kiểu gen quy định cách phản ứng trước môi trường.

- Kiểu hình (tính trạng hoặc tập hợp các tính trạng) là kết quả tương tác giữa kiểu gen và môi trường:

+ Các tính trạng chất lượng phụ thuộc chủ yếu vào kiểu gen, thường ít chịu ảnh hưởng của môi trường. Ví dụ: Tính trạng màu mắt, tính trạng hàm lượng lipit trong sữa bò, tính trạng hình dạng và màu sắc của giống lúa nếp cẩm, tính trạng màu lông của lợn Ỉ Nam Định,…

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 25: Thường biến (ảnh 1)

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 25: Thường biến (ảnh 1)

Một số tính trạng chất lượng

+ Các tính trạng số lượng chịu ảnh hưởng nhiều của môi trường nên biểu hiện kiểu hình rất khác nhau. Ví dụ: Tính trạng số hạt lúa trên một bông của một giống lúa, tính trạng lượng sữa vắt được trong một ngày của một giống bò, tính trạng sản lượng trứng,… → Đối với những tính trạng số lượng, trong sản xuất, cần phải chú ý ảnh hưởng khác nhau của môi trường (điều kiện trồng trọt và chăn nuôi) để thu được năng suất cao.

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 25: Thường biến (ảnh 1)

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 25: Thường biến (ảnh 1)

Một số tính trạng số lượng

III. MỨC PHẢN ỨNG

- Khái niệm: Mức phản ứng là giới hạn thường biến của một kiểu gen (hoặc chỉ một gen hay nhóm gen) trước các môi trường khác nhau.

Lý thuyết Sinh học 9 Bài 25: Thường biến (ảnh 1)

Tập hợp các kiểu màu sắc thân của tắc kè trong các môi trường khác nhau.

- Ví dụ:

+ Tập hợp các màu sắc thân khác nhau chính là mức phản ứng của kiểu gen quy định màu sắc thân ở tắc kè.

+ Giống lúa DR2 có thể đạt năng suất tối đa gần 8 tấn/ha/vụ trong điều kiện gieo trồng tốt nhất, còn trong điều kiện bình thường chỉ đạt năng suất bình quân 4,5 – 5,0 tấn/ha.

- Đặc điểm:

+ Mức phản ứng do kiểu gen quy định nên di truyền được.

+ Mỗi gen có một mức phản ứng riêng.

+ Sinh vật có mức phản ứng càng rộng thì khả năng thích nghi càng cao.

Trắc nghiệm Sinh học 9 Bài 25: Thường biến

Câu 1: (NB) Thường biến là

A. sự biến đổi xảy ra trên NST.

B. sự biến đổi xảy ra trên cấu trúc di truyền.

C. sự biến đổi xảy ra trên gen của ADN.

D. sự biến đổi kiểu hình của cùng một kiểu gen.

Đáp án: D

Giải thích:

Thường biến là những biến đổi ở kiểu hình phát sinh trong đời cá thể dưới ảnh hưởng trực tiếp của môi trường.

Câu 2: (NB) Loại biến dị nào sau đây không di truyền?

A. Đột biến gen.

B. Đột biến NST.

C. Biến dị tổ hợp.

D. Thường biến.

Đáp án: D

Giải thích:

Thường biến là những biến đổi về kiểu hình dưới tác động của môi trường, không liên quan đến kiểu gen. Do đó, thường biến không di truyền được.

Câu 3: (TH) Biểu hiện nào dưới đây là của thường biến?

A. Ung thư máu do mất đoạn trên NST số 21.

B. Bệnh Down do thừa 1 NST số 21 ở người.

C. Ruồi giấm có mắt dẹt do lặp đoạn trên NST giới tính X.

D. Sự biến đổi màu hoa theo pH đất.

Đáp án: D

Giải thích:

- Sự biến đổi màu hoa theo pH đất là thường biến.

- Các biểu hiện còn lại gồm A, B, C là các đột biến NST.

Câu 4: (TH) Các biến dị nào sau đây không là thường biến?

A. Cùng 1 giống nhưng trong điều kiện chăm sóc tốt, lợn tăng trọng nhanh hơn những cá thể ít được chăm sóc.

B. Củ su hào nhỏ do sâu bệnh.

C. Xuất hiện bệnh loạn sắc ở người.

D. Lá rụng vào mùa thu mỗi năm.

Đáp án: C

Giải thích:

Bệnh loạn sắc (mù màu) ở người không phải là thường biến mà là do đột biến gen có liên quan đến cặp nhiễm sắc thể giới tính gây ra.

Câu 5: (NB) Nguyên nhân gây ra thường biến là

A. tác động trực tiếp của môi trường sống.

B. biến đổi đột ngột trên phân tử ADN.

C. rối loạn trong quá trình nhân đôi của NST.

D. thay đổi trật tự các cặp nuclêôtit trên gen.

Đáp án: A

Giải thích:

Thường biến là do ảnh hưởng trực tiếp của môi trường sống, không liên quan đến biến đổi vật chất di truyền.

Câu 6: (NB) Ý nghĩa của thường biến là

A. tạo ra sự đa dạng về kiểu gen của sinh vật.

B. giúp cho cấu trúc NST của cơ thể hoàn thiện hơn.

C. giúp sinh vật biến đổi hình thái để thích nghi với điều kiện sống.

D. giúp sinh vật sinh trưởng và phát triển với tốc độ nhanh hơn.

Đáp án: C

Giải thích:

Thường biến giúp sinh vật biến đổi hình thái để thích nghi với điều kiện sống, đảm bảo sự sống sót của sinh vật.

Câu 7: (TH) Đặc điểm nào có ở thường biến nhưng không có ở đột biến?

A. Xảy ra đồng loạt và xác định.

B. Kiểu hình của cơ thể thay đổi.

C. Biểu hiện trên cơ thể khi phát sinh.

D. Do tác động của môi trường sống.

Đáp án: A

Giải thích:

Thường biến xảy ra đồng loạt và xác định còn đột biến xảy ra ngẫu nhiên, lẻ tẻ và không có hướng.

Câu 8: (NB) Thường biến mang tính chất

A. riêng lẻ, cá thể và không xác định.

B. luôn luôn di truyền cho thế hệ sau.

C. đồng loạt, theo hướng xác định, tương ứng với điều kiện ngoại cảnh.

D. di truyền trong những trường hợp nhất định.

Đáp án: C

Giải thích:

Thường biến biểu hiện đồng loạt theo hướng xác định, tương ứng với điều kiện ngoại cảnh.

Câu 9: (NB) Kiểu hình là kết quả của sự tương tác

A. kiểu gen và môi trường.

B. các kiểu gen với nhau.

C. các môi trường khác nhau.

D. của đột biến.

Đáp án: A

Giải thích:

Kiểu hình là kết quả của sự tương tác giữa kiểu gen và môi trường.

Câu 10: (TH) Nội dung nào sau đây không đúng?

A. Kiểu gen quy định giới hạn của thường biến.

B. Giới hạn của thường biến phụ thuộc vào môi trường.

C. Bố mẹ không di truyền cho con tính trạng hình thành sẵn mà di truyền một kiểu gen.

D. Kiểu hình là kết quả sự tương tác giữa kiểu gen và môi trường.

Đáp án: B

Giải thích:

B sai. Giới hạn của thường biến phụ thuộc vào kiểu gen, do kiểu gen quy định.

Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Sinh học lớp 9 đầy đủ, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 20: Thực hành: quan sát và lắp mô hình ADN

Lý thuyết Bài 21: Đột biến gen

Lý thuyết Bài 22: Đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể

Lý thuyết Bài 23: Đột biến số lượng nhiễm sắc thể

Lý thuyết Bài 24: Đột biến số lượng nhiễm sắc thể (tiếp theo)

1 2546 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: