Lý thuyết Sinh học 9 Bài 59 (mới 2024 + Bài Tập): Khôi phục môi trường và giữ gìn thiên nhiên hoang dã

Tóm tắt lý thuyết Sinh học 9 Bài 59: Khôi phục môi trường và giữ gìn thiên nhiên hoang dã ngắn gọn, chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm Sinh học 9 Bài 59.

1 3,608 21/12/2023


Lý thuyết Sinh học 9 Bài 59: Khôi phục môi trường và giữ gìn thiên nhiên hoang dã

Bài giảng Sinh học 9 Bài 59: Khôi phục môi trường và giữ gìn thiên nhiên hoang dã

I. Ý NGHĨA CỦA VIỆC KHÔI PHỤC MÔI TRƯỜNG VÀ GÌN GIỮ THIÊN NHIÊN HOANG DÃ

- Môi trường trên Trái Đất đang ngày càng suy thoái, rất cần có các biện pháp để khôi phục và giữ gìn.

- Giữ gìn thiên nhiên hoang dã là bảo vệ các loài sinh vật và môi trường sống của chúng → Đây là cơ sở để duy trì cân bằng sinh thái, tránh ô nhiễm và cạn kiệt nguồn tài nguyên đồng thời cũng là biện pháp để mỗi quốc gia phát triển bền vững.

II. CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ THIÊN NHIÊN

1. Bảo vệ tài nguyên sinh vật

Các biện pháp chủ yếu bảo vệ tài nguyên sinh vật:

- Bảo vệ các khu rừng già, rừng đầu nguồn,…

- Xây dựng các khu bảo tồn, các vườn quốc gia để bảo vệ các sinh vật hoang dã.

- Trồng cây, gây rừng tạo môi trường sống cho nhiều loài sinh vật.

- Không săn bắn động vật hoang dã và khai thác quá mức các loài sinh vật.

- Ứng dụng công nghệ sinh học để bảo tồn nguồn gen quý hiếm.

2. Cải tạo các hệ sinh thái bị thoái hóa

Các biện pháp

Hiệu quả

- Đối với những vùng đất trống, đồi núi trọc thì việc trồng cây gây rừng là biện pháp chủ yếu và cần thiết nhất.

- Điều hòa khí hậu: hạn chế xói mòn đất, hạn hán, lũ lụt.

- Tạo môi trường sống cho nhiều loài sinh vật → Tăng độ đa dạng sinh học.

- Tăng cường công tác làm thủy lợi và tưới tiêu hợp lí.

- Góp phần điều hòa lượng nước, hạn chế lũ lụt, hạn hán, mở rộng diện tích trồng trọt, tăng năng suất cây trồng.

- Bón phân hợp lí và hợp vệ sinh.

- Tăng độ màu mỡ cho đất, tạo điều kiện phủ xanh đất trống bỏ hoang hóa. Đồng thời, không gây ô nhiễm môi trường.

- Thay đổi các loại cây trồng hợp lí.

- Làm cho đất không bị cạn kiệt dinh dưỡng. Đồng thời, tận dụng được hiệu suất sử dụng đất và tăng hiệu suất cây trồng.

- Chọn giống vật nuôi và cây trồng thích hợp và có năng suất cao.

- Đem lại lợi ích kinh tế.

III. VAI TRÒ CỦA HỌC SINH TRONG VIỆC BẢO VỆ THIÊN NHIÊN HOANG DÃ

- Mỗi chúng ta đều có trách nhiệm trong việc giữ gìn và cải tạo thiên nhiên hoang dã.

- Một số hành động thiết thực của học sinh trong việc bảo vệ thiên nhiên hoang dã:

+ Tích cực tuyên truyền cho mọi người cùng tham gia bảo vệ thiên nhiên.

+ Tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên hoang dã: các phong trào vệ sinh công viên, bãi biển, trường học; trồng cây bảo vệ môi trường;…

+ Không tham gia và có ý thức tố giác các hành vi phá hoại thiên nhiên hoang dã: săn bắt trái phép các động vật hoang dã, chặt phá rừng bữa bãi,…

Trắc nghiệm Sinh học 9 Bài 59: Khôi phục môi trường và gìn giữ thiên nhiên hoang dã

CÂU 1: (TH) Giữ gìn thiên nhiên hoang dã là

A. bảo vệ các loại động vật hoang dã.

B. bảo vệ môi trường sống của sinh vật.

C. bảo vệ tài nguyên thực vật rừng.

D. bảo vệ các loài sinh vật và môi trường sống của chúng, là cơ sở để duy trì cân bằng sinh thái.

Đáp án: D

Giải thích: Giữ gìn thiên nhiên hoang dã là bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ được các loài sinh vật hoang dã và môi trường sống của chúng, là cơ sở để duy trì cân bằng sinh thái.

CÂU 2: (TH) Để bảo vệ thiên nhiên hoang dã, cần ngăn chặn hoạt động nào dưới đây?

A. Trồng cây, gây rừng để tạo môi trường sống cho động vật hoang dã.

B. Săn bắt thú hoang dã, quý hiếm.

C. Xây dựng các khu bảo tồn, rừng đầu nguồn.

D. Bảo vệ rừng già, rừng đầu nguồn.

Đáp án: B

Giải thích: Để bảo vệ thiên nhiên hoang dã, cần ngăn chặn săn bắt thú hoang dã, quý hiếm.

CÂU 3: (TH) Biện pháp nào dưới đây góp phần vào việc bảo vệ nguồn tài nguyên hoang dã?

A. Không cày xới đất để làm ruộng nương trên sườn đồi dốc để tránh sạt lở, xói mòn.

B. Đẩy mạnh việc thuần hoá động, thực vật, lai tạo các dạng động, thực vật mới có chất lượng và chống chịu tốt.

C. Xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên.

D. Các biện pháp trên đều đúng.

Đáp án: D

Giải thích: Các biện pháp A, B, C đều góp phần vào việc bảo vệ nguồn tài nguyên hoang dã.

CÂU 4: (TH) Công nghệ sinh học đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc bảo vệ tài nguyên sinh vật?

A. Bảo tồn nguồn gen quý hiếm.

B. Tạo ra nhiều giống mới.

C. Lưu giữ và nhân nhanh nhiều giống quý hiếm.

D. Đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của con người.

Đáp án: C

Giải thích: Trong bảo vệ tài nguyên sinh vật, công nghệ sinh học giúp lưu giữ và nhân nhanh nhiều giống quý hiếm.

CÂU 5: (TH) Các loài rùa biển đang bị săn lùng lấy mai làm đồ mĩ nghệ, số lượng rùa còn lại rất ít, chúng ta cần bảo vệ loài rùa biển như thế nào?

A. Bảo vệ các bãi cát là bãi đẻ của rùa biển và vận động người dân không đánh bắt rùa biển.

B. Tổ chức cho nhân dân nuôi rùa.

C. Không lấy trứng rùa.

D. Chỉ khai thác rùa ngoài thời gian sinh sản.

Đáp án: A

Giải thích: Để bảo vệ các loài rùa biển chúng ta cần bảo vệ các bãi cát là bãi đẻ của rùa biển và vận động người dân không đánh bắt rùa biển → tạo điều kiện để các loài rùa phục hồi số lượng.

CÂU 6: (VD) Đối với những vùng đất trồng, đồi núi trọc thì biện pháp chủ yếu và cần thiết nhất là

A. trồng cây, gây rừng.

B. tiến hành chăn thả gia súc.

C. cày xới để làm nương, rẫy sản xuất cây lương thực.

D. làm nhà ở.

Đáp án: A

Giải thích: Đối với đất trống, đồi núi trọc thì việc trồng cây gây rừng là biện pháp chủ yếu và cần thiết nhất. Biện pháp này giúp tạo độ che phủ cho đất; tránh tình trạng suy thoái, sạt lở đất.

CÂU 7: (NB) Vai trò chủ yếu của việc trồng cây gây rừng trên vùng đồi trọc, đất trống là

A. hạn chế xói mòn, lũ lụt, cải tạo khí hậu.

B. cho ta nhiều gỗ.

C. phủ xanh vùng đất trống.

D. bảo vệ các loài động vật.

Đáp án: A

Giải thích: Trồng cây gây rừng trên vùng đồi trọc, đất trống giúp hạn chế xói mòn, lũ lụt, cải tạo khí hậu.

CÂU 8: (TH) Để bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp chúng ta cần làm gì?

A. Không lạm dụng thuốc trừ sâu trên đồng ruộng.

B. Tăng cường bón thật nhiều phân bón hoá học cho cây trồng.

C. Dùng thuốc diệt cỏ để phòng trừ cỏ dại.

D. Cả 3 biện pháp nêu trên.

Đáp án: A

Giải thích: Để bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp không lạm dụng thuốc trừ sâu trên đồng ruộng.

CÂU 9: (TH) Chọn câu sai trong các câu sau đây.

A. Việc bảo vệ rừng và cây xanh có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đất, nước và các tài nguyên sinh vật khác.

B. Thảm thực vật có tác dụng chống xói mòn đất, giữ ẩm cho đất. Thực vật còn là thức ăn và nơi ở cho nhiều loài sinh vật khác nhau.

C. Mọi người và mọi quốc gia đều có trách nhiệm trong việc giữ gìn và cải tạo thiên nhiên.

D. Giữ gìn và cải tạo thiên nhiên chỉ là trách nhiệm của chính phủ các nước.

Đáp án: D

Giải thích: D sai, mọi người và mọi quốc gia đều có trách nhiệm trong việc giữ gìn và cải tạo thiên nhiên.

Câu 10: (TH) Cho các hành động dưới đây:

1. Trồng cây xanh.

2. Trồng rừng, bảo vệ rừng.

3. Xử phạt các hành vi khai thác bừa bãi tài nguyên khoáng sản, chặt phá rừng.

4. Có ý thức tiết kiệm điện nước khi sử dụng.

5. Tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ và trồng rừng.

Nhiệm vụ của người học sinh đối với việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên là

A. 1, 2, 4, 5.

B. 1, 3, 4, 5.

C. 3, 4, 5.

D. 1, 2, 3, 4, 5.

Đáp án: A

Giải thích:

- Nhiệm vụ của người học sinh đối với việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên là:

1. Trồng cây xanh.

2. Trồng rừng, bảo vệ rừng.

4. Có ý thức tiết kiệm điện nước khi sử dụng.

5. Tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ và trồng rừng.

- Xử phạt các hành vi khai thác bừa bãi tài nguyên khoáng sản, chặt phá rừng là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng.

Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Sinh học lớp 9 đầy đủ, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 58: Sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên

Lý thuyết Bài 60: Bảo vệ đa dạng các hệ sinh thái

Lý thuyết Bài 61: Luật bảo vệ môi trường

Lý thuyết Bài 62: Thực hành: Vận dụng luật bảo vệ môi trường vào việc bảo vệ môi trường ở địa phương

Lý thuyết Bài 63: Ôn tập phần sinh vật và môi trường

1 3,608 21/12/2023


Xem thêm các chương trình khác: